Hồi thứ tám

Rồi đó hai người đồng dắt tay nhau đi dạo vườn, một chập vào nhà, Ngô Bác Lãm vội vã kiếu về. Cũng vì mấy sự nó xảy đến nãy giờ ấy làm cho anh ta hoảng hốt tinh thần, như điên như dại, nên muốn lập tức về buồng, khóa cửa một mình nằm an mà suy nghĩ nhưng cô nọ không cho.

Anh ta túng phải ở đấy mà ăn bữa trưa, song ăn chi cũng như tuồng ăn đất; từ đấy ừ hử cầm chừng chớ không còn săm sớm mà chuyện vãn chi chi nữa cả.

Cô kia thấy rõ tình hình cho nên khuyên giải rằng:

– Thôi việc đã qua rồi, còn nhớ làm chi. Tôi có nghe rằng: “Cái chí trượng phu thì chẳng chi rúng nổi mà sao anh hư thế”. Kiếm chuyện đời mà đàm luận chơi cho vui nào.

Ngô Bác Lãm chẳng biết làm sao, phải gượng cười gượng nói cho qua, trông ăn uống xong xuôi đặng về cho kíp.

Khi ăn mới vừa rồi thì anh ta vội vàng từ giã, cô nọ biết chẳng lẽ cầm lâu, nên cũng lấy nón mà đưa ra cho đến cửa vườn. Tới đây hai đàng từ giã, anh ta đi riết một hơi, chẳng dám quày đầu ngó lại. Còn cô nọ thì đứng nơi cửa vườn coi anh ta đi mà than rằng: “Thật mình cũng ác, một lời nói thẳng băng chẳng khác nắm con dao mà xắn ngay tim phổi người ta, song biết sao bây giờ, nhắm đã cùng đường hết thế, nên cực chẳng đã phải làm đó mà thôi, chớ lòng ta lại không đau đớn hay sao? Thật là hóa nhi nên cắc cớ; phải ta gặp người ni lúc ta còn nong nả với trần, thì ta đâu nỡ làm đến vậy. Á! Cũng vì cái sắc khốn của ta đây mà nó hại báo cho người thể ấy …”.

Than chửa dứt lời chực thấy Ngô Bác Lãm đang đi sao thình lình muốn té, đến chừng gượng đặng thì ngã tới xiêu lui như thằng say rượu; anh ta mới bước lại một viên đá bên lề đường ngồi mà gục mặt xuống đất. Cô nọ bèn biến sắc kêu tên làm vườn hối phải chạy ra mà vịn Ngô Bác Lãm trở lại nhà liền.

Lúc ấy Ngô Bác Lãm mắc ngồi gục mặt cũng không hay có người chạy tới, mà cũng không dè cô đó thấy mình. Chừng tên làm vườn ôm ngang nách anh ta đỡ dậy mà nói rằng:

– Bà bảo tôi vịn ông trở lại nhà lập tức.

Anh ta bèn ngước mặt lên ráng nói, tiếng đã run run mà rằng:

– Tôi mệt chớ không sao.

Tên làm vườn chẳng nói chi cứ vịn riết anh ta trở lại mà thôi. Đi ngang cửa vườn cô nọ thấy mặt Ngô Bác Lãm la lên rằng:

– Trời ôi! Mặt anh xanh như tàu lá!

Bèn hối vịn riết vào nhà, lại sai con ở tức tốc chạy rước lương y.

Khi vô tới cửa thì Ngô Bác Lãm đà bất tỉnh nhơn sự, tên làm vườn mới bồng quách anh ta đem để lên giường. Một chập lương y chạy đến nắm mạch mà lắc đầu rằng:

– Người nầy trứng thử nặng quá.

Cô nọ nghe vậy thì điếng hồn liền hỏi:

– Vậy chớ thầy coi có sao không?

