Hồi đất rừng mới khai phá, xứ này trồng dưa hấu trúng lắm. Trái lớn từ ba gang tay vòng trở lên. Đố ai ra rẫy dưa mà ôm được ba trái, nhảy quá khỏi mương ống thì tui ở đợ cho tới già ! Mỗi năm vào mùa trồng dưa, thích thú làm sao. Gió chướng thổi hây hây. Dưa mới xây bàn than, lá xòa cánh quạt, dưa bỏ vòi lại phóng đọt trắng phau, cứ sáng ngày ra ruộng, thấy trái lớn lên như thổi.
Từ Rạch Lùm, đến Trùm Thuật, Bãi Ghe vòng qua Kinh Ngang, Đường Ranh, Lung Tràm, một vùng dưa bạt ngàn ! Sáng sáng, con trai con gái, đứa đội nón nỉ, đứa mặc áo bà ba trắng, gánh thùng tưới nước đi hàng dọc trên những bờ mương ống. Thùng thiếc chói nắng lớp ngớp, gió chướng thổi rào rào nghe mát rượi trong lòng.
Rồi đến gần Tết, vào độ mùa dưa chín, lái buôn miệt trên đổ ghe xuống lớp lớp để dọ giá, trả kèo, người trong rẫy cuồn cuộn ra các chợ sắm áo là, quần lụa. Dưa đi Cà Mau, dưa đi Bạc Liêu đều phải chở bằng xuồng, ghe, chớ không bằng xe được. Vì đường xe bấy giờ rất dằn xóc, dưa chở sẽ bể hết. Cò Tây đã cấm chuyện này từ lâu. Đúng là lộ xe thuở đó cũng gồ ghề thật.
Mặc dù cò Tây cấm ngặt không cho chở dưa bằng xe, nhưng bữa đó chiếc xe đò Hiệp Thành phá lệ. Xe chạy từ Cà Mau lên tới cầu Sập, bỗng có một thằng cò Tây thổi tu huýt khoát tay, chận xe lại :
– Tại sao chở dưa hấu trên mui xe?
Tên cò Tây hỏi. Người tài xế xe Hiệp Thành đáp:
– Dạ đâu có, ông cò?
Thấy tên cò Tây hầm hừ, người tài xế ngó ngoái lại sau, bỗng anh ta giật mình kinh hãi, trả lời:
– Thưa ông cò, đó là đầu hành khách, đó ông xem kỹ lại đi! Vì đường gồ ghề quá, xe chạy xóc quá làm đầu hành khách thốn lủng mui xe, trổ lên phía trên và mắc kẹt ở đó …