Hồi thứ bốn

Phút chốc trời vừa rựng sáng, Ngô Bác Lãm liền vội vã rửa mặt thay đồ, rồi bước lên sân trên đặng có hít cái thanh khí buổi mai cho khỏe khoắn, kẻo mà chẳng ngủ trót đêm, thì nó lừ đừ mệt mỏi vô cùng. Khi đã lên đến sân tàu thì mặt trời cũng vừa lú bóng, cho nên thấy nơi hướng đông ửng đỏ cả một phương trời, thật nên quá đẹp, anh ta bèn đứng dựa lan can mà nhìn sững.

Giây phút nghe tiếng rất thanh tao yểu điệu nói sau lưng anh ta rằng:

– Cái người coi vậy mà cũng đa tình quá hé? Thấy cảnh trời xinh đẹp thì sửng sốt mê man.

Ngô Bác Lãm mới vội vàng day lại bèn gặp cô ta tuy là cười nói mà sắc hơi hờn. Anh ta liền nghĩ thầm rằng: “Lạ thay! Cái sắc hờn ấy chắc có nghĩa lý chi đây chớ chẳng không”. Vậy anh ta đổi sầu làm vui, mà chào cô nọ rồi hỏi rằng:

– Đêm hôm bà an giấc chớ?

– Phải đó! Còn quan nhơn hình như ngủ chẳng đặng an cho lắm há? Tôi xem khí sắc lao trọc vô cùng.

Nói trúng bịnh cậu ta, nên mặt coi đã bày sắc thẹn, liền vội vã đáp rằng:

– Tôi có tật đi đàng ít ngủ cho đặng lắm.

Cái sắc thẹn trên mặt cậu ta tuy là lộ ra có trong một vài nháy mắt mà thôi; song bị lấy cặp mắt nhãn tinh thần của cô kia thì có chi mà sẩy đặng bao giờ. Cho nên cô ta liền hỏi lảng qua việc khác rằng:

– Quan nhơn khí ưa biển lắm chớ?

– Cũng ưa mà cũng không.

Cô nọ bèn cười mà rằng:

– Nay đến phiên ông nói mắc đó, sao cũng ưa mà cũng không, xin cho tôi nghe thử.

– Ưa là lúc biển lặng trời êm; vì trong trời đất có chi đẹp, có chi thú, có chi ích, có chi lợi cho hơn nó đặng bao giờ. Nầy những khi trời vừa lú bóng, trăng mới lú hình; những khi xa xa thấy cánh bườm trắng trắng, ngọn khói đen đen; những khi nghe tiếng hát giọng hò của phường đánh cá; những khi gặp giữa chốn nước trời một thành cao lớn nguy nga, người vật lao xao tiêu thiều chập trỗi, những khi trăng tỏ sao trong nhìn tứ hướng thinh thinh rộng rộng, nước nước trời trời. Lại kìa, những ngọn sóng xanh xanh ngần ngần coi tuồng yểu điệu hiền lành chồng nối nhau mà đi theo hàng ngũ. Kìa cái mặt thẳng trân tề chỉnh, dường như chẳng bao giờ mà làm điều ác dữ đặng vậy; xem đấy có phải là đẹp, là khoái, là thú vô cùng chăng? Còn kìa ngọn gió rao rao mát mẻ, hằng năm nó làm cho lành bịnh, mạnh người biết bao kể xiết; kìa nước mặn ngần trong ấy chứa biết bao nhiêu triệu triệu tấn một thứ muối kia là thứ ích vật nuôi người có chi hơn đặng. Kìa bởi sự lỏng thỏng thinh thinh nầy mà hàng hóa lại qua châu kia cùng châu nọ, làm cho giàu biết bao nhiêu người, mạnh biết bao nhiêu nước; xem đấy có phải là ích là lợi vô cùng chăng? Chớ như chỗ tôi không ưa ấy là không ưa lúc biển dậy ba đào; làm cho mấy cái lượng sóng yểu điệu hiền lành kia phải hóa ra dữ dằn ghê gớm, gầm hét rền trời; làm cho cái mặt thẳng trân tề chỉnh kia phải hóa ra vực thẳm non cao, hầm hầm những chôn người đắm vật; làm cho cái ngọn gió mát mẻ cứu người kia phải hóa ra luồng gió tố bão bùng vụt vụt ầm ầm những khí hại vật sát nhơn; làm cho vật lỏng lỏng thinh thinh hữu ích kia, phải hóa ra một chốn chiến trường hung bạo, chôn biết bao nhiêu thây người vượt biển lấp biết bao nhiêu máu kẻ hành thuyền. Những cảnh đẹp xinh như trời mọc, trăng lên, ngọn khói, cánh bườm, tiếng hò, giọng hát vân vân … thì thảy đều mất cả, mà nó lại thế những cảnh thảm thiết sầu bi như là: mây kéo đen trời, chớp giăng tứ hướng, mịt mịt mờ mờ, chẳng biết đâu là sanh đâu là tử; tiếng gầm, tiếng sét, tiếng chuyển, tiếng giông nhiều khi nó lộn nó chen với tiếng kêu đất vang trời, tiếng là, tiếng khóc của những người vô phước khốn nạn phải xương rã, phải thây trôi xuống cái vực sâu hang thẳm nầy. Ôi thôi! Nói đà chẳng xiết. Xem đó mà coi có phải là rất đáng cho tôi chẳng ưa chăng? Nhưng ấy cũng là lẽ tự nhiên; bất cầu vật chi ở trên đời nầy, hễ lợi bao nhiêu thì hại cũng bấy nhiêu đó.

