Chẳng dè lúc hai mẹ con đương nói chuyện với nhau, thì Lệ Dung đã đứng núp dựa cửa buồng rình nghe rõ hết; nên khi Mộ Trinh bước vào thì Lệ Dung liền ngó mặt mà cười và nói rằng:
– Ấy rõ ràng là Thiên tùng nhơn nguyện đó, nên mới khiến cho bà cũng đem dạ thương chàng, nếu vậy thì cái cuộc nhơn duyên của chị sau nầy thiệt đã có ảnh hướng rồi đó đa chị à.
Mộ Trinh nói:
– Ủa! Té ra những lời của má chị nói chuyện với chị nãy giờ đó, em đã rõ hết rồi sao? Thật khó quá đi em. Ý của má chị thì vậy, còn ý của cha chị thì khác hẳn đi thôi; không biết sau nầy mà chị có được mãn nguyện cùng chăng? Vả hôm nay chị đã xem thấy rõ ràng, như chàng vậy thiệt là người hào hoa phong nhã, tài mạo lưỡng toàn; theo như lời em xem tướng mà luận với chị hôm nọ thiệt quả chẳng lầm. Nhưng vậy mà chị còn e nhiều nỗi lắm em.
– Việc gì mà chị lo nhiều nỗi lắm vậy?
– Không lo sao được. Nầy em! Một là chị e cho cha chị chê chàng nghèo mà không chịu gả; hai là chị lại e cho bên kia, không biết chàng có ý gì mà nghĩ đến chị hay chăng? Nếu chàng mà quả vô tình, còn mình đây, không lẽ mà mình tự đi làm mai mối cho mình; thế ra, dầu chị em mình có tính gì cho lắm đi nữa cũng là vô ích.
– Việc đó em đã liệu rồi.
– Em liệu sao?
– Nếu muốn cho rõ được ý chàng, thì chị phải mua một hộp khăn mu-soa (khăn hỉ mũi) cho thiệt tốt, rồi chị em mình phải chịu khó ít đêm mà thêu trong mỗi cái khăn một cặp chim oan ương cho khéo, rồi đem mà cho chàng, mượn cớ rằng nhờ ơn cứu tử, nên phải tạm chút vật hèn để làm kỷ niệm; vả lại hổm rày nào là bạc tiền, nào là lễ vật, ấy là mình toan ơn trả nghĩa đền, mà chàng đã nhứt nhứt không dùng, thì cũng đã đành; chớ như nay mà mình tặng có 3 cái khăn nầy, không lẽ mà chàng đi nỡ đành lòng từ chối nữa; mà hễ chàng chịu lãnh mấy cái khăn nầy rồi thì việc ra thể nào, chị em ta ắt sẽ rõ được ý chàng, chớ không khó.
Mộ Trinh nghe Lệ Dung nói dứt lời thì mỉm cười mà nói rằng:
– Tuổi em còn nhỏ mà kiến thức rất cao, thiệt chị không bì kịp.
Nói rồi liền lấy tiền trao cho Lệ Dung, bảo nàng ra chợ mua một hộp khăn và các thứ chỉ màu đem về mỗi đêm hai chị em thức thêu với nhau. Khi thêu rồi bèn đem cất để vào rương, chờ có dịp sẽ gởi cho Đỗ Khắc Xương mà dọ ý chàng ta cho biết.
Ngày kia quan phủ lại tiếp được giấy của quan Tòa, phú cho ông tra xét một vụ kiện tranh điền thổ thuộc về trong quận của ông, nên ông phải dạy lính sắm sửa ghe bầu cho ông đi làm ăn-kết (enquête). Ở nhà hai chị em bàn tính với nhau, muốn dùng dịp ấy đặng đem hộp khăn qua mà cho chàng Đỗ. Bàn tính xong rồi, Mộ Trinh liền giả ý nhức đầu, sai Lệ Dung đi kiếm lá xông, rồi thừa dịp đi luôn qua nhà chàng Đỗ.
