Bố già – Chương 11

Ngồi ngay buya-rô trong bót, Đại Uý Cảnh sát Mark Mc Closkey mân mê ba chiếc phong bì dầy cộm, bên trong toàn cuống giấy biên đề. Lão nhăn nhó, phải chi biết được ám hiệu của mấy thằng bao đề này thì đỡ khổ biết mấy! Hồi hôm đi hành quân tảo thanh, lão đã ghé ngang một ổ chơi đề của cánh Corleone và chớp được bao nhiêu cuống “tang vật” là nhét hết cả vô đây.

Thằng chủ đề chắc chắn sẽ phải lạy để chuộc bằng được ba cái phong bì quý giá này. Không có cuống để so… thằng nào cũng chìa giấy biên ẩu ra đòi chung thì tiền đâu ra mà chung cho đủ? Vậy là toàn quyền ra giá… nhưng nó ghi lằng nhằng điệu này thì biết tổng số tiền có biên cỡ bao nhiêu mà đòi? Nếu tiền quyện năm chục ngàn đô-la thì cho chuộc năm ngàn là điệu rồi. Nhưng biết đâu ngần này cuống dám một trăm ngàn… vài trăm ngàn? Đòi năm giấy lớn để mà “hố” với nó sao?

Mc Closkey nắn nắn mớ giấy bên trong. Tốt hơn là cứ để cho nó rét, nó chạy tới năn nỉ lạy van xin chuộc thì có quyền bắt thóp, đớp của nó một cú cho ra gì chớ? Cứ để nó bấn lên xin nạp!

Lão nhìn đồng hồ trên vách. Sắp tới giờ hẹn đưa thằng Đường Thổ đi gặp đại diện cánh Corleone rồi! Muốn đi đâu thì đi, lo cởi bộ đồ lính để mặc thường phục cái đã. Xong ngay. Lão nhấc phôn gọi về nhà tối nay đi công tác, đừng chờ cơm. Mụ vợ đâu biết công tác gì, ngay tiền lão đưa về chi tiêu cũng tưởng lương lính kia mà? Mc Closkey mỉm cười thú vị. Bà mẹ lão ngày xưa cũng in hệt! Lão được ông bố đích thân “truyền nghề” từ hồi còn bé tí, nghề lính là cha truyền con nối mà!

Hồi đó ông bố đội Cảnh sát có lệ mỗi tuần dẫn thằng con lên sáu đi một tua, hết buya-rô trong sở đến tất cả mọi cửa hàng trong vùng trách nhiệm. Hai bố con “đi tuần” đến tiệm nào chủ tiệm chẳng xoa đầu chú nhỏ khen ngoan rồi mở két lấy tiền lẻ biếu chú 5 đô, 10 đô tiền mới? Chú nhỏ mỗi lần được cha cho đi tuần như vậy là đầy túi tiền mới nên càng yêu nghề lính, mai sau “nhất định làm lính giống bố” nên các chú, các bác trong bót lấy làm khoái chí, chầu lương nào chẳng lì xì cho cháu tí tiền lẻ xài chơi! Có điều tối đa chú Mc Closkey cũng chỉ được bố phát cho 5 cắc, còn bao nhiêu phải gởi vô băng hết để sau này lấy tiền ăn học lên Đại học.

Ông bố tính xa như vậy nhưng cậu con ham làm lính hơn theo Đại học nhiều! Hết Trung học, đủ tuổi là hăm hở nhảy vào ngành Cảnh sát tức thì. Làm lính mà bắt bạc ngon lành thì cần quái gì mấy cái bằng Đại học?

Cậu Mc Closkey ham vô nghề lắm nên được mặc bộ sắc phục vô là phải biết! Phục vụ gương mẫu, nghề nghiệp trên hết. Mấy thằng ma cà bông đứng đường thấy bóng cậu cớm trẻ là lặn gấp và hết giờ cậu đi tuần mới dám thò mặt ra. Cậu có ông bố để noi gương “phục vụ và bắt bạc”!

Khỏi cần phạt vạ đổ rác bậy, đậu xe láo. Tiền phạt cứ đưa đây, cho vào túi. Đâu thèm nhào vô rạp hát bóng coi cọp hay vô nhà hàng ăn đớp miễn phí? Tiền mặt mới quý, nhưng lo phục vụ đúng mức quý vị chủ tiệm trước. Thằng nào ăn quịt, phá phách thì chỉ cần cấp báo: cậu Mc Closkey sẽ có mặt để nhân danh pháp luật và trật tự công cộng, đập cho một trận thừa sống thiếu chết. Bị trừng trị một lần thì cạch luôn, hết dám lai vãng: vậy là tháng tháng cậu cớm có quyền tới quý vị chủ tiệm bắt tí tiền “bảo vệ” thật chính đáng.

Với giới giang hồ, nghĩa là dân làm ăn không hợp pháp lắm trong vùng trách nhiệm thì cậu Mc Closkey vô cùng điệu nghệ ở chỗ đi đúng sách “ai sao ta vậy”. Cứ anh em trong “lít” chi bao nhiêu thì cậu cũng cứ bằng đó mà đưa. Con số đã có sẵn, khỏi thèm đòi hỏi chấm mút thêm mà đại kỵ vụ kiếm chuyện đòi “ăn bẩn”. Do đó công vụ chạy vo vo, chẳng ai phiền trách thưa kiện nên làm gì không lên lon mau?

Thời gian qua… Cậu Mc Closkey lập gia đình rồi lần lượt có 4 mặt con. Từ trung sĩ nhảy lên trung úy, đại úy… Nghề nghiệp thăng tiến rõ, nhưng cả 4 đứa con đều phải lên Đại học, không được nhảy vô lính. Có tốn kém thật nhưng lương nhà nước không đủ thì ông bố Đại úy đã có cách cho con cái khỏi thiếu một thứ gì. Giới giang hồ trong quận của Đại úy Mc Closkey chỉ phải “chi nặng” thêm chút đỉnh, nặng hơn bất cứ một quận nào khác vì cái phí khoản Đại học đặc biệt này.

Số tiền “ngoại tài” hàng tháng được Đại úy Mc Closkey kể như một thứ phụ cấp, chẳng kể bẩn sạch. Coi, nếu không thì lấy đâu cho đủ để nuôi 4 thằng con leo lên Đại học? Lương lính ít, phụ cấp gia đình nghèo nàn thì bắt vợ nhịn, con thất học hay sao đây?

