115 – Quá Động Đình hồ hữu cảm

Nguyên tác chữ Nho (*)

Phiên âm

Phụng bích thâu thành tự hải tưu,

Bố phàm phong tống quá Ba Châu.

Giang sơn thượng ký Tương quân mộ, (1)

Nham hác nan tàng Phạm Lãi chu.

Văn thụ điểu quy Vân Mộng trạch,

Dạ triều ngư hám Nhạc Dương lầu.

Ung hòa liễu nhiễu Hàm Trì (2) nhạc,

Dư vận thời văn tế Sở Khâu.

Dịch nghĩa: Qua hồ Động Đình có cảm

Mang ngọc bích lòng thành đến từ góc biển,

Buồm vải gió đưa tới Ba Châu.

Giang sơn còn gửi ở mộ Tương quân,

Núi khe khó giấu thuyền Phạm Lãi.

Cây buổi tối chim về đầm Vân Mộng,

Triều đêm cá nhìn lầu Nhạc Dương.

Vấn vít tiếng nhạc ở Hàm Trì hài hòa,

Dư âm còn vọng tới Sở Khâu.

Chú thích

(1): Chú thích của tác giả Trịnh Hoài Đức: Mười hai ngọn Quân sơn ở trong hồ, trên núi có mộ Tương quân.

(2): Hàm Trì là tên khúc nhạc do vua Hoàng Đế làm ra, vua Nghiêu thêm, sửa để dùng.

Hoài Anh dịch thơ

Sứ từ góc biển dong thuyền,

Gió đưa buồm vải đến miền Ba Châu.

Mộ Tương quân núi sông lưu,

Con thuyền Phạm Lãi biết đâu mà tìm.

Đầm Vân Mộng ghé cánh chim,

Lầu Nhạc đương lúc triều đêm cá nhìn.

Nhạc Hàm Trì tiếng diệu huyền,

Dư âm còn vẳng tới triền Sở Khâu.


(*): Tôi chưa tìm được bản gốc chữ Nho, sẽ bổ sung sau.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!