Bà Đoàn thị thấy vậy cũng bệu bạo mà hỏi con rằng:
– Sao con? Anh nhiêu ảnh nói coi mạch cho cha con rồi ảnh nói sao đó? Nặng hay nhẹ vậy con?
Đỗ Khắc Xương vì sợ mẹ rầu nên không nói thiệt, liền kiếm lời mà nói trớ cho mẹ an lòng, bèn nói rằng:
– Thưa má, không hề chi đâu, bác nhiêu nói, tại cha con đau ở ngoài Bắc xưa rày, sức cũng đà yếu kế lại bị đi tàu từ Bắc vào Nam, xa xuôi biển giã; về nhà nghỉ chưa được mấy ngày, kế bị việc xúc tâm mà giận quá nư nên mới ra như vậy; sẵn có sâm tốt quế tốt, bác hốt một thang cho cha con tỉnh lại, rồi bác hốt bổ luôn thêm ít thang thì mạnh, chớ không sao đâu, xin má chớ rầu mà sanh bịnh hoạn.
Hai mẹ con còn đương bàn luận với nhau, kế thấy thằng Hành đã đam thuốc về, Đoàn thị không dám phú thác cho con Hoa, vì e nó dại khờ mà sắc không được kỹ lưỡng, nên bà phải bổn thân đi sắc thuốc cho ông: sâm, quế cũng chưng riêng theo như lời ông nhiêu đã dặn, khi thuốc tới rồi, bà bèn hòa hai món kia vô, chờ cho nguội bớt rồi mới đem vào cho ông uống.
Mà ông nhiêu Lân hốt thuốc thiệt tài, cho nên ông Đỗ uống thuốc hồi đầu hôm, qua lối canh ba ông đà tỉnh lại và than đói bụng, bà bèn đi lấy cháo đã nấu sẵn đem lại cho ông ăn. Ông ăn được ít muỗng cháo vô rồi tinh thần ông coi đã có hơi khỏe khoắn. Rồi từ đó mỗi ngày cũng cứ hốt thuốc luôn luôn, tuy ông nhẹ vậy chớ chưa đi vô đi ra chi được.
Một ngày kia Đỗ Thị Bườn nghe tin anh mình đã về mà đau, nên dùng dịp đi đòi nợ mà ghé thăm coi bịnh anh nặng nhẹ. Nguyên Đỗ Khắc Xương biết cha mình mà thổ huyết hôm nọ đó cũng vì giận cô mình, nếu nay mà thấy mặt cô mình, thì ắt là khốn nữa. Bèn kiếm chuyện mà nói sướt đặng gạt cô mình rằng:
– Cha tôi bị bịnh thổ huyết, nên cứ mệt hoài, ông thầy thuốc ổng dặn đừng cho ai vô, để cho cha tôi tịnh dưỡng, nếu có ai vào ra hơi lạ thì nó bắt mệt mà làm xung khó lắm, vậy xin cô chớ có vô đó làm chi, để ráng ít ngày cho cha tôi nhẹ bớt đã.
Đỗ Thị Bườn ngồi đó xớ rớ một hồi rồi bỏ ra về mất.
Cách ít ngày Đỗ Khắc Xương nhơn thấy bịnh cha mình chưa thiệt mạnh, song coi thế cũng khỏe lần, bèn đi thăm lối xóm mà tạ ơn chiếu cố mẹ mình trong cơn mình đi khỏi; rồi nhơn dịp mới hỏi thăm qua nàng Từ Mộ Trinh thì nghe người ta nói nàng ấy vẫn còn đau hoài chớ chưa thiệt mạnh; còn quan phủ thì đã được giấy về hưu, nên ông đã mướn ghe chở gia quyến và đồ đạc mà đi hết rồi; nghe nói ông về đâu trên Biên Hòa là xứ sở của ông.
Đỗ Khắc Xương nghe nói trong lòng ngùi ngùi, lo vì đường sá xa xuôi, từ đây góc biển ven trời, khó nỗi thơ nhàn tin cá, vì chàng có nghe mẹ chàng nói rằng trong lúc chàng đi khỏi, ở nhà mẹ con bà phủ vẫn có châu cấp cho bà nhiều ít; nên chàng lập tâm đã sẵn, chờ cho cha mình thiệt mạnh rồi sẽ tìm lên Biên Hòa, trước là thừa dịp để tạ ơn bà, sau là dọ thăm tin tức của nàng coi ra thể nào cho biết.