Đâu phải tự nhiên mà có “ngoại tài”? Muốn được ăn no đủ thì ngoài bộ áo lính cũng phải mang thân ra phục vụ, phải đánh đấm và lâu lâu cũng phải nổ để lãnh tiền của các “thân chủ” cho đáng chớ? Trong đời lính của Mc Closkey hồ sơ ghi thiếu gì những vụ đụng độ nặng với du đãng “bắt địa”, anh chị đứng bến và ma cô nuôi điếm? Phải nhìn nhận là những vụ “mất trật tự” này lão dẹp mau lắm. Không lẽ phục vụ hết mình, bảo đảm trật tự cho cả một khu vực xã hội đắc lực như vậy mà chỉ có quyền trông cậy ở đồng lương chết đói của nhà nước?

Trong gia đình Tattaglia thì Đại úy Mc Closkey quen với Bruno, bạn học của một thằng con lão ở Fordham. Gia đình Mc Closkey lâu lâu có quyền tới hộp đêm du hí miễn phí một chầu. Đầu năm dương lịch hay có dịp mời mọc thế nào chủ quán Bruno cũng nhớ đến gia đình ông Đại úy bồ bịch. Có thiệp mời, ngồi bàn danh dự, lại còn được giới thiệu trang trọng với quan khách và đám nghệ sĩ nổi tiếng tới giúp vui. Đổi lại lâu lâu có chuyện nhờ vả, chẳng hạn giấy phép hành nghề cho các em chiêu đãi, nhất là các em có “phích” chơi bời ở se-vít kiểm lục.

Nguyên tắc làm ăn của Mc Closkey là không bao giờ thắc mắc đến công việc của “thân chủ”. Không hỏi tại sao, để làm gì … Khi Sollozzo đến nhờ lão vô hiệu hoá hàng rào an ninh của một lão già tên Corleone hiện đang nằm trên giường bệnh thì Đại úy Mc Closkey gật đầu liền và hỏi “Bao nhiêu?” Nó nói mười ngàn đô la là ô-kê ngay, khỏi nghĩ ngợi. Phải vậy mới xứng với sinh mạng triệt một tay Mafia gộc, thế lực qua mặt Al Capone ngày nào! Mà triệt được còn đỡ cho xã hội Mỹ nhiều lắm.

Do đó Mc Closkey làm liền, làm thật chu đáo. Lãnh tiền trước mà? Chừng thằng Sollozzo gọi lại trách “làm ăn thế nào mà ngay trước cửa còn 2 đứa đứng khơi khơi” thì ông Đại úy nổi giận. Đã đích thân đi xúc từng thằng cô hồn về bót lại rút cả ê-kíp gác rõ ràng mà bây giờ phải trả lại tiền thì còn cái đau nào hơn? Nỗi đau mang 10 ngàn bỏ băng rồi mà lại phải rút ra trả bèn trút hết vào cú đấm bể mặt thằng Michael.

Nào ngờ đã không phải trả lại tiền mà Sollozzo còn đề nghị làm ăn lớn làm Mc Closkey hứng chí. Làm gì cũng được huống hồ làm gạc-đờ-co! Miễn có tiền, còn nguy hiểm thì khỏi lo. Bố bảo một dân chơi cũng chẳng dám rớ tới một ông Đại úy Cảnh sát giữa Nữu-Ước! Một thằng Mafia chì nhất cũng phải đứng yên một chỗ nếu một thằng cớm hạng bét muốn kiếm chuyện hành hạ. Còn một thằng cớm bị giết? Lập tức bao “tai nạn” sẽ đổ lên đầu giới giang hồ: Năm bảy thằng bỗng bị bắn bỏ khơi khơi vì những lý do vớ vẩn như chống cự nhà chức trách hoặc chạy trốn… Chịu sao thấu?

Yên chí lắm Mc Closkey chuẩn bị lên đường. Sao hồi này nhiều chuyện tốn tiền thế? Bà chị vợ bên Ái-Nhĩ-Lan vừa lăn cổ ra chết. Lại tốn tiền làm ma, biết bao nhiêu tiền thuốc men rồi!

Còn những ông chú bà bác ở nhà quê gởi thư dài dài sang xin tiền thằng cháu làm ăn bên Mỹ nữa? Cái gì cũng tiền, mà không có không xong! Được cái vợ chồng lão mỗi dịp về làng là bà con trọng vọng cứ như vua chúa. Hè sang năm về thăm quê thì tốt quá, vừa hết giặc xong lại gặp lúc vừa có ít tiền “ngoại tài” này…

Đi ngang bàn giấy thằng đội trực nhật Mc Closkey dặn hờ nếu có việc cần gấp thì tới kiếm ở đâu. Cái vụ này sợ gì phải giấu? Sợ gì ai? Không lẽ một ông Đại úy Cảnh sát mà không có quyền hẹn gặp một thằng mật báo viên để lấy một tuy-ô gì đó?

Ra khỏi bót, lão đi bộ một khoảng trước khi kêu tắc-xi đến chỗ thằng Sollozzo hẹn trước.

– o O o –

Vấn đề lo cho Michael biến khỏi nước Mỹ không tăm tích là do Tom Hagen đảm nhận hết từ sổ thông hành giả, thẻ thủy thủ đến chỗ ăn nằm kín đáo trên một chiếc tàu chở hàng ghé qua Sicily. Có người tức tốc đáp máy bay sang trước để lo sắp đặt một chỗ trú ngụ an toàn ở một miền quê, có Ông Trùm địa phương đích thân che chở.

Ngay lúc Michael “xong việc” nhảy ra thì trước quán rượu đã có chiếc xe thật ngon chờ sẵn mà chân tài xế do Tessio tình nguyện. Xe bề ngoài cũ rích, máy móc cực kỳ tốt, mang bảng số giả. Thứ xe đặc biệt chỉ để xài vào những vụ quan trọng, chẳng có cách nào nhận diện nổi.

Trước khi lên đường, Michael được Clemenza đưa khẩu súng nhỏ xíu tập sử dụng cho quen tay. Một khẩu 22 nòng ngắn, xài thứ đạn chì đặc biệt, vô lỗ nhỏ xíu nhưng trổ ra toác hoác. Không chính xác lắm nhưng cách năm bước thì không thể trật nổi! Cò hơi cứng một chút nhưng vặn vài con ốc là ngon. Xài làm chi hãm thanh cho mệt? Cần phải cho nó nổ lớn để khỏi có vụ tự nhiên một thằng đi đường chẳng biết quái gì cũng nổi máu anh hùng xông vô can thiệp hoảng là hư hết việc! Phải nổ chúng mới hoảng.

