Cuốn 1 – Phần 02

Cô lại có một nàng tỷ tấc, tên là Trần Lệ Dung, mới 17 tuổi mà dung nhan sắc sảo, tánh nết nhu hòa; lại thêm có khiếu thông minh, bề học thức sánh với cô cũng xấp xỉ.

Nguyên Trần Lệ Dung nầy cũng là con nhà thi lễ, dòng dõi thơ hương; nhưng rủi vì cha mẹ nàng mất sớm, không ai bảo thủ gia nghiệp cho nàng, bị những kẻ bất lương nó mạo xưng rằng chú chú, cô cô, kẻ khuân món nầy, người đoạt món kia, làm cho sự nghiệp tiêu điều, nàng phải ra thân tất tưởi; lại còn bị một bà cô bạc ác, thấy nàng còn nhỏ dại, bắt nàng đam đợ phứt cho quan phủ Từ Thế Anh. Thiệt là độc địa bấy cao xanh, xưa nay những kẻ có tài tình, ắt chẳng khỏi bị Hóa công đày đọa.

Ấy là:

Bắt phong trần phải phong trần,

Cho thanh cao mới được phần thanh cao.

Từ ngày Lệ Dung vào ở đợ nơi nhà quan Phủ, ban đầu thì nàng cũng phải chăm làm lụn các việc hèn hạ, như là rửa chén, bửa củi, quét nhà, theo phận tôi đòi ở nơi nhà dưới. Sau lần lần bà phủ thấy nàng dung nhan mỹ lệ, cử chỉ đoan trang, ăn nói đàng hoàng, hết na đằm thắm, bà mới đem lòng thương, bèn bảo nàng lên ở nhà trên, giúp đỡ việc thêu thùa với con bà là nàng Từ Mộ Trinh sớm trưa cho có bạn. Mà thường những con nhà có giáo dục dầu gì cũng dễ chịu, bởi vậy cho nên, tuy Lệ Dung đã được lên ở nhà trên mà bậu bạn với Mộ Trinh thì mặc dầu, song nàng cũng cứ giữ phận tôi đòi; không thêu tĩu cũng vá may, ngày chí tối chẳng hề dám để hở cái tay trong giây phút.

Lần lần đầu lạ sau quen, Từ Mộ Trinh biết rõ lai lịch của nàng vốn là dòng dõi thơ hương, thi họa cầm kỳ, nghề nào cũng thạo; từ đó đến sau, lúc đua nghề vẽ, lúc lại đánh cờ, hoặc đàm luận thế tình, chị em ý hiệp tâm đầu, lấy làm tương đắc. Bà phủ thấy vậy lại càng cắp củm mừng thầm, cho nên tuy Lệ Dung là tôi tớ của bà, mà bởi bà yêu vì nết, trọng vì tài; cách đối đãi bà xem nàng cũng như con ruột.

Bà lại nhơn thấy con của bà, phận tuy là gái, mà thông minh tuyệt thế, kiến thức quá nhơn; cho nên bà đã lập tâm, quyết kiếm cho được một người giai tế, tài mạo lưỡng toàn, thì bà mới chịu gả nàng cho xứng đôi vừa lứa.

Mà bởi Từ Mộ Trinh là con nhà sang trọng, đã có tài lại thêm có sắc; cho nên thiếu chi nhà hào hộ danh gia, nay có con quan phủ nầy mai có con quan huyện kia, hoặc con ông Hội đồng, hoặc con thầy Cai tổng, biết bao người muốn đến cầu hôn. Ngặt vì mấy cậu công tử nầy tuy là nhà cửa giàu sang, mà cậu thì có tài lại không có mạo, còn cậu thì có mạo lại chẳng có tài; vì vậy mà chẳng những là bà phủ đã chẳng vừa lòng, mà Từ Mộ Trinh cũng không đẹp ý.

Một đêm kia hai chị em đương ngồi trong buồng mà thêu với nhau, Từ Mộ Trinh vùng vỗ vai Trần Lệ Dung mà nói rằng:

