Ra tới nơi người trai tơ ấy chỉ ghế mời ngồi, rót trà mời uống, rồi mới nói rằng:
– Tôi đứng ngoài nghe thầy nói chuyện với thằng em đây, thì tôi mới biết thầy là người hiền lương phương chánh; song tôi cũng không biết lịnh tôn đau ở tại đâu, mà thầy phải cầm cố vườn đất mà đi thăm như vậy, xin thầy hãy nói hết cho tôi nghe, hoặc tôi có thể mà giúp sức với thầy trong chỗ thầy bất cập.
Đỗ Khắc Xương thấy người trai tơ ấy nết na nghiêm nghị, ăn nói đàng hoàng, thì lấy làm lạ mà nghĩ thầm rằng: “Ta xem thái độ và cử chỉ của người nầy thiệt chẳng phải là người tầm thường, sao lại tụ chúng nơi chốn san đầu mà đi ăn cướp, hoặc là kỳ trung cũng có duyên cớ chi đây; thôi, ta là người thanh bạch, cũng chẳng can chi mà phải giấu ai, để ta tỏ thiệt gia sự của ta cho chàng nghe, rồi lần lần ta sẽ dò la, coi chàng là người thể nào cho biết.”
Đỗ Khắc Xương mới đem hết việc nhà tụ thỉ chung, từ ngày còn học trong trường, học tới năm thứ năm, thi hai lần mà không đậu; gia vận suy vi, cha mình phải đi ra Bắc, đến khi nghe tin cha đau, mới đi cố nhà cầm đất, lại bị cô với dượng mình cho vay ăn lời siết họng, cho đến khi đi tới đây mà bị bắt, đầu đuôi gốc ngọn thuật hết một hồi cho người ấy nghe.
Người ấy nghe Đỗ Khắc Xương nói dứt lời, bèn chíp miệng than dài rồi nói rằng:
– Từ xưa đến nay những đấng tài tình thường bị ông xanh ghen ghét, ấy cũng là lẽ tự nhiên, duy có một điều là khi nãy tôi có nghe thằng em đây nó nói chuyện rằng thầy có xí được một số bạc hơn hai ngàn mấy trăm đồng, lại nhằm lúc thầy đương khuẩn bức túng cùng, thầy không để mà xài, lại đem mà trả lại cho người, thiệt là điều ấy thế gian cũng hi hữu, tôi kính phục chẳng cùng. Chí như cái việc mà thầy bị bà cô với ông dượng cho vay cắt cổ, chẳng kể chi cốt nhục thân tình đó, thiệt tôi nghe nói mà ngán ngầm, không hiểu tại sao mà đời có nhiều người ham tiền bạc quá; nhà giàu thì cứ bức sách kẻ nghèo, còn người có chức phận thì cứ dụng quyền thế mà rút rỉa dân lương thiện. Tôi nói thiệt với thầy, tôi đây vẫn là người Bình Định, tên tôi là Nguyễn Hạo Nhiên, mẹ tôi mất sớm, cha tôi xưa ngồi Tri phủ tại phủ Qui Nhơn, cũng bởi tánh tình cang trực, không ưa xu phụ, chẳng chịu phùng nghinh; lại thêm bĩnh tánh thanh liêm, nên không có của dư mà lễ lộc với Thượng ti, vì vậy mà họ không ưa, mới kiếm cớ mà hại cho cha tôi bị cách. Cha tôi về nhà chẳng được bao lâu rồi lại thọ bịnh mà qua đời. Lúc cha tôi còn sanh tiền, còn đương tại chức, người có giao hôn với một ông Huấn đạo tên là Trần Xuân Khôi; lúc ấy tôi và con gái của ông tuổi còn xung ấu, nên chưa tính việc hôn nhơn, nhưng cũng vì họ ghét cha tôi mà làm lây cho tới ông Huấn đạo cũng đồng bị cách luôn với cha tôi một lượt. Ông Huấn đạo thất chí buồn lòng, bèn dắt hết cả gia quyến vào ở Nam Kỳ dạy học chữ nho và chuyên nghề làm thuốc. Nghe nói ông vào trong ấy mấy năm làm ăn cũng phát đạt lắm, rủi sao hai ông bà lại kẻ trước người sau, nối nhau mà tạ thế đi hết, còn nàng ấy không biết lưu lạc xứ nào, tôi cũng là hết sức hỏi thăm mà không ai rõ được; nói tới đây mà tôi lại ngùi ngùi. Chí như phận tôi, tuy mẹ cha đã khuất hết thì mặc dầu, song tôi cũng phấn chí học văn tập võ, chờ ngày ra ứng cử, họa may có thi đậu để hầu kế chí cho cha tôi. Chẳng dè tôi lại gặp những tham quan ô lại, nó chận nẻo đón đường nếu chẳng có của hối thì khó trông mà đậu được. Trong nẻo quan trường thì như vậy, còn ngoài đường đời thì lại