Lệ Dung thấy vậy lòng cũng ngùi ngùi, bèn thưa với mẹ và chị rằng:
– Việc nầy con tưởng cũng dễ hỏi thăm, vì con biết ảnh có một người chú bà con, làm hương hào ở trong làng ấy; khi mẹ con ta ra tới xứ Bắc, yên nơi yên chỗ rồi, thong thả ta lại viết thơ gởi về cho ông hương ấy, cậy người thăm dọ tin ảnh ở đâu; hoặc chừng nào mà mình về lỡ buôn bán tại Saigon theo như lời má tính đó, lại càng dễ tìm tin ảnh hơn nữa; vì ảnh là người Tây học, hễ thất thời thì phải đến Saigon kiếm công việc mà làm, chớ không lẽ ảnh rút ở trong vườn mà chịu nghèo cho được; như thế thì sớm muộn gì ắt mình cũng biết được tin ảnh chớ chẳng không.
Bà phủ với Mộ Trinh nghe nói cũng yên lòng, bèn lo qua việc làm tuần và mướn người xây mộ.
Cách chẳng bao lâu tuần tự vừa xong, mồ mả cũng xây rồi, mẹ con bèn làm tờ đoạn mãi cái nhà của bà cho một thầy thông kia được bảy trăm rưỡi đồng, và còn phần riêng bàn tủ, ghế đẳng, ván phên trong nhà cũng được vài trăm; duy có những đồ nội cái bàn thờ, thì bà đem gởi cho một người bà con trong họ của bà, rồi mẹ con đề huề dắt nhau xuống Saigon xin giấy thông hành và mua giấy tàu mà ra Bắc.
Đêm ấy, mẹ con nghỉ ngơi tại Saigon, sáng ra bữa sau, mới kêu xe kéo chở đồ hành lý xuống tàu; vào lối 8 giờ, tàu đã lấy neo, rồi chạy quanh qua lộn lại, chìu uốn theo khúc sông, chừng lối 2 giờ chiều thì tàu đã tới Vũng Tàu, ngừng tại đó một khắc đồng hồ cho hoa tiêu xuống, rồi thì trực chỉ ra khơi, chạy thẳng thét 3 đêm 3 ngày mới tới Hải Phòng.
Tàu đậu yên rồi, ba mẹ con bèn dắt nhau lên bờ, kêu xe chở đồ đem đến ga xe lửa, đi luôn lên Hà Nội; rồi lại mướn xe ô tô đưa thẳng đến tỉnh Bắc Ninh.
Khi đến nơi rồi đi kiếm hỏi thăm, hơn trót giờ lâu mới tìm được nhà ông huyện. Chẳng dè ông huyện đã bị đổi lên Cao Bằng, ông mới đi trước ngày mẹ con bà phủ ra tới, độ chừng mươi bữa. Nhưng may vì ông nghĩ Cao Bằng là xứ xa đất lạ, phần thì hai cậu con của ông vẫn còn nhỏ lắm, mới có năm ba tuổi mà thôi; sợ e thủy thổ chẳng hiền, nên ông để bà huyện với hai cậu nhỏ ở nhà, ông đi trước một mình lên đó coi địa thế thể nào, rồi chừng vài ba tháng ông sẽ trở về mà rước bà với hai cậu nhỏ.
Lúc ra đi ông có dặn bà huyện rằng sớm muộn gì cũng có bà phủ là chị ruột của ông với hai đứa cháu gái ở trong Nam kỳ sẽ ra thăm ông, nếu chị ông và cháu ông mà ra tới rồi, thì phải cầm ở lại mà chờ ông và phải hậu đãi chị ông cho tử tế, vì đầu đuôi ông còn có một bà chị đó mà thôi, nên ông xem bà chị của ông cũng như mẹ vậy. Bà huyện đã tỏ ý vâng lời, mà ông cũng còn đinh ninh căn dặn đôi ba lần rồi ông mới lên đường.
Nguyên bà huyện nầy tên là Đào thị, tánh tình sâu sắc, độc ác bất nhơn; trừ chồng con của bà ra rồi thì bà chẳng còn có chút lương tâm gì mà biết thương ai ở trong thế giái nầy nữa.
Đây nhắc lại việc bà phủ, đỗi đường xa xuôi, thiên san vạn hải, tìm đến mà thăm em, chẳng dè ra đến mà chẳng thấy em thì mặt mày bà buồn nghiến. Chí như hai chị em Mộ Trinh, tuy bà huyện là mợ dâu của mình, mà thuở nay kẻ Bắc người Nam, chưa biết mặt lần nào, cho nên trong lúc thấy nhau rất nên bợ ngợ.
Còn bà huyện là Đào thị, khi thấy chị chồng và cháu chồng mới ra, lại nghe tiếng chị chồng mình là bà phủ ở Nam Kỳ, thì coi ra thế bà ân cần vui vẻ lắm; mấy ngày đầu bà lo đi chợ, hối thúc trẻ ở nấu cơm, bà săn sóc từ miếng ăn miếng uống, ban đêm lại lo trải nệm giăng mùng; trong lúc thảnh thơi, chị em chuyện vãn với nhau, bà phủ mới tỏ thiệt qua việc gia đình của mình, vì nay chồng đã mất rồi, gia thế suy vi, mẹ con côi cút không ai, nên bà mới tính ra nương dựa với em cho gần gũi.
Khi Đào thị nghe rõ trước sau rồi, bề ngoài tuy là ừ hử gọi là, mà bề trong bà đã có ý chẳng vui. Từ đó đến sau, tánh ý của bà, thiệt chẳng có ai chế ai pha, mà sao càng ngày coi càng lợt.
