Hồi thứ nhứt

Thiên hạ lao nhao kẻ trên người dưới tàu từ biệt lãng nhân, khóc khóc sầu sầu; chẳng thấy một ai vui cười, hớn hở cả; ấy cũng bởi tánh con người hay háo kỳ tương hiệp, ố kỳ tương ly lắm đó.

Ngô Bác Lãm lúc ni đứng dựa bô tàu, mạt mày buồn bã, tuy biết rằng chẳng phải biệt ai nơi đấy, song nghĩ phận tang bồng mà thảm; thiên hạ dưới tàu ai ai cũng có người thương đưa biệt; còn mình thì trọi trọi trơ trơ; những kẻ yêu thương thảy ở xa xuôi thiên sơn vạn hải.

Kìa, đã có người thương tiễn tống, mà họ còm lã chã giòng châu thay; huống ta đây lúc tàu lìa khỏi đất, chẳng thấy một mặt người quen; bơ vơ như chim lạc bầy, như kiến mất ổ, thì buồn biết nói sao cho cùng đặng; thật là dao cắt ruột, muối xát lòng. Nghĩ đến đây dòng tương cuộn chảy, biết mình lúc đấy dẫu cho xây bờ đá, đúc đê đồng, cũng không hứng nổi, cũng chẳng ngăn xong.

 Nhưng vậy mà may thay! Trí không thình lình nháng tỏ, hình như giữa lúc trời đương vần vũ tối đen, mà một ánh điển sáng cùng trời đất vậy!

Ngô Bác Lã thoạt tiên nhớ rằng: “Ủa! Đứng nam nhi trong trời đất đã biết, chẳng tang bồng thì sao phải vẻ râu mày, thì có lẽ đâu cái thói bịn rịn nước nhà, dùng dằng thân tộc, sùi sụt bước đường của đám nữ nhi thường tình kia, lại chưa dứt hảng? Cái cơn bèo nước xưa nay vẫn cũng lẽ thường, mà bao nhiêu triết lý chứa ở não cân, lại chẳng thế chế kiềm bi lụy nữa sao?”

Nghĩ như thế rồi sắc mặt hết xàu, mới khoan thai đi dựa theo bô tàu, mà coi tàu ra biển. Lúc ấy ước chừng bảy điểm, trời chửa tối chi, máy quạt tàu xơm thành Mạc Xây (Marseille) càng lâu càng cách lần lần; giây phút trời đà thật tối, dưới tàu đèn điện rạng ngời, đoái lại Mạc Xây thì cón thấy có mấy cái vọng đăng khi lòa khi tối.

Hành khách kẻ thì vào tửu phòng mà dùng đồ khai vị, người thì dụm bảy vầy ba mà chuyện trò đon hỏi. Ngô Bác Lãm tuy là lấy gan hùng dằn trí, cho tránh đặng thói nữ nhi đó mà thôi; chớ xem trước nhắm sau thấy đều lạ hoắc, thì há phải cỏ cây chi mà chẳng buồn cho đặng; vậy anh ta bèn bước rảo ra sau lái tàu, có ý kiếm chỗ không người, đứng một mình mà suy nghĩ thế cuộc, chiêm nghiệm tình đời cho thỏa chí. Dè đâu vừa bước đến nơi, bèn thấy có một người đờn bà đang đứng dựa lan can mà ngó mông ra biển.

Người đờn bà ni vóc mình dong dảy mảnh mai, không cao không thấp; màu tóc hoe vàng, nước da trắng rỡ; tuy Ngô Bác Lãm không thấy mặt đặng, song nhắm hình dạng sau lưng thì cũng đủ biết rằng cô ni còn trẻ, lại coi đồ y phục, thì chắc là người ở Ba Ri (Paris) mà thôi. Từ hồi Ngô Bác Lãm thấy cô ni đến chừ, ước cũng đà trên năm phút; mà chửa thấy cô ta động địa, cứ đứng vững như trồng, chống hai cùi chỏ lên lan can, ngó sững ra ngoài, hình như đang thấy vật chi quái kỳ lắm vậy.

Ngô Bác Lãm bèn cố ý xem kỹ coi cô ta ngó giống chi cho biết, còn cô ta thì mắt chăm chỉ ngó trân, cũng không hay có người đứng cận bên mình, mà trộm dòm tình ý như thế. Nhờ vậy mà Ngô Bác Lãm mới bước đến đứng gần, rồi dòm theo hướng của cô nọ đang ngó sững nhìn ấy mà coi, thì thấy một lằn trắng bạc thẳng băng vẽ trên mặt biển đen sì, hình như một con rắn trắng rất to, cứ việc lội thẳng theo tàu mãi vậy; còn cận nơi lái, thì là sáng rỡ muôn vạn hột châu nó văng túa ra tứ hướng; lại dưới chơn mình thì nghe ầm ạp xôn xao tiếng sóng, hình như con thủy quái chi trong côn giận dữ mà quậy nước đập đuôi vậy. Tai mắt cô ta dường như đem cả tinh thần, mà chủ ý nơi các vật ấy hết.

Phải Ngô Bác Lãm là tay tầm thường thì chi cho khỏi nói rằng: “Bộ khi cô ni thuở nay chưa từng vượt biển, nên thấy lạ mà sững sờ như thế đó thôi”. Song vì Ngô Bác Lãm là tay rất thông thạo thế tình, biết cái con người hễ mỗi khi đem cả tinh thần tai mắt, mà rịt vào những vật tự nhiên, ấy là lúc trí khôn đang ở xa thân mình ngoài ngàn muôn dặm đó; tuy nhiên ngó đấy, nhìn đấy, nghe đấy, nhưng mà nào phải kiếm vật chi, tầm món chi, lóng tiếng chi nơi đó đâu; kỳ thật là chỉnh lấy đấy làm nề, để trụ cái tinh thần tai mắt vào chỗ chịu ni; ngỏ có đem cái trí khôn mà xeo vạch một hai vật quái gở chi ở chốn hang sâu vực thẳm nơi đường đời đó thôi!

Mới nghĩ đến đây, thoạt nghe tiếng chuông rao dậy, ấy là giờ ăn, làm cho cả hai đều thảy giựt mình dường thể chiêm bao mới tỉnh. Ngô Bác Lãm có ý ngại ngùng, sợ cô ni day lại thấy mình, thì ra lẽ mình nhắm lén xem trộm người ta; nên vội vàng quày bước, mà riết xuống phòng ăn; còn cô ni thì lại đi ngõ bên kia, nên cũng không gặp đặng Ngô Bác Lãm.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!