Nghe được tin như vậy, Lệ Dung rất mừng thầm, bèn chờ lúc đêm vắng canh khuya, vỗ vai Mộ Trinh, miệng cười chúm chím mà nói rằng:
– Nầy chị, em xin chúc mừng cho chị đó.
Từ Mộ Trinh nghe nói ngạc nhiên, bèn hỏi rằng:
– Chuyện chi mà em mừng cho chị?
– Chuyện bà nói với chị em mình hồi trưa đó, ông được giấy về hưu rồi.
– Ậy! Cha chị được giấy hưu trí, sao em lại mừng cho chị là mừng nỗi gì?
– Chị quên rồi hay sao? Nhơn tình buổi nầy họ tham lắm, cái sự tham của họ, nói chẳng hay cùng; kẻ có tiền thì họ tham thêm quyền tước, kẻ có quyền tước thì lại tham tấm bạc đồng tiền; còn những bọn đăng đồ tử đệ là bọn làng chơi, nó lại tham về điều sắc dục. Ông huyện hàm Ngọt mà muốn làm sui với ông đây là ổng thấy ông có quyền, còn công tử Chanh mà muốn chị đó là hẳn thấy chị có sắc. Nay vì chị đau lâu, sắc chị đã suy, còn ông hưu trí thì quyền ông cũng hết. Như thế thì bên nhà đó họ cũng làm lơ, thế thì cái tình của chị với chàng Đỗ sau nầy cũng còn có chỗ hi vọng được, sở dĩ có bấy nhiêu đó nên em mới mừng chớ.
– Nầy em ơi! Nếu được như lời em nói đó, ấy là hạnh phước của chị đa em; song việc nầy thì chị em mình biết mà thôi, cũng nên để vậy mà coi, chớ em đừng có nói với ai, nếu cha chị mà hay được thì ắt ghét em, mà hễ người không ưa em rồi, thì chị em mình không dễ gì mà gần nhau được nữa đa em.
Qua bữa sau quan phủ nghe tin có quan huyện Cường ở Saigon xuống thế cho ông, đã tới tỉnh rồi, ngày mai sẽ đáo nhậm. Hay tin có người xuống thế rồi, ông bèn bảo bà và Trần Lệ Dung coi thu xếp việc nhà và sai người đi mướn ghe mướn bạn, chở hết đồ đạc xuống ghe cho sẵn. Kế thấy có ít ông hương chức sở tại đến thăm, làm tuồng quyến luyến gọi là, trầu nước một hồi rồi về ráo.
Sáng ra ngày kế đó, vào lối 8 giờ, quan huyện Cường đi ô tô xuống tới; hai đàng giao lãnh các việc trong quận xong xuôi. Quan phủ bèn bảo bà ở lại đi ghe với Trần Lệ Dung mà coi chừng dìu đỡ Mộ Trinh, kẻo nàng còn yếu lắm.
Ông ở lại một mình đi xe lên tỉnh, từ giã anh em rồi mới đi xe lửa lên Saigon, rồi cũng đi xe lửa thẳng về Biên Hòa đặng coi chỉnh đốn cửa nhà mà chờ gia quyến.
Cách ít ngày ghe bà về tới, hối bạn dọn đồ lên nhà, sắp đặt đâu đó yên rồi, mới trả tiền và cho ghe về Mỹ. Từ đây quan phủ chẳng có lo chi hơn là lo thuốc thang cho con mau mạnh.
Còn Từ Mộ Trinh, nay tuy trong mình tinh thần đã bình phục được nhiều, song còn lo sợ bên trai, nếu hay tin mình mạnh mà cưới gấp đi chăng, nên nàng cũng cứ giả đau luôn cho qua ngày tháng.
Còn chàng Đỗ Khắc Xương ở tại Hà Nội với cha hơn trót tháng, lo nỗi mẹ ở nhà hiu quạnh một mình, bèn bàn luận với cha, tính từ giã ông Phán đặng xuống Hải Phòng, để tháp tùng tàu khói mà về đường biển, vì chàng ta có coi nhựt báo, biết còn có vài ngày thì tàu sẽ lấy neo, bèn tỏ lại cho ông Phán hay; ông Phán cũng chẳng dám cầm, bèn lấy ra 3 trăm đồng bạc với một láng quế Thanh, trao cho Đỗ Khắc Xương bảo cất lấy đem về, để lo thuốc thang mà bổ dưỡng cho ông mau mạnh. Hai cha con Đỗ Khắc Xương đều lấy làm cảm tình ông Phán chẳng cùng.
Sáng ra bữa sau, hai cha con bèn tạ từ ông Phán rồi hối thằng Hành xách đồ hành lý ra nhà ga mua giấy xe lửa đi xuống Hải Phòng. Ông phán Hoàng Hữu Tâm cũng theo đưa xuống tới Hải Phòng và đưa thẳng xuống tận bến tàu, hai đàng đều quyến luyến nhau, kẻ ở Bắc người về Nam, tình dan díu nói sao cho xiết.
