Hồi thứ mười

Khi kiếm đặng nhà rồi, lên tới từng thứ bốn thấy trước cửa kia có gắn một lá thiệp đề là Ca My Lu Xuất (Camille Lucius) thì Ngô Bác Lãm chắc đã phải đây rồi, bèn nhận chuông nơi cửa mà kêu. Tức thì một con tớ gái, tuổi mới đôi mươi, chạy ra mở cửa.

Khi thấy Ngô Bác Lãm thì sững sờ, có ý lấy làm lạ sao lại có chú Chệt đến đây; bèn ngó Ngô Bác Lãm từ trên đầu xuống tới dưới chơn, mới biết là chẳng phải sắp Chệt hèn như cái lũ đi xin ngoài thành thị vì Ngô Bác Lãm ăn mặc đoan trang, găng trắng, mão cao, thể thống hẳn hòi; chửng cô ta mới cúi đầu chào mà rằng:

– Ông muốn đến ra mắt bà tôi sao?

Ngô Bác Lãm đáp rằng:

– Phải, có bà ở nhà chăng?

– Ngày nay không phải ngày bà tôi ra khách, xin ông để thứ năm sẽ lại.

Ngô Bác Lãm chẳng phải tay tầm thường, thấy khó mà chịu trở lui; vậy anh ta bèn móc túi lấy một đồng vàng đưa cho con nọ, rồi trao lá thiệp mình mà rằng:

– Xin cô làm ơn đem lá thiệp tôi đây đến cho tạn mặt bà, có lẽ khi tuy chẳng phải là ngày bà ra khách thì mặc dầu song bà cũng cho tôi gặp mặt chớ chẳng không.

Con nọ nghe vậy thì làm thinh suy nghĩ rồi nói rằng:

– Ông ở đâu mới đến hay là ở đây?

– Tôi ở Ba Ri đến đây tìm bà có việc cần, mai nầy tôi phải trở về, không thể ở đợi đến thứ năm đặng đâu.

– Như vậy thì tôi cũng hết lòng với ông, chớ tôi chắc không thể nào đặng, mà khí tôi cũng không khỏi bị rầy nữa. Thôi ông ngồi nơi phòng khách đây mà đợi.

Nói rồi thì tránh cho Ngô Bác Lãm bước vào, khép cửa lại xong xuôi đoạn mới cầm lá thiệp mà vào trong. Chưa đầy năm phút Ngô Bác Lãm nghe tia61ng xào xào dường như có kẻ mặc đồ tơ nhiễu mà đi mau, rồi hàng dẽ nó cọ với nhau mà kêu vậy; kế thấy cửa phòng mở hoác, cô nọ vén màn bước ra cũng có con đòi theo sau bén gót, tuồng mặt mang nhiên, có lẽ nó lấy làm lạ vô cùng, vì nay đã chẳng nhằm ngày ra khách, mà vừa coi đến thiệp, chủ nó liền vội vã bước ra, không đợi đổi thay y phục cho nghiêm trang như mọi bữa.

Nhưng vậy cũng còn chưa lấy làm chi kỳ cho lắm, đến chừng nó thấy chủ nó sao vừa gặp anh kia, thì vội vàng chạy đến mà nhào đại vô lòng mà mừng quýnh, nó mới là hoảng vía kinh hồn cho chớ; vậy chị ta liền thối bước trở lui mà khép cửa lại liền.

Hai người hôn nhau đã thèm rồi mới buông ra; cô Ca My bèn trách Ngô Bác Lãm sao không cho mình hay trước đặng có tiếp nghinh, thì Ngô Bác Lãm cười mà rằng:

– Cái mừng không trông mà gặp, mừng ấy mới dữ cho, vì tọi muốn cho mình mừng tôi quýnh quíu, nên tôi chẳng cho hay trước đó.

Cô Ca My mới đáp rằng:

– Phải dè vậy thiếp chẳng thèm mừng. Cái người đà chán trải thế tình mà cũng lấy sự mừng của một người đờn bà làm khoái làm vinh hay sao?

