Hồi thứ mười bốn

Nói rồi lưỡng lụy giao lưu. Ngô Bác Lãm mới ôm vào lòng mà chùi nước mắt và dỗ rằng:

– Trong lời mình đọc nãy giờ đây thì tôi có thấy chỗ nào là bại đức, chỗ nào là chẳng trinh của mình là đâu có. Duy tôi thấy đức mình càng tỏ tiết mình càng cao mà thôi. Chỉnh tại nơi mình gắt gao với mình quá lắm nên mình sai hiểu đó mà. Thường mỗi vật chi trên đời, hễ có mặt thì âu có trái; sự chi trên đời hễ có quấy thì âu có phải luôn. Nhưng vậy mà cái quấy cái phải cái trái cái mặt nhiều khi nhằm cuộc biến mà nó làm cho con người phải coi sai phải nhìn lộn xưa nay kể biết bao nhiêu. Bởi vậy cho nên sự ông Hoàng kia tự tử đó, thì có động chi đến cái đức của mình sao mà mình lại gọi là bại đức.

Nếu xử đoán cho công bình, thì sự chết ấy ổng lỗi với mình lắm chớ, lỗi vì ổng tính quấy tưởng lắm. Vả chăng nghi một điều chi chẳng trúng há chẳng tổn đức mình sao, huống chi là ổng tin quyết tưởng thật chớ chẳng phải nghi ngờ, cho nên mới đành liều mạng sống như thế, thì há chẳng phải là điều bại đức của ổng đó sao? Còn cái sự chết ấy là bởi sự sai lầm nó giết ổng, sự bại đức nó hại ổng chớ mình có dính dấp vào đâu, mà phòng luống trách mình cho mệt. Hễ mình trách mình chừng nào thì tội ổng càng nặng chừng nấy làm cho mình mang tiếng chẳng rộng với kẻ qua đời, ấy là lỗi đó. Cho nên từ đây hãy tha tội sai lầm cho ông nọ mà quên bỏ cái việc ấy đi, chẳng nên nói nữa.

Còn cái chữ trinh thì cũng vị tất là hễ hoa con gái còn nguyên mới gọi là người tiết phụ. Bởi cuộc đời nó thiệt thiệt hư hư không chừng không đỗi, khi biến khi thường, chẳng nên lấy một mực hoài mà cân mà gióng. Tướng thua cũng vị tất là dở, tướng thắng cũng vị tất là hay; kẻ vong bản cũng vị tất là dã man, người chiếm được nước cũng chắc chi là văn hiến. Như quân Hung Nô đánh rốc cõi Âu châu, ai có gọi tướng Ất Ty La là trí (Attila, người Đông Á dẫn binh đánh phái cõi Âu châu mười một năm trời, từ năm 442 đến 453); như tỉnh Lo Ranh An Sát (tỉnh Alsace và Loraine Pháp thất là năm 1871) thất rồi ai có gọi binh Pháp là dở. Cũng như mình tuy phải bị người cưỡng bức, thì đâu đến nỗi gây ra cuộc ấy. Cho nên sự cưỡng bức ni là cớ tích của sự tiết trinh chớ có lạ chi. Cũng như kẻ ra trận mà gãy chơn, bị thương mà cụt cẳng, thì ấy là cớ tích của lòng can đảm; ai thấy đó mà dám khi dám nhạo hay sao?

Chớ phải như mình thinh không mà làm cho nhụy rữa huê tàn; cũng như kẻ chẳng trận mạc chi, vì tham vặt cho chúng xả tay chặt cẳng; thì ấy là cớ tích của cái đại tội mình làm, như thế mới đáng khi đáng ngạo cho chớ. Vậy cái sự mất hoa con gái ấy là một cái cớ tích mà thôi, cớ tích ấy hoặc khen hoặc chê tùy việc; cũng như thấy người kia có thẹo thì chỉnh biết rằng thẹo ấy là vì có bị thương mà thôi, chớ bị thương mà đáng khen ngợi hay đáng chê bai đều tùy theo việc.

Ví như nay có một đứa con gái kia thật chưa ai rớ đến, sonh bình nhựt nó cũng thường chuyện vãn với trai, thường thơ từ với chúng, thường mống vọng dâm ô; nhưng mà vì cha mẹ giữ chăn từ tí, kín cổng cao tường, màn che sáo phủ, làm cho cạn dứt đường lá thắm chim xanh; cô ta mới không có dịp mà thất thân, chưa có dèo mà làm quấy; thì sự ấy còn nguyên với sự chẳng nguyên của mình đây cái nào là quí?

Cũng như một chiếc tàu giấy với một chiếc thuyền cây kia; thuyền cây mà có nước là vì nằm trên mặt nước đã mấy mươi năm, bị chở bị chuyên đã lắm lúc; còn tàu giấy lại khô rang là bởi ở trong nhà kho lồng kiếng chưa hề xuống nước bào giờ. Chớ chi đem tàu giấy nầy mà thay chỗ thuyền cây; thì trong giây phút đã rã tan hình vóc, có đâu chịu nổi mấy mươi năm.

Như thế làm người há lấy sự khô của tàu giấy mà sánh với sự ướt của thuyền cây, rồi nói thuyền cây không bằng tàu giấy hay không?

Cô Ca My nghe vậy thì cảm tạ Ngô Bác Lãm chẳng cùng mà rằng:

– Thật chàng đã nên rộng lượng thiếp rất cảm tình, chớ thiên hạ mấy ai đặng vậy đâu nào?

Ngô Bác Lãm liền rằng:

– Làm con người đứng trong trời đất, hơi đâu đi sợ thiên hạ cho nhọc lòng, miễn là mình cứ phải mà làm thì thôi chớ. Ví như khi kia gặp người gần chết đuối, bèn sợ rằng: “nếu ta nhảy vớt người nầy thì chi cho khỏi áo quần phải ướt, ắt lát nữa đi ngang qua chợ, thiên hạ họ thấy họ cười”. Nghĩ như thế rồi đành đứng khoanh tay mà coi người ta chết hay sao? Hay là nhảy vớt tức thì, rồi lát nữa qua chợ, cái phường giá áo túi cơm, cái quân dã man ngu xuẩn nó có cười nhạo chi chi đi nữa, thì vinh mặt ngó ngang mà thầm nói trong bụng rằng: “Bây là đồ khốn biết chi đó mà phòng cười”. Dường ấy há chẳng khoái vậy?

Viết một bình luận

error: Content is protected !!