Khi tàu gần lấy neo rồi anh em mới đành dứt tình kẻ ở người đi, đinh ninh trân trọng vài lời rồi mới bắt tay nhau mà từ biệt.
Ông Phán thì trở về Hà Nội, cón cha con Đỗ Khắc Xương với thằng Hành thì lại ngồi tàu mà trở lại Nam kỳ, may nhờ gió thuận sóng êm, tàu chạy thẳng thét 3 đêm 3 ngày thì đã tới Saigon; cha con liền dắt nhau lên bờ, kêu xe chạy qua chợ mới Saigon vào nhà Lữ quán nghỉ ngơi mà chờ xe lửa.
Qua 4 giờ chiều, cha con liền kêu thằng Hành sắm sửa, rồi xách hành lý ra ga, mua giấy lên xe, đúng 4 giờ rưỡi thì xe phát chạy; xuống tới Mỹ Tho là 6 giờ rưỡi tối, rồi lại phải mướn một cái xe hai bánh, cha con đề huề dắt nhau lên xe, về tới nhà thì đã gần 10 giờ.
Bà Đoàn thị thấy chồng con về tới thì mừng rỡ chẳng cùng, liền hối con Hoa đi nấu nước, rồi bà hỏi thăm các việc lăng xăng, xóm giềng ai nấy nghe tin ông về cũng đều rủ nhau tới mừng, chuyện vãn rùm nhà, ấy là lẽ tự nhiên, đâu đâu cũng vậy.
Nhơn thấy ông trong mình còn yếu, phần thì đi đường biển giã sóng gió xa xuôi; cho nên trầu nước một hồi rồi rủ nhau ra về mà để cho ông an nghỉ.
Cách ít ngày nhơn lúc rảnh rang ông bèn hỏi lại việc nhà, nghe nói tới việc em ruột của mình là Đỗ Thị Bườn với em rể là Phùng Văn Chỉnh, cả hai vợ chồng đều đối đãi với con mình một cách rất gắt gao khắc bạc như vậy, thì ông tức giận tràn hông, bèn nói lớn lên rằng:
– Thiệt vợ chồng con Bườn với thằng Chỉnh nầy quả là loài cầm thú, chẳng có chút lương tâm, chúng nó trọng đồng tiền hơn là cốt nhục …
Ông nói mới tới đó, thình lình máu đâu trong miệng trào ra hơn cả tô, làm cho ông té xỉu, tay chơn lạnh ngắt, bất tỉnh nhơn sự.
Bà Đoàn thị với Đỗ Khắc Xương kinh hồn hoảng vía, lật đật kêu thằng Hành với con Hoa xúm lại khiêng ông vào giường, lấy sâm quế đổ cho ông uống, rồi hối thằng Hành mướn xe đi rước ông nhiêu Lân về coi mạch hốt thuốc cho ông.
Ông nhờ có uống được sâm quế vào, cho nên trong giây phút tay chơn ấm, đều rồi ông cũng lần lần tỉnh lại, song ông cứ lấy hai tay vuốt ngực và lắc đầu hoài chớ chưa nói chi được hết.
Bà Đoàn thị cứ ngồi bên cạnh mà vuốt ngực cho ông và kiếm lời an ủi khuyên giải ông rằng:
– Xin ông đừng có giận nữa làm chi, có giận cho lắm thì lại thiệt mình, chớ chẳng ích gì, nó có ở vậy, để cho trời xét xem cho nó.
Còn Đỗ Khắc Xương thì xăng văng lo sợ, chạy ra chạy vào mà trông chừng ông thầy thuốc. Một chặp lâu, nghe có tiếng xe ngừng ngoài cửa, Đỗ Khắc Xương định chắc là xe của thằng Hành đi rước thầy thuốc đã về, bèn lật đật chạy ra, thấy ông nhiêu Lân đã bước xuống xe, tay ông cầm cây dù, ngoài trắng trong xanh, đầu ông bịch khăn đen mà khăn đóng, mình ông bận một cái áo xuyến đen, dưới ông bận cái quần nhiễu trắng nhùn nhục, chơn ông đi đôi giày hàm ếch da láng, gió thổi phê cái vạc áo trước của ông lên, thấy ông có mang một cái hồ bao kiểu xưa với buộc một sợi dây lưng màu lông két; bàn tay trái của ông để móng đủ cả 5 ngón rất dài, ông dở lên dở xuống, mấy móng tay khua nhau nghe lắt cắt.
Ông nhiêu ngoài ngõ lơn xơn đi vào, Đỗ Khắc Xương liền chắp tay mà chào rồi mời ông đi thẳng vào nhà hối con Hoa rót trà đem ra cho ông xơi và nói rằng:
– Xin bác trầu nước rồi vào coi giùm mạch cho cha tôi coi thể nào.
