Khi ăn uống rồi, Hạo Nhiên bèn lấy số bạc của Khắc Xương mà bọn lâu la đã lục lưng thâu lấy hôm qua đem ra, hai tay trao lại cho Khắc Xương, miệng cười chúm chím mà nói rằng:
– Nầy là nguyên bích phụng hườn, xin anh cất lấy.
Đỗ Khắc Xương cảm tạ chẳng cùng, rồi lấy bạc cất để trong lưng. Hạo Nhiên lại lấy ra thêm hai trăm đồng nữa, đựng trong một cái dĩa để ngay giữa bàn mà nói với Khắc Xương rằng:
– Nầy là vật hèn chút đỉnh, của em tạm đưa huynh trưởng đi đường, xin anh thâu nạp.
Đỗ Khắc Xương quyết ý chối từ mà không chịu lấy. Hạo Nhiên cứ nài nỉ năm ba phen, cực chẳng đã Khắc Xương phải lấy nhón có năm chục đồng cho Hạo Nhiên vui dạ.
Rồi đó thầy trò mới xách đồ hành lý từ giã ra đi, Hạo Nhiên cùng đi cho tới bến ô tô, lại mua giấy luôn ba người, theo đưa Khắc Xương ra tới Cửa Hàn (Torane) là chỗ có bến xe lửa rồi mới trân trọng đôi lời, từ giã Khắc Xương mà trở lại.
Khi Hạo Nhiên trở về rồi, thầy trò Khắc Xương mới lo mua giấy xe lửa mà đi ra cho tới Đông Hà, tới đó hết đường xe lửa, nên phải mua giấy ô tô đi thẳng ra tới Vinh (Nghệ An). Rồi từ Vinh mà ra Hà Nội thì lại phải đi xe lửa.
Trong lúc xe chạy rần rần, thằng Hành ngồi ngó mông hai bên, ngẫm nghĩ việc đời rồi cứ tủm tỉm cười hoài. Đỗ Khắc Xương thấy vậy hỏi rằng:
– Em đắc chí việc gì đó lắm hay sao, nên cứ chúm chím cười hoài vậy em?
Thằng Hành nói:
– Thưa cậu, tôi có việc gì đâu mà gọi là đắc chí. Nhưng tôi ngồi nghĩ lại ở đời, việc gì cũng vậy, hễ có trải qua rồi mới biết được sự dại khôn, từ hôm tôi theo cậu tới nay, chẳng có mấy ngày, mà tôi đã học được một sự khôn; hèn chi người ta nói: Đi cho biết đó biết đây, Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn.
Thiệt phải quá. Tôi từ lúc nhỏ ở với ông bà, hễ nghe tới cái tên Ăn cướp. Trời ơi! Ăn cướp! Thiệt tôi sợ hết hồn; ý tôi tưởng ăn cướp nó dữ tợn như hùm như cọp vậy kìa. Nay tôi thấy cái đám ăn cướp mà bắt hai cậu cháu mình đây, rồi tôi mới biết khôn, nên tôi sóng lại với mấy ông quan hay sâu dân mọt nước, với mấy chú nhà giàu mà vi phú bất nhân, cho vay ăn lời cắt cổ, tiền phóng trái hậu đoạn mãi, hoặc lợi tăng gia lợi mà siết họng nhà nghèo. Cậu xét lại cho rõ mà coi, thiệt quả cái lũ đó, nó còn ác hơn quân ăn cướp nữa đa cậu à! Phải không cậu?
Đỗ Khắc Xương nghe thằng Hành nói vậy cũng thấm ý mà tức cười.
Khi xe lửa tới bên Hà Nội rồi, hai thầy trò bèn xách đồ hành lý dắt nhau ra đường, kêu xe kéo chạy đi tìm nhà ông Hoàng Hữu Tâm. Tìm đến chỗ rồi hai thầy trò xách đồ ở ngoài ngõ bước vô, Đỗ Khắc Xương trong lòng nửa mừng nửa sợ, hồi hộp chẳng yên, không biết cha mình hôm nay bịnh thể nào, nên hễ bước vào gần tới chừng nào thì trong lòng lại nôn nao chừng nấy.