Cô nọ nghe Ngô Bác Lãm luận như thế thì lấy làm mừng rỡ chẳng cùng mà rằng:

– Thật là mắt tôi xem người chẳng sái; vậy mà hôm qua làm thái khôn cho tôi nghe đặng những lời hay lạ như vậy; thật tôi lấy làm phiền quá; hay là quan nhơn khi tôi chẳng đáng nghe chăng?

– Xin bà chớ chấp tôi buổi qua không nói chi cả, thật chẳng phải là tôi dám khi bà; bà biết coi người tôi lại không biết hay sao? Huống chi bà đã giảng luận nhiều lời rất nên thâm thúy, làm cho tôi hết dạ kỉnh vì …

– Thôi đừng nói dông dài; hôm qua tôi có ý ghẹo quan nhơn cho ngứa mà nói đó thôi; chớ lẽ đời huyền diệu, tôi đây hay thấu hiểu cho tột cùng. Vậy những lời tôi đã nói ấy có chi sai lầm, xin quan nhơn dạy bảo lại nào?

Cô ta vừa nói vừa nhìn cặp mắt Ngô Bác Lãm một cách rất hiền từ thân thiết, làm cho anh ta bắt phải rùng mình mà ngó xuống; dường cái hào quang cặp mắt ấy đã cảm xúc khêu động đến tim phổi ruột gan chi chi của anh ta rồi vậy. Thật Ngô Bác Lãm xưa nay vẫn là một tay đã thạo dùng cặp mắt mà làm miệng làm tai, nhờ nó mà nói biết bao nhiêu lời huyền diệu thâm trầm với chúng; bởi nó mà nghe biết bao nhiêu tiếng ruột gan tim phổi của người, thì có phải là bợm tầm thường đâu; cớ sao nay gặp cái cặp mắt của cô ni, lại có ý khiếp kinh mà trốn tránh như vầy?

Ấy chẳng qua là bởi anh ta coi cô nọ rất trọng, rất cao quá đỗi, chẳng dám để lòng mà trông vọng điều chi; nay thình lình gặp cái sự ngó nầy là rất thương yêu rất ý vị, rất tình cờ cho anh ta lắm, nên anh ta mới kinh hồn như thế. Thường cái con người hễ việc chi mình không tính, không phòng, không ngừa, không dè, không tưởng, mà nó vụt đến thinh không thì ai lại chẳng kinh, chẳng hoảng.

Cô nọ thấy Ngô Bác Lãm còn bởi ngân ngơ, thì cười mà hỏi rằng:

– Nghĩ suy gì nữa đó, cũng còn dùn thẳng chưa muối nói phải chăng?

Ngô Bác Lãm bèn giựt mình mà nói trớ rằng:

– Không đâu, tôi có ý nhớ coi hôm qua bà nói lời chi. À à phải, song nãy giờ bàn trách móc tôi luôn, nên chi tôi phải nói. Vậy nếu tôi có luận trái lời bà, thì xin bà bao dung miễn chấp nhé!

– Quan nhơn hãy đừng nói vậy; tôi mà gặp người tài như kẻ khát gặp nước, kẻ đói gặp đồ ăn; cầu nghe, cầu dạy chớ có phiền hà là sao. Xin quan nhơn hãy lấy trực ngôn mà giảng luận; coi tôi như em gái quan nhơn vậy, thì lấy làm hữu hạnh vô cùng đó.

Ngô Bác Lãm bèn cười mà rằng:

– Như thế thì tôi xin vưng. Vả hôm qua cô có luận rằng … chứ nói với em thì chẳng lẽ tôi phải kêu bà nữa chăng?

– Phải, phải nói đi. Tôi từ đây cũng kêu anh chớ không gọi quan nhơn nữa.

