ĐỨC NGUYỄN VƯƠNG CẦU XIÊM CỨU VIỆN,
NGUYỄN HỮU THOẠI GẶP ĐẢNG CƯỜNG ĐỒ.
Đức Nguyễn Vương lúc bấy giờ đã thế cùng binh nhược, không sức chống nổi với quân giặc Tây Sơn, các tướng thủ hạ còn chẳng đầy mười người, còn kẻ tùy tùng chỉ có ít trăm binh sĩ, nếu Nguyễn Huệ rượt theo, thì lấy gì mà ngăn đỡ.
Đức Nguyễn Vương đương ngồi trầm tư mặc tưởng, liệu lượng cơ binh, kế vương mẫu và hậu phi với công chúa Ngọc Du ở nhà sau bước ra.
Nguyễn Vương liền đứng dậy cúi đầu chào vương mẫu, rồi để ghế cho vương mẫu ngồi, còn ngài và hậu phi ngồi lại một bên.
Vương mẫu ngó Nguyễn Vương và nói rằng:
– Vương nhi con ôi! Mẹ xem quân giặc Tây Sơn thật là binh cường tướng dõng, lại thêm pháo lẹ thuyền đông, một trận thủy chiến tại Nhà Bè rất dữ dằn như vậy, mà binh ta phải thua, thuyền ta phải hết, ngỡ là nhờ các đạo binh bộ mà gìn giữ thành trì, chẳng dè binh bộ của ta cũng thất thủ Saigon kia rồi; quân Tây Sơn lại đem binh truy tầm mẹ con ta rất nên nguy cấp, như vậy thì con lo liệu làm sao? Vương nhi con ôi! Mẹ nghĩ mà thương hại cho Mạng-Hòa phải đốt tàu mà tự tử, còn Huỳnh Thiêm Lộc lại bị bại trận mà mạng vong. Các tướng tùy tùng thì ai ai cũng tận trung kiệt lực mà phò tá mẹ con ta đến đây, nhưng mà binh sĩ của ta bây giờ chẳng đầy năm trăm, còn chiến thuyền chẳng đầy ba chục, thì có thế gì mà đối địch cùng quân Tây Sơn cho nổi, vậy thì con phải liệu kiếm nơi nào mà tàng binh lánh nạn thì mới được.
Nguyễn Vương day lại hưỡn thưa rằng:
– Thưa vương mẫu, thuở nay việc thắng bại là binh gia thường sự, nào có chi lạ mà vương mẫu phải buồn bực âu sầu; tuy bây giờ ngoài việc binh thuyền chiến trận ta thất bại, nhưng mà trong lòng ta đừng cho thất bại, thì có ngày ta cũng được rửa hận báo thù, e là e cho bề ngoài thế lực chưa thua, mà trong lòng đã hồn tiêu phách lạc, như vậy thì không thế gì thắng đặng. Vương mẫu chẳng nhớ thuở xưa, Sở Hạng Võ bá chiến bá thắng, nhưng bị bại một trận mà đến đỗi mạng vong; còn Hán Bái Công, trăm trận đều thua, nhưng thắng một trận thì được thành đế nghiệp, ngày nay binh ta dầu thất bại, mà nếu ta bền lòng gắn sức, thì ngày sau có lẽ cũng đặng thành công. Vả lại quân Tây Sơn bây giờ tuy là chiếm cứ được Nam kỳ mặc dầu, nhưng chúng nó không thế gì bảo thủ lâu đặng, vì Nguyễn Nhạc chẳng lẽ bỏ thành đô Qui Nhơn mà ở đây, và Nguyễn Huệ thì còn lo một mũi giặc của Trịnh Sum ngoài Bắc, nên anh em chúng nó thế nào cũng phải trở về Qui Nhơn mà bảo thủ thành trì, chừng ấy con đem binh phục thâu Saigon như nháy mắt, xin vương mẫu yên lòng, để mặc con lo liệu.
