Hồi thứ mười sáu

Nói về Ca My thì từ tàu vừa mở đỏi, đã xuống phòng mà sắp đặt trắp rương, có trót nửa giờ mới xong xuôi mọi việc. Đến khi trở lên sân đặng kiếm cậu ta, thì thấy đang đứng sững như trồng mà nghĩ suy chi đó, rồi lại vác mặt cười trời. Vậy cổ bèn bước đứng một bên mà chẳng động khua chi cả, để cho anh ta cười rồi ngó xuống mới gặp mà thôi, thì cổ mới cười mà hỏi rằng:

– Chuyện chàng đương có nghĩ suy thế khi hay lắm, song chẳng biết thiếp có được nghe chăng há?

Ngô Bác Lãm cũng cười mà rằng:

– Có chuyện chi mà mình chẳng đặng nghe bao giờ.

Rồi bèn thuật hết đầu đuôi những chỗ kỳ lạ của anh ta vừa mới nghĩ suy rồi đó; thì cô nọ bèn than rằng:

– Chớ chi con người đều có nghĩ suy như thế, thì đời đâu có khốn nạn cho đến dường ni. Ai trong bụng mẹ nhảy ra, lại chẳng nắm hai cái tay không, mình trần thân trọi; cớ sao lấy của đời mà ăn mà mặc cho to vóc lớn thây, qua trộng trộng chừng năm bảy tuổi chi, thì đã khỉ sanh ra cái tham tâm, mà biết gọi của mầy của tao tở mở, lần lần tuổi lớn bao nhiêu, thì cái tham tâm nó càng to lớn bấy nhiêu.

Khốn thay! Làm người sao không biết hỏi lấy mình: Vậy chớ của ở đâu mà dám gọi của tao như thế? Dẫn cho nói rằng của ấy cha tao để lại; sao mà chẳng hỏi thêm rằng: Vậy chớ của ấy ở đâu mà cha tao có đó? Ví rằng cha tao có ấy là của ông tao, thì vậy chớ của đâu mà ông tao có đó? Cứ vậy hỏi dần lên mãi, thì dầu cho chẳng phải cha mình; ắt cũng ông mình; mà cho chẳng phải ông cha mình đi nữa, thì cũng ông cha của ông cha mình chi chi đất đã trữ đã tích, đã góp đã thâu của đời lại đó chớ ai. Vậy nếu tra ra, ắt quả của đời tích trữ, sao mà còn dám gọi của tao?

Vả lại của tao sau khi tao chết tao chẳng ôm theo tao bỏ lại chi đó hử?

Chàng nghĩ đấy coi thiên hạ trên đời như thế, cho nên mới ghét đời, mà luống dốc lánh đời cho rảnh, há chẳng phải sao?

Ngô Bác Lãm cãi rằng:

– Không đâu, tôi đã có nói với mình ngày trước rằng đời tuy vậy đó, song chẳng nên ghét tránh chút nào; chỉnh phải thấy đời như thế mà thương xót lấy đời, lo lắng cho đời kẻo mà tội nghiệp. Vả lại bất câu là vật chi của tạo hóa sanh ra, thì thảy đều hữu ích, chớ nào có sanh chi vô ích bao giờ.

Bởi vậy phải tầm coi chớ cái tham tâm nó có ích chi chăng đó, mà hóa công sanh để trong lòng người? Chẳng lẽ trời đâu có ác đi nỡ sanh cho đâm chém nhau chơi. Vậy phải hiểu rằng con người nếu như chẳng có cái sự tham ni, thì cả địa cầu ắt phải vắng tanh lạnh ngắt; không tấn bộ, không văn minh, không học xa, không thấy rộng chi chi cả thảy; vì có ai tham mống việc gì, có ai tranh cạnh điều chi, mà nong nả, mà lo toan, mà nhảy bay, mà học kiếm; thì loài người ngày nay ắt phải còn như loại thú cầm đó thôi, chớ có khác chi cho đặng.

Nhưng vậy mà trong đời hễ vật chi mà có sấp, thì âu có ngửa, vật chi hễ có lợi thì ắt có hại kềm cập theo luôn. Vì thế cho nên trong sự hữu ích của cái tham tâm, nó mới hóa sanh ra điều khốn hại.