Dù Sonny từng căn dặn nhưng Clemenza vẫn luôn miệng dượt:

– … Xài xong là cho súng rơi. Nhớ là buông xuôi tay xuống đã, rồi mới thả súng cho nó rớt nhẹ bên cạnh. Để người ngoài vừa ngó thấy cứ tưởng đâu mình còn súng trong tay, cóc dám vô. Tụi nó chỉ ngó lom khom cái mặt mà! Rất tự nhiên nhanh chân bước ra. Chớ có chạy. Không nhìn tận mắt thằng nào hết mà cũng không ngó lảng đi đâu hết. Vững tin là chúng nó hết hồn, chẳng điên dại mà nhào vô. Đi tà tà ra, lên xe đàng hoàng, cửa mở sẵn mà? Có Tessio lái thì yên chí đi, đừng sợ gì hết, khỏi có tai nạn xe cộ! Cái vụ này tưởng vậy mà không có gì khó đâu. Nào, bây giờ mày thử đội cái nón này tao coi?

Vừa nói lão vừa chụp lên đầu Michael một cái nón nỉ. Cả đời có đội nón bao giờ, Michael nhăn mặt thì lão giải thích:

– Cần lắm đấy. Có cái nón là đỡ lắm: nếu cần phải cho nhân chứng nhận diện! Mày đừng lo dấu tay, khỏi có chắc. Báng súng, cò súng đều trét thứ đồ nghề đặc biệt, nhưng chớ có rờ mó bậy vào những bộ phận khác nghe?

Michael chỉ thắc mắc một điều. Không hiểu Sonny đã dò ra địa điểm mật của Sollozzo chưa? Clemenza lắc đầu:

– Có dễ gì? Nó cáo già quá mà! Nhưng mày yên chí đi. Bề nào mày cũng đi về an toàn vì con tin là chính thằng trung gian. Mày về rồi mới thả nó ra.

– Ủa, sao lại có thằng chịu làm con tin ngu vậy?

– Để lấy tiền. Nhiều lắm lắm chớ bộ giỡn sao? Có phải ai cũng làm được đâu? Phải uy tín. Đối với Sollozzo mạng nó phải quý hơn mạng mày chắc. Có vậy tụi mình mới tin là nó không dám hại mày để liên lụy đến thằng kia. Tóm lại phần mày chẳng lo ngại gì hết. Tụi tao mới là… lãnh đủ!

– Tới cỡ nào?

– Khủng khiếp! Sẽ có đổ máu tùm lum giữa hai cánh Corleone – Tattaglia mà tụi nó còn nhiều cánh khác ủng hộ. Chắc chắn sẽ có màn thấy ngã chôn không kịp…

Như một triết nhân. Clemenza suy luận:

– … Có điều mươi, mười hai năm là phải có đổ máu lớn một lần. Kể như một dịp để tẩy bớt thứ máu ở dơ, máu vô dụng! Bề nào cũng phải đổ máu một lần vì không chặn ngay từ đầu, tụi nó tỉa dần mình rồi cũng nuốt sống luôn chớ đâu có tha? Như Hitler vậy, nếu chặn lại ngay từ hồi Munich thì nó đâu có thể làm điên đảo toàn thế giới?

Nghe lão nói, Michael nhớ lại một lần duy nhất, trước khi Thế chiến II bùng nổ năm 1939, Bố Già cũng từng lý luận in hệt. Phải chi hồi đó Mafia nắm bộ Ngoại giao thì làm gì có chiến tranh! Ý nghĩ làm Michael mỉm cười.

Clemenza đưa Michael trở về cư xá, về nhà Ông Trùm đại bản doanh hiện thời của Sonny. Không hiểu nó còn ở lì một chỗ bao lâu nữa? Thế nào nó chẳng phải mò ra ngoài? Nó đang ngủ trên đi-văn trong “văn phòng”, trên bàn bữa bãi bữa cơm trưa còn dư lại và nguyên nửa chai huýt-ky. Căn phòng Ông Trùm giữ ngăn nắp là vậy bây giờ trông bừa bãi như nhà trọ. Michael đánh thức nó: “Coi, sao mày không ăn ở cho sạch sẽ một chút mà để dơ dáy cỡ này?”

Sonny ngồi dậy ngáp dài:

– Bộ mày là ông tướng đi khám trại hả? Vụ đặt súng cho mày chắc không xong vì bây giờ vẫn chưa biết tụi nó đưa mày đi đâu họp. Tụi nó giữ kín quá!

– Nếu vậy tao dắt luôn trong người được không? Có chắc gì tụi nó củ soát người tao và nếu mình dắt cho kỹ, cho thật khéo thì chắc đâu đã mò ra? Mà nói cho cùng tụi nó mò ra thì cũng làm gì tao? Bất quá tụi nó “giữ giùm” đến lúc tao ra về chớ có sao đâu nào?

– Đâu được! Với thằng Sollozzo thì phải chơi cho chắc, không thể nói như mày! Nổ được là nổ liền, không ngần ngại. Nó trước, thằng cớm sau vì Mc Closkey chơi chậm, không đáng ngại bằng. Mày có dư thì giờ quá mà! Clemenza đã chỉ cho mày cách buông súng chưa?

– Cỡ 1 triệu lần!

– Thế gò má còn đau không?

Sonny hỏi và đứng lên ngó. Michael vắn tắt: “Đau chớ” rồi cầm chai huýt-ky dở trên bàn tu một hơi. Có chất men vô thấy dịu ngay, nguyên nửa mặt bên trái nó ê ẩm, nhức nhối. Chỉ trừ mấy chỗ kẹp sắt có thuốc tê là cứng ngắt.

– Thôi mày, rượu từ từ chứ Michael? Lúc này…

– Im đi! Đừng lên mặt dạy dỗ. Tao từng chơi nhiều thằng bảnh gấp mấy lần Sollozzo và từng ở thế yếu hơn nhiều. Nó đã là cái thá gì? Nó có bích kích pháo, cà nông hạng nặng không? Nó có phi pháo yểm trợ… nó có mìn cả bãi không? Bất quá chỉ là một thằng láu cá, có thằng cớm gộc ngồi một bên chớ gì? Khi đã quyết định chơi thì tụi nó phải chết, khỏi có vấn đề gì hết. Quan trọng là mình quyết định và tụi nó thì chết đến đít chưa hay.

