Hồi thứ mười bảy

Cô Ca My nghe vậy thì cười mà rằng:

– Chàng luận thật không ai bác bẻ đặng bao giờ, nhưng mà trong đời tôi e cũng còn chỗ thiếu sự công bình chớ chẳng không đâu. Ví như ai cũng là người như nhau, cũng chịu sanh nơi cha mẹ, rồi cũng tiêu tán ra bụi tro cả thảy; cớ sao lại có kẻ tớ kẻ thầy, kẻ tôi kẻ chủ; dẫu cho thầy cho tớ, cho chủ cho tôi chi thảy cũng là người, cớ sao người tớ người tôi lại phải sợ người thầy người chủ; còn người thầy người chủ lại được phạt được rầy người tớ người tôi dường ấy thì công bình đâu đặng. Có phải là bởi bạc tiền mà nó hiếp một lẽ công đó chăng?

Ngô Bác Lãm bèn vội đáp rằng:

– Không đâu, nếu mình nghĩ như thế ấy, thì càng sai siển muôn phần. Cái tiếng tớ tiếng thầy, tiếng tôi tiếng chủ, ấy là của con người bày ra mà kêu gọi cho biệt phân đó thôi; chớ trong đời ai lại không phận sự hay sao? Tuy nói rằng tớ làm mọi thầy, tôi làm mọi chủ; chớ thầy há chẳng làm mọi tớ mà chủ há chẳng làm mọi tôi hay sao?

Cái chỗ tớ tôi mà kêu là làm mọi cho chủ thầy, nghĩa là hoặc quét nhà quét cửa, chùi ghế lau bàn, chải quần chải áo, giặt vớ đánh giày, dọn ăn bưng rượu vân vân … những công việc ấy thì ai ai cũng đà chán rõ. Còn như chủ thầy mà chạy ăn chạy mặc, sắm chiếu sắm giường, sắm tiền sẵn mà trả cho mỗi tháng mỗi năm ấy há chẳng phải là làm mọi cho tôi cho tớ đó sao?

Chủ thầy thì khỏi quét mà có nhà sạch, khỏi lau mà có ghế sạch; khỏi chải mà có đồ sạch; khỏi giặt mà có vớ sạch, khỏi đánh mà có giày sạch vân vân. Còn tớ tôi thì lại khỏi lo mà có cơm sẵn; khỏi tính mà có tiền sẵn; khỏi mua mà có áo sẵn, khỏi mướn mà có nhà sẵn vân vân … Vậy thì hai cái khấu trừ lại ai lại thiếu ai, ai lại làm mọi cho ai. Chỉnh có đổi nhau trong việc làm mà thôi chớ.

Còn nói rằng sao tớ phải sợ chủ, chủ được rầy tớ, thì ấy chẳng qua là tại một đàng xong bổn phận, còn một đàng chẳng xong bổn phận chớ có gì đâu. Thường người chẳng xong bổn phận mà thấy kẻ xong rồi bổn phận thì phải sợ luôn, còn người xong bổn phận thấy người chẳng xong bổn phận, thì phải giận mà rầy la luôn.

Bổn phận của chủ là sắm chỗ ở, sắm cơm ăn, sắm áo quần mặc, sắm tiền bạc trả vân vân …, mà chủ thường làm đủ bổn phận luôn; còn phận tớ là quét, chùi, lau, dọn vân vân …,  mà nếu hoặc quét không xong, chùi không sạch, dọn không rồi, thì há gọi rằng làm đủ bổn phận hay sao. Ấy vậy hễ chẳng làm đủ bổn phận ắt phải gục mặt mà chịu rầy chớ nói chi nữa đặng.

Ví như nay chủ chạy chẳng đủ cơm cho tớ ăn, chẳng mua đủ áo quần cho tớ mặc, chẳng kiếm đủ bạc tiền trả cho tớ xài, thì ấy là chủ không rồi phận sự đó; như thế tớ cũng rầy la chủ được mà chủ cũng gục đầu chịu vậy chớ có nói chi.

Cho nên sự được quyền rầy la ấy là tại người ta xong rồi phận sự, còn người ta bị la dứt ấy là bởi không rồi phận sự, chớ nào phải tại chữ chủ chữ tớ chi chi cả thảy.

Ví dụ như khi kia mình nói với kẻ nọ rằng: “Thôi anh để tôi vác lúa cho anh, rồi anh xay gạo cho tôi. Hai đàng ừ chịu bèn đổi công việc nhau mà làm; đến chừng mình vác lúa xong xuôi, thấy thằng nọ không lo xay gạo, thì có phải là tức chăng? Có phải là đáng rầy chăng?”

Vậy trong đời mỗi mỗi đều cân gióng thừa trừ rất kỹ, việc chi cũng thảy có công bình; chẳng nên than đất chẳng khá trách trời mà mang lỗi nặng. Chỗ nào mình ngỡ rằng Tạo hóa bất công ấy nghĩa là vì mình còn chưa thấu xét; chớ trời chẳng binh ai mà chẳng bỏ ai bao giờ. Chỉnh phải lo cho xong rồi phận sự, thì hay hơn đi so sánh vầy kia mà oán vọng quơ quàng.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!