Ngô Bác Lãm nghe vậy thì lấy làm mừng rỡ chẳng cùng mà tiếp rằng:

Như lời cô nói đời nó danh lợi, nó tinh mà, nó tranh cạnh, nó tàn nhẫn, nó gươm đao vân vân … thì thật là cô thấy đời rõ quá, cô biết đời rành quá; chỗ đó tôi lấy làm rất phục, rất khen vô cùng. Còn như cô luận rằng vì đời như thế nên cô ghét, cô giận, cô nhẹ mình bước trái ra ngoài, đặng khoanh tay liếc mắt mà xem, thì ấy thật là cô sai cô lầm lắm đó. Sự sai lầm ấy cái nguyên do gốc cội nó là bởi cô thấy cô biết đời mà cô chưa hiểu đời; và cũng bởi sự sai lầm ấy nên nó mới khiến cho cô giận cô ghét đời, mà cô quên một điều trọng nhứt hơn hết là sự thương đời; bởi cô quên thương cho nên cô mới an lòng bước trái ra ngoài như thế đặng.

Và cái lẽ tự nhiên trong hoàn vũ; hễ tranh cạnh nhiều thì văn hiến mới nảy thêm. Bằng trơ trơ nằm cứng một nơi, dầu sáng mấy lâu ngày cũng sét. Kìa một lưỡi cày hằng bữa nhọc nhắn, ra đánh vỡ biết bao nhiêu giống đất cứng ắt càng ngày càng sáng như gương; sáng đến đỗi ai xem cũng kỉnh. Rồi đương sáng đây nếu để nằm in, trong một có như người tu núi; thì ắt lần lần sáng nọ hóa lu, đến đỗi sét kia chồng chập, mà phải thành vô dụng cho đời.

Ôi! Sanh ta ra có vóc có thân. Thân vóc ấy buổi đầu bao lớn? Đến lần lần lấy lộc đời mà nuôi thửa vóc thân, hấp không khí mà sanh sanh hóa hóa; thì tốn của đời sao vô ích cho đời? Lại ngồi yên tịnh mà tu thân cho sướng? Vậy chớ ngồi không đây ai trả thế mối nợ đời, mà còn mong những thành tiên cho sướng nữa?

Cha chả! Sướng thế gian đã chẳng ích đời; rồi còn lên Bồng Đảo đặng hầu thêm sướng nữa sao?

Đừng! Người đời đừng độc thiện kỳ thân! Ở trần thế mà mong thành tiên Phật. Rồi để cả đời an hưởng lộc đời, lại chẳng  đền trả nợ đời một mảy, chớ phải chi ngồi thung dung tu lấy một mình, mà lại dưỡng vóc thân cho thêm mập. Rồi đợi đến ngày cho đủ béo ngon, thì dưng mình để đồng loài ăn thịt; đặng bổ sức mà lo lắng việc đời; thì làm như vậy họa may thành đặng. Ngặt nỗi e người chẳng ăn người, thì cũng khó thi hành cho được. Vậy chi bằng cứ thuận mà làm: ở đời phải chung chen gánh vác; lo ích đời ngõ trả nợ đời, thì lúc sống đây không hổ với ai, khi thác xuống nhẹ nhàng hồn phách.

Còn như cô nói cô hờn vì gặp gỡ làm chi những điều hoạn nạn ấy cho phải nghĩ suy, phải cân gióng, phải độ lượng vân vân … thì cũng là sai nữa; vì hễ sanh đứng trên đời ni, ắt mỗi mỗi đều vay trả phân minh hết mới đặng cho. Tạo hóa đã cho cô giàu về cân não, thì nghĩa là cô thiếu nợ cân não ấy cùng tạo hóa đó, chừ thiếu nợ thì âu phải trả mới nhằm thửa lý; vậy tạo hóa là ai mà trả bây giờ?

Tạo hóa ấy là không không, ấy là thế cuộc, ấy là đời; cho nên mỗi khi cô gặp điều chi của thế cuộc nó xảy đến vào trí khôn cô, ấy là một phần nợ nó đến nó đòi cô đó, chừng cô nghĩ xét xong xuôi ấy là cô trả xong hườn đủ, thì chưng cô mới an lòng đặng; chớ nếu mỗi lần có nợ đến đòi mà cô không muốn trả; cô trốn lánh, cô xấp mặt xây lưng, cô đuổi chủ nợ ra cửa; nghĩa là mỗi lần đời nó đem nó xách một cái việc chi tới cho cô, mà cô lảng cô bỏ qua, cô không chịu mở cái tủ trí cô ra tính bề trả chác, ấy là cô nói ngược, cô chối cái nợ cô thiếu với đời đó chớ gì.

Vì cô nói ngược cho nên quan tòa ở trong mình cô là cái lương tâm nó mới hành phạt rầy la cô, nó làm cho cô bứt rứt xốn xang khó chịu luôn.

