Qua bữa sau hai người thức dậy thay đổi y phục xong xuôi, đang lúc uống trà cô nọ mới giở chuyện mình ra mà nói như vầy:
– Thiếp từ nhỏ chưa hề biết đặng cha thiếp là ai; nguyên mẹ thiếp xưa kia vẫn là con hát, đẻ ra hai gái, con em thiếp nhỏ hơn ba tuổi gọi là Ga Ly (Gabrielle, song thường tiếng kêu nựng hay gọi là Gaby). Thiếp mới mười hai thì mẹ thiếp đã dạy lần việc nhạc việc ca; qua mười lăm tuổi thiếp thi vào ca nhạc viện; đến năm mười chín thiếp lại thi ra, thì thiếp lại được đậu đầu năm ấy; thiếp lấy làm sang trọng vô cùng, đi đến đâu cũng kẻ ngợi người khen; cuối năm mười chín tuổi thiếp mới vào đứng rạp lần đầu tại Bọt Đô (Bordeaux). Hát đặng hai năm danh thiếp đã nổi rền các xứ, thành Bi Sĩ (Bruxelles) mới rước thiếp mỗi tháng ba ngàn.
Lúc ni thiếp đà có trí biết suy biết xét việc đời, thiếp thấy những bạn đồng nghề với thiếp nhiều người lúc xuân xanh thì danh tiếng tợ cồn, của tiền hủy phá, nay chồng nầy mai chồng nọ, ngựa xe đưa rước rần rần; đến chừng tuổi lớn tài suy thì thiếu nghèo khốn cực vô cùng; chẳng ai còn ngó đến thân, khi no khi đói. Bởi vậy cho nên thiếp cần kiệm từ đồng, có ý thâu trữ ít chục muôn quan, rồi kiếm người tử tế mà gởi phận trao thân, bỏ nghề ca xướng, lo việc gia thất như con nhà trâm anh gia thế kia vậy. Song rủi thay thiếp có một con em một mẹ rất kỳ, cho lời thiếp tính đấy là dại là điên.
Thiếp còn nhớ lời mẹ thiếp mắng thiếp như vầy luôn: “Ớ con ngu dại kia, ai sanh đẻ mầy ra, ai hiểu ai biết rằng cái tiếng mầy ngày nay làm đặng tiền ngàn bạc muôn như thế; ai chịu nhọc nhằn tập luyện cho mầy, mới mười lăm tuổi đã vào ca nhạc viện; ai tốn hao cho mầy học đặng thành tài. Chừ mầy lại muốn vong ân bạc nghĩa; thấy tao tuổi đã yếu già, không làm chi cho té ra xu nhỏ, mi lại chẳng muốn cho tao nhờ đặng ít năm, chơi bời cho thỏa chí già. Mi rị mọ coi tiền rất lớn, lại còn bắt chước thiên hạ mà muốn chồng muốn con với muốn làm trâu ngựa cho đám đờn ông; chớ chẳng chịu thong thả tự do cho lũ ấy nó phải lạy, phải quì, phải bưng, phải đội.
Thiếu chi công hầu bá tử, nó vác tiền muôn đến mà dưng, mà khẩn, mà ép mà nài cho ăn; mi lại làm mặt ngu, bắt chước theo đồ không hiểu thời thế mà làm thói trung trinh. Tao hỏi mi cái trinh của mi đấy nó có ích cho mi về việc gì; mi đói nó có làm cho mi no đặng sao? Mi rách nó có làm cho mi lành đặng sao? Chẳng qua là những lũ hình dáng như chúa ôn không ai ngó tới, nên nó mới bày đặt kiếm điều nói cho đỡ xấu là tring là bạch là vầy là kia, rồi cái sắp dại như mi mới tưởng vậy là vinh mà chước cho thiệt thân cho hư kiếp; chớ thứ quân đó mà nó gặp đặng một người trong mấy mươi người họ muốn họ thường mầy đó, coi nó có lạy mà theo không!
