Nguyên tác chữ Nho (*)
Phiên âm
I.
Tam tải thân khinh bách chiến trung,
Thành cô lương tuyệt khốn anh hùng.
Đội vi bất nhẫn nhân vi tịch,
Báo quốc duy tri ngã phỉ cung.
Bát giác hỏa đồng tâm cộng xích,
Thiên thu danh dữ nhật tranh hồng.
Tha niên nghĩ phỏng Vân đài (2) họa,
Tướng tướng ưng suy đệ nhất công.
II.
Bình sinh sở học dĩ thu công,
Bôi tửu thung dung tiết khái hùng.
Nhất tử Quy Nhơn thù đế quyển,
Thiên thu Nam Việt chấn văn phong.
Yêu phân tích dịch hàn Tây tặn, (3)
Nghĩa khí chiêu hồi tịnh Võ công.
Tùng thử tri khanh da hữu hậu,
Miên miên tế tự quốc gia đồng. (4)
Dịch nghĩa: Không đề
I.
Ba năm thân coi nhẹ trong trăm trận đánh,
Thành cô, lương hết, anh hùng gặp nguy khốn.
Phá vòng vây chẳng nỡ đem người ra thí mạng,
Báo ơn nước chỉ biết riêng ta dốc lòng.
Lầu Bát giác, lửa và tâm cùng đỏ,
Nghìn thu danh tranh sáng với vầng nhật.
Năm khác nghĩ đến chuyện vẽ tranh treo ở Vân đài,
Trong hàng tướng văn tướng võ nên suy tôn ông là công bậc nhất.
II.
Những điều từng học lúc bình sinh, đã thu được công,
Chén rượu thung dung, tiết tháo hùng.
Một chết ở Quy Nhơn, đền ơn vua.
Chấn hưng văn phong nghìn thu nước Nam Việt.
Khí yêu tà phá tan, làm giặc Tây sợ hãi,
Gọi nghĩa khí trở về, sánh ngang với Võ Công (Võ Tánh).
Từ đây biết ông còn có hậu,
Mãi mãi được nhà nước thờ tự.
Chú thích
(1): Bài thơ không đặt tựa đề nhưng có một đoạn lời dẫn như sau:
“Tháng tư năm Kỷ Mùi (1799), quân vua chiêu hàng thành Quy Nhơn, sai Chưởng hậu quân Bình Tây Tham Tướng quân Quận công Võ Tánh, Lễ bộ Chu Chánh hầu Ngô Tùng Chu cầm quân trấn giữ. Tháng chạp, ngụy tướng Nguyễn Diệu đem đại binh vây hãm.
Tháng tư năm Canh Thân quân vua cứu viện, chưa giải vây được.
Mùa hạ năm Tân Dậu, ngự giá thừa hư tiến chiếm Phú Xuân, lại ra lệnh Khâm sai Chưởng Tả quân Bình Tây Tướng quân Duyệt quận công Lê Văn Duyệt tiến đóng Quảng Nghĩa đánh sau lưng giặc. Tôi vâng lệnh theo quân cấp phát lương hướng.
Bấy giờ thành Quy Nhơn bị vây lâu, trong ngoài cách trở. Hai ông Võ và Ngô không nỡ phá vòng vây thoát thân, sợ tướng sĩ chết nhiều, mà tướng sĩ trước đây đầu hàng cũng lắm phen mưu đồ kia khác, nhiều người ban đêm dòng dây xuống dưới thành để trốn, lại thêm trong thành lương hết.
Ngày hai mươi bảy tháng tám, ông Võ lên lầu Bát giác tự thiêu trước, ông Ngô uống thuốc độc tử tiết, để lệnh cấm hủy quân dụng, toàn thành hàng Ngụy, để cầu mạng sống cho ba quân.
Tin buồn đến Quảng Nghĩa, mọi người đều thương xót. Tôi nhân khóc hai công, làm thơ ghi tiết lớn của bậc danh thần mà thôi, không phải dùng thơ để kêu.”
(2): Vân đài: Đài Mây, theo cách nói xưa ý chỉ nơi treo tranh các bậc công thần.
(3): Tây tặc: chỉ Tây Sơn.
(4): Nguyên chú của tác giả: ông Ngô không có con nối dõi. Khi dẹp yên giặc, triều đình bàn gia tăng ông Võ làm Trung Hưng Đệ nhất Công thần Thái úy Quốc công. Ông Ngô làm Thái tử Thái sư Quận cộng. Hai ông được tế vào mùa xuân và mùa thu, mỗi ông lại được ban tự điền, dân phu coi mộ theo đẳng cấp khác nhau, ân trạch rất nhiều.
Hoài Anh dịch thơ: Khóc Võ Tánh và Ngô Tùng Chu
I.
Ba năm trăm trận giữa vòng,
Thành cô, lương hết, anh hùng bó tay.
Thí người, chẳng nỡ phá vây,
Báo ơn nước, một thân này đảm đang.
Lửa cùng tâm đỏ sáng choang,
Nghìn thu danh rạng sánh ngang vầng hồng.
Đài Mây treo bức chân dung,
Đệ nhất công đáng tôn ông hàng đầu.
II.
Bình sinh sở học, nên công,
Thung dung chén rượu, tiết hùng tráng thay!
Một chết đền nghĩa ân dày,
Chấn văn phong đất nước này nghìn thu.
Tan hơi tà, giặc lo âu,
Gọi về nghĩa khí, bền lâu cơ đồ.
Biết ông có hậu từ giờ,
Đời đời nhà nước phụng thờ khói hương.
(*): Tôi chưa tìm được bản gốc chữ Nho, sẽ bổ sung sau.