Chẳng dè qua lối tháng mười một, nhằm tiết trọng đông, bịnh ông trở nặng quả như lời ông nhiêu Lân đã nói trước với chàng; càng ngày coi càng nặng, thuốc uống như không, chừng ấy ông nhiêu Lân cũng thúc thủ. Đỗ Khắc Xương vì nóng ruột thương cha, nên lo rước đã nhiều thầy, mà ông nào cũng chạy hết.
Qua đến rằm tháng chạp, vào lối canh ba, ông liệu biết trong mình, thế chịu không kham, bèn kêu vợ con vào tận bên giường, trối lại một đôi lời, rồi nhắm mắt theo ông theo bà mà về cõi Phật.
Lúc bấy giờ, bà Đoàn thị nhào lăn ôm chồng mà khóc, còn Đỗ Khắc Xương thì lụy ngọc dầm dề; hai đứa ở trong nhà cũng khóc kể rùm nhà, lối xóm hay được chạy tới thấy vậy cũng đều rơi lụy.
Sáng ra bữa sau xóm làng tựu tới rất đông, kẻ lo mua món nầy, người lo sắm vật kia, để tẫn liệm ông cho tử tế.
Trưa lại ngày ấy vợ chồng Tám Chỉnh với Thị Bườn cũng có xuống chịu tang khóc kể nghêu ngao, lại có đem một con heo mà tế nữa.
(Nguyên vợ chồng Đỗ Thị Bườn giàu có, nay anh ruột mình chết, không lẽ mà làm ngơ, cho nên bề ngoài cũng phải đem heo tế lễ mà che miệng thế gian, chớ bề trong đà thót ruột.
Chí như ông Đỗ Khắc Thới, thoảng như vong hồn ông mà có linh thiêng, thì đồ của vợ chồng Thị Bườn đem tế ông đây, chắc là ông cũng mửa, chớ ông đương có thèm ăn đâu mà tế).
Khi tống táng ông xong rồi thì tiền bạc còn lại chẳng bao nhiêu. Đỗ Khắc Xương tính để làm tuần bá nhựt cho cha mình rồi, sẽ thưa với mẹ đặng lên Saigon kiếm việc làm ăn mà nuôi mẹ.
Lần hồi ngày tháng như thoi, thấm thoát mà đã tới kỳ bá nhựt, tuần tự xong rồi; Đỗ Khắc Xương vừa muốn thưa với mẹ đặng lên Saigon để kiếm việc làm. Chẳng dè Đoàn thị, một là lo nỗi nhà, hai là bị thức thối với ông trong lúc ông đau, ba là khi ông bất hạnh mà qua đời, bà những mảng buồn rầu thương nhớ ông, cho nên bà cũng đau hoài. Đỗ Khắc Xương là con chí hiếu thấy mẹ yếu quá, không dám bỏ mà đi xa, nên phải bó tay chịu nghèo ở nhà mà nuôi mẹ.
Phàm người ở đời, đã biết rằng có nên có hư, có suy có thạnh, có hồi điên đảo, có lúc vinh hoa thì mặc dầu; nhưng vậy mà, Tạo vật cũng chưa chịu để êm đâu, đương trong buồi lưu ly điên bái, mà lại còn xen cái may cái rủi vào trong, rồi xô qua đẩy lại, kéo tới giựt lui, làm như trái hí cầu (balle) nhồi lên đá xuống, cho lăn cho lóc, cho nhuyễn cho nhừ; cho tàn cho mạt, cho hại cho tiêu; chịu được thì chịu, không chịu được thì hư, năm lừa mười lọc, cho đến kiếp đi rồi; nếu có đủ chí đủ sức, có rắn gan mà chịu nổi với người thì người mới nới tay cho mà thở.
Bởi vậy cho nên Đỗ Khắc Xương đương buổi điên nguy mà cũng còn gặp được chút may. Ngày kia đương buổi lo buồn, bỗng đâu lại có một người quen, tên là Nguyễn Quốc Hưng đương làm việc tại sở Trường Tiền trên tỉnh, nhơn ngày chúa nhựt đi chơi, tiện đường ghé thăm Đỗ Khắc Xương; anh em gặp nhau mừng rỡ chuyện vãn một hồi, rồi nói qua việc làm ăn.