Hagen bước vô gật đầu chào rồi tới mở tủ, lấy chiếc máy điện thoại đặc biệt ra. Nó quay lại mấy lượt rồi nhìn Sonny lắc đầu: “Chẳng có tin gì hết. Thằng Sollozzo không rỉ răng”.

Có chuông reo. Sonny nhấc phôn lên, giơ tay ra hiệu yên lặng. Nó cầm bút ghi mấy chữ rồi trả lời vắn tắt: “Được… sẽ y hẹn”. Sonny gác phôn cười hề hề:

– Thằng khốn Sollozzo chơi kỹ thật. Nó tính khỏi còn sót điều gì! Đúng 8 giờ tối nó và Mc Closkey sẽ đón Michael ở trước cửa quán Jack Dempsey. Rồi đi đến một nơi khác nói chuyện. Hai thằng nói với nhau bằng thổ ngữ Sicily và thằng Mc Closkey thì nó cam đoan là “tiếng Ý cũng cóc biết chữ gì ngoài Soldi là lính.” Nó còn điều tra mày xài qua loại thổ ngữ được kia mà, Michael?

– Cũng may là cóc phải nói lâu!

Hagen nhắc: “Còn thằng “trung gian” đến chưa? Phải nắm con tin rồi mới để thằng Michael đi được chớ?”.

Clemenza xác nhận ngay:

– Đúng thế, “con tin” đang ngồi đánh các-tê với 3 thằng đàn em tin cẩn của tao, trong nhà tao. Đích thân tao phôn về tụi nó mới cho đi!

Sonny mệt mỏi ngồi ngả ra ghế bành:

– Bây giờ chỉ còn vấn đề địa điểm. Này Tom, mình có người gài bên cánh Tattaglia mà vẫn chịu, không moi nổi tin sao?

– Chịu luôn. Thằng Sollozzo cấm có hé môi, vậy mới quỷ quyệt! Nó chẳng cần thằng vệ sĩ nào. Mình thằng Mc Closkey đủ rồi. Về cái vụ này bao nhiêu súng cũng chẳng bằng một màn bí mật. Đúng lắm. Có lẽ mình đành phải cho người theo dõi Michael rồi tới đâu thì tới vậy…

– Không được! Một là tụi nó cho rơi mấy hồi? Hai là đời nào nó chịu cho mình bám theo? Nó sẽ củ soát vụ “đuôi” trước!

Lúc bấy giờ đã 5 giờ chiều. Sonny nóng ruột mặt mày nhăn nhó, đưa đề nghị: “Hay mình đành chơi rừng vậy? Đợi xe nó vừa xề lại đón là thằng Michael quất bừa một loạt vào để thằng nào ngồi trong cũng lãnh đủ?”

Hagen lắc đầu: “Không được. Có chắc gì Sollozzo có mặt trên xe lúc này bây giờ? Thằng khác thì sao? Có phải chưa gì hết mà mình đã lỗ nặng không? Trời, phải làm cách nào biết được chỗ nó dẫn Michael đến!”

Clemenza bỗng dưng có ý kiến:

– Hay là mình thử đặt lại vấn đề. Tại sao nó phải chơi quá kỹ như vậy?

Michael nôn nả giải đáp ngay:

– Vì nó không thể chơi trò may rủi mà phải nắm chắc “an ninh tối đa” cái đã. Nó “phòng gian bảo mật” được đến đâu hay đến đó chớ đâu thể “đánh đu” với mình? Nó đánh hơi thấy nguy hiểm nên có “bùa” Mc Closkey bên cạnh mà vẫn chưa trọn tin.

Bỗng nhiên Hagen búng tay “tách” một cái rồi nói như reo:

– Có vậy mà cũng quên! Thằng Philips, người của mày ở đằng bót! Sonny, sao mày không phôn cho nó một cú hỏi dò coi? Nó là nhân viên thì phải biết xếp Mc Closkey giờ đó ở chỗ nào để có việc khẩn còn kịp liên lạc che chứ? Phải rồi, thằng cớm phải biết chỗ nó sắp tới… mà ở đằng bót thì nó có sợ gì mà không cho biết địa điểm? Phải không, gọi thằng Philips liền đi!

Sonny nhấc điện thoại, quay số và nói khe khẽ vào ống. Nó đặt máy xuống: “Nó sẽ gọi lại cho mình”.

Cả bọn chờ đến nửa giờ mới có phôn của thằng cớm. Sonny hối hả ghi mấy chữ rồi cúp máy. Mặt nó như căng thẳng ra “Rồi, vậy là chắc ăn. Trừ khi ở nhà… ngoài giờ làm việc muốn đi đâu xếp Mc Closkey cũng phải cho biết để tiện kiếm. Xếp cho hay từ 8 đến 10 giờ tối nay có việc gì cứ lại đằng quán Luna Azure trong khu Bronx. Có ai biết quán này?

Tessio hớn hở:

– Có tao đây! Luna Azure thì tao rành quá! Một chỗ tuyệt đẹp cho mình chơi. Quán nhỏ, chia từng ngăn ngồi cho ấm cúng. Thức ăn chiến. Kín đáo. Thực khách chẳng ai buồn để ý đến ai. Tuyệt diệu!

Nói rồi lão đứng phắt dậy, bẻ vụn mấy điếu thuốc lá ra để lập “bản đồ hành quân” ngay trên buya-rô Sonny.

– Đây là cửa ra vào nghe Michael? Chơi xong mày tà tà đi ra, quẹo tay trái, tới góc đường quẹo trái nữa. Thấy mày là tao bật pha lên cho xe vọt tới, mở cửa sẵn để mày nhào lên. Có gì nguy hiểm thì mày la lên tao sẽ nhào vô tiếp cứu… Còn Clemenza phải cho người đi “đặt” gấp khẩu 22 đi. Trong cầu tiêu của quán này có cái khe không ai để ý tới, ở giữa vách tường và bồn nước xả cầu. Lấy băng keo dính cứng nó phía sau bồn nước là tha hồ chắc, Michael nhớ sau khi xét người mày không thấy gì… tụi nó sẽ ỷ y. Đang ngồi ăn nhậu mày làm bộ nhăn nhó mót đi tiểu. Lại ấp úng xin phép đứng lên thì cha chúng nó cũng chẳng biết gì! Đi ra, có đồ nghề trong tay là mày nổ liền, khỏi chần chừ. Nổ ngay, đừng ngồi vô bàn. Chơi vào đầu, mỗi đứa 2 phát. Rồi giông lẹ lẹ…

Sonny gật gù ngồi nghe coi bộ đồng ý lắm. Nhưng vẫn phải dặn Clemenza:

– “Đặt” súng chú phải lựa thằng nào thật đàng hoàng, tín nhiệm 100% nghe? Đừng có để thằng em tôi vô rồi ra tay không là không xong đâu!

