Đến phòng ăn Ngô Bác Lãm thấy thiên hạ đã ngồi chật hết ba bàn dài, duy bàn phía tả thì dọn có hai người mà thôi, song còn trống lỏng chửa thấy ai. Kế anh dọn bàn bước lại mời Ngô Bác Lãm và chỉ một chỗ nơi hai chỗ ấy. Ngô Bác Lãm vừa ngồi vừa nghĩ rằng: “Chỗ trống trước mặt ngang mình đây, chắc là chỗ để dành cho cô ấy chớ ai?”.
Phút chúc thấy cô nọ khoan thai bước vào phòng ăn thì tên dọn bàn đến tiếp, rồi dắt thẳng lại đấy; hai đàng thi lễ nhau theo phép. Trong phòng ăn đèn đuốc rạng ngời; chừ Ngô Bác Lãm mới thấy rõ cô ni thật là một tay tuyệt sắc, lưng thắt, ngực đầy, cổ tròn như đúc, xương không lú dạng mà gân chẳng thấy hình; mặt mày đề đạm phương phi, đôi mắt ngần trong, nét mày như vẽ; cặp má ửng hồng, lại núng núng đồng tiền nơi khóe miệng, lằn môi đỏ chói, mũi nhỏ mà thẳng trân; nước da ngần ngại trắng trong như màu ngọc thạch. Ví như cô ni mà chẳng nói không cười thì ắt có kẻ lầm với mấy cái tượng tốt tươi nơi các hàng y phục chớ chẳng không đâu?
Song chừng nhìn kỹ hồi lâu, thì thấy ngoài sự xinh đẹp ấy có một cái lưới sầu bí nó bao phủ; làm cho cái sắc lạnh lùng kia, trở ra nghiêm chánh oai nghi vô cùng, càng nhìn càng kỉnh, còn dòm xuống đến hai cổ tay, thì ngỡ rằng trong ấy không có chút xương nào cả vậy, mềm mại, dịu dàng không thế nói được.
Thật Ngô Bác Lãm là một tay đã khắp trải năm châu trên mặt địa cầu; đã biết đủ bốn loại da người trắng, vàng, đen, đỏ mà xưa nay chưa gặp ai nhan sắc dường ấy bao giờ; bởi vậy cho nên anh ta mê mẩn sững sờ. Còn cô kia thì cũng mắc suy nghĩ chi nữa đó, nên hai người từ lúc ngồi ăn đến chừ, không ai nói với ai một lời chi cả. Kế lấy tên dọn bàn bước lại đổi dĩa, làm cho cả hai đều tỉnh giấc huỳnh lương; thảy có ý nói thầm trong bụng rằng: “nãy giờ mình ngồi ăn in như hai con chó sành, chẳng nói chi một tiếng thật rất khó coi quá đỗi”.
Ngô Bác Lãm bèn vội lấy chai rượu rót vài giọt vào ly mình, rồi đưa qua ly cô nọ mà hỏi cách dịu dàng rằng:
– Bà dùng thứ rượu trắng chớ?
Cô ấy bèn mỉm cười mà nói:
– Quan nhơn thật rất phải thế, song xin chớ rót nhiều.
Ngô Bác Lãm rót rượu rồi lấy ve nước pha thêm vào ly cô nọ mà rằng:
– Các bà ở Ba Ri thật ít hay dùng rượu quá!
– Quan nhơn biết tôi là người Ba Ri sao?
– Các bà đi đến đâu, ai lại không biết. Ngó thoáng qua y phục, cử chỉ, thì không khi nào lầm được.
– Ấy là tại cặp mắt quan nhơn rất tinh đời đó thôi, chớ thiên hạ thiếu chi người lầm.
– Tôi đâu xứng lời bà nói đấy.
– Quan nhơn chớ nói vậy, tôi tuy nữ lưu mặc dầu, chớ lửa hoạn nạn nó đã trui rèn tôi lắm lúc, nên chi tôi cũng biết vật biết người chút ít đó mà.
Nói vậy rồi cười và hỏi thêm Ngô Bác Lãm rằng:
– Quan nhơn có phải là người Tàu chăng?
– Thưa không, tôi vốn là người ở xứ Nam kỳ.
– À, hèn gì phải, nãy giờ tôi lấy làm lạ sao chú Chệt nầy lại nói rõ tiếng Lang Sa như thế; còn mấy tay tôi gặp ở Ba Ri thì họ đớt đát quá chừng, nhiều người nói rõ chữ R không đặng.
– Người xứ tôi nói tiếng Lang Sa sửa là nhờ gần với Lang Sa hơn họ.
– Tôi nghe nói người Nam kỳ hoài mà tôi chưa đặng gặp, nay mới gặp quan nhơn đây là lần thứ nhứt đó; quan nhơn đi khi nhiều xứ lắm hả?
– Thưa phải, tôi đi cũng bộn.
