Lấy đấy mà suy thì mới rõ cái lương tâm của con người, ấy là một cái cân rất thiệt, rất đúng của tạo công đã để vào lòng mình đó. Còn cái trí hóa ấy quả là một cái trái cân; hễ chẳng trái cân thì cân không dùng đặg; cũng không trí hóa thì lương tâm chẳng có ích gì. Vậy cân tuy đúng, trái cân tuy thiệt, song mình phải săn sóc giữ gìn cho thường; trái cân đừng để sét để mòn, và cân cũng chớ dơ chớ lấm; thì mỗi lần cân chẳng mạt chẳng hào nào sai siển đặng cho.
Chớ ví như vá cân đóng dày cát bụi, hoặc trái cân ten sét dẫy đầy, thì tránh sao cho khỏi điều sai siển. Cũng đồng một lẽ ấy nếu lương tâm mà để cho hoặc cái dục, hoặc cái tình, hoặc cái nhơn, hoặc cái ái chi chi bất kỳ mà có dính dấp vào; hay là cái trí khôn mà để cho nó phải lu, phải lờ, nó bị che, bị phủ vật chi, thì sự cân đo đoán xét của mình ắt chẳng nhằm chẳng đúng vào đâu cả; mà mình tưởng đúng tưởng nhằm mãi mãi, thì ấy mới là đại hại cho chớ.
Bởi thế cho nên mỗi lần mình muố nghĩ suy cân gióng một việc chi, thì trước phải kỹ xem cái lương tâm cho lắm, rồi coi lại cái trí hóa cho sạch trong, nhiên hậu có lo chi là sai là quấy nữa bào giờ; chớ ví như cân liều mạng, gióng lấy chừng; thì thà đừng cân gióng càng hay; vì hễ mình không cân gióng thì mình còn có chỗ nghi ngờ lưỡng lự, ắt không thẳng trớn ngan dằm mà làm quấy cho quá lẽ. Còn ví như đã có cân rồi, mà cân không cang kỹ, sai siển chẳng hay, cứ việc chắc mình mà lũi lầm đi tới, đến lúc đụng đầu dội lại, thì đã tột cùng, hết đường tháo trút, ấy có phải là nguy khốn đó chăng?
Bởi thế cho nên có nhiều việc mình nghĩ tới nghe cũng nhằm, mà tính lui nghe cũng phải; lại tưởng đâu cái lương tâm khi nó liệt nó hư rồi kìa đấy, chớ chẳng dè lỗi tại mình không kỹ cang không săn sóc mà ra.
Kìa như Ngô Bác Lãm là bợm chẳng phải tầm thường mà trong cái sự suy tính ta mới thấy đây, còn có chỗ sai hơi quấy đó thấy chăng?
Vả trời đã cho mình cặp mắt đặng coi cho sáng nẻo thấy đường mà đi, thì gặp hào phải tránh, thấy vực phải chừa; chớ có đâu lại nhắm mắt đánh liều như va nói rằng: “Còn cái thân mình đây với thế cuộc, thì phú mặc cao xanh sắp đặt tới đâu cũng cho rồi phận sự thì thôi; cần chi nháo nhác cho hổ mặt làm trai.” Ấy có phải là phi lý chăng?
Nếu cặp mắt là đồ vô ích, thì trời có sanh chi cho mình thất công phải nhắm. Bởi đó cho nên người đời mỗi việc chi cũng có trời mà cũng tại mình nữa đó. Mắt cho sáng, trí cho lanh, lại kỹ cang cẩn thận, thì dẫu cho có chi gặp chi trong đường đời, nó cũng đỡ, cũng bớt, cũng nhẹ cho mình bộn đi.
Đây nhắc lại vì Ngô Bác Lãm suy như thế, nên trời mới rựng đông đà đổi thay y phục, rồi tuốt xuống kêu thằng đi giấy. Chẳng dè bữa ấy nhằm ngày chúa nhựt, chín giờ ngoài hắn mới tới nơi. Khi anh ta nghe chủ nhà nói như vậy thì tức giận vô cùng; song chẳng biết làm sao phải lên buồng mà chờ cho đến giờ nó lại.