Hậu phi nghe Nguyễn Vương bàn nghị mấy điều, tuy là chưa biết thắng bại lẽ nào, nhưng cũng được bớt lòng lo buồn một ít, rồi day lại thưa cùng Nguyễn Vương rằng:
– Thưa phu quân, chỗ Rạch Giá nầy chẳng phải là một chỗ của chúng ta đình binh tị nạn, nếu nay mai Nguyễn Huệ đem binh rượt theo, thì chúng ta biết liệu làm sao? Vậy xin phu quân nhứt định tìm kiếm nơi nào, đặng mà ký túc thê thân, và chiêu tập tướng sĩ của ta tản lạc các nơi, rồi chờ ngày sẽ cử binh mà phục thâu bờ cõi mới đặng.
Nguyễn Vương nghe hậu phi nói thì đáp rằng:
– Ta sẽ nhứt định sai người qua Xiêm cầu binh cứu cấp, và định nội đêm nay, thì chúng ta sẽ xuống thuyền, chạy lên Hà Tiên, rồi vượt qua cù lao Phú Quốc mà tị nạn, đặng chờ coi tin tức binh Xiêm thế nào, rồi sẽ liệu toan phương khác.
Ngọc Du công chúa nghe Nguyễn Vương nói vậy thì thưa rằng:
– Thưa vương huynh, năm ngoái em có nghe rằng: khi phò mã Nguyễn Hữu Thoại đem binh cứu trợ Cao Man, có hòa ước cùng tướng Xiêm là Chất-Tri, nay Chất-Tri đã lên ngôi quốc vương, thế cũng còn nhớ những sự hòa ước khi trước cùng Nguyễn Hữu Thoại (1). Vậy nếu vương huynh muốn cầu binh Xiêm, thì xin sai phò mã Nguyễn Hữu Thoại thì có lẽ xong việc.
Nguyễn Vương nghe công chúa nói liền gặc đầu và đáp rằng:
– Lời hiền muội nói rất hữu lý, ta cũng tính phải sai Nguyễn Hữu Thoại mới xong.
Nói rồi liền sai quân đòi Nguyễn Hữu Thoại đến và bảo rằng:
– ta nhứt định đêm nay phải vượt biển sang qua cù lao Phú Quốc, mà tránh đỡ quân giặc, và ý muốn cầu cứu nước Xiêm giúp ta trong lúc thế cùng binh nhược. Vậy tướng quân là người đã có hòa ước cùng Xiêm khi trước, thì tướng quân phải lãnh cái trách nhậm nầy, đặng qua Xiêm xin binh cứu viện, nếu vua Xiêm còn nhớ lời ước thệ cùng tướng quân ngày xưa, thế thì cũng có lẽ đem binh giúp đỡ chúng ta trong cơn nguy cấp. Vậy thì tướng quân ráng lãnh cái trách nhậm ấy cho hoàn toàn, quả nhơn cùng các tướng tạm trú tại cù lao Phú Quốc mà đợi tin tướng quân.
Nói rồi Nguyễn Vương viết một phong thơ, đóng ấn tử tế, giao cho Nguyễn Hữu Thoại đem qua cho vua Xiêm, và sai hai tướng là Trần Xuân Trạch và Cao Phước Trí đi cùng Nguyễn Hữu Thoại sang Xiêm cầu cứu.
Nguyễn Hữu Thoại vâng lịnh, lãnh quốc thơ rồi sắm sửa hành trang, đi với hai tướng tùy tùng, và ba tên quân nhơn để theo sai khiến, rồi nói với hai tướng là Trần Xuân Trạch và Cao Phước Trí rằng:
– Chúng ta bây giờ phải lên Nam Vang; mượn đường Cao Man mà thằng qua Băng-Cốc (Bangkok) cho mau, nếu để trễ nãi ngày giờ, ắt quân Tây Sơn tấn lên Nam Vang thì chúng ta hành trình không tiện.
Trần Xuân Trạch nói:
– Vậy thì chúng ta sáng mai phải đi, chẳng nên trễ nãi.
Cao Phước Trí nói:
– Không lẽ quân Tây Sơn tấn binh lên Cao Man lẹ vậy, vì trên Cao Man có quân binh của Hồ Văn Lân ngăn giữ. Vậy để tôi bảo quân sắm sửa rượu thịt và vật thực đem theo đặng có cần dùng trong lúc hành trình cho tiện.
Nói rồi cả thảy sáu người đều lên ngựa, băng ngang vào nước Cao Man mà sang qua Xiêm quốc.
