Cuốn 2 – Phần 04

Trưa lại tan hầu thầy Hưng cũng mời về nhà ăn cơm với thầy. Khi về tới nhà thầy Hưng bèn kêu vợ mà nói rằng:

– Nè mình, thầy hai đây là anh em bạn học với tôi, thẩy ở dưới Chợ Gạo đây, tội nghiệp quá, cũng là con nhà giàu có, mà nay vận nhà suy sụp, rủi bác trai lại mới mất, còn bác gái lại đau hoài; thẩy mới xin được vô làm một chỗ với tôi đây; mình dọn cơm ra cho thẩy ăn với tôi luôn thể.

Cô thông Hưng cũng là người tử tế, cho nên trong lúc ăn cơm, cô hỏi Khắc Xương rằng:

– Thầy Hai có bà con quen lớn với ai tại đây không?

– Tôi có một bà cô ruột, ở phía thân trong chợ đây một đỗi, nhà cổ cũng có ăn, mà hai vợ chồng kỳ quá, nên tôi ít hay tới lui cho lắm.

– Ối! Thầy hai ôi! Nhơn tình buổi nầy khó lắm, họ coi đồng tiền trọng hơn giống gì hết thảy. Thôi, vợ chồng tôi cũng son vá, không có con cái chi, thầy ở đây ăn cơm tháng với vợ chồng tôi cũng được; đi làm thời đi với nhau, có về thì về với nhau như vậy cũng là vui.

– Anh chị có lòng thương em út như vậy, thiệt tôi rất cám ơn, vậy để chiều nay tôi phải về dưới nhà thưa lại cho mẹ tôi hay, và lấy quần áo thêm để đổi thay luôn thể, rồi sáng mai tôi sẽ trở lên.

Chiều lại năm giờ tan hầu Khắc Xương cũng về nhà thầy Hưng, ăn hối hả ba hột cơm rồi lật đật tuốt về Chợ Gạo, tỏ hết đầu đuôi các việc lại cho mẹ hay. Đoàn thị nghe con đã có sở làm, tuy là lương bổng không bao nhiêu, song cũng đủ mà đỡ ngặt trong cơn khốn đốn, nên bà cũng có bụng mừng.

Từ đó Đỗ Khắc Xương an lòng làm việc tại sở Trường Tiền, hễ chiều thứ bảy thì về nhà thăm mẹ, rồi khuya thứ hai lại trở lên, cứ giữ bổn phận mà làm, tuần nào cũng vậy.

Đỗ Khắc Xương tuy là làm việc mà chẳng hề lãng phí một đồng, hễ mỗi tháng lãnh lương rồi thì mua chút đỉnh trà bánh đem về cho mẹ vậy thôi; còn lại bao nhiêu cũng đều giao hết cho mẹ để phòng thuốc men và xây dụng việc nhà.

Bữa nọ cũng nhằm ngày thứ bảy, Khắc Xương về nhà, thấy mẹ mặt buồn dã dượi, không được vui vẻ như mọi lần thì sanh lòng lo sợ, liền vội vã hỏi rằng:

– Má đau hay sao?

– Không, má có đau gì đâu con, điều cách hơn mươi bữa rày, dượng ba con, nó cho đứa ở của nó xuống đây nói rằng tiền của nó đã tới kỳ rồi, bảo phải đam bạc lên cho nó; vì sợ con buồn nên má chưa kịp nói cho con hay; cách vài bữa sau nó lại sai xuống nữa, mà chuyến nầy trong thế cô hay dượng con có xúi nó hay sao, cho nên nó nhiếc mắng nhiều điều hỗn ẩu quá! Tuy vậy mà má cũng chưa dám nói với con; té ra hồi trưa nầy, chánh mình cô ba con là con Bườn, nó đi xe hai bánh xuống đây, nó nặng nhẹ nhiều lời rất nên khó chịu, mà nó còn hăm để mướn Trưởng tòa xuống đây bắt má mà giam thâu. Thiệt má chẳng biết tính làm sao, cực chẳng đã bữa nay má phải nói cho con biết.

Đỗ Khắc Xương nghe nói tức giận vô cùng. Đêm ấy trằn trọc một mình, suy tới nghĩ lui, nằm không an giấc; nhơn nghĩ cho ông dượng cũng chẳng lạ gì hơn người dưng thì chẳng nói làm chi, chớ như cô của mình, rõ ràng là cô ruột, mà cổ cũng coi đồng tiền tấm bạc trọng hơn cốt nhục thân tình, nếu ta mà chẳng tính cho kham, để cổ kiện và lãnh án giao cho Trưởng tòa, vạn nhứt mà họ giam thâu tới mẹ ta, thì ắt là ta không sống được.

