052 – Mai khâu túc hạc (1)

Nguyên tác chữ Nho (*)

Phiên âm

Cửu cao thanh sạ bá vu thiên (2),

Chuyển hướng Mai khâu hảo khế miên.

Tuyết cách bất lao hành tị dặc,

Sương linh mạn liễm học tham thiền.

Tự khoa nhã tháo đồng thanh bạch,

Thả hứa phương danh cộng bảo tuyền (toàn).

Mộng lý ký bằng Lâm xử sĩ (3),

Mạc lai u hác nhiễu khiên triền.

Dịch nghĩa: Hạc ngủ đêm ở gò Cây Mai

Tiếng hạc kêu ở chín đầm bỗng nghe vẳng trên trời cao,

Hạc đổi hướng bay đến gò Cây Mai là nơi đậu ngủ tốt.

Lông tuyết chẳng phải nhọc nhắn đi tránh tên đạn,

Cánh sương tùy ý xếp lại để học tham thiền.

Tự khoe tiết tháo cao nhã, đồng trong trắng,

Lại hẹn danh thơm cùng giữ vẹn toàn.

Trong mộng gửi nương xử sĩ họ Lâm,

Đừng đến chốn thanh u mà quấy nhiễu mãi.

Chú thích

(1): Mai khâu là gò Cây Mai.

(2): Câu này mượn ý bài Hạc Minh (Tiểu Nhã) trong Kinh Thi.

(3): Lâm xử sĩ là Lâm Bô, một ẩn sĩ đời Tống, không cầu danh lợi.

Hoài Anh dịch thơ

Chín đầm tiếng hạc vút từng trên,

Chuyển hướng gò Mai đậu ngủ yên.

Lông tuyết chẳng cần lo tránh ná,

Cánh sương xếp lại học tham thiền,

Tự khoe tiết nhã cùng trong sạch,

Còn hẹn danh thơm giữ vẹn tuyền.

Trong mộng gửi nương Lâm xử sĩ,

Chốn thanh đừng đến quấy thêm phiền.

Nguyễn Khuê dịch thơ

Chín đầm tiếng hạc vẳng lưng trời,

Đổi hướng Gò Mai đến nghỉ ngơi.

Tránh đạn nhọc gì lông tuyết sẵn,

Tham thiền xếp lại cánh sương thôi.

Tự khoe tiết sạch cùng trong trắng,

Lại hẹn danh thơm chẳng biến dời.

Hồn mộng gửi nương Lâm xử sĩ,

Chốn này u nhã chớ đùa chơi.


(*): Tôi chưa tìm được bản gốc chữ Nho, sẽ bổ sung sau.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!