Đỗ Khắc Xương nhơn than vì vận nhà điên đảo, cha mới mất, mẹ lại đau; nên phải ở nhà mà chịu nghèo, chớ chưa dám đi đâu cho được. Nguyễn Quốc Hưng nói:
– Bạn nói vậy cũng phải, mình là phận làm con, cha già mẹ yếu, ai dám bỏ mà đi đâu. Nhưng mà đi xa kìa, chớ như gần đây thì có hại gì.
– Gần đây có việc gì đâu mà làm được?
– Nè bạn! Tại sở tôi làm, có cần dùng một người thơ ký, lương mỗi tháng chừng lối 30 đồng, mà tuồng chữ viết cho hay mới được; hổm nay đã có hai ba người đến xin, mà ngặt tuồng chữ viết dở quá, ông sếp (chef) ổng chê; tôi nhắm bạn đây chắc là xin được, vì tôi biết tuồng chữ của bạn.
– Bây giờ mình phải làm sao mà xin?
– Thì cứ làm đơn đưa vô cho ông sếp mà xin vậy chớ sao! Mà điều, bạn có làm đơn phải gò, viết chữ cho hay nó nghe hông. Bạn cứ làm đơn đi, rồi sáng mai thứ hai đem và xin đại đi, tôi sẽ nói với ông sếp tôi rằng tôi có quen biết với bạn thì chắc là ổng cho liền, vì lúc nầy nhiều công việc quá, nên người ta cần dùng lắm.
– Tôi rất cám ơn anh, vậy để sáng mai tôi lên, nhờ anh tiến dẫn giùm.
– Dữ hông! Chuyện anh em, một chút một đỉnh chớ giống gì đó sao! Khó giúp nhau mới thảo, giàu tư trợ ai màng. Thôi, để cho tôi kiếu tôi về kẻo tối, sáng mai bạn cứ việc đem đơn lên đi, đừng có để trễ đây rồi có người khác họ xin trước mà mình hỏng đa nghe hông!
Nguyễn Quốc Hưng căn dặn đôi ba lần rồi mới đứng dậy từ giã ra về.
Đêm ấy Đỗ Khắc Xương thưa lại cho mẹ hay, rồi lo viết đơn để sẵn, khuya lại thức dậy sớm kêu thằng Hành dặn dò xem sóc việc nhà rồi sửa soạn ra đi.
Lên đến nơi thì đúng tám giờ, đi thẳng vào sở Trường Tiền. Nguyễn Quốc Hưng ngó thấy lật đật chạy ra rước lấy cái đơn, dặn Khắc Xương đứng đó mà chờ, rồi cầm cái đơn đem vào trao cho ông Sếp và nói chi với ông, ở ngoài xa nghe không rõ; kế thấy ông Sếp coi đơn rồi gặt đầu và bảo kêu Khắc Xương vào mà hỏi rằng:
– Thuở nay thầy có làm việc đâu chưa?
– Thưa ông chưa, tôi chưa có làm việc ở đâu hết.
– Sao vậy?
– Thưa ông, vì từ lúc tôi thôi học rồi về nhà cha tôi đau hoài, tôi mắc lo săn sóc thuốc men cho cha tôi và chăm lo việc nhà, nên không có đi làm việc đâu hết được.
– Nay cha thầy đã mạnh rồi phải không?
– Thưa không, cha tôi mới mất, tôi còn đương để tang cho cha tôi đây (Và nói và chỉ sợi vải đen bao trên cái nón).
– Tuồng chữ viết đơn đây phải của thầy viết hay không?
– Thưa phải, chánh là tay tôi viết.
– Đâu nà, thầy viết lại ít hàng cho tôi coi thử. (Và nói và đưa giấy viết cho Khắc Xương).
Khắc Xương ngồi lại vừa viết được vài ba hàng chi đó, thì nghe ông Sếp khen rằng:
– Tốt lắm! Thôi, đủ rồi, khỏi viết nữa; vậy thì thầy cứ làm việc đây với tôi, mỗi tháng tôi sẽ trả cho thầy ba chục đồng, ví bằng mà thầy làm việc tử tế siêng năng, thì tôi sẽ tăng thêm lương bổng.
Đỗ Khắc Xương tạ ơn, rồi bước lại bàn, chỗ ông Sếp đã chỉ cho đó ngồi mà làm việc. Sánh cái sức học thì Khắc Xương có lấn hơn Quốc Hưng, ngặt vì mới vào, cho nên công việc chưa được thạo, việc gì cũng nhờ có Quốc Hưng ân cần chỉ bảo giùm cho.