– Nếu là người Âu Mỹ mà trúng như vầy thì hết phương cứu chữa rồi đó; song người nầy vẫn là người Đông Á, sanh nơi xứ gần đường xích đạo, thì may khi còn trông cậy.

Nói rồi bèn hối mở cửa phòng cho khoảng khoáy, bảo cô nọ bước trái ra ngoài, rồi cổi thay y phục của Ngô Bác Lãm cho thảnh thơi, đoạn lấy nước thấm vào khăn mà vỗ nơi trán và đánh cả tay chơn, lại đưa thuốc vào mũi cho hít; lúc ấy Ngô Bác Lãm còn hơi hớp một chút mà thôi.

Ước trọn giờ ngoài, Ngô Bác Lãm mới thở ra một cái rồi mở mắt liền. Anh thầy thuốc mừng rỡ mà rằng:

– May thay! Chừ đã khỏi rồi!

Ngô Bác Lãm khi ấy dợm muốn mở miệng nói chi đó thì anh thầy thuốc khoát tay cản rằng:

– Chẳng nên, ông phải nằm an như vầy từ đây đến tối không nên chuyện vãn chi hết, phải nhắm mắt lại mà nghỉ đi cho khỏe.

Ngô Bác Lãm nghe lời nhắm mắt. Anh thầy mới bước ra bên ngoài viết toa cho đi lấy thuốc, rồi dặn bảo cô nọ mọi điều cang kỹ rằng:

– Người nầy mà cảm nặng như thế là vì va có chuyện chi hoặc kinh hãi, hoặc tức giận, hoặc thảm sầu xảy đến thình lình, nên cái khí trong mình nó mới ngăn lại, làm cho huyết chẳng lưu thông, rồi kế gặp nắng trời rất gắt, thì thử khí nó mới nhập thêm vào. Chử phải để an tịnh cho va nghỉ ngơi, đừng nhắc việc chi, chớ nói lời chi cả. Nếu cái khí nó ngăn tái một lần nữa thì không xong rồi đó. Lại phải có người đêm nay thức mà coi chừng va luôn mới đặng, hễ có chút chi thì mau đến đấm cửa kêu tôi liền chớ ngại.

Dặn bảo xong xuôi, chửng mới ra về.

Khi thầy thuốc đi rồi, cô nọ bèn sẽ lén hé cửa dòm coi, thì thấy Ngô Bác Lãm nhắm mắt nằm an, cô ta chẳng dám khua động mới bước ra ngoài ngồi mà trách mình rằng:

“Cũng vì mình mà làm cho mạng sống người ta thiếu chút nữa đã xong đời. Tội nghiệp thay! Hóa nhi thật nên quá ác, khiến phải người ta gặp gỡ tôi chi cho người khốn khổ người ta đến thế. Ta tiếc vì lúc ta tầm đôi bạn, thì chẳng đặng gặp người ni. Chừ ta đã ngán cuộc đời, dốc đến đây mà hưởng chữ thanh nhàn chờ cho mãn kiếp; muôn việc ta sắp đặt đã xong xuôi; trong ít giờ đồng hồ nữa thì tuy là ta còn đứng trên mặt địa cầu nầy thì mặc dầu, chớ trần thế với ta ắt là cách xa thẳm thẳm đó. Dè đâu khi bước đến đã kề tiên cảnh, tay đã rờ đặng chữ thanh nhàn rồi, thì lại gặp cái cuộc biến lạ thường ni. Thôi chắc mối nợ đời ngày nay chưa dứt, thì há trốn đặng sao?”

Lúc ni thuốc đã đem về, cô ta mới vào coi Ngô Bác Lãm đã tỉnh dậy chưa, đặng mà cho uống lần lần. Bước vào thấy anh ta cũng vừa mở mắt, tuy là còn mệt, song thần sắc xem đã khá nhiều, cổ bèn bước lại nói rằng:

– Anh chẳng nên nói chi cho mệt, song tôi muốn biết vậy chớ anh trong mình đã có hơi khỏe chăng; như khỏe thì anh nhắm mắt lại một cái, còn không thì thôi.

