Từ đó Mộ Trinh chẳng còn chuyện vãn thiệt hơn chi với Lệ Dung như trước nữa, chỉ cứ nằm liều, như dại như ngây. Tuy có những lời ngon tiếng ngọt của Lệ Dung khuyên giải hằng ngày thì mặc dầu, song nàng cũng cứ dàu dàu, chẳng hề khuây lãng được; vì vậy mà phải vóc ốm mình gầy, lần lần bèn sanh bịnh, ban đầu còn ít, sau xích ra nhiều; chừng ấy vợ chồng quan phủ mới phát lo, cầu thầy chạy thuốc hết phương mà bịnh của nàng càng ngày càng thêm trầm trọng.
Bà phủ lo sợ xăng văng, quan phủ cũng điếng hồn, liền viết thơ sai người lên tỉnh rước quan thầy thuốc tây về để khán bịnh cho nàng.
Nguyên quan thầy nầy tên là ông Giọt (Georges) vẫn là Y khoa Tấn sĩ xuất thân, nghề trị bịnh của ông cũng đà nổi tiếng. Khi ông xem bịnh Mộ Trinh rồi thì ông lắc đầu mà nói với quan phủ rằng:
– Bịnh nầy là tâm bịnh, do nơi lòng buồn rầu ưu uất mà ra, phần thì không ăn uống đã lâu, cho nên tạng phủ gì cũng đều suy hết, thiệt là khó trị lắm, chớ chẳng phải dễ gì.
Vợ chồng quan phủ cứ theo năn nỉ hoài, xin ông cứu trị con mình, dầu hao tốn bao nhiêu cũng không dám nệ. Quan thầy thuốc bèn nói rằng:
– Bịnh nầy mà muốn cho mạnh được thì phải có cùng nửa lít máu sống của người mà hòa với thuốc thì họa may nàng mới qua khỏi cùng chăng? Bằng chẳng vậy thì tôi e chẳng quá 5 ngày mà nàng phải xa chơi dị lộ rồi.
Bà phủ nghe nói khóc ròng: Một ông hại con tôi, hai ông hại con tôi. Bà than trách ông luôn, chẳng hề ngớt miệng. Quan phủ thấy vậy lại càng xốn xang bứt rứt, không biết tính làm sao, vùng nhớ lại Phạm Hữu Chanh là rể của ông mới lên ở tại nhà quan Đốc phủ.
Ông liền vội vã viết thơ sai người đem đến cho quan Đốc phủ mà phân rõ căn bịnh của con gái mình, cùng thuật những lời của quan thầy thuốc bình luận chứng bịnh và tỏ ý muốn xin chừng nửa lít máu của rể mình mà hòa thuốc.
(Nguyên lúc nàng Mộ Trinh nhuốm bịnh quan phủ đã có cho quan Đốc phủ hay, quan Đốc phủ lại đánh dây thép liền xuống Ba Xuyên cho ông huyện hàm Ngọt hay; nhưng vì ông huyện Ngọt còn mắc việc nhà, đi lên không được, duy có bà huyện với công tử Chanh, hai mẹ con dắt nhau lên ở tại nhà quan Đốc phủ cho tiện bề tới lui thăm viếng.)
Khi công tử Chanh nghe quan Đốc phủ vừa đọc dứt cái thơ của quan phủ rồi thì cậu ta xịt miệng một cái rất mạnh mà nói rằng:
– (Sic) Trong thế ông phủ nầy ổng thấy con gái của ổng đau nặng nên ổng đã điên trí rồi; thuở nay người ta thường ăn đồ bổ dưỡng mà kiếm cho có máu, chớ ai lại điên gì đi chích mà lấy máu ra như vậy bao giờ.
Nói rồi liền bỏ lãng ra đường, hối sốp-phơ quây máy ô tô mà đi hứng gió. Người của quan phủ sai đem thơ thấy cái quang cảnh như vậy, liền trở về thuật y như lời của công tử Chanh cho quan phủ nghe.
Quan phủ tức giận bồi hồi, bèn nói lớn lên rằng:
– Nếu có ai mà dám chịu cho con gái ta chừng nửa lít máu, cho nó được mạnh lành, thì ta sẽ gả không con gái ta cho người ấy.