Đoạn Nguyễn Vương với cung quyến dắt nhau xuống thuyền chạy ra cù lao Phú Quốc trú ngụ. Lúc bấy giờ toàn cõi Nam kỳ đều bị quân Tây Sơn chiếm cứ hết cả, còn Nguyễn Hữu Thoại với mấy anh em phụng mạng qua Xiêm cầu binh cứu viện.
Khi lên khỏi Châu Đốc một đỗi, xảy thấy một đội quân trong rừng xốc ra, Nguyễn Hữu Thoại xem thấy y phục thì biết là đội quân An Nam, bèn lấy làm lạ liền ngừng ngựa để coi, bỗng có một tên đội thấy Nguyễn Hữu Thoại, thì lật đật chạy lại cúi đầu thi lễ.
Nguyễn Hữu Thoại ngó tên ấy chăm chỉ rồi hỏi rằng:
– Ngươi ở về đạo binh nào đến đây?
Tên đội trưởng đứng lại một bên rồi vòng tay thưa rằng:
– Bẩm quan lớn, tôi ở về đạo binh quả quan bảo hộ tại Cao Man là Hồ Văn Lân.
Nguyễn Hữu Thoại nghe nói thì sững sờ rồi hỏi tiếp rằng:
– Ngươi ở về đạo binh của quan bảo hộ là Hồ Văn Lân, mà ngươi đem quân sĩ đi đâu đây? Sao ta xem không có hàng ngũ thứ tự chi hết?
– Bẩm quan lớn, chủ tướng tôi là Hồ Văn Lân nghe tin giặc Tây Sơn vào đánh Gia Định, và đức Nguyễn Vương thất trận thủy chiến chạy về Mỹ Tho, nên chủ tướng tôi lật đật đem binh tuốt về tiếp cứu, nhưng khi xuống tới Châu Đốc, bỗng gặp đạo binh Tây Sơn kéo lên, hai bên hỗn chiến một trận rất dữ, song binh giặc thì đông, binh ta thì ít, nên đánh không lại, vì vậy chúng tôi phải thất lạc vào đây, còn binh Tây Sơn bây giờ nghe nói đã kéo lên Nam Vang, mà lập quyền bảo hộ nơi xứ ấy.
Nguyễn Hữu Thoại nghe nói thì vẻ mặt có sắc kinh nghi liền vội vã hỏi rằng:
– Còn ngươi có biết quan bảo hộ Hồ Văn Lân bây giờ ở đâu không?
– Bẩm quan lớn, trong khi binh của chủ tướng tôi bại trận, thì nghe nói chạy về hướng đông, còn bọn tôi bị quân Tây Sơn rượt nà, nên phải chạy lạc vào đây, đặng tính trở về Rạch Giá.
Trần Xuân Trạch nói:
– Nếu quân Tây Sơn đã tấn lên chiếm cứ Cao Man rồi, thì đường bộ từ Cao Man qua Xiêm đã thuộc về chúng nó tuần phòng tế soát, như vậy thì việc hành trình của chúng ta rất nguy hiểm lắm.
Nguyễn Hữu Thoại ngẫm nghĩ một chút rồi nói rằng:
– Khi ta đem binh cứu viện Cao Man mà kháng cự cùng Xiêm, thì ta có thông thuộc các nẻo đường trong nước Cao Man một ít, bây giờ chúng ta chẳng nên noi theo đường đại lộ mà đi, e gặp binh Tây Sơn ngăn đón. Vậy chúng ta cứ băng theo đường rừng núi mà đi, thì chúng nó không thế làm gì ta được.
Cao Phước Trí nghe Nguyễn Hữu Thoại nói vậy thì thưa rằng:
– Thưa hiền huynh, nếu chúng ta băng theo đường rừng mà đi, thì lại e quân cường đạo Cao Man tàng ẩn trong núi rất nhiều, hắn thấy chúng ta chẳng có quân gia, ắt kéo ra cướp giết mà đoạt của, thì cũng một sự nguy hiểm cho chúng ta lắm chăng; vả lại quân Cao Man bây giờ tùng phục theo Tây Sơn Nguyễn Nhạc, thì chắc phải phản đối cùng ta, nếu hắn biết ta là phe của đức Nguyễn Vương, ắt kiếm chuyện làm hại ta đặng lập công cùng Tây Sơn mà lãnh thưởng, như vậy thì chúng ta phải cẩn thận trong lúc hành trình mới được.