Bằng mà muốn tính cho kham, thì cái số ba trăm mấy chục đồng bạc vốn và lời đây, cũng chẳng dễ gì mà lo cho kịp. Thôi, muốn cho êm chuyện thì chi bằng ta tính giao phứt cái nhà và miếng vườn nầy cho vợ chồng cổ cho rồi, thì chắc là vợ chồng cổ mới vừa lòng đẹp ý.

Đã biết cái sự nghiệp nầy tuy là của tiên nhơn ta để lại, lẽ thì ta phải giữ gìn, nay mà cô ta lại bức sách và khuẩn nhục mẹ con ta như vầy, thì ta tưởng khi tiên nhơn ta ở dưới suối vàng cũng xét rõ lòng ta.

Đỗ Khắc Xương nghĩ trọn một đêm, kết ấy là kế cùng; chớ chẳng còn có phương nào cho hay hơn nữa.

Sáng ra bữa sau, Đỗ Khắc Xương bèn đem những việc mình tính ban đêm mà tỏ lại cho mẹ nghe; Đoàn thị nghe nói khóc ròng. Đỗ Khắc Xương bèn kiếm lời khuyên giải cho mẹ nghe, lại nói:

– Nay cổ đã cố tình, quyết đọat cho được mới nghe, nếu mình còn dụ dự mà không tính cho rồi, thì vợ chồng cổ ắt sai sắp đày tớ xuống đây mà nhục mạ mẹ con ta, lại còn thưa kiện tới Tòa, rồi bề nào cũng chẳng khỏi bị thi hành phát mãi, chớ chẳng ích gì, chi bằng mình tính trước cho xong.

Đoàn thị thấy con nói vậy, thì cũng không biết tính làm sao, chỉ có khóc ròng, rồi bảo con cứ tính thế nào cho êm thì tính.

Qua bữa thứ hai, khi tan hầu chiều, Đỗ Khắc Xương về nhà thầy Hưng cơm nước xong xuôi, rồi đi thẳng vô nhà bà cô mà tỏ việc của mẹ con mình tính giao cả cái nhà và miếng vườn mà trừ nợ.

Vợ chồng tám Chỉnh với Thị Bườn nghe nói thì trong lòng đà mừng húm, song cũng còn kiếm chuyện mà nói hơi rằng:

– Thiệt cực chẳng đã, vì là chị hai với cháu bà con cật ruột chẳng phải người nào, nên cô cũng không biết nói làm sao, chớ như người ta thì không được; vì lúc nầy cô cần dùng đồng tiền lắm, ba bốn trăm đồng bạc của cháu thiếu đó, già để mà cho ra năm ba chủ tiền góp, thì mỗi tháng cũng được trót trăm ngoài đồng bạc lời. Chớ bây giờ để đem đồng bạc ra mà mua đất mua nhà thì đồng bạc ấy là đồng bạc chết, nó nằm cứng đó trơ trơ, chớ có ích gì.

Đỗ Khắc Xương nghe nói trong lòng cười thầm, Thị Bườn lại nói tiếp:

– Thôi, cháu về nói lại với chị hai, để mai ổng đi xuống dưới rồi sẽ mời làng mà làm tờ làm giấy cho rồi đi.

– Mai đi sao được.

– Sao vậy?

– Vì ngày mai nầy là ngày thứ ba, rồi mãi cho đến ngày thứ bảy thì tôi mắc đi làm việc, xin để đến ngày chúa nhựt rồi dượng sẽ xuống, vì ngày ấy mới có tôi ở nhà; song xin dượng xuống cho sớm, tôi sẽ mời hương chức tựu sẵn mà chờ.

– A! Vậy cũng được.

Đỗ Khắc Xương ra về suy tới nghĩ lui mà ngán cho cái nhơn tình, thiệt nói tới cái nhơn tình mà ghê mà gớm.

Đến chiều thứ bảy Khắc Xương về nói lại cho mẹ hay, rồi đi mời Xã trưởng với Hương thân và Hương hào, ngày mai xin đến tại nhà mà thị nhận tờ đoạn mãi.

Sáng ra bữa sau hương chức làng tới đủ, bà Đoàn thị có bảo con Hoa bắt vịt làm thịt cho 3 ông hương chức ăn uống chơi mà chờ. Qua lối 5 giờ ngoài, vợ chồng Tám Chỉnh mới đi xe xuống tới.

Đỗ Khắc Xương tờ giấy đã viết sẵn rồi, chờ cho có đủ mặt hai đàng, rồi mới mời mẹ mình ra ký tên trước mặt chủ mua và hương chức.

Đoàn thị cầm bút ký tên mà hai hàng nước mắt chảy ra ròng ròng. Đỗ Khắc Xương cũng ký tên xong, đem để nơi giữa ghế, ông hương thân già nói:

– Theo phép thì chủ mua cũng phải ký tên và tờ mới được.