Từ đấy cho đến chín giờ mà anh ta coi lâu cũng bằng mấy tháng, cứ ngó chừng đồng hồ từ phút mà lắc đầu chắt lưỡi liên miên. Qua chín giờ mười lăm phút, tên đi giấy vừa mới đến nơi, thì chủ nhà nhà bèn cho Ngô Bác Lãm hay liền; anh ta vội bảo thằng kia dẫn lộ rồi bước ra đi tức tốc, đi đặng giây lâu tên dẫn lộ đưa tay chỉ mà nói với Ngô Bác Lãm rằng:
– Nơi chòm cây rậm trước kia là nhà bà ấy đó.
Qua lối mười giờ thì Ngô Bác Lãm mới đến cửa vườn, bèn gặp một tên làm vườn đang lum khm cuốc đất. Khi nghe có tiếng người đi, thì tên nọ ngước đầu lên thấy Ngô Bác Lãm, liền vội vàng chạy ra mở cửa dở nón chào mừng, rồi kêu người vợ mà bảo dắt Ngô Bác Lãm vô nhà. Người vợ tên làm vườn cũng vội bước lại chào mà nói rằng:
– Bà tôi tưởng ông đến hôm qua, nên có ý trông hoài cho đến tối. Chừ ông muốn vô nhà ngồi đợi, hay là ông đi thẳng tới cái huê đình trước kia, thì gặp bà tôi đấy.
Ngô Bác Lãm đáp rằng:
– Thôi để tôi đi, chẳng cần chi thím phải kêu cho thất công.
Người đờn bà nghe vậy thì chỉ đường rồi đi thẳng vào nhà. Ngô Bác Lãm mới day lại cho tên dẫn lộ ít quan tiền, rồi nhắm theo hướng của người đờn bà đã chỉ ấy mà đi.
Bước ra khỏi một cái hàng rào, cao chừng một thước, trồng bằng cây sống tự nhiên, hớt dọn bằng trang ngay thẳng, thì thấy có một cái vườn huê rất lớn đủ các thứ hoa. Nơi góc vườn ấy phía bên tả thì có một hòn đá cao, dưới chơn hòn đá lại có một cái hồ châu vi rộng chừng một mẫu có dư; giữa hồ ấy có một cái cù lao, trên cù lao lại có một cái nhà cả thảy đều bằng cây hoa tươi đẹp.
Đi đến mé hồ mới thấy có một cái cầu bề ngang ước trong vài thước, hai bên lan can có hai bụi tường vi rất lớn, bắt tự đầu cầu nơi mé hồ mà chuyền vắt xỏ leo ra co tới đầu cầu bên cù lao kia, dầy ngật những bông trắng dã; thật là đẹp đẽ vô cùng, mùi hoa phưởng phất thơm nhẹ cả mình.
Ngô Bác Lãm tuy đang nóng nảy sự thấy cô kia như lửa đốt trong lòng thì mặc dầu, chớ gặp cảnh như vầy mà bỏ qua sao đặng, nên anh ta đứng lại nơi đấy giây lâu nhắm xem tứ hướng rồi nói thầm rằng: “Thật là bồng lai tiên cảnh cũng chắc không hơn đặng chốn nầy”. Đoạn bèn sẽ bước qua cầu.
Chừng đến giữa cầu mới thấy trong huê đình ấy có một cái bàn đá nhỏ, trên bàn đá có để một quyển sách chi chi đó; còn ả nguyệt thẹn huê nhường kia, thì đang ngồi chống cùi chỏ trên bàn, day lưng về phía Ngô Bác Lãm, chăm chỉ ngó qua hòn đá nơi mé hồ bên kia, mà coi một giòng nước re re từ trong kẹt đá lộn qua quanh lại chảy xuống mặt hồ.
Lúc ấy nắng trời quá gắt, nên cô ta mặc một cái áo tơ thưa, màu coi trắng trắng hồng hồng tay vắn và cổ rộng, kết đầy những ren tế nhuyễn vô cùng, làm cho lộ bày cả cổ cả vai, lại một khúc lưng trắng ngần tợ tuyết. Người như thế đối với cảnh như vậy, khiến cho Ngô Bác Lãm phải sững sững sờ sờ, không tới mà không lui, đứng cứng như hình đồng tượng gỗ; vì lúc đấy trí khôn ngỡ quả là một điềm tưởng mộng đó thôi, cho nên e cựa quậy rồi giựt mình thức dậy mà mất giấc chiêm bao khoái đẹp ấy đi chăng.