– Yên chí đi! Khẩu 22 này sẽ nằm đó liền tức thời!

– Nếu vậy thì hay. Nào, tiến hành!

Tessio và Clemenza lật đật đi trước. Hagen đề nghị đích thân lái xe đưa Michael lên Nữu-Ước, tới nơi hẹn song Sonny không chịu. “Mày phải ở đây. Thằng Michael chơi xong là tới lượt tụi mình mệt. Tao cần mày ở đây. Đã lo “mớm” đầy đủ cho mấy thằng nhà báo của mình chưa Tom?”

– Kể như xong. Đã có móc nối sẵn… Tin tức bài vở sẽ ra đều, đúng như ý mình.

Sonny đứng lên, lại trước mặt Michael, đưa tay ra bắt: “Thôi, mày lên đường đi! Tao sẽ lựa lời nói với má và con nhỏ của mày cũng sẽ có tin đúng lúc. Ô-kê?”

– Ô-kê. Tao sẽ vắng mặt cỡ bao lâu?

– Ít ra một năm.

Đứng bên cạnh Hagen lên tiếng:

– Ông Già có thể thu xếp mau hơn nhưng mày cứ kể một năm đi. Có thể rất nhanh… hay rất chậm, tùy thuộc nhiều yếu tố. Ăn thua mấy thằng nhà báo viết bài. Ăn thua ở phản ứng của bọn cớm. Ăn thua ở thực lực của mấy cánh kia… Còn nhiều thứ có thể xảy ra nhưng chắc chắn nhất là tụi mày sẽ khó sống, nghẹt thở lắm lắm.

Michael nắm tay Hagen:

– … Ăn thua ở mày cố lo giùm tao. Chớ lại tái diễn vụ 3 năm xa nhà nữa thì tao khổ lắm đấy!

– Nếu mày ngại thì… mình thay đổi chương trình liền bây giờ còn kịp chán! Mình thiếu gì biện pháp khác? Hà tất cứ phải nổ thằng Sollozzo?

– Biện pháp thì thiếu gì thật… nhưng tao đã suy nghĩ kỹ rồi. Cả đời chăn ấm nệm êm thì lâm nguy cũng phải gồng mình chớ?

– Đồng ý vậy. Nhưng chớ để tình cảm lấn vô. Đừng vì một cú đấm mà liều mạng, chắc mày hiểu vậy? Tình cảm và công chuyện làm ăn… Tom ngước nhìn lên và đây là lần thứ hai nó thấy khuôn mặt Michael lạnh tanh, in hệt Ông Trùm.

Nó nói chững chạc:

– Tom, mày mà còn phân biệt tình cảm với công chuyện làm ăn? Trên đời này cái quái gì chẳng là làm ăn, và tình cảm với làm ăn chẳng qua chỉ là một. Gọi là làm ăn thì gọi chớ tình cảm vẫn nằm sẵn ở trong. Mày biết tao học ở đâu không? Ở Ông Trùm, ở Bố Già, bố tao đấy.

Ổng người lớn, ổng ngon chính ở chỗ nhận ra lẽ tình cảm bên trong bất cứ mọi sự việc. Một thằng bạn già bị sét đánh, một thằng con cứng đầu nhào vô TQLC rõ ràng là việc cá nhân. Kẹt chút tình cảm lại là việc của ổng. Ổng xem ra biết hết và lo hết. Một khi coi như chuyện rủi ro cá nhân thì tai nạn đâu có nghĩa lý gì nữa? Tao hiểu vậy hơi trễ nhưng còn hơn không chớ? Nếu cái mặt bể thì việc riêng của tao thì vụ Sollozzo thịt Ông Già còn là việc của ai? Cũng của tao vậy!

Nhờ mày nói lại Ông Già là tao học được ở ổng rất nhiều và hoan hỉ có vụ này đền đáp lại. Ổng cho tao hưởng nhiều, ổng xứng là cha hiền, đúng vậy…

Michael ngừng dặn dò, ngó ngay mặt Hagen hỏi:

– … Nhưng có vụ này tao chưa hiểu. Ông Già đối với tụi tao hiền khô. Tao cũng như Sonny, Fred có mấy khi bị ổng đập? Mà con Connie thì chẳng bị la bao giờ. Nhưng với những người khác thì sao Tom? Tổng cộng ổng đã thịt cỡ bao nhiêu mạng?

Hagen nhìn lảng ra chỗ khác, thong thả đáp:

– Michael, có một cái mày chưa học được ổng. Đó là khoa nói. Có bao giờ ổng nói như mày, hỏi như mày đâu? Trên đời này thiếu gì việc bắt buộc phải làm và làm xong là phải quên luôn, khỏi nhắc tới? Lý luận giải thích làm gì? Có giải thích, lý luận được đâu? Cứ làm và quên phứt.

Trán Michael Corleone cau lại. Nó nghiêm giọng hỏi:

– Tao hỏi thật mày, trên cương vị consigliori mày có đồng ý để thằng Sollozzo sống là nguy hiểm cho Ông Già, cho cả mình?

– Đúng.

– Đúng hả? Tao phải giết nó.

Trước cửa nhà hàng Jack Dempsey, Michael đứng đợi nãy giờ. Tám giờ thiếu 5. Nó sắp đến đón, thằng Sollozzo đúng hẹn lắm. Biết vậy nhưng Michael vẫn cứ để dư cả 15 phút.