nhiều nỗi gay go. Tôi coi thiên hạ làm sao mà phần nhiều đều là tay nham hiểm nịnh tà, tham lam dối giả; những kẻ giàu sang mà dầu cho hư đọa nhơ nhớp cách nào, họ cũng kính cũng tôn, nhuốc nhơ hơn hết là những bọn loạn luân mà hễ nó có tiền thì họ cũng bưng cũng bợ, còn như người nghèo khó, dầu có phải cách nào họ cũng xúm nhau mà khi ngạo dể khinh, thiệt nói tới cái nhơn tình mà tôi chán ngán, nó làm cho tôi tức giận tràn hông, thầy nghĩ đó mà coi kẻ làm quan thì chỉ biết có một điều tham nhũng, mong lòng sâu mọt, thâu liễm của dân, chuyện chết nói sống, chuyện sống nói chết; ai than ai khóc mặc ai, cứ dùng quyền lực của mình mà bỏ đầy cái túi tham cho thỏa thích, còn những kẻ giàu thì cũng chỉ cứ dùng cái thế lực kim tiền mà bức sách kẻ nghèo, lo tom góp cho đầy tủ đầy rương, rồi để cho những lũ con hư, mặc sức nó ăn xài phá tán, chớ chẳng thấy ai là người yêu nước thương dân, đành nới cái miệng túi ra mà chung cùng lo lắng mở mang học thuật cho đám thanh niên, hầu sau có chấn chỉnh cái vận mạng của nước nhà cho vẻ vang cùng thế đạo. Ai đi, đương buổi thế giái phong trào quốc gia điên đảo nầy mà nông tệ cũng không hay, thương hư cũng chẳng kể, cũng chẳng biết quốc gia xã hội là chi, chỉ cứ mạnh ai thì nấy lo cho vinh thân phì gia, ăn sung mặt sướng, bỏ liều hai mươi mấy triệu con Lạc cháu Hồng, mặc dầu sống say thác ngủ. Thầy nghĩ mà coi, có đáng buồn không? Bởi buồn, bởi giận, bởi tức như vậy, nên tôi mới dắt hết gia dịch của tôi lên núp ẩn tại chốn nầy, chịu mang danh ăn cướp, để đón những tham quan ô lại củng những quân vi phú bất nhân, bắt chúng nó mà rửa hờn, hoặc cho gia quyến chúng nó chuộc lại, để lấy tiền mà phân phát cho những nhà đói khó; mấy năm hạn lụt, dân Trung kỳ đói rách khốn cùng, cũng nhờ của ấy, mà tôi phân phát giúp đỡ cho nhiều nhà khỏi chết; lại cũng nhờ có đồng tiền bất nghĩa của bọn vi phú bất nhân ấy mà mới trong năm rồi đây tôi đã lén giúp được cho hai người học sanh nghèo sang Tây du học, rồi từ đây nếu tôi tích trữ được ít nhiều, hễ tôi coi có Hội nào để lo mở mang công ích cho đồng bào, thì tôi cũng tìm cách ẩn danh gởi dâng cho Hội ấy. Nay may mà tôi gặp được thầy là người cao nghĩa, nếu thầy chẳng chê tôi làm nghề đê tiện, thì tôi quyết kết làm sanh tử đệ huynh, xin thầy chớ phụ.
Đỗ Khắc Xương nghe nói dứt lời, ngồi suy nghĩ một hồi rồi nói rằng:
– Tôi xem cái việc cử thố của thầy đây thiệt là hào hùng nghĩa hiệp, chẳng phải kẻ tầm thường mà làm như vậy được đâu; nếu thầy chẳng chê tôi là kẻ nhu nhược mà tưởng đến tôi, thì tôi cũng nguyện kết làm bằng hữu.
Hạo Nhiên nghe nói rất mừng, bèn hỏi thăm cho biết tuổi nhau. Té ra Nguyễn Hạo Nhiên có 22 tuổi phải làm em, còn Đỗ Khắc Xương 24 tuổi lớn hơn, nên làm anh cho nhằm thứ tự; hai đàng gặp nhau ý hiệp tâm đầu, những mảng chuyện trò mà trời gần sáng.
Hạo Nhiên liền kêu gia dịch hối làm gà vịt nấu cơm cho hai thầy trò Đỗ Khắc Xương ăn, đặng có lên đường cho sớm; rồi day lại nói với Đỗ Khắc Xương rằng:
– Anh em ta mới gặp, lẽ thì em phải làm một tiệc cho xứng đáng mà đãi anh và cầm anh ở lại chơi năm mười ngày mới là phỉ dạ; ngặt vì Bác quí thể bất an, anh gấp đi thăm Bác, em chẳng dám cầm, nên phải tạm dùng đạm bạc, đôi ba món đồ hèn mà đưa anh thượng lộ.
Khắc Xương khiêm nhượng vài lời rồi mới ngồi lại dùng cơm với nhau. Còn thằng Hành thì cũng ăn cơm nơi nhà sau với bọn gia dịch.
(Xin hãy xem qua cuốn thứ nhì mới dứt chuyện).