Còn ví như kẻ khác, người ta không giàu cân não như cô, mà người lưng nách vậm vỡ. Ấy là người ta giàu sức lực thì người ta lại thiếu nợ sức với đời; ắt đời nó xách việc nặng nề về sức lực mà nó giao cho người ta luôn, thì mỗi lần người ta cũng trả như cô vậy chớ. Song cô thiếu nợ trí thì cô trả trí, còn người ta thiếu nợ sức thì người ta lại trả sức, chớ người ta không thiếu nợ trí, mà cô biểu người ta trả là nghĩa lý gì.

Bởi ấy cho nên dẫu trong đời người ta có đi đụng mấy cái nợ trí của cô đó đi nữa thì cũng vô can, người ta cũng bỏ qua không nói tới làm gì; vì người ta không thiếu nợ đó, thì có thứ đó đâu mà trả. Chớ như cô đã chứa đầy cả tủ, khi chúng tới đòi, cô lại nhìn biết chánh quả là nợ của cô, mà cô không muốn tính trả cho xong, cô để cô đi so sánh với một người kia người ta không thiếu nợ ấy rồi buồn bực mà nói rằng “Sao người ấy chẳng làm như tôi?” Vậy chớ nếu người ấy hỏi lại cô rằng: “Sao cô ấy chẳng làm như tôi?” Tì cô mới trả lời sao hà?

Cô không trả nữa là ngày nào tủ trí cô thâu trữ ấy đã hết rồi, số thiếu với sồ trữ khấu trừ xong tất, thì nợ đời cô giũ sạch, chừng ấy cô mới khỏe khoắn mà nghĩ an không ai dám động tới cô nữa đó. Chớ lúc ni cô còn đang thiếu, mà bảo đừng gặp chúng đến đòi thì sao đặng. Cũng vì lẽ ấy người trí càng già càng lục, kẻ mạnh càng già càng yếu; bởi người kia thì cái tủ trí, còn người nọ thì cái tủ lực, bị phát lần lần tuôn trả cho đời, càng lâu càng ngớt, cho nên kẻ lục người yếu lần lần là vậy đó.

Dẫu cho cây, cho cỏ, cho thú, cho cầm nó cũng có nợ riêng của nó, cô chớ tưởng rằng nó thung dung mà lầm. Vật chi trong trời đất nầy, thì đều có phận sự cả; chẳng ai nên tháo trút chẳng ai đặng sánh so, phải cứ lo làm cái vai tuồng của trời đất đã cử đặt cho mình đó cho xong rồi, thì bôi mặt, cất mão, dẹp áo mà nghỉ an, có ai kêu rầy chi nữa.

Chớ ví như người ta vẽ mặt mang giáp cho mình rồi mình lại không chịu làm tướng nói tôi muốn lãnh vai hề mà thôi, vai hề khỏa hơn không nhảy, không múa, không hét, không la. Nói như thế thì ai lại nghe cho, ai lại chịu cho. Mà ước như người ta chịu đi nữa, mình há làm nổi vai hề sao? Tuy mình thấy không múa không hét vậy mình tưởng là việc dễ dàng, chớ trong ấy há chẳng có cái khó của người ta sao? Vai nào lại dễ đặng bao giờ?

Vì thế cho nên làm người chẳng nên so sánh rằng: “Tôi sao vầy còn người ấy sao vậy?” mà làm chi. Nếu so sánh như thế thì chẳng khác chi chiếc ghe chài đi sánh vối chiếc ghe biển rằng: “Tôi chở nhiều sao mũi thấp, cón nó ít sao mũi cao?” Chớ nó chẳng dè chở nhiều mà mũi thấp, thì được lục thục trong sông, khỏi bị gió to giông cả. Còn chở ít mà mũi cao thì lại phải vượt ra biển cả mà chịu sóng hứng giông. Mỗi mỗi sự hơn thua cao thấp sự hơn thua có thừa trừ có công chánh hết cả, chớ tạo hóa chẳng hễ binh ai mà lại bỏ đâu nào.

Lại như lời cô nói rằng: “Cô hờn vì cô thấy biết đời làm chi cho cô chẳng biết vui những sự thiên hạ vui, chẳng biết khoái những điều thiên hạ khoái, chẳng biết mừng những việc thiên hạ mừng” thì cũng là lời hờn trách bất công nữa đó.

Sao cô chẳng hỏi lấy cô: “Vậy chớ cô há chẳng có vui những điều “thiên hạ chẳng biết vui, khoái những sự thiên hạ chẳng biết khoái, mừng những việc thiên hạ không biết mừng” sao?

Vả cái con người thường ai có giống ai bao giờ, cho nên hễ cô chẳng vui đặng cái điều của thiên hạ vui, thì lại vui đặng cái điều thiên hạ chẳng vui, như thế thì có trách hờn chi nữa. Làm người có chi thú cho bằng chẳng thèm vui với cái tràn đồng của thiên hạ, mà vui vùng cái vui riêng lạ của một mình mình hiểu biết mà thôi.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!