064 – Tân Kinh thần mục (1)

Nguyên tác chữ Nho (*)

Phiên âm

Lạc nguyệt đề ô náo cửu cai,

Tân Kinh mục tử trục tương lai.

Địch xuy lô quản xâm yên tố,

Ngưu đạp vân căn (2) nhập thủy ôi.

Thảo dụ bình điền hồ khả lạp,

Tang âm lục dã lộ kham môi.

Phong niên tiếu ngạo Hy Hoàng (3) thế,

Túy ngọa hoa tùng bất thoát soa.

Dịch nghĩa: Sớm chăn trâu ở Tân Kinh

Trăng lặn quạ kêu náo động khắp cõi đất,

Tân Kinh trẻ chăn trâu đuổi tới.

Sáo bằng ống sậy thổi tiếng vút lên mây,

Trâu dẫm lên đá tới khuỷu sông.

Cỏ tốt, ruộng bằng phẳng, có thể săn cáo,

Bóng cây dâu, đồng biếc, cò có thể đậu.

Năm được mùa cười ngạo đời Hy Hoàng,

Không cởi áo tơi say nằm bên bụi hoa.

Chú thích

(1): Tân Kinh: kênh mới đào.

Năm 1819, theo lệnh vua Gia Long, Trịnh Hoài Đức chỉ huy dân quân Mỹ Tho đào sâu và mở rộng con kênh cũ (còn có tên Tranh Giang) nối liền rạch Vũng Gù thông với Mỹ Tho tiểu giang. Khúc kênh mới đào này tạm có tên là “Tranh Giang Tân Kinh”.

Năm 1820 vua Gia Long đặt tên là Bảo Định Hà (bao gồm Mỹ Tho tiểu giang – Tranh Giang tân kinh – rạch Vũng Gù). Sông Bảo Định rất quan trọng về kinh tế, quân sự, … Đây là con đường huyết mạch nối liền miền Đông, Sài Gòn – Chợ Lớn với Mỹ Tho và cả miền Tây Nam Bộ.

Trịnh Hoài Đức kêu gọi lưu dân, quy tụ về hai bên bờ Tân Kinh để lập làng mới, ông hy vọng làng mới này trong tương lai sẽ mãi mãi giàu có, làng có tên là Phú Cát (nay đọc trại là Phú Kiết).

Ở chợ Phú Kiết (nay thuộc huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) còn có tấm bia Phụng khai Tân Kinh (Vâng mệnh mở kinh mới).

(2): Vân căn: gốc rễ của mây, tức là đá.

(3): Hy Hoàng: vua thời Phục Hy của Trung Quốc, ý chỉ thời đại thái bình.

Hoài Anh dịch thơ: 

Trăng lặn quạ kêu rộn khoảng không,

Tân Kinh mục tử ruổi trên đồng.

Sáo bằng ống sậy vút trời thẳm,

Trâu dẫm đá chìm tới khuỷu sông.

Cỏ tốt bãi bằng, săn cáo tiện,

Dâu xanh bóng mát họp cò đông.

Được mua ngạo thuở Hy Hoàng nhé,

Để áo, nằm say cạnh khóm hồng.


(*): Tôi chưa tìm được bản gốc chữ Nho, sẽ bổ sung sau.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!