Tám Chỉnh cũng đứng dậy bước tới ký tên rồi cũng để y nơi ghế.

Hồi lâu mà chẳng thấy vợ chồng Tám Chỉnh nói chi, làm cho anh hương hào ngứa miệng nên phải nói rằng:

– Tờ giấy xong rồi, chủ bán ký tên cũng đành rành rồi đó, đàng mua sao chưa thâu tờ giấy mà cất đi còn đợi cái gì nữa?

Thị Bườn nói:

– Thưa, tôi còn đợi hương chức thị nhận giùm.

Hương hào:

– Vậy cũng đủ rồi, còn nài anh em tôi thị nhận làm gì?

Tám Chỉnh:

– Thưa, có hương chức thị nhận rồi tôi đem đi đóng bách phần mà cầu chứng mới được chớ.

Hương hào:

– À! Anh muốn cho anh em tôi thị nhận cho anh thì anh phải tính sao, chớ anh ngồi làm thinh đó hoài mà chờ anh em tôi nhận thị anh hay sao?

Tám Chỉnh:

– Thưa, cái đó là về phần chị hai tôi và cháu tôi là thằng Ký đây chịu chớ!

Hương hào:

– À! Ai biết đâu nà, mà thằng Ký nó đã ký tên như vậy cũng là đủ phép rồi, anh còn nài anh em tôi thị nhận chi vậy?

Tám Chỉnh:

– Thưa, có hương chức ký tên và Xã trưởng nhận mộc mới chắc chớ.

Hương hào:

– À! Anh muốn cho chắc của anh, sao anh bắt người ta chịu tiền. Thiệt, mất lòng anh thì tôi chịu, chớ anh làm nhiều cái không ai nín được; anh ỷ anh có tiền, rồi anh khắc bạc với nhà nghèo quá đỗi, anh không sợ trời sao?

Tám Chỉnh:

– Tôi khắc bạc ai chỗ nào đâu mà cậu hương rủa tôi như vậy.

Hương hào:

– Anh không khắc bạc ai à! Anh cho nhà nghèo vay, anh ăn lời mỗi tháng tới bốn, năm phân lợi, ai trả nổi thì trẻ, trả không nổi thì anh bắt làm giấy lại, chồng lời lên mà làm vốn; rốt cuộc rồi thì anh cứ kiện đặng lãnh án thi hành; tôi làm hương hào tại làng nầy mới có hai năm nay, mà đã lãnh án thi hành cho anh hơn ba bốn đám rồi, ý là có một làng nầy đa, còn nhiều làng khác nữa hơi đâu mà kể. Nay tới phiên chị Đỗ trong nhà đây và thằng Ký là cháu ruột của vợ anh sặm sờ, mà anh Đỗ là anh ruột của vợ anh, cũng mới mất đây, thiệt đống xương cũng còn chưa lạnh, mà vợ chồng anh nhẫn tâm làm chuyện bức như vầy, thiệt chẳng còn nhứt điểm lương tâm nào hết. Thôi tôi cũng chẳng thèm nói chuyện đạo nghĩa với người trọng tiền bạc hơn anh em mà làm chi. Tôi cũng cứ lấy sự bạc tiền mà đối đãi với người tiền bạc. Nay hai vợ chồng anh có muốn cho chắc ý mình thì đem đủ ra đây mười lăm đồng bạc, cho anh em tôi uống rượu chơi thì anh em tôi sẽ thị nhận giùm cho, bằng không thì anh em tôi về, còn đi nhiều việc khác nữa.

Thị Bườn:

– Nếu hương chức không chịu thị nhận thì thôi, tôi không mua, có hại gì, rồi thằng Ký đây nó phải chạy bạc mà trả cho tôi lập tức, bằng không thì tôi đi kiện liền.

Hương hào:

– Chị nói bằng chơi đa! Tôi e cho thằng Ký nó kiện chị bây giờ đây, chớ chị đừng có mong mà đi kiện nó.

Thị Bườn:

– Sao, tôi có việc gì mà nó kiện tôi?

Hương hào:

– Chị chịu mua nhà mua đất của người ta, rồi bây giờ chị nói chị không mua, người ta kiện sở tổn chị không được sao?

Thị Bườn:

– Lấy cớ nào mà kiện tôi đó?

Hương hào:

– Chị đừng có làm hơi lanh mà! (Và nói và cầm cái tờ mãi trong tay, chỉ chỗ Tám Chỉnh ký tên mà nói tiếp). Không mua chớ ai ký tên đây?

(Nguyên ông Hương nào nầy cũng có bà con cô cậu với anh em Thị Bườn, nhằm vai chú của Khắc Xương, nay thấy vợ chồng Thị Bườn bức sách cháu ruột như vậy nên giận mà nói ba điều chơi cho bõ ghét).

Viết một bình luận

error: Content is protected !!