Ông nhiêu Lân gặc đầu, xơi nước một hồi rồi đứng dậy đi theo Khắc Xương vào phòng mà coi mạch. Ông nhiêu coi đủ hai tay, lại còn quan sắc diện một hồi nữa rồi mới đứng dậy ra ngoài, ngồi lại chỗ cũ, lấy thuốc giấy ra, và vấn thuốc và nói rằng:
– Bịnh của anh đây nguy lắm, lục mạch đều suy, bác sợ cứu không được.
Đỗ Khắc Xương nghe nói nước mắt rưng rưng rồi nói rằng:
– Xin bác ráng hốt giùm cho cha tôi ít thang, dầu hao tốn bao nhiêu tôi cũng không nệ, miễn làm sao cho cha tôi mạnh được thì thôi.
Ông nhiêu Lân lại nói:
– Bịnh của anh đây, phải có sâm quế cho thiệt tốt, và địa cũng cho được địa cữu chưng cữu sái thì mới dám dùng, nếu dùng những địa chưng không đúng phép như của mấy ông thầy lôi thôi đó vậy, thì không những là đã không hay ho gì, mà nó lại còn làm cho nê tỳ thêm mà phải khốn; huống chi bịnh của anh là bịnh thùy nguy, nếu nó sanh thêm một chứng nê tỳ nữa thì còn chi mà kể; sẵn ở nhà bác cũng còn để dành được ít lượng, để phòng trị mấy bịnh nguy, mới hôm trước đây có quan Đốc phủ Dõi ở trên Cái Bè cũng bị lạc huyết, thầy thuốc họ biết nhà bác có để địa tốt, họ điềm chỉ nên bà Đốc phủ có cho người đi ô tô xuống nài bác hết 4 lượng mà ba mươi hai đồng. Nay còn đâu lối chừng vài ba lượng gì đó, cũng đủ dùng mà trị bịnh của anh; duy có quế bây giờ đây thiệt không biết ai có quế tốt mà này.
Đỗ Khắc Xương nói:
– Việc quế xin bác chớ lo, vì hôm tôi ra Bắc mà rước cha tôi đó, thì bác Phán của tôi ở ngoải thấy cha tôi thường hay ương yếu, nên có cho tôi một láng quế Thanh thiệt tốt, dặn tôi đem về để dành cho cha tôi uống.
Và nói và chạy vào mở rương lấy láng quế đem ra trao cho ông nhiêu Lân và nói rằng:
– Đây bác, hồi cha tôi xỉu đó, tôi có cạo hết một chút mà cho cha tôi uống, nên cha tôi mới tỉnh lại đó đa
Ông nhiêu Lân cầm láng quế coi đi coi lại một hồi rồi tỏ ý mừng mà nói rằng:
– May phước quá! Ở đâu lại có quế sẵn như vầy thiệt cũng là may, quế nầy thiệt là quế Thanh đó đa cháu à! Vậy chớ bấy nhiêu đây bây giờ mà đi nài họ một trăm đồng cũng không được nữa đa cháu. Được đa, vậy cháu đem vào gói cất cho tử tế nghé! À quên! Để bác cắt ra sẵn một chút cho cháu biết, đặng sau có liệu chừng mà cắt theo.
Nói rồi liền lấy dao bén cắt ra một miếng, đưa cho Khắc Xương mà dặn rằng:
– Nầy cháu, mỗi bữa cháu cũng cắt độ chừng bằng miếng nầy đây vậy, rồi cạo ra để trong cái chén nhỏ, đổ nước vào mà chưng riêng nó ra, hễ thuốc sắc tới rồi thì trút nó vô hòa với thuốc mà cho anh uống; sâm cũng phải như vậy, chớ đừng có sắc chung với thuốc không tốt đa. Thôi, cháu nói với chị, để cho bác kiếu bác về, còn thân chủ họ chờ bác ở bên nhà cũng bộn; thằng Hành đâu? Đi theo ông qua bên nhà mà lấy thuốc con. Thôi, bác về nghe cháu!
Ông nhiêu Lân ra về, Đỗ Khắc Xương theo đưa ông ra xe; ông nhiêu bèn nói nhỏ với Khắc Xương rằng:
– Nầy cháu, bịnh của anh nguy lắm đa cháu, nhưng mà nhờ có địa tốt quế tốt; nhờ Tổ, bác cũng ráng làm thử ít thang coi, như anh chịu được một mùa đông nầy, hễ bước qua xuân thì anh mạnh được, nếu không thì nội trong mùa đông tới đây, bác sợ anh qua không khỏi đa cháu; nhưng bác thấy cháu nói lắm, nên bác cũng ráng cho hết tình, nhờ trời chớ biết sao bây giờ. Thôi, cháu đi vô, để cho bác về kẻo thân chủ họ đợi.
Ông nhiêu Lân về rồi, Đỗ Khắc Xương trở vào, thấy cha nằm thiêm thiếp thì nước mắt chảy ra ròng ròng.