Ngô Bác Lãm bèn nhắm mắt rồi mở ra, thì cô nọ gặt đầu mà rằng:

– Bấy nhiêu đã đủ rồi, bây giờ anh hả miệng cho tôi đổ thuốc cho anh uống, sáng ra khỏe rồi hễ mặc sức nói chuyện. Đêm nay tôi bảo đem cái ghế dài vô đây tôi nghỉ mà coi chừng cho anh uống thuốc; vậy anh chớ lo chi cả.

Ngô Bác Lãm nghe vậy thì dợm muốn mở miệng cản trở, cô nọ vội vàng chẳng cho mà rằng:

– Anh chớ làm cho tôi buồn, anh phải nghe lời mà làm thinh, muốn nói gì thì mai đã.

Đêm ấy cô nọ chẳng hề nhắm mắt, cứ ngồi xem sách mà coi chừng cho Ngô Bác Lãm uống thuốc mỗi khi anh ta thức dậy. Nhiều lần Ngô Bác Lãm mở mắt thấy đã khuay mà cô kia chưa thì lấy mắt ngó mà có ý trách sao cô nọ không ngủ đi. Thì cô lại trả lời rằng:

– Tôi ít ngủ lắm, anh chớ có lo; không anh thì tối tôi cũng coi sách cho đến sáng đêm vậy. Sáng ngày tôi ngủ vài giờ đã đủ, anh cứ nghe lời tôi cứ nằm an mà nghỉ thì tôi lấy làm mừng lắm đó.

Ngô Bác Lãm đôi khi hí mắt trộm coi cô nọ làm gì thì chàng thấy cô ta xếp sách để trên đầu gối, ngồi mà nhìn trân xuống đất suy nghĩ, tính toán, một cách rất thảm buồn cả giờ như vậy; thì Ngô Bác Lãm nhớ lại chẳng khác chi cái ngày anh ta mới thấy cô nọ lần đầu, đứng nơi lái tàu mà cũng sững sờ như thế ấy.

Rồi anh ta lại nghĩ rằng: “Hôm đó tới nay cách chưa mấy bữa mà công việc đổi dời rất lạ. Hôm nọ thì ta chưa dám nói một lời, còn nay thì ta lại đặng người săn sóc dưỡng nuôi, bỏ ngủ cả đêm mà coi chừng coi đỗi, tính quá vợ chồng. Ta có làm chi mà hưởng đặng cái phước lạ thường ni, nghĩ thật không ra rồi đó. Vả lại, nếu người ấy chẳng dạ thương mình, thì có đâu làm được cái điều nầy”. Càng nghĩ bao nhiêu thì lại nghe thấy cái tình nó càng nặng càng dày bấy nhiêu.

Trong đêm thanh vắng, một gái sắc một trai tài, đồng ở một phòng, đồng chung một chỗ; tuy nằm ngồi hai thế khác nhau, chớ cũng chong một ngọn đèn mà nghĩ mà suy. Chỗ nghĩ suy tuy chẳng rẻ ren nhau, chớ cũng đồng một ý một lẽ một việc cùng nhau cả thảy. Vì thế cho nên hình như không khí lúc ni nó đà chuyền dính cho thông đồng tim phổi cả hai đàng rồi vậy.

Bởi ấy một lúc cô nọ chẳng biết vì sao vội vàng nó bắt ngước mặt ngó lên, thì lại gặp Ngô Bác Lãm cũng vừ mở mắt ra lớn đại mà nhìn sửng lấy nhau, trân trân như thế có gần năm phút đồng hồ, tuy chẳng ai nhích mép mà nói với ai một lời, song trong cái sự làm thinh đây nghe hiểu biết bao nhiêu chuyện. Còn đang sửng sốt, chuông đồng hồ vội điểm một tiếng boong, làm cho cả hai thảy phải giựt mình mà nháy mắt.

