Hồi mới khai phá vùng này, khỉ nhiều vô kể. Mỗi bầy đông tới hàng trăm con, con lớn bằng đứa trẻ lên bốn, lên năm. Chúng phá ác lắm. Tui trồng được thứ gì là nó vặt trọi thứ đó. Năm nọ, tui trồng rẫy khoai rộng lắm. Tới chừng khoai có củ, khỉ móc ăn sạch sành sanh. Tức mình quá, tui tìm kế trị chúng một trận cho tởn.
Suy nghĩ hoài mà chưa có cách, giống khỉ khôn có hạng, đâu phải dễ dàng gì gạt được nó. Một hôm, nghĩ ra một kế. Cứ mỗi lần đi làm ruộng là nó bu lại ngồi trên đọt tràm dòm ngó. Tui chợt hiểu: À! Đám này là chúa bắt chước. Vậy là tới bờ, tui kéo xuồng lên, múc nước trong xuồng uống rồi rửa mặt. Nước trong xuồng tui pha mật ong ngọt lịm. Khi về, tui lội bộ, giả bộ bỏ quên xuồng. Vắng người, bọn khỉ xuống vừa uống vừa tắm đã đời. Cầm đầu bầy có một con khỉ đột, đứng tới ngực. Nó khôn lắm, mấy lần đầu, nó đâu có chịu xuống. Thấy bầy khỉ con ăn, tắm đã đời, nó bèn mon men xuống làm thử; thấy êm re hổng có sao hết, vậy là nó vô khâu. Tui mới làm cái bẫy trong xuồng, con nào nặng tới năm mươi ký mới bị sập. Cho nên, mấy con khỉ con bò qua đâu có sao, còn nó nhào xuống thì bẫy sập. Bắt được nó về, tui đâu cho ở không, tui bắt nó đi phát ruộng. Cũng phảng, cù nèo đàng hoàng. Nó phát giỏi lắm, tui rồi một công thì nó cũng xong một công.
– Vậy, đám khỉ con đâu hết, bác Ba? – Có người hỏi.
– Ờ, thấy chúa tể bị lao xiềng, lại bắt làm ruộng, lũ nhỏ tởn ông tởn cha nó, chừng nào mới dám tới, dám quậy nữa. Nói cho ngay, hồi đó khỉ chỉ có bắt chước thôi, chớ tay chân đâu có khều móc, chụp giật như bây giờ. Tụi bây biết t không?
Thấy lớp trẻ ngơ ngác, bác Ba Phi cười:
– Thì, tại nó tắm ba cái mật ong mà tao gạt chúng đó. Lâu ngày dài tháng, mật dính vô lông đi tới đâu kiến bu theo tới đó, ngồi đâu có yên, chúng quào móc riết thành tật, tới bây giờ làm sao sửa được.