Từ Mộ Trinh với Trần Lệ Dung dòm coi tánh ý Đào thị, tuy đã thấy rõ như gương, song sợ mẹ phiền lòng, nên chẳng dám nói chi, cứ đánh chữ làm thinh, để coi cho rõ cái nhơn tình ra sao cho biết.
Mẹ con ở đó hơn trót tháng ngoài, một hôm có một bà Phán là người giàu có lớn ở Hà Đông lên chơi, tính ở nghỉ đó một đêm. Đào thị bèn khiến đứa ở dọn đồ hành lý của ba mẹ con bà phủ đem ra để ở nơi bộ ván ngựa ngoài, rồi dọn quét cái phòng chỗ mẹ con bà phủ nằm hổm rày đó, lót nệm trải ra (drap), thay áo gối mới vào, để cho bà Phán nghỉ ngơi tại đó.
Đêm ấy hai chị em Mộ Trinh không ngủ, cứ rầm rì to nhỏ chuyện vãn với nhau, chờ cho đêm vắng canh khuya, trong nhà ai nấy ngủ rồi, Mộ Trinh mới mò lại gần, kêu mẹ dậy mà nói chuyện.
Ban đầu nàng tưởng bà đã ngủ rồi, chẳng dè khi nàng lại gần, đèn tắt tối thui, nàng mò động nhằm gò má của bà, thấy sao ướt rượt; chừng ấy nàng mới hay mẹ mình còn thức mà khóc đây chớ chưa ngủ, nàng liền rút khăn mu-soa (mouchoir) mà lau nước mắt cho mẹ, rồi lại cúi xuống hun mẹ một cái mà hỏi rằng:
– Má chưa ngủ hay sao má?
Bà phủ liền đáp rằng:
– Chưa, má buồn quá, đà ngủ được đâu con.
– Sao má buồn vậy má?
– Má thấy cái tình đời, rồi má nghĩ lại má nhớ cha con quá? Phải cha con còn, thì mẹ con mình có đâu mà phải ra thân tất tưởi như vầy.
– Hồi còn ở nhà con cũng đã có nói với má mà má không nghe, bây giờ đến việc rồi đó, má thấy không? Cửu trú linh nhơn tiện là vậy đó đa! Hồi chiều tới giờ hai chị em con thấy cái cách của mợ đối đãi với mẹ con mình như vậy nên chị em con cũng buồn, tính chờ cho trong nhà họ ngủ hết rồi sẽ bàn tính với má; đặng liệu coi, hoặc là trở về Nam kỳ, hoặc là kiếm phố khác mướn mà ở đỡ, rồi má có đi xuống Hà Nội mà kiếm coi hàng hóa thể nào, như lời má đã tính hồi ở trỏng đó, chớ ở đây nữa mà làm gì cho người ta khinh khi bạc đãi mình như vậy.
– Má cũng tính như con vậy đó, ngặt vì cậu ba con nó đi khỏi, đỗi đường ở trỏng ra đây, chị em không thấy được mặt nhau, rồi bỏ mà đi về thì cũng ức; thôi, để nín nẫm một hai ngày mà chờ cậu con coi, rồi sau sẽ liệu; vậy để sáng mai má phải đi xuống Hà Nội vài bữa.
Chẳng dè bà huyện lại có một đứa cháu trai kêu bà bằng cô, tên là Đào Duy Thạc, tuy sanh trong nhà giàu có, mà tánh tình du đảng, lại cũng là một môn với bọn đăng đồ; thường hay tới lui nơi nhà quan huyện.
Một buổi kia nhằm lúc bà phủ mắc đi xuống Hà Nội, hai chị em ở nhà đương ngồi thêu khăn và chuyện vãn với nhau, còn đương nhắc chuyện đâu đâu; thình lình vùng nghe có tiếng giày tây cộp cộp ngoài ngõ bước vào, làm cho hai chị em giựt mình, liền ngước mặt ngó ra; té ra người đó là Đào Duy Thạc, nhơn đi chơi tiện đường thừa ưa ghé đó thăm cô.
Bợm ta vừa mới bước vô, thoạt nhiên trông thấy hai nàng, tuy không trang điểm như ai; nhưng mà, mắt phụng mày ngài, dung nhan yểu điệu, mặt hoa mày liễu, da trắng như ngần.
Thiệt là: Mai cốt cách, tuyết tinh thần, một người một vẻ mười phân vẹn mười.
Nguyên Đào Duy Thạc nầy là một tay phóng đãng, mèo đàng chó điếm, tập tánh đã quen; nay tình cờ mà thấy hai cô gái đẹp, như ngọc nữ, như tiên đồng, thì bợm ta đà quắn quít trong lòng, có thế nào mà bỏ qua cho được, bèn vào thăm cô, rồi lần hồi mới hỏi thăm qua chuyện hai nàng ở đâu cho biết.
Đào thị cũng cứ trước sau tỏ thiệt, bợm ta mới biết là con quan phủ ở Nam kỳ, mà lại là cháu kêu dượng mình bằng cậu; nay may mà dượng mình không có ở nhà, thế ra cũng dễ cho mình rủ trăng quến gió. Nghĩ như vậy rồi lại chẳng chịu về, cứ lân la chà lết mãi ở đó, đặng làm quen, ban đầu còn đứng xa xa, sau mới mon men, muốn lết lại gần, cho dễ thả mồi ong bướm.