– Thật trên đời chẳng chi khoái cho bằng đi xứ nầy sang xứ nọ, cho thấy đủ các phong tục nhơn tình trong thế giái đặng mà xem, mà xét, mà học, mà coi, mà độ, mà lượng cái sự thẳm thẳm sâu xa không ngăn không đáy, cái sự thinh thinh rộng lớn không bửng không bờ của cái nhơn tâm con người trên chốn địa cầu ni, là vật đáng hãi hùng kinh cụ lắm đó. Tôi tưởng chẳng có cái sự học chi là huyền diệu hơn sự ấy nữa. Vì kìa to như biển Thái Bình Dương tuy nằm trùm hết một góc ba mặt trái đất nầy, mà rộng người ta cũng rõ đặng là một trăm bảy mươi lăm triệu ngàn thuớc vuông, còn sâu người ta cũng biết đặng là chẳng quá chín ngàn bốn trăm hai mươi bảy thước; chí như cái lòng người thì u u minh minh, mờ mờ thẳm thẳm vô cùng, xưa nay nào ai dám phỏng rằng sâu cạn dường bao đâu nào.
– Thưa phải đó, tôi bình sanh chẳng thích chi hơn là sự cân gióng xét suy cái thế tình cho rõ các điều quái lạ của bà mới nói đây; nhưng vậy mà rủi thay. Một là vì trí rất thưa, hai là vì học còn siển cho nên càng xét càng mờ, càng suy càng tối; dò chừng nào thì càng thấy sâu chừng nấy, độ chừng nào lại càng thấy thẳm chừng nấy; bước tới bao nhiêu đường lại xa dài bấy nhiêu; không cùng không tột khi nào đặng cả.
– Quan nhơn khéo nói thì thôi; biết đặng nó không cùng, ấy là cùng; biết đặng nó không tột, ấy là tột đó. Duy có những kẻ không biết đặng nó là không cùng, không biết đặng nó là không tột; ấy mới thật là không tột không cùng cho chớ! Ví như ta gặp lúc sa mù, ta bèn ngó tới trước ta ít bước, thì ta ngỡ rằng có vật chi trắng trắng nó cản bít đường ta chớ chẳng không; song hễ bước tới chừng nào thì vật trắng ấy càng dời xa chừng nấy; vậy ta mới biết rằng vật trắng ấy là không tột không cùng đó. Mà hễ ta biết, ta hiểu rằng nó thật không tột không cùng, tới chừng nào thấy nó xa chừng nấy; thì ấy quả là ta rõ ta thấu cái lẽ nó cùng tột rồi đấy chớ gì. Phải ta chẳng rõ nó cho cùng cho tột như thế; thì ta ắt nói rằng đi ít bước sẽ cùng đường, sẽ tột đường mà thôi. Bởi vậy cho nên biết chẳng cùng chẳng tột, ấy là cùng là tột; còn chẳng biết chẳng cùng chẳng tột, ấy là chẳng tột chẳng cùng. Lời ấy quan nhơn xét coi có phải lý chăng?
Khi Ngô Bác Lãm nghe mấy lời ni thì bắt sững sờ, không dè trên cõi trần hườn mà có đặng đờn bà lạ lùng như thế, đã sắc lại tài gồm đủ cả hai; làm cho anh ta mười phần kính trọng, bèn vội vã thưa rằng:
– Thật lời bà nói đấy nghĩa lý rất sâu xa; chẳng khác chi bà vạch mây móc cho tôi đặng thấy trời xanh, bè vén chông gai cho tôi tìm đường cả vậy.
– Những lời tôi nói ấy chẳng phải là lạ chi, chẳng phải là khó chi, quan nhơn đà chán biết, lựa phải trốn tránh mà làm gì. Tôi vẫn coi người không sái, xem cử chỉ của quan nhơn thì tôi đà sớm rõ là chẳng phải người thường cho nên nãy giờ tôi mới tìm lời mắc mỏ mà ghẹo quan nhơn dường thế; chớ quan nhơn tưởng rằng gặp ai tôi cũng nói chuyện cách ấy hết sao?
Cả tôi biết được, hiểu được chút ít đây là tại nơi cái kiếp gặp gỡ của tôi trong vòng trần cấu nầy đó mà thôi. Thường cái con người nếu từ thơ ấu cho đến lớn khôn, mà cừ ở trong vòng phước mãi, thì người ấy chẳng những là chẳng hiểu cái họa là gì mà thôi, mà lại chẳng biết phước là sao nữa chớ?
Ấy chăng khác chi mình cứ ăn no mặc ấm luôn, thì chẳng những là mình chẳng biết sự đói lạnh nó ra thể nào mà thôi, mà mình lại chẳng hiểu cái sự khoái của cái ấm nó là sao nữa cà? Chớ chi như mình có một lần đói lạnh, rồi nhớ lại lúc ấm no kia, mới hay rằng lúc ấy mình thật khoái vô cùng đó! Vì thế cho nên mỗi khi cái phước nó qua rồi, thì mình ngó ngoái lại mới thấy nó rõ ràng cho.
Ấy cũng là lẽ tự nhiên như thế, bất kể vật chi trên đời nầy, hễ mình biết nó lớn, là tại có cái nhỏ hơn cho mình so sánh; hễ mình biết đặng nó tốt, là tại có cái xấu hơn, hễ mình biết đặng nó dài là tại có cái cụt hơn; hễ mình biết đặng nó rộng là tại có cái hẹp hơn vân vân … Chớ như không nhỏ thì bao giờ biết lớn, không xấu bao giờ biết tốt, không cụt bao giờ biết dài, không hẹp bao giờ biết rộng.