Mi tưởng có chồng có con khí là ngộ lắm há! Phải ngộ thì bọn có chồng nó còn nay trai nầy, mai trai nọ mà chi cho đâm, cho chém, cho bắn, cho giết nhau, ngày nào lại chẳng có trong nhựt trình; mi có thấy không? Con người ta ở đời cái tự do là cái sướng, tội chi lại lấy dây mà buộc mà trói vào mình.
Vì vậy cho nên thiếp chẳng còn tính việc chồng con chi nữa, mà của tiền cũng không dành để đặng đồng nào. Mẹ thiếp xài tiền như nước, mỗi tháng ba ngàn mà hụt trước thiếu sau; ấy là chẳng kể hoặc khi thì một đôi ngàn quan, khi thì nhẫn, khi thì vàng, khi thì xoàn, khi thì vật nọ món kia; của mấy tay sang trọng họ thưởng, họ cho riêng thiếp nữa, thì mẹ thiếp với em thiếp cũng bán cũng cầm mà xài ráo.
Mẹ thiếp nay mời ông nầy đên ăn, mai mời cậu khác đến đãi; thiếp lấy làm tức tối vô cùng. Mẹ thiếp ép thiếp phải nói phải cười vui vẻ với họ. Thiếp biết làm người không lẽ ngỗ nghịch với mẹ cha, nên thiếp ngậm đắng nuốt cay mà chịu mấy năm trời.
Đến chừng thiếp được hai mươi bốn tuổi, thiếp mới nghĩ rằng: “Tuy con người chẳng nên chống trả với mẹ cha, song nếu mẹ cha có lỗi thì phận làm con ắt phải gián can cho hết lẽ”. Vậy ngày kia thiếp mới nói với mẹ thiếp rằng: “Con người ta ở đời có chi trọng bằng danh thơm tiếng tốt; vì danh tiếng muôn đời không mục, còn thịt xương thì một kiếp đã tiêu tan.
Bởi ấy cho nên người xưa thường đem mạng sống mà đổi lấy cái danh. Vậy danh ấy phải có phe đức, phe tài hiệp lại, mới trọn thửa danh; chớ ví như tài có phi thường đi nữa, mà đức chẳng ra gì, thì danh ấy cũng chưa toàn đặng đó. Chớ khá sánh chi với kẻ đã chồng con mà không trau danh giá, vì trong xã hội đây nhơn phẩm nào cũng có phải có tốt có quấy có bậy luôn; lựa phải lựa tốt mà theo, chớ ai đi đếm kể rằng bực nào phầm nào mà chi cho vô ích. Vả lại cái nghề của con đây, thì tài cũng lắm người, chớ đức thưa kẻ đặng; họa là trong số muôn ngàn mới có một hai chăng?
Bởi ấy cho nên con đi tới đâu, thì trước hết phải làm quen lớn với bọn đờn ông, chớ đờn bà con gái nhà sang có ai thân thích đâu nào; vì cái tiếng ca nhi thường hay kém bề đức hạnh luôn, cho nên ai mà chẳng tránh; đến chừng một ít tháng sau họ rõ nết na cử chỉ con rồi những nhà lễ nghĩa thế gia, họ mới thỉnh mời tở mở, ấy há chẳng sang sao? Chớ mẹ muốn chi cho đầy mình châu ngọc, mà đi đến đâu thì kẻ lánh người e, coi con như ôn dịch, thì bạc vàng châu ngọc ấy mà chi. Mẹ có thấy xưa nay con hát nào mà kết chị em với các người sang trọng tước quờn như con vậy sao? Họ chỉ có làm cái đồ chơi cho các ông sang trọng ấy mà thôi chớ!”
Mẹ tôi nghe vậy lại càng ghét giận tôi hơn nữa; song từ ấy bả hết lấy lời kỳ quái như trước mà rầy la thiếp nữa.