Nguyễn Hữu Thoại gặc đầu và nói rằng:
– Ta không sợ quân cường đạo ở chốn lục lâm mà ta phải đề phòng lũ chó săn của bọn Tây Sơn hơn hết; bọn Tây Sơn chỉ thí ra mỗi tháng một ít trăm bạc, thì đủ mua đứt linh hồn của nước Cao Man, đặng dùng làm chó săn để đem mồi cho chúng nó, sự ấy cũng chẳng lạ gì, như thế thì dẫu cho người một nòi giống của chúng nó, nó cũng moi móc mà chỉ ngay, huống hồ mình là người tha bang, thì nó dung gì mà không làm thật hại, còn phận sự chúng ta thì phải hết lòng vì nước, dần cho hi sanh tánh mạng, vạn khổ thiên lao thế nào, thì chúng ta cũng phải ra thân mạo hiểm phò nguy, bao nài khó nhọc, từ đây qua kinh đô nước Xiêm, chẳng biết bao nhiêu giang quan cách trở, lội suối trèo non. Vậy chúng ta phải khắng khít một lòng cùng nhau mà lãnh cái trách nhậm nầy cho hoàn toàn, đặng đi cho tới nơi, về cho tới chốn, nếu rủi mà tôi gặp cơn nguy hiểm, bỏ mạng giữa đường, thì anh em phải lấy cái thơ trong túi tôi đây, là một cái quốc thơ của Nguyễn Vương, mà đem đi; còn hai anh em rủi có trắc trở điều chi thì tôi cũng phải hết lòng cứu giúp.
Nói rồi ngó lại tên đội trưởng đương đứng một bên và bảo rằng:
– Ngươi hãy đem toán quân nầy về hiệp cùng binh quan bảo hộ Hồ Văn Lân, chờ khi Nguyễn Vương trở lại khôi phục Nam kỳ sẽ ra tiếp ứng.
Tên đội thưa vâng và lui về, rồi cả ba anh em với ba tên bộ hạ, dắt nhau băng đồng lướt bụi, kiếm ngả đàng rừng mà đi.
Thật là:
Bao nài vạn thủy thiên san,
Mấy sông cũng lội mấy ngàn cũng băng.
Khi Nguyễn Hữu Thoại và mấy tướng tùy tùng lên tới Tà-Keo, thì thấy một đám rừng cây mù mịt, triền núi thấp cao, bèn tách theo đường mòn trong rừng lần lần đi tới, khi ra khỏi rừng, có một khoảng đồng trống, ngó qua hướng tây thấy bóng tà dương đã lần lần xuống khỏi ngọn cây, và một ánh sáng hồng rọi vào đảnh núi, xem ra nửa đỏ nửa đen. Nguyễn Hữu Thoại với Trần Xuân Trạch liền gò cương ngừng ngựa, rảo mắt ngó ra chung quanh chơn rừng, chẳng thấy nhà cửa dân cư, chỉ thấy một lùm đại thọ trên gò, nhánh lá sùm sề, tàng cây, mát mẻ, thì nói với Trần Xuân Trạch rằng:
– Trời đã gần tối, chúng ta phải lên tạm đỡ gò nầy, đặng ăn uống nghĩ ngơi, rồi sáng mai sẽ lên đường cho sớm.
Nói rồi cả thảy mấy người đều kéo nhau lên gò, và bảo ba tên quân lấy chiếu trải dưới gốc cây, và lấy lương phạn ra ăn, khi ăn uống rồi thì trời đã tối mịt.
Nguyễn Hữu Thoại bèn bảo ba tân quân phải thay phiên canh giữ đồ hành trang và sáu con ngựa, còn Nguyễn Hữu Thoại, Trần Xuân Trạch với Cao Phước Trí, đều nạp súng đai gươm bên mình, đặng đề phòng trong khi đêm hôm tăm tối. Trần Xuân Trạch nói:
– Khi nãy tôi thấy hai thằng Cao Man đứng trong rừng, thấy chúng ta thì lấy tay chỉ trỏ và nói chi nhỏ nhỏ cùng nhau rồi vào rừng đi mất.