Khi vào tới nhà rồi, nghe người nhà nói lại rằng cha mình nhờ có ông Hoàng Hữu Tâm hết lòng lo lắng thuốc men, nên nay ông cũng đà thuyên giảm. Chừng đó Đỗ Khắc Xương mới hết sợ lại mừng, bèn xin dắt vào cho tạn mặt cha. Hai cha con vừa thấy mặt nhau, vừa mừng vừa tủi, nước mắt rưng rưng. Một chặp lâu ông mới hỏi thăm qua việc nhà ấm lạnh.
Đỗ Khắc Xương bèn thuật hết việc nhà và tỏ hết việc đi đường cho ông nghe. Thằng Hành cũng vào thăm ông, ý nó cũng mừng quýnh, nên nói lia nói lịa. Rồi đó ông mới tính với Đỗ Khắc Xương để ở lại nghỉ ngơi chừng năm ba bữa, cho ông uống thêm ít thang thuốc nữa, tinh thần cho được hưng vượng vững vàng, rồi cha con sẽ đề huề dắt nhau về Nam Kỳ mà an dưỡng cùng thuốc men cho thiệt mạnh, nay bịnh ông tuy khá, song lo vì phong thổ khác nhau, sợ mùa đông cũng gần sắp tới đây, e ông chịu lạnh không quen mà phải khốn.
Hai cha con còn đương bàn tính với nhau, kế nghe trẻ ở nói rằng ông Phán ở trên sở đã về. Đỗ Khắc Thới liền gượng ngồi chờ dậy vịn vai con đi ra ngoài, rồi giới thiệu Khắc Xương cho ông Phán Hoàng Hữu tâm biết mặt. Khắc Xương vội vàng cúi lạy ông Phán để tỏ lòng tạ ơn ông chiếu cố cha mình.
Ông Phán cũng vội vã bước tới nắm vai Đỗ Khắc Xương kéo lên, chớ ông không cho lạy; rồi bảo ngồi lại chuyện vãn mà chơi cho ông hỏi thăm việc kia cùng việc nọ; ông hỏi thăm qua tới cái vấn đề kinh tế ở Nam kỳ, thì Đỗ Khắc Xương bèn đam những điều lợi hại, những cơ tấn thối mà nói rót một hồi, thiệt là ngôn ngữ như lưu, ông Phán hết lòng kính phục.
Việc chàng ra Bắc cha con gặp nhau đã yên, còn chờ ít ngày cho tinh thần ông khỏe khoắn rồi sẽ trở về Nam.
Đây ký giả xin nhắc lại việc nhà của nàng Từ Mộ Trinh; từ ngày nàng nghe Đỗ Khắc Xương mắc đi ra Hà Nội mà thăm cha chàng rồi, thì nàng mới bàn luận với mẹ, rồi xin ra tiền lén sai Lệ Dung đem qua châu cấp cho mẹ chàng là bà Đoàn thị.
Đoàn thị ban đầu còn từ chối mà không chịu lấy. Sau nghe Lệ Dung tỏ hết tấm lòng từ thiện của bà phủ và cái lòng tiết nghĩa trinh bạch của Mộ Trinh nên bà cũng cảm tình mà phải thọ ơn của hai mẹ con bà phủ.
Còn quan phủ, nhơn thấy Mộ Trinh cứ đau dây dưa hoài, năm nầy sang tháng nọ, ông lo lắng thuốc men cũng hết sức, trông cho nàng mau mạnh mà gả phứt cho rồi; chẳng dè bịnh nàng đã không mạnh mà cũng chẳng thêm, chỉ cứ dã dượi mãi hơn mấy tháng trời, nên ông cũng chẳng biết làm sao, không lẽ đem con mà gả bướng.
Bữa nọ đương buổi giờ hầu, bỗng nhiên ông tiếp được giấy của quan trên gởi xuống cho ông hay rằng ông đã tới kỳ hưu trí. Được tin ấy ông lấy làm buồn bực chẳng cùng, ông liền trở về nhà tư, nằm ngửa nơi ghế dài, thở ra thở vào, mặt mày buồn xo, miệng không nhích mép.
