Bản gốc chữ nho (*)
Phiên âm
I.
Nguyệt dữ giang tâm bạch,
Bình phân nhất sắc thu.
Thiệp hà nhu Phó (2) thố,
Phục ngạn xuyễn Ngô ngưu (3).
Đại địa quần sơn đảo,
Thao thiên chúng thủy lưu.
Sắc không như thị tưởng (4),
Để ý nhữ tri bất (phầu).
II.
Phong lạc tiên giang lãnh, (5)
Hoàn doanh hậu chuyển thu.
Thiềm cung (6) ngân tỉnh lộc,
Giao thất (7) ngọc liêm câu.
Hồ hải tam sinh (8) khách,
Càn khôn nhất diệp chu.
Mỹ nhân hoài vọng tế,
Dao tại duật sơn đầu.
Dịch nghĩa: Trăng sông cùng Ngô Nhữ Sơn viết tả nỗi lòng
I.
Trăng với lòng sông cùng trắng,
Chia đều một sắc thu.
Lội sông, thỏ của họ Phó ướt,
Nằm phục ở bờ, trâu Ngô thở hổn hển.
Các núi trên mặt đất đổ,
Các dòng nước chảy ngập trời.
Nghĩ về lẽ sắc không như thị,
Ý sâu trong đó anh có biết không?
II.
Lá phong rụng sông Tiên lạnh,
Cõi đất khí hậu chuyển sang thu.
Cung Thiềm giếng bạc thấm xuống,
Cung Giao câu liêm bằng ngọc.
Hồ hải khách ba sinh,
Trời đất một lá thuyền.
Nơi hoài vọng mỹ nhân,
Xa xôi ở đầu núi đẹp.
Chú thích
(1): Ngô Nhữ Sơn tức Ngô Nhơn Tĩnh, có người đọc là Ngô Nhơn Tịnh.
(2): Phó tức Phó Duyệt. Theo truyền thuyết, vua Cao Tông nhà Thương nằm mộng thấy Thượng đế cho một người phụ tá giỏi, bèn theo hình người trong mộng họa một bức tranh, cho người mang tranh đi tìm người nào giống như hình vẽ trong đó. Sau tìm được Phó Duyệt đang gánh đất đắp đường ở Phó Nham, đón về làm tướng. Khi ấy Cao Tông có bảo ông: Nhược tế cự xuyên dụng nhỉ tác chu tiếp (nếu vượt sông lớn, dùng nhà ngươi làm thuyền và mái chèo).
(3): Theo Thế thuyết tân ngữ – Ngôn ngữ của Lưu Nghĩa Khánh, đời Tống, Nam triều: Tương truyền trâu xứ Ngô sợ nóng, thấy trăng tưởng là mặt trời nên thở hổn hển. Sau nhân đấy xuyễn nguyệt Ngô ngưu (trâu Ngô thấy trăng thở hổn hển) trở thành điển cố trong văn học.
Thơ Ký Vương thị ngự của Đàm Dụng Chi đời Đường có câu: Xuyễn nguyệt Ngô ngưu tri dạ chi, Tê phong Hồ mã thức thu lai (Trâu Ngô thấy trăng thở hổn hển biết là đêm tới, Ngựa hồ hí gió biết là thu sang).
(4): Do câu Sắc tức thị không, không tức thị sắc đó là như thị quan của Phật học. Theo quan niệm này, sắc tức là tấc cả những gì thấy được bằng giác quan, nhưng nó nằm trong khoảng rỗng không mà giác gian không nhận biết được. Khi tất cả được nhìn coi như một ảo tưởng, một cái không có thật, thì bản thân ý niệm trừu tượng về cái không có thật cần phải được trừ bỏ.
(5): Câu thơ này tác giả mượn tứ câu thơ Phong lạc Ngô giang lãnh của Thôi Tín Minh, nhà thơ đầu đời Đường.
(6): Thiềm Cung: Sách Ấu học tầm nguyên nói: trong mặt trăng có con thiềm thừ (như con cóc) tám ngàn tuổi, ở dưới họng lại có chữ son.
(7): Giao thất: cũng gọi là Giao cung (cung của Giao long, tức Thủy phủ).
(8): Tam sinh: ba kiếp sống liên tiếp nhau: kiếp trước, kiếp này và kiếp sau.
Hoài Anh dịch thơ
I.
Trăng cùng sông trắng một màu,
Nước trời chung một sắc thu êm đềm.
Lội sông thỏ Phó ướt mèm,
Nằm bờ hổn hển thở rền trâu Ngô.
Các núi trên đất nghiêng xô,
Các sông cuộn són nhấp nhô ngập trời.
Sắc không như thị nghĩ hoài,
Ý sâu trong đó ai người hiểu thông.
II.
Lá phong rơi lạnh sông Tiên,
Đất trời khí hậu chuyển liền sang thu.
Cung Thiềm giếng bạc thấm rò,
Điện Giao cán ngọc thập thò câu liêm.
Hải hồ khách lắm nợ duyên,
Giữa càn khôn một lá thuyền phân vân.
Nơi nào hoài vọng mỹ nhân,
Xa xôi đầu ngọn núi thần đẹp xinh.
(*): Tôi chưa tìm được bản gốc chữ Nho, sẽ bổ sung sau.