Đây lại nói qua việc Đỗ Khắc Xương từ ngày chàng được lời vàng đá của Mộ Trinh thì chàng lấy làm đắc chí, vì chàng tưởng nhứt sanh của chàng chẳng còn có cái sự mừng nào như vậy nữa. Thiệt là mừng nầy còn có mừng nào cho hơn!
Nào ngờ, chẳng được bao lâu thì chàng lại nghe tin quan phủ đã chịu gả nàng cho công tử Chanh là con trai ông huyện Ngọt ở dưới Ba Xuyên, thì chàng lại lấy làm thất vọng, thốn thức canh chầy, bồi hồi tức giận, trách sao quan phủ lại tham giàu mà đi nỡ gả một người con gái như hoa tợ ngọc cho một tay công tử bột.
Đến sau chàng lại nghe rõ rằng Từ Mộ Trinh chẳng khứng, bà phủ cũng chẳng cam tâm, duy có quan phủ ép bức nàng mà gả bướng, làm cho nàng ưu uất mà phát đau. Khi nghe rõ hết trước sau, thì chàng lại mặt ủ mày châu, muôn thảm ngàn sầu, chẳng biết làm sao cho được đến thăm nàng mà tạ lòng tri kỷ.
Cách ít ngày chàng lại nghe được việc quan phủ muốn cầu người xin máu mà cứu nàng. Chàng liền vội vã đến dinh, gởi thiệp xin vào ra mắt quan phủ và tỏ thiệt ý mình. Quan phủ mừng rỡ chẳng cùng, liền mời chàng vào trong, trà nước ân cần thết đãi, rồi viết thơ cho ô tô lên tỉnh, rước quan thầy thuốc xuống tức thì.
Ô tô đi chừng một giờ đồng hồ thì rước đã được quan thầy thuốc về dinh, quan phủ bước ra chào mừng, rồi giới thiệu cho quan thầy biết Đỗ Khắc Xương và tỏ việc chàng bằng lòng cho người chích máu.
Quan thầy cũng mừng, lại nghe nói lúc trước chàng đã liều mình mà cứu nàng một phen khỏi chết trong lúc chìm đò, nay thấy nàng bịnh nguy, lại còn vui lòng cho người chích máu mà cứu nàng phen nữa; liền bước lại bắt tay Đỗ Khắc Xương và khen ngợi cái lòng nghĩa dõng của chàng, rồi mới lấy đồ nghề ra chích nơi cánh tay chàng mà lấy chừng nửa lít máu tươi hòa vào ve thuốc của ông đã chế sẵn rồi để đó; lo đặt thuốc hàng cầm máu và bó rịt cho Đỗ Khắc Xương, lại rót ra một ly thuốc nước mà cho chàng uống, để bổ sức lại.
Đâu đó xong xuôi, rồi ông mới lấy ve thuốc có hòa máu đó mà định phân ra làm hai chục phần, đem cho Mộ Trinh uống liền nội hồi đó một phần, còn lại bao nhiêu thì ông dặn phải để chừng vài giờ sẽ cho nàng uống một phần, qua đến chiều tối sẽ cho uống thêm một phần thứ ba nữa, rồi cứ một ngày cho uống 3 lần, uống cho hết ve thuốc ấy rồi thì ắt thấy hiệu nghiệm như thần. Lại cứ mỗi ngày phải mua thịt bò đem về ép máu mà cho nàng uống luôn luôn cho đến khi thiệt mạnh.
Quan thầy thuốc dặn dò quan phủ các việc xong rồi, lại lấy giấy viết toa, giao cho Đỗ Khắc Xương, bảo phải mua thuốc theo cái toa ấy mà uống, và mỗi bữa cũng phải ép thịt bò lấy máu mà uống, cho đủ 20 ngày thì mới bổ sức lại được.
Rồi đó quan thầy liền từ giã quan phủ, lên ô tô mà trở về trên tỉnh; Đỗ Khắc Xương cũng đứng dậy từ giã về luôn. Quan phủ dùng lời ngon ngọt cảm tạ ân cần, lại hứa để ít ngày coi nàng uống thuốc thể nào rồi ông sẽ cho hay và rước chàng qua chơi một bữa.