Vả lại việc chi trên đời cũng đều quí tại cái chữ thích trung cả thảy; bất cập ắt không rồi, thái quá thì phải khốn; kìa như cơm như gạo là món nuôi mình, chẳng nó thì mình đâu sống đặng, mà cũng là phải lấy thích trung, ăn ít ắt không khỏi đói, ăn nhiều lại phát ách lên; huống chi một cái tham tâm mà chẳng giữ bực thích trung, để cho nó tung hoành tự ý, thì bảo sao đừng khốn cho đời.

Ấy vậy sự thái quá đây nào phải tại nơi tạo hóa sanh ra thiếu mực thiếu lường mà con người chẳng biết lấy đâu cân độ, nên mới lầm lũi không dè sự quá ấy sao? Thật là chẳng phải. Tạo hóa sanh đâu đều có chỗ lượng chỗ đo cho mình sẵn cả, tại mình ham hố mê say quá lẽ, mà quên sự coi chừng đi chớ?

Như cơm thì cái bao tử lớn rộng bao nhiêu đã có sẵn rồi, hễ ăn vừa cứng vừa đầy ắt mình phải có hay liền, song lắm khi gặp đồ ngon miệng, mà mảng mắc mê ăn lầm lũi nuốt hoài, nên mới ra điều thái quá.

Còn tham thì trời đã sắm sanh có cái lương tâm để mà cân gióng cho biết chừng, mỗi khi hễ mình làm quá bực trung, thì mình ắt cũng hay liền đó chớ. Song cũng lắm khi vì quá chừng mê của mà quên mức quên chừng, ngon dầm lầm lũi cứ tấn tới, ấy mới ra điều thái quá.

Vậy đứng Hóa công nay đã hậu mình mà sanh ra cho thấy biết đặng rộng đặng xa một tí, thì há đành chẳng kiếm chước chi mà nhắc nhở chừng chừng thiên hạ, để đi khoanh tay ngó lảng ai khốn mặc ai, cũng như thấy kẻ ham ăn biết chút nữa nó đâu khỏi sự quá no mà ra phát ách, lại đành làm lảng mà rằng: “Cái thứ mê ăn để cho bỏ ghét”. Dường ấy há chẳng ác vạy?

Ấy vậy chừ mình rõ biết, hễ đời chẳng tham tâm, thì đời không nong nả; còn đời tham tâm quá thời đời lại gươm đao, nên mình phải tầm phương chi, lo kế chi, tính lẽ chi, mà nhắc nhở, mà gọi kêu cho đời ở thừa bực trung trong cái sự tham mãi mãi; đừng sụt đừng trồi, đừng không mà đừng quá, như thế mới phải phận người thấy biết đấy cho.

Tôi nhớ lại thuở tôi tuổi mười sáu, nơi xứ tôi tại chỗ xóm tôi, trước mặt có một dãy nhà sàn, cất dài theo một mé ngọn sông kia;

Nơi các nhà ấy thì bán những đỏi, những gai, những chèo những lá vân vân … Ngày kia vừa lối đâu ba giờ sáng, nghe tiếng người la ó om sòm; tôi bèn thức giấc chạy tuốt ra coi động tịnh điều chi cho biết; thì thấy chung quanh một cái sàn kia, đèn đuốc rạng ngời người ta chật cứng, lớp thì đứng trên bờ cầm súng lườm lườm, người thì lội xuống nước cầm chĩa cầm dao mà ruồng mà thọc; còn mấy tay leo đứng trên sàn, thì cũng chẳng ở không chi đó; người thì vạch kẹt ván xeo kẽ sàn, dòm xuống nước mà kiếm mà tầm, kẻ thì tay cầm đèn tay xách giáo mà thọt mà xom.