Từ nhà sang Nữu-Ước, nó cố quên những lời vừa nói với Hagen. Nếu nó nói sao tin vậy thì cuộc đời của chính nó bắt buộc phải lái theo một chiều, không thể có một ngả thoát nào khác? Mai đây đời nó sẽ ra sao? Coi, cứ biết tối nay, lát nữa đây này. Cứ nghĩ vẩn vơ, dấm dớ thì chết liền tại chỗ, hết mai! Phải vứt bỏ hết để chỉ còn nhớ có hai đứa: một thằng cáo già và một thằng cớm gộc. Gò má Michael bỗng nhức nhối. Cũng may! Phải đau đớn thế này mới khỏi quên…

Tám giờ, sắp đến giờ hát mà khu Broadway chẳng bao nhiêu người. Có lẽ vì lạnh. Đột nhiên có chiếc xe đen mui kín cúp cua chạy tới, chạy sát lề. Thằng lái xe nhoài người sang đẩy cửa kêu “Lên đi”. Không biết nó là ai, Michael nhanh nhẹn lên. Băng sau nguyên cặp Sollozzo – Mc Closkey.

Thằng Đường Thổ nhoài người lên đưa tay bắt. Bàn tay rắn chắc, ấm nhưng khô khan.

– Rất mừng gặp anh bạn tối nay để ta giải quyết công việc cho xong. Mình phải làm lại… chớ để tình hình này nguy quá. Tôi không muốn công việc diễn tiến kỳ cục thế này. Bất lợi quá!

– Tôi cũng muốn sắp đặt cho êm tối nay. Tôi không muốn Ông Già bị thêm nữa!

Sollozzo lên tiếng rất chân thành:

– Không có vụ đó đâu, anh bạn! Tôi dám thề trên đầu mấy đứa con tôi đấy. Chỉ mong anh bạn thông cảm… chớ đừng nóng nảy bốc đồng như ông anh Sonny thì mình chẳng có cách nào nói chuyện được!

Tự nhiên Mc Closkey cũng nhoài người lên thân mật vỗ vai Michael:

– Không… cậu này người đàng hoàng! Xin lỗi về vụ lộn xộn tối hôm ấy nghe Michael? Tôi nóng bậy quá… mà hồi này in hình có tuổi ưa nổi sùng bất tử, không dằn nổi. Đến phải cởi trả áo lính chớ điệu này tinh thần căng thẳng chịu hết nổi. Càng ngày càng chịu không nổi.

Thằng đểu. Lão vừa cười nham nhở vừa đưa bàn tay vỗ vai, rờ rẫm coi bộ thân tình để đâu cho hết… nhưng bàn tay thô bỉ sục sạo một vòng củ soát nghề nghiệp khắp người Michael, những chỗ có thể dắt súng được là không bỏ sót. Thằng lái xe liếc sang cười nhạt. Nó cho xe chạy miết ra xa lộ ngoại thành, lúc lách ra lúc lách vô rất tự nhiên nhưng thằng nào lái xe bám theo là bại lộ liền!

Ô hay, nó cho xe vọt lên cầu Hoa-Thịnh-Đốn. Vậy là qua bên New Jersey? Vậy là ngay thằng cho tin Sonny cũng hố?

Nó cho xe phom phom lên dốc cầu rồi lên cầu thật, bỏ lại sau lưng thành phố chói chan ánh đèn. Michael cố giữ mặt tỉnh bơ. Điệu này thằng Đường Thổ dám cho nó sang cánh đồng lầy New Jersey ngủ với giun… hay chỉ là một thay đổi chương trình giờ chót của nó để đánh lạc hướng tất cả mọi người?

Xe chạy hết phân nửa cầu.

Thình lình thằng lái xe biểu diễn một phát quay đầu xe độc đáo, người Michael muốn lật nhào một bên. Đang chạy ngon trớn nó xoay một phát vô-lăng cho xe chồm qua lằn ranh nổi giữa cầu và khi trả lại tay lái thì chiếc xe đã quay đầu ngược hẳn lại, hướng về phía Nữu-Ước như không có chuyện gì xảy ra.

Ở băng sau, cùng một lúc Sollozzo và Mc Closkey quay đầu lại ngó coi có chiếc xe nào cũng bất thần xoay một vòng 180 độ tương tự? Khỏi có. Xe tà tà xuống cầu nhằm đúng hướng khu Bronx. Nó còn lách thử qua vài con đường nhỏ chắn ngang để chắc chắn không có đuôi bám đã nên cứ vòng vo chạy đến gần 9 giờ. Sollozzo hoan hỉ đưa gói thuốc lá mời, rút một điếu hút và khen thằng tài xế: “Mày chạy ngon đấy!”

Đúng 10 phút sau xe ngừng trước một nhà hàng nhỏ, ở giữa một khu phố tầm thường của kiều dân Ý, ngoài phố vắng tanh, bên trong quán loe hoe vài khách ăn khuya. Michael đã sợ thằng tài xế cùng bước vô là hỏng hết, nhưng may quá nó được lệnh ở ngoài xe. Cái vụ mang theo tài xế này cũng hơi bất hợp lệ vì như đã ước định qua trung gian, chỉ có 2 người nói chuyện với nhau và gã cớm ngồi bên mà thôi. Nhưng thây kệ nó ngồi ngoài, Michael cố tình lờ đi. Vậy là quá đẹp, tội gì để tụi nó nghi ngờ?

Ba người ngồi ở chiếc bàn tròn độc nhất chính giữa quán, Sollozzo không chịu vô những bàn có ngăn kín. Cả quán còn có hai người khách, không biết có phải người của nó bố trí không? Mà bố trí cũng chẳng đỡ kịp!

Mc Closkey hỏi quán này có gì hấp dẫn không thì Sollozzo đề nghị: “Thử gọi món bê con coi? Số một Nữu-Ước!”

Gã bồi duy nhất trong quán xách lại chai rượu chát, mở nút. Nó chậm rãi rót ra 3 ly đầy nhưng lạ quá, Mc Closkey không uống. Lão phân bua: “Có lẽ dân Ái-Nhĩ-Lan chỉ mình thằng tôi chê rượu! Tôi sợ rượu thì đúng hơn. Bao nhiêu người chỉ vì nhậu mà chết cả cuộc đời!”

Sollozzo quay sang Mc Closkey giải thích:

– Xin lỗi Đại úy trước nghe. Câu chuyện giữa anh bạn Michael và tôi tối nay… tụi tôi xài tiếng Ý. Chẳng phải có gì quan trọng muốn giấu giếm mà chỉ vì có những danh từ làm ăn nói tiếng Anh không trôi vậy thôi. Tôi chỉ muốn thuyết phục anh bạn dàn xếp nội đêm nay cho xong mọi chuyện lộn xộn bất lợi cho tất cả mọi người mà? Đại úy đồng ý chớ?