Nhắc lại nàng Từ Mộ Trinh, trong thì nhờ có thuốc hay điều trị, còn ngoài thì nhờ có một bà mẹ hiền và một người bạn thiết, ngày đêm thường ngồi bên cạnh dùng những lời ngon tiếng ngọt an ủi vỗ về, cho nên căn bịnh của nàng càng ngày càng giảm.
Chừng đó Lệ Dung mới đem những việc quan thầy phân đoán chứng bịnh của nàng, cùng những lời vô tình vô nghĩa của công tử Chanh đã nói làm sao; còn chàng Đỗ tình nguyện chịu cho chích máu cách nào và quan phủ đã hứa làm sao; trước sau ngành ngọn thuật hết một hồi, Mộ Trinh nghe rõ đầu đuôi, thì nàng lại ngùi ngùi, rất cảm tình chàng Đỗ.
Còn bà phủ, khi thấy bịnh con đã giảm được nhiều thì bà vui mừng chẳng xiết. Mộ Trinh bèn rỉ rén mà thưa với bà rằng:
– Nầy má, vả Đỗ Khắc Xương đã hai phen cứu con khỏi chết, thì cái ơn tái tạo của chàng còn có chi bằng. Huống chi cha con đã có hứa như vậy rồi, thì xin má hãy vì con mà thư giùm lại với cha con, rằng con quyết trao thân gởi phận cho chàng, gọi là ơn đền nghĩa trả cho toàn thỉ toàn chung; và cũng giữ được tròn cái lời hứa của cha. Nếu ngày nào mà bịnh con đã được mạnh lành rồi, vạn nhứt mà cha lại thay dạ đổi lòng chẳng chịu nhìn lời hứa, cứ đem cái thủ đoạn gia đình chuyên chế ra mà đoạt cái chí của con, thì thà là con đành liều một thác mà tạ lòng tri kỷ cho rồi, chớ chẳng thà là để phải thất thân với một kẻ thất phu vô dụng kia vậy.
Bà phủ nghe nói bấy nhiêu lời thì bà cũng động lòng. Bèn thừa dịp rảnh rang, đem hết mấy lời ấy mà tỏ cùng quan phủ. Chẳng dè quan phủ lại là người lòng một dạ hai, khi thấy con mình bịnh ngặt, đau chơn phải hả miệng mà hứa bướng cho có chừng; nay thấy bịnh con đã giảm, thì ông lại muốn nuốt lời; vì, một là thấy Đỗ Khắc Xương nghèo, hai là ham hai trăm ngàn giạ lúa mỗi năm, ba là sợ quyền thế của quan Đốc phủ.
Muốn cho được lưỡng toàn, ông liền cho mời Đỗ Khắc Xương đến dinh, trà nước một hồi, rồi lấy ra một trăm đồng bạc, để trong một cái dĩa rồi nói với Đỗ Khắc Xương rằng:
– Hôm trước tôi có hứa lời như vậy, ngặt vì con gái tôi đã cho người bỏ trầu cau trước rồi; nên nay không lẽ tôi bỏ phép mà nhìn lời hứa với thầy cho được; nhưng mà, thầy cứu con tôi vẫn đã hai phen, cái ơn ấy cũng là trọng thiệt, vậy xin thầy hãy vui lòng với tôi mà nhậm lấy của nầy, gọi là ơn đền nghĩa trả vậy.
Đỗ Khắc Xương nghe quan phủ nói vừa dứt lời, vùng ngó sững mặt ông mà cười lạt rằng:
– Tôi có nghe: Sĩ vị tri kỷ giả tử. Vì vậy cho nên, tôi chẳng tiếc nửa lít máu của tôi mà cứu tiểu thơ đây là sở dĩ để đáp tình người tri kỷ đó mà thôi; chớ tôi có phải đem máu đi bán hay sao mà ông hòng trả tiền trả bạc. Tôi cam lỗi mà tỏ thiệt cùng ông, nhà tôi tuy nghèo, song là nhà thanh bạch, chuộng nhơn nghĩa, chớ chẳng chuộng bạc tiền; vậy xin ông chớ lấy bạc tiền đối đãi với tôi mà tội nghiệp cho tôi lắm vậy.
Nói rồi liền quày quả ra về, chẳng thèm giã từ chi hết.