Cô nọ lúc ni tuồng như thần hồn đã cách lìa thể xác nãy giờ, chừ nó mới nhập về vậy; nên liền đỏ mặt tía tai ngó xuống, rồi thở dài một cái mà té nằm trên ghế nhắm mắt làm thinh.

Ngô Bác Lãm thấy vậy thì muốn nhảy đại xuống giường, chạy ôm cô nọ mà hun, song rồi lại thụt đi không dám; bèn cũng nhắm mắt lại mà thở ra, thì mới hay trong mình mồ hôi đã ướt dầm như tắm. Từ ấy, hai đàng ngủ quên luôn cho đến sáng.

Thức dậy vừa một chập thì thấy thuốc đã đến thăm, coi mạch rồi bèn mừng mà nói rằng:

– Thôi, nay không còn quan ngại chi nữa, song phải cữ, chưa nên ra nắng cho gấp mà không đặng.

Khi thầy thuốc về rồi, thì cô nọ bước vô buồng ngó Ngô Bác Lãm mà rằng:

– Tôi mừng cho anh nay đà khỏi đại họa rồi đó.

Ngô Bác Lãm thở ra mà rằng:

– Ơn cô chẳng biết ngày nào cho tôi trả đặng; còn việc họa phước tôi những mơ màng; chẳng biết thật là đại họa qua rồi, hay là đai phước tôi vừa vuột đó, cũng không chừng.

Vừa nói vừa nìn cô nọ một cách rất ai bi thê thảm. Cô kia thấy vậy bèn nói rằng:

– Anh cứ lo uống thuốc cho mạnh còn việc chi chi thì anh đà thấy hiểu lựa phải thảm buồn chi nữa.

Ngô Bác Lãm liền ngó cô nọ một cách rất hồ nghi, dường như chẳng dám chắc tin lời ấy cho lắm vậy. Cô kia hiểu ý bèn bước lại bên giường nắm tay Ngô Bác Lãm mà rằng:

– Lời tôi nói đây đâu phải là lời nói lấy rồi đâu? Tôi đã thấy gan ruột anh rã rời, tim phổi anh đau đớn, thì tôi há phải cỏ cây chi mà chẳng biết động lòng. Vả lại tôi biết vì tôi mà mạng sống anh đến đỗi hiểm nghèo, thiếu chút nữa thì đà hết kế; cho nên tôi luống ăn năn thầm trách lấy tôi chẳng cùng đó.

Ngô Bác Lãm nghe vậy thì kéo kéo tay cô nọ vào mà hun, rồi lại rưng rưng nước mắt, nghẹn ngào chẳng nói lời chi nữa cả.

Cô kia thấy vậy rất đỗi động lòng, mới vội vàng ngồi ghé bên giường lấy khăn lau nước mắt cho anh ta mà rằng:

– Lưới trời đã bủa, nay dầu thiếp có cượng cầu, cũng không trốn đặng. Phải chi trước thiếp dè ngày nay không khỏi cuộc nầy thì thiếp có làm chi cho chàng đến thế.

Nói đến đây thì đôi hàng sái lụy, hai người liền ôm cứng lấy nhau mà khóc òa.

Thật nghĩ cũng lạ đời, Ngô Bác Lãm xưa nay là một tay chẳng phải tầm thường trong cuộc trăng hoa, chuyện chi lại ôm nhau mà khóc như sấp trẻ thơ mới đạp vào nẻo phong tình; khóc chẳng mối mang, khóc không căn cội. Thiên hạ xưa nay có ai khóc vậy bao giờ.

Bởi ấy cho nên cách ít tháng sau, có người nghe đặng chuyện ni, thì lấy làm kỳ bèn đón Ngô Bác Lãm mà hỏi, anh ta lại phì cười mà đáp rằng:

– Thiên hạ xưa nay mấy người biết khóc chớ!

Đoạn vuốt râu bỏ lảng mà đi.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!