Vừa mới thấy qua thì tôi ngỡ là một con thủy quái chi chi đến đây phá xóm hại làng, chừ bị chúng bao vây mà kiếm giết. Chẳng dè đến khi hỏi rõ, thì mới hay rằng: Những bao nhiêu người hầm hầm như cọp đói mất mồi, những bao nhiêu súng, bao nhiêu chĩa, bao nhiêu giáo, bao nhiêu côn đều hờm mà bắn, mà đâm, mà lụi, mà đánh cũng một cái con người như ta đây vậy; cũng tai, cũng mắt, cũng thịt, cũng da; cũng một giống, một dòng một loài, một chủng như nhau; song vì người ấy thiếu nghèo, người ấy chẳng phước mà sanh ra nơi nhà cha có lúa muôn, ông dư bạc vạn; người ấy trí hóa cũng chẳng sâu xa mà bày kế nhiệm, lập mưu cao, đặt bẫy hay, đào hầm khéo, mà gạt, mà nhử, mà dối, mà lừa, làm cho tiền trong tủ chúng bay đến tủ mình; lúa trong vựa chúng tuôn đến vựa mình; trâu trong chuồng chúng chạy đến chuồng mình vân vân … mà chẳng ai thấy chẳng ai dè, chẳng ai biết cả thảy; cho đến cái chủ điền, chủ lúa, chủ trâu ấy hay mất mà chẳng biết mất đâu nữa kìa.

Vì người ấy thiếu bao nhiêu điều ấy, nên người ấy quê, người ấy vụng, người ấy đợi lúc cho chúng ngủ mê, sẽ lén hồi hộp phập phồng bò vào một cái nhà sàn kia mà tính trộm một đôi vật chi cho có giá mai hầu đem bán mà mặc mà ăn, cho no cho kín cái thân xác thịt; chẳng dè rủi làm khua động, chủ nhà thức giấc la lên, bèn quính quíu đâm đầu xuống nước tầm chỗ lánh thân, nên thiên hạ mới bao vây mà làm ra đến đỗi.

Lúc tôi thấy vậy thì ngán ngẫm cho đời; đã biết tuy thật của đời chớ chẳng phải của ai, nhưng đã có người chịu nhọc ra công tích tụ, mà mình đi rình mò lén trộm, thì là tội đó chớ nào không. Nhưng mà sánh lại những tay tham vụng tham khờ như thế, tham không đủ gọi tham; vì sự no lòng ấm cật châu cấp thê nhi, là điều cần kíp của người, thiếu đâu có đặng; với những thằng tham khéo tham quyệt như kia, tham sao những ăn những mặc thì gia quyến đà phủ phủ phê phê mà còn thâu thâu góp góp, thì ai là tội nặng hơn ai?

Cớ sao kẻ tham chưa đủ gọi tham, lại bị chúng coi như trùn như dế; cả xóm đều muốn giết muốn đâm, muốn dầm muốn xắt. Còn các bợm túi tham không đáy, tội nặng xấp ngàn, tham hung tham ác, tham độc tham sâu; tham cho đến tiền kia bởi ràng ràng dấu máu, lúa nọ còn ướt rược giòng châu của cả họ cả nhà người khác, mà lắm khi được kẻ yêu người vì, kẻ thưa người bẩm; lắm khi lại được đốc suất chủ trương những cuộc ví xom đứa tham ngu tham dại kia, ấy mới là kỳ cho chớ?

Vậy mình phải hiểu tuy người lầm lạc mà thưởng phạt bất minh như thế, chớ lưới trời mấy thuở lọt qua? Dẫu ai cho có trí cao tài giỏi thế nào, mà ẩn ác của mình cho khắp cả loài người đi nữa, thì đất trời đà dành để sẵn cái hình phạt cho luôn, chạy đâu khỏi đặng.

Nhưng mà Tạo hóa thật là cũng ngộ, biết cái thằng nó làm ác khéo, thì người dùng hình phạt khéo mà hành tội lại luôn. Vậy nên hình phạt ấy, nếu chẳng xét suy cho đáo để, thì chẳng hề thấy đặng bao giờ. Vì thế cho nên lúc tuổi trẻ tôi mới ngỡ là không ai trách phạt, mà than rằng đời chẳng công bình đó.

Bởi ấy cho nên làm người một cứ xét lo lấy phận mình, hai cứ kêu giúp bạn tác và lo lắng cho ích đời mà thôi; còn tội ai đừng thèm lo đến, cao dày chẳng lẽ điềm nhiên đâu mà phòng sợ.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!