Nhằm lúc Đỗ Khắc Xương đương ngồi trong nhà mà xem nhựt báo, bỗng nghe chó sủa om sòm, bèn ngước mặt ngó ra, thấy Lệ Dung nét mặt tươi cười, ngoài sân xăm xuối bước vào. Chàng ta liền buông tờ nhựt báo, đứng dậy chào mừng và hỏi rằng:
– Hôm nay cô lại đến đây, hoặc cô đi chơi, hay là bà lại cho kêu tôi mà dạy bảo điều chi nữa chăng?
Lệ Dung nói:
– Dạ, thưa không phải bà tôi sai biểu; tôi qua đây là bởi vâng lời chị hai tôi mà …
Đỗ Khắc Xương nghe nói tới đó trong lòng khấp khởi mừng thầm, liền vội vàng rước hỏi nàng rằng:
– Ủa! Nói vậy, té ra cô hai sai cô qua đây, mà có việc chi chăng cô?
Lệ Dung chúm chím miệng cười và đáp rằng:
– Thưa có việc cần, nên em mới qua đây.
Và nói và mở hộp khăn ra, đem để trên bàn ngay trước mặt chàng, rồi nói tiếp thêm rằng:
– Nhơn vì lúc nọ chị tôi nhờ ơn thầy cứu tử, thiệt cái ơn tái tạo nầy ví như sông biển, đền đáp đã ghe phen mà thầy không chịu lấy, từ ấy nhẫn nay, chị tôi vẫn hằng cạnh cạnh nơi lòng, không hề quên được; nên nay chị tôi phải thêu một chục khăn nầy, dạy tôi đem qua cho thầy để làm kỷ niệm, vật hèn chút đỉnh, thiệt chẳng đáng chi; nhưng mà, đó là cái công khó của chị tôi thức thối mấy đêm, xin thầy chớ phụ. Khi tôi ra đi chị tôi lại đinh ninh dặn bảo tôi rằng, nếu cái hộp khăn nầy mà nó được ở với thầy, thì dầu cho đến cũ đến rách, nó cũng còn nhờ hạnh phước đó.
Đỗ Khắc Xương nghe nói mỉm cười và đáp rằng:
– Ấy là lời của cô hai quá tặng đó mà thôi, chớ kẻ bất tài nầy là một người đức bạc, có phước chi đâu mà được như lời cô hai vậy.
Và nói và mở hộp khăn xổ ra từ cái mà coi, thấy cái nào cũng có thêu một cặp oan ương thật khéo, tuy là chim thêu trong vải mà xem ra rất có tinh thần. Chàng ta vừa xem vừa nghĩ, thì đã hiểu cái thâm ý của nàng rồi, trong lòng khấp khởi mừng thầm, bèn nói với Lệ Dung rằng:
– Công lao chút đỉnh, tôi đâu dám gọi là ơn, lẽ thì tôi chẳng dám thọ lãnh vật gì, ngặt vì tôi thấy cô hai đã dụng tâm như vầy, nếu tôi từ chối vật nầy thì thành ra tôi là người vô tình vô vị, cho nên tôi phải tạm lãnh của nầy. Vậy xin cô hãy tạm đình gót ngọc mà đợi tôi một vài phút đồng hồ, để tôi viết một bức thơ mà đáp tạ hậu tình, nhờ cô đam về trao giùm lại cho cô hai, thì tôi lấy làm may mắn lắm đó.
Lệ Dung gặc đầu và xin vâng lời. Đỗ Khắc Xương liền bước lại bàn viết ngồi suy nghĩ một mình rằng: “ Nàng Từ Mộ Trinh mượn cớ tạ ơn, lại thêu trong mỗi cái khăn mỗi cặp oan ương mà cho ta như vầy đây thì kỳ trung nàng đã hữu tình hữu ý với ta rồi; gia dĩ những lời của Lệ Dung đã nói khéo với ta nãy giờ đó, nếu gióng lại cho kỹ mà coi thì cũng quả quyết như lời ta liệu vậy, thế ra Từ Mộ Trinh nầy quả là một người tri kỷ của ta rồi, chớ chẳng còn nghi ngờ chi nữa. Vậy thì bây giờ đây ta phải dụng ý cách nào mà hồi đáp với nàng, đặng làm cho nàng rõ được ý ta rằng cũng đồng tâm đồng chí với nàng vậy.”