– Nầy em, từ ngày chị gặp được em đến nay, đôi ta ý hiệp tâm đầu, thiệt rõ ràng em là khuê trung lương hữu (1) của chị đó. Bởi vậy cho nên chị hằng tin cậy em như ruột thịt vậy, chẳng có việc gì mà chị không nói thiệt cùng em; vậy sẵn lúc nầy đêm vắng canh khuya, để chị tỏ hết cái tâm sự của chị cho em nghe, hoặc là em có cái kiến thức chi cao mà luận bàn cho nó hả cái lòng uất ức của chị được chăng. Vả con người ta ở đời là trọng vì tài đức, chớ không phải trọng lấy bạc tiền, mà sao chị coi cái nhơn tình buổi nạy phần nhiều họ hay trọng cái sự giàu sang trước mắt, mà họ không biết dè dặt cái điều nguy hiểm sau lưng. Bởi vậy cho nên có nhiều nhà đã có phước mà sanh con gái được hình dung xinh đẹp, đức hạnh lại hoàn toàn; đến lớn khôn họ lại không biết kén chọn rể hiền, cũng như châu chấu thấy sáng đèn, hễ nghe giàu sang thì gả bướng. Đó! Em nghĩ lấy đó em coi, như may mà gặp được kẻ biết điều, thì dẫu có dốt cũng còn dễ chịu; nếu rủi mà đụng nhằm mấy tay công tử bột, thì ôi thôi! Thôi còn chi nữa mà mong, đời người đến thế là xong một đời! Bởi nghĩ vậy, cho nên chị đã thệ tâm, nguyện cùng trời đất, quyết chọn cho được một người tài mạo lưỡng toàn, đức hạnh gồm đủ, thì chị mới đành gởi phận trao thân. Bằng chẳng vậy, thôi thì thà là ở vậy mà hủ hỉ với em đây còn hay hơn là thất thân với những kẻ phàm phu tục tử. Nhưng chị trộm xem cái ý của mẹ chị thì cũng đồng như chị vậy, duy còn cha chị thì chị chưa dò biết được cái ý của người ra thể nào. Ngặt những cậu cô chú bác của chị, có nhiều người hay trọng vì cái thế lực kim tiền; nên thường hay tới lui bàn luận với cha mẹ chị, bảo cha mẹ chị phải lựa cho được những chỗ quyền cao tước trọng, hoặc là giàu sang cho tột bực thế gian thì sẽ làm sui, để phòng ngày sau cho có chỗ mà tương y tương ỷ với nhau trong khi hưỡn cấp. Thiệt chị thấy những lời của mấy người ấy bàn luận mà chị bắt lạnh mình. Em ôi! Sang giàu mà chi? Thế lực mà chi? Nếu giàu sang mà thất đức, có thế lực mà bất nhân, gian manh tham nhũng, sâu mọt của dân; thì cái giàu sang ấy, cái thế lực ấy có khác chi hơn là hòn núi tuyết; nếu gặp mặt trời có yến sáng chiếu vào, thì ắt tiêu tan trong nháy mắt. Đã biết vậy, nhưng chị lại lo vì cha chị tuy là người có học thức, người trong đám cân đai thì mặc dầu, mà hễ nếu mấy người ấy họ tới lui to nhỏ, giọng quyển tiếng kèn, kẻ đờn người thổi mãi riết đây rồi; vạn nhứt cha chị cũng lầm nghe theo họ mà sa vào cái vòng thế lực kim tiền rồi; còn chị đây lại là phận làm con, xưa nay dễ áo mặc qua khỏi đầu; chừng ấy mới tránh sao cho khỏi. Bởi thế cho nên chị rất lo sợ cho cái tiền đồ của chị, không biết sau nầy duyên phận thể nào? Cho nên: Một mình lưỡng lự canh chầy, đường xa nghĩ nỗi sau nầy mà kinh …

Lệ Dung đương thêu, nghe nói tới đó vùng ngừng kim lại, nhìn sững Mộ Trinh rồi mỉm cười mà nói rằng:

– Thiệt bấy lâu em không nghe chị nói đến, nên em cũng chẳng dám hở môi; chớ như nay chị đã tin em mà tỏ thiệt cái tâm sự của chị ra rồi, thì em đi há chẳng hết lòng với chị mà đền ơn tri ngộ hay sao? Vả buổi nầy những đấng tài tình thì ít, còn những phường công tử bột thì nhiều; nếu mình chẳng biết khéo toan năm lọc mười lừa, để cho rủi mà sa nhằm trong tay bọn ấy đi rồi thì ối thôi! Phẩm tiên rơi đến tay hèn, hoài công nắng giữ mưa gìn với ai. Nhưng em lại nghĩ, tài sắc như chị vậy thì có lo chi là không nơi giàu có sang trọng mà sánh đôi. Ngặt em e vì trong hạng người ấy phần nhiều thường có những người giàu sang trong trứng mà giàu ra, nên hễ họ thấy có của sẵn thì cứ việc ăn xài, lãng phí chơi bời; chớ họ có biết cái công lao khó nhọc của ông cha xưa đã tươm hết bao nhiêu mồ hôi máu mới có cái sự nghiệp ấy đâu. Mà cái cách của họ xài là xài với những bọn buôn hương bán phấn, xài với những phe tửu điếm trà đình, dầu hao tốn bạc muôn cũng không biết ngán; chớ chẳng hề thấy họ làm điều chi hữu ích cho xã hội được nhờ. Những hạng người như vậy thì chị em mình đây có thế nào mà chịu cho nổi được, phải không chị?

Mộ Trinh và gặc đầu và cười. Lệ Dung lại nói tiếp theo rằng:

– Còn như bây giờ mà muốn kiếm cho được một người hiền lương phương chánh, tài đức vẹn toàn, xứng đáng cho mình sửa trắp nưng khăn, thì xin chị chớ có luận tới cái sự sang hèn giàu khó, chị nghĩ sao?

Mộ Trinh gặc đầu khen phải, rồi bước lại gần vỗ vai Lệ Dung, chúm chím miệng cười và nói rằng:

– Quí hóa thay cái lời của em luận đó, ấy rõ ràng là kim thạch chi ngôn, thiệt chị không bì kịp. Nhưng mà, cái hạng người giàu sang thì dễ có, chớ cái hạng người tài đức thì rất khó mà kiếm cho được lắm em.