Bà phủ thấy vậy hỏi rằng:
– Hôm nay có việc chi mà tôi coi ý ông buồn dữ vậy?
Quan phủ buồn quá không muốn nói, ngặt bà cứ theo hỏi hoài nên ông phải nói rằng:
– Giấy lại rồi, tôi bị hưu trí rồi, mụ cứ hỏi hoài.
– Mình làm quan hễ tuổi lớn rồi, ngày tháng đủ rồi thì phài hưu trí, ấy là luật nước xưa nay, tưởng cũng là lẽ thường, sao ông lại buồn?
– Không buồn sao được, mình đương làm quan phải đến! Không tội lỗi gì! Khi không, khi khổng, khi khồng, vậy rồi họ bắt mình hưu trí; không đáng buồn sao?
– Tánh ông sao kỳ quá! Khác hơn ai hết!
– Sao lại kỳ? Sao lại khác??
– Ông còn ham danh lợi quá! Vả bấy lâu ông những mảng xăm xuối nơi hoạn đồ, lo bề tấn thối, sợ việc nên hư nhựt dạ tận cần, lao thân liêu tứ; nay ông tuổi đã trộng rồi mà được giấy về hưu; thì từ đây ông sẽ được hứng chí dưỡng nhàn, vô câu vô thúc, vô lự vô ưu, tiêu diêu tự tại; chẳng tốt lắm sao?
– Mụ ỷ mụ biết ba cái chữ nho rồi mụ cứ chưng chữ nho với tôi hoài. Mụ nghĩ lại mụ coi, hễ mình về hưu đây thì mình đã hết quyền rồi, không ai sợ mình nữa, làng tổng họ cũng hết tới lui với mình. Vậy không buồn sao?
– Tôi nói ra thì tôi e mang lỗi với ông, chớ thiệt tánh ông khó quá, tôi có nói phải cho lắm ông cũng nói tôi nghịch ý. Tự cổ chí kim, tự Âu chí Á, đời nào cũng vậy, mà nước nào cũng vậy, ai ai cũng như nấy, chớ ai lại sợ ai; sợ là sợ phải chớ ai đi sợ quấy, sợ điều công lý, chớ ai sợ lẽ cường quyền; giả như ông làm một ông quan, mà trên vì nước dưới vì dân, lợi dụng lấy cái quyền của mình mà chấn chỉnh những sự lợi ích cho dân, làm làm sao cho dân hưng phú thứ, quốc tấn văn minh; thì cái quyền ấy người ta mới sợ. Chớ như mấy cậu ra làm quan rồi mà không biết điều liêm sĩ, không giữ cái tư cách của mình, cứ đem cái quyền ra mà khổ khắc lương dân, chuyện chết nói sống, chuyện sống nói chết, chuyện không nói có, chuyện có nói không, mỗi nỗi cũng cậy cái quyền của mình mà sâu dân mọt nước. Cái quyền như thế ai lại khốn gì mà sợ. Bởi vậy cho nên, dầu làm quan cũng vậy, mà không làm quan cũng vậy, hễ người mà có chí khí quân tử trượng phu, dám đem mình mà hi sanh cho quốc gia xã hội, thì chẳng nói một quận hay là một tỉnh mà thôi, toàn thể quốc dân cũng phải tôn sùng kính sợ. Chớ những người tham lam dối giả, không tu ố, chẳng nghĩa nhân, thì dầu cho có ở nhà lầu, có mão cao áo dài, lên xe xuống ngựa đi nữa, thì người ta cũng cho là bọc lục lục dung thường, túi cơm giá áo, chớ ai lại sợ bao giờ? Chí như nay mà mình đã hồi hưu dưỡng lão rồi, dầu cho làng với tổng có tới cùng không lại hà ích?
– Cha chả! Mụ nầy là đờn bà mà mụ nói sao tôi nghe hơi cách mạng quá chớ phải chơi gì! Thôi, dẹp mụ đi nà!
Bà phủ thấy ông đà đổ quạu, nên bà cũng chẳng nói nữa làm chi, bèn làm thinh bỏ đi vào nhà trong mà nói cho Mộ Trinh với Lệ Dung hay việc ấy.