Suy nghĩ hồi lâu, vùng nhớ lại mấy cây quạt rất tốt của cha chàng mua ở Bắc Kỳ đã gởi về cho chàng mới hôm tuần trước. Chàng liền lựa lấy một cây thiệt tốt, rồi vẽ vào hai nhánh ngô đồng, phía trên lại vẽ một cặp chim, tức là con chim loan với con chim phụng, hai con đậu trên hai nhánh ngô đồng đương đâu mỏ với nhau.
Vẽ xong xếp lại, cắt một rẻo vải quyến hình như sợi giải, lại lấy viết đề vào sợi giải một chữ đồng rất to, buộc chặt chung quanh cây quạt, rồi mới lấy giấy gói phong tử tế, đam lại trao cho Lệ Dung chúm chím miệng cười mà nói rằng:
– Gia đạo bần hàn, thiệt không có vật chi là quí, vậy sẵn có cây quạt Bắc Kỳ, của nghiêm thân tôi mới gởi về cho tôi đây, nên tôi học họa hồ lô, bắt chước theo cô hai cũng vẽ một cặp chim, nhờ cô đem về trao giùm lại cho cô hai và thưa với cô hai cho rõ rằng tôi cũng tạm chút vật hèn nầy mà gọi là đáp lễ; nếu cô hai mà chẳng chê của tục vật hèn, thì trọn một đời của kẻ bất tài nầy lấy làm may mắn lắm vậy.
Lệ Dung đứng dậy nét mặt tươi cười, hai tay lãnh lấy gói quạt, giấu để trong mình, rồi mới từ giã Khắc Xương mà dời gót. Chàng Đỗ cũng theo đưa ra tới cửa ngõ phía ngoài rồi mới trân trọng vài lời mà trở lại.
Khi Lệ Dung về rồi, chàng Đỗ ngồi lại một mình giở mấy cái khăn ra xem đi xem lại hoài, trong lòng mừng quá đỗi mừng, đến khi chàng nhớ lại cái tánh tình của quan phủ thì chàng lại giựt mình, vì biết cha chàng là người thanh bạch, hoặc là ông không chịu làm sui với quan phủ nầy, rồi mình phận làm con; mới biết liệu sao đây.
Một mình suy tới nghĩ lui, rồi lại gặc đầu mà nói rằng: “Ờ! Bây giờ ta mới nhớ lại, lúc cha ta còn ở nhà, mỗi khi người nói chuyện với mẹ ta thì người vẫn thường hay nói câu nầy: Thiệt là kỳ quá đi mụ, quan chủ quận của mình đây là Từ Thế Anh, vẫn là một người tánh tình sâu sắc, kiến lợi vong nghĩa, thiệt là một tay tham phú phụ bần; mà sao người lại sanh được một nàng con gái, nết na hiền hiếu, lại thêm ngôn hạnh đoan trang; ấy mới biết, cây đắng lại sanh trái ngọt, thật rõ ràng lời tục ví chẳng lầm.
Lúc ấy mẹ ta lại đáp rằng: Hay là tại nàng nhờ cái đức của mẹ nàng chăng, vì tôi có nghe bà phủ nầy là người hiền đức lắm mà!
Cha ta lại gặc đầu mà nói rằng: Có khi phải đó.
Như thế thì ta ắt cũng còn có chỗ trông mong kết tóc xe tơ với nàng là nhờ có mấy câu chuyện nầy chăng.”
Nghĩ như vậy rồi chàng mới bớt lo, bèn an lòng mà chờ dịp.