Lệ Dung nói:

– Có chớ, sao không? Rất đỗi là thập thất chi ấp còn tất hữu trung tính thay! Huống chi là cả xứ Nam Kỳ nầy lại chẳng có người tài đức sao chị; duy có sợ e cho mình phước bạc mà chẳng gặp được đó mà thôi chớ! Nầy chị, nay chị em mình đã thấy rõ lòng dạ nhau rồi, nên em cũng chẳng còn giấu diếm nhau nữa làm chi; vì thuở em còn bé, cha em có dạy em học phép xem tài tướng, đến khi em lớn lên rồi, em cũng thường thử cái sở học của em, quả là tướng pháp như thần, lũ thí lũ nghiệm, em cũng chẳng nói phách với chị làm chi; thiệt nghề xem tướng của em, mười người không sai một, đa chị à. Từ ngày em mang ơn tri ngộ của chị đến nay, em hằng cạnh cạnh nơi lòng; nên em đã lấy hết bình sanh sở học của em ra, ý muốn tìm giùm, cho chị một người chồng cho được phẩm hạnh đoan trang, cho xứng đáng mà trao thâm gởi phận; nay em tìm đã được rồi, song em không biết ý chị thể nào, nên em chưa dám nói cho chị rõ.

Mộ Trinh nghe nó có ý thẹn thầm, bèn cười lỏn lẻn mà nói bỡn với Lệ Dung rằng:

– Nếu thuật sĩ coi tướng thiệt hay, thì ngày sau tôi sẽ thưởng; song chưa biết người ấy là người thế nào, ở gần hay xa, thuật sĩ có cho tôi biết được hay chăng?

Lệ Dung cũng mỉm cười mà ngâm rằng:

– Nguyên người quanh quất đâu xa, Khắc Xương họ Đỗ vốn nhà thơ hương.

Mộ Trinh nghe nói dứt lời mặt có sắc buồn, bèn nói rằng:

– Tưởng là ai kìa, chớ như người ấy, chị vẫn có nghe danh đã lâu, thiệt là con nhà đạo đức, dòng dõi thơ hương, tài học của chàng cũng chẳng phải tầm thường; nhưng mà trong mấy năm nay, cha mẹ chàng gia đạo đã suy vi, lại thêm rủi cho chàng, vì vận chưa đạt mà công danh lỡ dỡ. Nếu nay mà em muốn cho chị kết tóc với chàng thì chị lại e bất tiện lắm em.

Lệ Dung nghe Mộ Trinh nói vừa dứt lời, liền nghiêm nét mặt mà nói rằng:

– Ủa! Chị là người học thức, mà cũng chưa thoát khỏi cái tình đời nữa sao? Em dám đoan với chị, nếu người ấy mà nghèo hoài, thì em quyết khoét cặp con mắt mà quăng, chớ chẳng thèm coi tướng nữa đa chị à!

Mộ Trinh lắc đầu mà đáp lại một cách rất buồn rằng:

– Đã đãi nhau là tình tri kỷ, ý khí tương đầu, mà em cũng còn tưởng cho chị là kẻ tham phú phụ bần nữa sao em? Vậy chớ cái lời chị mới nói với em khi nãy đó, em đã quên rồi hay sao?? Vì trong hàng cô bác của chị thì có nhiều người tánh hay trọng phú khinh bần, lại hay nói ra nói vào với cha mạ chị; nên hễ họ biết chàng nghèo, thì chi cho khỏi họ kiếm điều gàn trở cha chị mãi đi rồi thì có phải là bất tiện chăng em? Huống chi chị là phận làm con, dầu khi lá thắm chỉ hồng, nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha. Vả lại mình cũng chưa rõ được nông nỗi bên nhà ấy là thể nào, chẳng qua là mình mới tính phỏng với nhau đây mà nghe vậy thôi; chớ em lấy chi mà làm chắc? Thoảng như mình thì hữu ý, mà người ta lại vô tâm, chừng ấy em mới tính sao?

Lệ Dung lại mỉm cười mà đáp rằng:

– Việc ấy có khó chi, nếu quả chị mà trọng vì tài đức, chớ chẳng luận sự giàu nghèo, thì em cũng có thể điều đình cho an thỏa được; em chỉ e là e cho chị chí chẳng được bền đó mà thôi, chớ nếu cái chí đã quả quyết, đã bền chặt rồi, thì dầu sanh tử ai mà đoạt được.

Mộ Trinh tuy cũng cho lời luận của Lệ Dung rằng phải, song nàng là con chí hiếu, không biết về sau cha mình có chìu theo ý mình chăng; cho nên nàng hằng ngại ngại trong lòng, không biết cái việc tương lai của mình sau nầy may rủi thể nào, nên cũng nhắm mắt đưa chơn tới đâu hay đó.


(1): Khuê trung lương hữu là bạn hiền trong chốn buồng the

Viết một bình luận

error: Content is protected !!