– Ô, có gì đâu! Hai người muốn nói với nhau cái gì thì nói. Tôi chỉ “nói” với cái đĩa bí-tết spaghetti này!

Thế là Sollozzo giở thổ ngữ Sicily ra nói:

– Xin anh bạn hiểu cho những gì đã xảy ra giữa Ông già và tôi hoàn toàn chỉ do vụ làm ăn mà ra. Ông Trùm là người tôi hằng ngưỡng mộ và chỉ mong có ngày được ổng sai bảo. Đó là một sự thật. Có điều ổng cổ quá, ổng không chịu làm ăn theo thời thế, ổng không chịu đi vào ngành ma túy, dù ai cũng phải thừa nhận rằng chẳng có thứ gì sinh lợi lớn bằng, le bằng! Ông Trùm nhất định không làm và bảo tôi: “Tôi không thể làm ăn với ông được nhưng phần ông cứ làm đi chớ?”

Ổng nói vậy… nhưng sự thực đâu có giản dị thế? Tôi phải hiểu “cứ làm đi chớ” thế nào được, mình dân giang hồ mà? Không lẽ ổng nói ngay “Anh không làm chuyện đó được” đó thôi.

Xin nói thực tôi kính mến và e ngại thế lớn của Ông Già thiệt… nhưng không thể vì ổng không muốn mà phải bỏ dở một công cuộc làm ăn sinh lợi, đó là lẽ tự nhiên. Do đó mới xảy ra chuyện đáng tiếc… Chắc anh bạn không lạ gì các cánh Nữu-Ước ủng hộ tôi, dù họ chưa công bố. Nhưng cánh Tattaglia thì đi hẳn với tôi, cùng ăn cùng chịu. Bây giờ không hoà giải gấp thì thế nào cũng có đụng độ lớn: Cánh Corleone sẽ phải chống tất cả mọi phe nhóm khác. Nếu Ông Trùm còn mạnh thì có thể chống được đấy. Nhưng giờ đây cỡ Sonny thay thế sao nổi và consigliori Hagen sức mấy mà được như Genco Abbandando ngày nào?

Đó là lý do tôi đề nghị tạm hoà, tạm ngưng chống đối nhau chờ Ông Trùm bình phục đặng đích thân ổng thương nghị sau. Tôi đã thuyết phục cánh Tattaglia đồng ý bỏ qua vụ Bruno để tránh đổ máu nữa. Trong thời gian này tôi vẫn phải có ít việc làm ăn kiếm sống, trong ngành của tôi. Tôi không đề nghị cánh Corleone hợp tác làm ăn mà chỉ xin mấy ông đừng phá. Có vậy thôi, rồi ra sau này chuyện gì chẳng giải quyết được? Đề nghị của tôi có bấy nhiêu, tôi chắc anh bạn đủ thẩm quyền đại diện cánh Corleone để ta nghị hoà với nhau chớ?

– Xin cho biết thêm về đề nghị khởi sự làm ăn của quý ông. Nghĩa là trong công cuộc làm ăn đó, gia đình tôi giữ vai trò gì… và được hưởng những gì đã chớ?

– Nghĩa là anh bạn muốn biết chi tiết đề nghị của tôi?

– Quan trọng nhất là điểm tôi muốn có những đảm bảo chắc chắn rằng sinh mạng Ông Già tôi khỏi bị đe doạ nữa…

Sollozzo đưa cả hai tay lên than:

– Trời đất! Tôi mà đảm bảo gì được? Trái lại mạng tôi đang bị săn đuổi là khác. Tôi đã bị hụt giò… mà anh bạn còn đề cao quá đáng! Tôi đâu ghê gớm đến vậy!

Chỉ cần nghe đến đây là Michael cầm chắc Sollozzo chỉ cần gặp mặt lần này để cố tình kéo dài thời gian vài ba bữa nữa. Nó rình thịt Ông Già và nhất định làm bằng được. Có điều khoái nhất là cho đến bây giờ thằng Đường Thổ vẫn liệt nó vào hạng chết nhát! Một khoái cảm nhè nhẹ dâng trong người, nó thấy gây gấy sướng lạ. Michael làm bộ bần thần để Sollozzo cất tiếng hỏi: “Coi, sao thế?”

Nó ấp úng, lúng túng mãi mới trả lời: “Tôi uống rượu không quen… Mới bấy nhiêu đó đã mắc tiểu tiện… Xin phép, tôi vô đi tiểu chút… được chớ?”

Sollozzo ngó ngay mặt nó: “Mắc đái hả?”. Rồi nửa đùa nửa thực đưa tay sang rà rà chỗ bụng dưới Michael. Nó bèn làm bộ bực mình nhưng Mc Closkey trấn an: “Khỏi mò! Nó không có gì đâu, củ soát rồi. Kinh nghiệm quá mà?”

Sollozzo rõ ràng không khoái những vụ đi tiểu tiện này. Không hiểu tại sao… nhưng không yên tâm. Nó đưa mắt nhìn gã ngồi bàn bên, cặp lông mày nhướng lên hướng về phía phòng vệ sinh. Lập tức thằng đó sẽ gật đầu ý hắn đã coi qua rồi, trong đó không có ai. Biết vậy Sollozzo cũng chấp nhận một cách miễn cưỡng: “Đi lẹ lên nghe!” Rõ ràng nó ngửi thấy một cái gì khác lạ…

Michael đứng lên, đi về phía phòng vệ sinh. Vô trong là lại bồn tiểu xả lẹ lẹ một bãi cho đỡ tức bụng rồi thong thả bước tới cầu tiêu, đưa tay mò phía sau bồn nước xả cầu. Có ngay! Khẩu 22 nòng cụt, nằm ngoan ngoãn nhờ lớp băng keo. Nó giựt ra, nhét vô cạp quần, cài nút áo lại. Clemenza biểu xài súng khỏi sợ dấu tay nhưng sau khi ra la-va-bô rửa tay, vuốt tóc nó lấy khăn tay chùi kỹ chỗ vòi nước…

Mở cửa bước ra đi trở lại bàn, nó thấy ánh mắt Sollozzo nhìn trừng trừng. Michael tươi cười: “Giờ muốn nói gì thì nói “. Mc Closkey lúi húi đớp đĩa bí-tết spaghetti vừa mang ra. Gã ngồi bàn bên nãy giờ hồi hộp đã thở ra khoan khoái.