Cao Phước Trí thấy nói thì tiếp rằng:
– Đó là quân Cao Man đi đốn củi, hay là đi kiếm bắt thịt rừng chớ gì, anh rối quá, sao không hỏi nó có thịt rừng đặng mua ăn uống rượu chơi.
Nguyễn Hữu Thoại nói:
– Chúng ta đi đường xa xứ lạ, không nên uống rượu, để trí tỉnh mà đề phòng, và đêm hôm phải ngủ cho sảy thức mới đặng.
Mấy anh em đàm đạo một hồi cùng nhau rồi vào trong ngơi nghỉ, chỉ còn một tên quân ngồi dựa gốc cây thức canh, song trong lúc trời khuya canh vắng, chẳng nghe chi lạ hơn là nghe những giọng, re re dế gáy, dường như khúc đờn lưu thủy khảy bên tai, tích tích sành kêu, tợ hồ tiếng búa tiều phu vang kẹt núi.
Kế đó con ma ngủ lần lần áp lại, làm cho tên quân canh mê mẩn tâm thần, mở mắt không ra, rồi ngồi dựa vào cây mà ngủ gục.
Lúc bấy giờ bên cạnh rừng, ló ra mấy cái bóng thấp thoáng đen thui, rồi lần lần đi tới, và sẽ lén leo lên gò cây, là chỗ của ba tên quân nhơn đương ngủ, bỗng con ngựa của Nguyễn Hữu Thoại dậm cẳng dưới đất và hầm hừ la lên. Nguyễn Hữu Thoại giựt mình mở mắt, thấy ba người bộ tướng vậm vỡ, đầu trọc mình trần, nước da đen trạy, mỗi thằng có dắc một ngọn dao bên lưng, bộ coi hung ác, đương lò mò mở dây cột ngựa, rồi nhảy lên cỡi đi.
Nguyễn Hữu Thoại thấy liền hô lên một tiếng lớn và nói rằng:
– Quân cướp bắt ngựa.
Trần Xuân Trạch và Cao Phước Trí, với ba tên quân nhơn, đương ngủ mê man, giựt mình trổi dậy, thì ba tên cường đạo liền quất ngựa chạy giông vào rừng.
Nguyễn Hữu Thoại, Trần Xuân Trạch và Cao Phước Trí cả ba liền lấy súng rồi nhảy phóc lên ngựa, và quất ngựa sãi theo như bay.
Ba tên cường đạo kia cỡi ngựa chạy dọc theo mé rừng, rồi tuốt lên triền núi.
Nguyễn Hữu Thoại rượt theo gần kịp, thì quân cướp quất ngựa chạy quanh lộn theo mấy bụi cây thấp thấp dựa triền.
Ba anh em Nguyễn Hữu Thoại bị mấy bụi cây cản trở, phần sợ hầm hố hiểm nguy, nên không dám giục ngựa chạy mau, còn quân cướp thấy ba anh em Nguyễn Hữu Thoại rượt theo, không ngừng vó ngựa, hễ chúng nó chạy quanh, thì Nguyễn Hữu Thoại cũng quanh, còn chạy thẳng thì lại rượt theo mau lắm. Kế đó một thằng trong bọn ấy quất ngựa tẻ vào mé rừng, muốn kiếm đường đặng chun vô mà trốn.
Nguyễn Hữu Thoại thấy thì nghĩ thầm rằng: “Nếu nó chun vô đường rừng thì như cá xuống nước cọp vào non, không thế gì theo đặng, liền giục ngựa chạy mau, đặng chận không cho nó chạy vô rừng mà trốn tránh, khi theo gần kịp, Nguyễn Hữu Thoại liền rường súng bắn ra một phát, thằng cường đạo ấy bị bắn trúng vai, la lên một tiếng, thì té nhào xuống đất, rồi chun tuốt vào rừng mà trốn mất.
Nguyễn Hữu Thoại liền chạy tới bắt ngựa lại, rồi kêu Cao Phước Trí bảo rằng:
– Chú mầy phải ở lại giữ con ngựa ấy, để ta rượt theo chúng nó cho mau.
