Ngô Bác Lãm ở đây đặng một tháng trường, dạo xem đà khắp cả. Vậy ngày kia mới tính dắt nhau trở lại Ba Ri; bèn sửa soạn rương trắp xong xuôi, rồi hai người mới xuống tàu Anh mà sang Pháp địa.
Chuyến nầy không việc chi gấp rút, nên lựa tàu to đẹp mà đi chơi cho khoái. Xuống đến cầu tàu, thì chừng năm giờ mấy, thiên hạ đưa biệt bộn bàng. Vì Ngô Bác Lãm trong một tháng đây chơi bời quen lớn cũng nhiều, lại thêm bằng hữu của cô Ca My nghe rằng cô nọ nay thương một chú da vàng, thì ai ai cũng có ý tọc mạch đến coi người ni nhơn phẩm thế nào, mà xao động cái lòng sắt dạ đinh của cô nọ cưa nay đã từng nổi tiếng. Vì vậy cho nên thành ra Ngô Bác Lãm trong một tháng mà quen hơn ba mươi mấy bạn trai. Ngày ấy họ làm tiệc to mà thiết đãi; rồi mới đưa thẳng ra tàu.
Lúc ni Ngô Bác Lãm bèn nhớ lại mà nói thầm rằng:
“Hồi sáu tháng trước đây, cũng mình, cũng có ả ni, cũng lối giờ nầy, mà xuống tại cầu tàu Mạt Xây, thì chẳng thấy một ai tống tiễn. Còn ngày nay lại thiên hạ dầy dầy, bắt tay thôi đà mỏi cánh, giở nón thật đã đuối tay. Trước sau không mấy tháng, mà khi ấy mình tuy thấy người đờn bà ni, chớ mình có dè ngày nay lại còn đặng chung một tàu với nhau như vầy nữa bao giờ; thật là máy trời rất lạ.
Vả lúc ở tại Nam Kỳ bước cẳng ra đi, nào có tưởng nay gặp cuộc lạ thường vầy đâu? Lớp lang sắp đặt đâu những đời nào; hễ đã định rằng: Ngày nầy tháng nầy, tên nầy phải đến chỗ nầy mà làm những việc mô, chịu những điều gì, hưởng những cuộc chi, rồi năm khác tháng khác ngày khác, lại phải đi chỗ khác, rồi làm việc chi khác nữa; thì mỗi mỗi đều trốn lánh đâu xong, chạy chối khó đặng; sao sao cũng phải cho rồi phận sự mà thôi.
Nhưng vậy mà cái vai tuồng của thiên hạ coi sao nhiều cái rất rẻ rất đơn, ai ngó thấy cũng chừng chừng trước đặng; còn cái vai tuồng của mình đây, cớ sao mắc mỏ lạ thường, không định trước, không phỏng chừng chút chi cả thảy; nội mấy tháng mà làm chẳng biết mấy mươi vai, chạy biết mấy mươi chỗ, nghĩ bắt tức cười; coi lại chẳng khác mình là một cái nộm kia, trong có đủ đồ máy móc, làm cho cử động hoặc tay hoặc chơn, hoặc miệng hoặc mắt vân vân …, rồi thì mỗi khi tạo hóa vặn đâu, ắt mình cứ theo máy nó đẩy xô đó mà cử động; chớ mình chẳng hiểu chi cả thảy.
Nay đây xuống tàu về Pháp, mà không biết mai có phải còn ở dưới tàu chỉ mũi qua Pháp hay chăng nữa; chớ đừng nói chi biết đặng đến cuối tháng ni mình sẽ làm việc gì? Nhưng vậy mà cũng hay, nợ đời chưa mãn, thì làm chi cũng mạnh giỏi luôn.
Cho đến tiền bạc mà xài cũng không hiểu nay xài tiền ni; còn mai đây mốt đó, lại phải xài thứ tiền chi, hay cũng tiền nầy mãi mãi?
Khi hào chỉ (bạc cắc của Tàu), khi si linh (shillings, bạc của Anh), khi mạc (marks, bạc của Đức), khi quan (franc, bạc của Langsa), khi đô là (dollars, bạc của Mỹ Quốc), khi rúp (roubies, đồng vàng của Nga); khi xu khi bạc, khi giấy khi vàng, chẳng hơi đâu mà kể cho hết được.
Nhớ lại lúc mình bước ra khỏi cửa nhà mình, thì lộn lưng tiền bạc bao nhiêu? Mà trót năm nay đi nước nầy sang nước nọ; khi vượt biển, khi qua sông, khi băng đồng, khi trèo núi; đường đi của mình một tháng, bằng đường đi của chúng cả đời. Nhưng vậy mà cũng hay, nợ đời chưa mãn, thì cũng chưa thiếu thốn chút nào?
Cho đến vật thực mà nuôi mình, cũng không biết nay ăn bánh ăn thịt, mà mai ăn mắm ăn cơm, rồi mốt lại phải ăn chi chi nữa đó?
Từ ngày mình bước cẳng ra đi thì lại có mang theo chút cơm chút gạo nào đâu? Mà lúc cơm Chệt, lúc cơm Anh, lúc cơm Đức, lúc cơm Mỹ, lúc cơm Ý, lúc cơm Pháp, lúc cơm nọ lúc cơm kia; khi uống nước, khi uống trà, khi la ve, khi rượu chát; chẳng nhớ đâu mà kể cho hết đặng. Nhưng vậy mà cũng hay, nợ đời chưa mãn thì cũng chưa đói khát bữa nào.
Cho đến y phục mà che thân, cũng không biết nay mặc vầy rồi mai mặc khác, đến mốt lại mặc chi? Hay cũng mặc vầy mãi mãi. Nhớ lúc mình ra khỏi Nam kỳ, thì đem theo mấy áo, mấy quần, mấy giày, mấy nón? Mà khi đồ ta, khi đồ Pháp, khi đồ Mỹ, khi đồ Anh? Khi trắng, khi vàng, khi xám, khi nâu, khi đen, khi mốc; khi đồ mát đồ nhẹ tiết xuân tiết hạ tiết thu; khi đồ ấm đồ dày tiết đông tiết lạnh. Nhưng vậy mà cũng hay, nợ đời chưa mãn thì cũng chưa rách chưa lạnh bữa nào?
Chớ như đến người mà mãn dứt nợ trần, thì dẫu cho bạc tiền đầy kho nhóc tủ, lúa gạo nhẩy lẫm tràn đồng, áo quần chật rương vun trắp đi nữa, thì cũng không phương xài phá, hết thế nuốt ăn, chẳng bề bận mặc nữa rồi.
Vậy thì cần chi phải khắc phải bạc, phải kết oán đeo hờn, phải làm điều bạc đức tổn nhơn, mà chứa mà thâu chi cho vô ích”.
Nghĩ đến đây thì ngước mặt ngó lên trời mà cười ngất.