Michael ra ngồi bàn. Nó nhớ Clemenza dặn đi ra là nổ liền nhưng không hiểu vì có linh tính hay vì chết nhát mà chưa dám. Rõ ràng nó có cảm giác bây giờ mà có một cử động khác lạ là bị quất sụm ngay. Ngồi xuống yên chí hơn nhiều, ít ra không đến nỗi chân run run đứng hết nổi.

Sollozzo vươn người tới nói. Nhờ khuất cái mặt bàn, Michael khẽ mở nút áo, ngồi nghe ngoan ngoãn nhưng thực sự có biết nó nói gì? Mạch máu chạy quá mạnh, nghe chỉ thấy ù ù…

Bàn tay mặt ở dưới bàn từ từ rút khẩu súng nhét cạp quần ra cầm tay. Đúng lúc đó gã bồi bước tới, đứng bên chờ và Sollozzo quay mặt ra kêu thức ăn Michael lập tức đứng lên tay trái hất bàn, tay mặt đưa khẩu súng kê sát đầu thằng Đường Thổ. Phản ứng của nó đã lẹ. Michael vùng đứng lên thì nó đã né. Không kịp. Làm sao chơi lại tuổi trẻ?

Michael nhấn cò. Viên đạn đi ngay màng tang và lúc chui ra phía bên kia đã phá một lỗ toang hoác. Máu, óc, xương sọ nó văng tùm lum đầy áo gã bồi. Khỏi cần phát thứ hai. Đầu Sollozzo nghẹo một bên, ánh mắt nó là ánh mắt người chết, rõ ràng nhìn đời lần cuối.

Một giây đồng hồ sau, mũi súng hướng về Mc Closkey. Lão kinh ngạc ngó Sollozzo gục, không ngờ có chuyện. Làm như lão không dính dấp gì tới, không tin bản thân lão cũng lâm nguy. Mắt lão giương lên ngó Michael, cái nĩa xiên miếng bí-tết còn cầm tay. Dường như lão có vẻ bực bội… tại sao nó dám làm ngay trước mặt mình và không hiểu tại sao còn chưa vùng chạy hoặc nạp súng đầu hàng cho rồi.

Michael mỉm cười nhìn lão và xiết cò. Viên đạn đặt đúng chỗ cổ họng bự như cổ trâu nhưng chưa đủ sức kết thúc Mc Closkey. Lão thở ằng ặc làm như mắc nghẹn miếng bí-tết quá lớn rồi hộc lên phun phè phè những tia máu li ti. Rất tỉnh táo, Michael thản nhiên đẩy tới phát nữa, nhằm giữa cái đỉnh đầu có mớ tóc bạc phất phơ.

Đột nhiên chỗ nào cũng thấy máu. Michael quay phắt sang thằng ngồi dựa vách. Nó ngồi một đống, ngồi chết điếng không hó hé cục cựa mà quay nhìn chỗ khác, hai tay đặt ngay ngắn trên mặt bàn. Gã bồi ôm đầu chạy vô bếp, mặt trắng nhợt, mắt thất thần, hoảng hốt. Rất tự nhiên. Michael đưa mắt quan sát: thằng Sollozzo ngồi chết gục đầu trên bàn nhưng cả cái thân xác nặng nề của Mc Closkey đã nằm vật ra sàn nhà.

Michael nhẹ nhàng buông súng, cho nó rớt trên mình Mc Closkey, lăn xuống sàn không tiếng động. Cả hai thằng có mặt trong phòng có thấy nó thảy lúc nào? Nó mau chân đi ra, đẩy cửa. Xe thằng Sollozzo còn đậu đây nhưng không thấy dạng tài xế. Nó quẹo tay trái tới góc đường quẹo nữa… và choá mắt vì pha đèn sáng rực của một chiếc xe cà tàng đang phóng tới, cửa xe mở toang. Nó nhảy lên, sập cửa là cả chiếc xe vọt cấp kỳ. Tessio ôm vô-lăng, mặt lạnh như tiền.

– Mày làm xong Sollozzo chưa?

“Làm xong chưa”! Làm như “làm” xong một con nào vậy. Lão hỏi kỳ cục quá.

Michael lạnh lùng:

– Cả hai thằng.

– Chắc không đấy?

– Óc tụi nó văng tùm lum.

Trên băng xe đầy đủ quần áo thay. Xe lao vun vút. Cỡ 20 phút sau Michael tà tà ngồi trong ca-bin một chiếc tàu hàng sửa soạn nhổ neo sang Ý. Cỡ hai giờ sau tàu hướng mũi ra biển cả, bỏ lại phía sau cả một đô thị Nữu-Ước sáng rực ánh đèn hoả ngục…

Michael thấy nhẹ cả người. Vậy là thoát. Cảm giác nhẹ nhõm, khoan khoái in hệt ngày nào… sư đoàn nó đổ bộ lên đảo đánh cận chiến ác liệt và vì một vết thương nhỏ, nó được cáng xuống xuồng cấp tốc chở ra tàu bệnh viện ngoài khơi. Thoát khỏi hỏa ngục. Đúng vậy, phong ba sắp nổi dậy ầm ầm nhưng nó có ở đấy đâu mà lo?

Ngay sau ngày Sollozzo và Đại úy Cảnh sát Mc Closkey bị hạ sát, toàn thể giới giang hồ Nữu-Ước được cấp báo ngưng hết làm ăn! Khỏi có sòng bạc, ổ điếm nào được hoạt động. Phải tốp bằng hết… cho đến ngày tìm ra thằng khốn đã dám nổ một Sĩ quan Cảnh sát. Cả thành phố bố ráp tùm lum, tảo thanh liên miên. Dân giang hồ bắt buộc lặn hết.

Ngay sau đó cánh Corleone được các phe nhóm bạn cử đại diện tới. Liệu đã sửa soạn nạp thằng sát nhân chưa. “Coi, cái vụ này đâu có ăn nhập gì với tụi tôi?” Thế là cư xá Long Beach ăn bom. Trong đêm tối một chiếc xe lạ phóng tới, thảy một trái nổ ngay trước cửa rồi vọt mất. Cũng trong đêm đó, hai gã đàn em thân tín cánh Corleone bị hạ một lượt. Đang ngồi ăn nhậu trong một nhà hàng Ý trong khu Greenwich thì bị quất sụm. Đó là khởi đầu cuộc Ngũ gia đại chiến của Mafia năm 1946.

error: Content is protected !!