Nguyễn Hữu Thoại nói rồi thì hiệp với Trần Xuân Trạch quất ngựa sãi theo hai tên cướp kia như bay và kêu lớn lên rằng:
– Quân cường đạo kia, bây phải trả ngựa lại cho ta, bằng không, thì ta theo giết bây chẳng chừa một đứa.
Nguyễn Hữu Thoại vừa rượt theo vừa ré lên, vang dội cả rừng, nhưng quân cướp cứ chạy quanh lộn dưới triền, không chịu bỏ ngựa mà trả lại.
Trần Xuân Trạch kêu Nguyễn Hữu Thoại và nói:
– Anh chạy phía tả đón nó, kẻo nó chạy vô đường rừng, để phía nầy tôi chận nó cho, không sao phòng sợ.
Nguyễn Hữu Thoại nổi xung, hai chơn dang ra thúc vào hông ngựa một cái rất mạnh, con ngựa của Nguyễn Hữu Thoại là ngựa tuấn mã hùng cu, liền cất bốn vó, phóng qua mấy bụi cây, rồi rãi tới như bay, trong nháy mắt thì đã theo kịp quân cướp, liền huơi gươm chém tên cướp ấy một cái, nhào ngay xuống ngựa mà chết, tên kia thấy vậy thất kinh bèn quất ngựa chạy quanh lộn theo mấy bụi cây, kế Trần Xuân Trạch rượt tới lấy súng bắn ra một mũi, nhưng súng vừa bắn ra thì tên cướp ấy đã nhảy ngay xuống bụi, nghe kêu cái sạt, rồi lủi vào bụi mà trốn mất.
Nguyễn Hữu Thoại và Trần Xuân Trạch thấy quân cướp đã bỏ ngựa nhảy trốn vào bụi, thì tức tốc nhảy xuống bắt ngựa cột nơi gốc cây, rồi hai anh em chạy lại bao vây chung quanh, và càn cây ra mà kiếm bắt quân cướp, song kiếm một hồi không thấy chi hết, ngó ra chung quanh thì đất trống, chẳng có bụi nào, nhưng chẳng biết nó núp vào đâu, mà kiếm cùng không được.
Trần Xuân Trạch lấy làm quái dị, và nói rằng:
– Thằng cướp nầy cốt nó là ma sao, nó mới nhảy vào đây, mà đã biến đi đâu mất.
Nguyễn Hữu Thoại cũng lấy làm lạ quá, và nghĩ rằng: “Chung quanh đất trống không lẽ nó chạy qua bụi khác mà ta không thấy sao.”
Trần Xuân Trạch liền lại cây đại thọ bên đó, rồi ngó lên kiếm coi, thì thấy cậu ta đương ngồi xo ro trên nhánh cây, hai mắt châm cah6m ngó xuống, mà lẳng lặng làm thinh. Trần Xuân Trạch liền la lên:
– Nó đây, nó đây.
Nguyễn Hữu Thoại nghe la chạy lại, quả thật cậu ta ngồi núp trên cây, một đống đen thui, thì nói rằng:
– Thật thằng khốn nầy cốt nó là loại khỉ hay sao? Hồi nãy mới nhảy vào bụi đây, sao đã leo tọt lên cây bao giờ mà ngồi đó?
Nguyễn Hữu Thoại và Trần Xuân Trạch muốn lấy súng ra bắn, song coi lại thì thuốc đạn không có đem theo, súng bị bắn khi nãy đã hết rồi, bây giờ không có thuốc đạn mà nạp nữa.
Trần Xuân Trạch nói:
– Thôi hiền huynh đứng dưới nầy coi chừng, để tôi leo lên bắt nó mới đặng.
Nói rồi xăn tay vén chơn lại ôm gốc cây phăng phăng leo lên, khi lên tới cháng hai, thì thằng khốn ấy đã bò ra ngoài, rồi hai tay vói nắm nhánh cây bên kia, de ngang qua đó, và hai chơn đạp ra rất mạnh, xích một cái như xích đu, tức thì nhánh cây vụt qua một cái rất xa, ngó lại thì thằng khốn ấy đã nhảy vọt xuống bụi phía kia nghe kêu cái sạt, rồi cah5y lủi vào trong trốn mất. Nguyễn Hữu Thoại la lên và nói:
– Nó nhảy xuống rồi, nó nhảy xuống rồi.