– Sao mà không khoái? Dẫu cho trải thế tình hay là chẳng trải, thảy cũng loài người chớ ai phải cỏ cây chi đó. Vả lại nếu như tôi của cải đôi ba mươi triệu, hay là phẩm ngôi Vương Đế chi chi, mà được một người đờn bà thường kia tiếp mừng như thế, thì ấy mới là thường mới là không khoái, vì mừng đấy có lẽ mừng tiền mừng của, mừng tước mừng quờn đó thôi; chớ cái nầy tôi vẫn là một đứa giang hồ trôi nổi, gia nghiệp đã không ngơ, phận danh dường cỏ rác, lều bều theo giọt nước, rày đó mai đây, mà đặng một nàng tiên nữ tài sắc phi thường mừng rỡ trọng yếu đến thế, thì há chẳng khoái vô cùng sao?

Khi nghe Ngô Bác Lãm nói bấy nhiêu lời thì cô Ca My bèn xủ mặt buồn mà rằng:

– Ôi! Chàng quả lầm to, xin chàng chớ nói những lời như thế mà thiếp xấu hổ muôn phần; thật thiếp đâu xứng đáng cho chàng trọng thương đến bực. Trước thiếp muốn giấu chàng chẳng cho chàng rõ tích tông là vì thiếp rất thương chàng, muốn để cho chàng khoái vui đúng mực. Bởi trên thế cuộc ni có nhiều việc phải lầm mới có khoái vui, bằng chẳng thì khoái vui ắt mất. Ví như chàng ngày kia lượm đặng miếng thau mà lầm tưởng ấy là vàng thật, thì có phải vui mừng hớn hở chăng? Chớ nếu có người quả quyết là thau, ắt đâu khỏi cái sự mừng vui nó sẽ rã tiêu tan mất, dường như tuyết gặp mặt trời. Nhưng vậy mà thiếp chừ xét lại, mới biết thiếp làm như thế thì ra lẽ gạt chàng, cho nên lương tâm thiếp rất nên bứt rứt, rất đỗi xốn xang, thiếp phải tỏ bày nguồn cội cho phân minh, rồi chừng đấy dẫu chàng bớt thương đi nữa, thì thiếp cũng vui lòng; vì thiếp hết lường gạt sự thương của chàng như trước, ắt là lương tâm thiếp nó sẽ bình an vô sự. Bởi vậy cho nên thiếp trông cho việc thiếp xong xuôi, đặng thiếp kíp trở về mà xin chàng thứ lỗi; nào dè ngày nay cũng bởi còn lầm, nên chàng mới vượt biển đến đây mà thăm thiếp như vầy, làm cho tội thiếp càng thêm nặng nữa. Vậy nay chàng vừa mới đến, chưa đặng nghỉ ngơi, nên thiếp xin đình lại, mai sẽ tỏ bày. Song từ đây chàng đừng trọng thiếp quá bực, mà thiếp nhột hổ lấy mình tội nghiệp; chờ đến mai đây thiếp đọc rõ mọi điều, từ thiếp mới sinh đến ngày giải cấu, rồi chàng trừ khấu cái sự thương dư, còn lại bao nhiêu thiếp mới vui lòng mà thọ lãnh cho.

Ngô Bác Lãm nghe hết mấy lời, thì lại trọng yêu hơn nữa, chớ chẳng chút hồ nghi mà giảm bớt phân nào cả thảy. Thường cái tánh con người xưa nay có vậy; hễ khi nào mình trốn lánh sự thương, thì lại thấy đặng thương yêu hơn nữa; chớ như ai mà cầu khẩn xin thương, thì sớm tối ắt là gặp ghét mà thôi.

Ngô Bác Lãm bèn nói cợt rằng:

– Phải, thôi bây giờ tôi xin đình cái thương mình lại đợi mai sẽ rõ, song miệng tôi thì nói vậy chớ lòng tôi chẳng biết nó có nghe theo không nữa. Còn lỗi chi chưa biết, chớ tội mình khi tôi lầm thau với vàng đó, thì tôi chẳng quên đâu.

Đó rồi cô Ca My mới sai người ra chở trắp rương của Ngô Bác Lãm thì ngày ấy ăn uống nghỉ ngơi như thường chớ chẳng nói chi lạ nữa.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!