Trần Xuân Trạch thấy vậy, trên cây tuột xuống lẹ như con sóc, còn Nguyễn Hữu Thoại lật đật chạy theo, và nói lớn rằng:
– Thằng cường đạo kia, mi đứng lại không? Nếu mi chạy thì ta bắn mi chết,
Nhưng thằng khốn ấy đã lủi vào bụi cây rồi chun mất, hai anh em Nguyễn Hữu Thoại lúc bấy giờ lửa giận phừng gan, liền lấy gươm chặt xả bụi cây và đáo soát kiếm cùng, nhưng không thấy chi hết, liền chạy lại bụi cây kế đó kiếm coi, bỗng thấy thằng khốn ấy thình lình trong bụi ló ra, rồi đâm đầu chạy lại chỗ đất cao kia, co giò nhảy xuống một cái rồi biến mất.
Nguyễn Hữu Thoại và Trần Xuân Trạch lật đật rượt theo tới đó, thấy một miệng hầm lớn bằng căn nhà, chung quanh cây cối rậm rì, ngó xuống dưới hầm sâu chừng 5,6 thước, phía bên miệng hầm có một cái hang, ăn luồn vô trong ngó vào tối thui như mực.
Trần Xuân Trạch ngó coi một hồi rồi day lại nói với Nguyễn Hữu Thoại rằng:
– Chắc thằng khốn nầy nhảy xuống hầm rồi chun tuốt vào hang đó mà trốn, vậy để tôi nhảy xuống thử coi.
Nguyễn Hữu Thoại nói:
– Không được đâu, đừng nhảy bất tử, chắc cái hầm nầy là chỗ sào huyệt của chúng nó, để mà tàng tụ tại đây, thế thì chúng nó đào hang trổ nghách ở dưới, chẳng biết bao nhiêu. Nếu mình nhảy xuống thì nó núp trong hang tối hại mình, chớ mình không thấy nó đâu mà bắt, đừng xuống bất từ không nên, thôi thây kệ nó, chúng ta chẳng cần theo nó làm chi, miễn là mình bắt ngựa lại được thì đủ.
Nói rồi hai anh em trở ra dắt ngựa chạy về.
Dọc đường gặp Cao Phước Trí dắt ngựa chạy tới, thấy Nguyễn Hữu Thoại và Trần Xuân Trạch thì hỏi rằng:
– Sao hai anh có bắt được quân cướp không?
Nguyễn Hữu Thoại nói:
– Ta đã chém chết một đứa, còn một đứa chạy thoát vào hầm rồi trốn mất, nên không bắt được.
Cao Phước Trí nói:
– Thôi hiền huynh để tôi vào hầm bắt nó mà giết quách cho rảnh, ba thằng Cao Man chết bầm, để nó báo hại mình ngủ không yên giấc.
Nguyễn Hữu Thoại nói:
– Không được đâu, nó đã chun mất vô hầm rồi, biết đâu mà kiếm.
Nói rồi ba anh em cùng nhau đề huề trở lại chỗ cũ.
Khi về tới gò đất, thấy ba tên quân nhơn mỗi đứa tay cầm giáo dài, đương đứng hơ hãi ngóng trông, thấy ba anh em dắt ngựa về, thì mừng rỡ chạy ra nói rằng:
– Bẩm chủ tướng, khi ba chủ tướng rượt theo quân cướp, thì có năm sáu đứa cướp khác ào tới, muốn cướp giựt đồ hành trang, chúng tôi liền lấy trường thương chống cự với chúng nó một trận rất dữ. Chúng nó đánh không lại, rồi kéo nhau chạy tuông vào rừng, chúng tôi muốn rượt theo giết nó, nhưng đồ hành trang sợ không ai giữ.
Nguyễn Hữu Thoại nói:
– Thôi, chúng bay hãy ra dắt ngựa lên cột nơi mấy gốc cây, và thức mà canh giữ cùng nhau, không nên ngủ nữa.