Cuốn 1 – Phần 01

Tiết sang trùng cửu, thời đến mộ thu, mận nẩy chồi sương, non quay bóng nhạn, lải rải sân ngô rơi lá bạc, le the giậu cúc trổ bông vàng.  Lúc bấy giờ, đương buổi đêm thanh gió mát, lại thêm trăng tỏ làu làu, gặp cảnh thượng như vầy, những khách phong lưu, ai là người không mượn lấy chén rượu với chung trà mà vui vầy cùng bạn tác.

Nhưng, cũng thì là đêm thanh gió mát, mà người vầy kẻ khác, thật cảnh cũng khéo chìu người; bởi vậy cho nên, cũng đồng một trời một đất, một gió một trăng, mà người vui vẻ, kẻ nhố nhăng, mỗi người riêng mỗi cảnh.

Ấy là:

Người vui ngắm cảnh thêm vui,

Người buồn ngắm cảnh lại xui lòng buồn.

Trong một khoảnh vườn kia, phương viên độ chừng một mẫu, cam quít sum sê, bười bòng thạnh mậu; phía trước có một hàng dừa suôn đuột, phía sau thêm mấy bụi trúc xanh um; chính giữa có một tòa nhà ngói năm căn, vì cất đã lâu năm, cho nên gạch ngói cũ mèm, vừa ngó thấy thì đã biết đó là một cảnh nhà giàu xưa vậy.

Nhưng mà, nhà tuy đã cũ, song cách ở ăn vén khéo, trong ngoài sau trước sạch sẽ chẳng ai bằng. Trước sân có trồng đủ các thứ danh hoa, có ao nuôi cá, có chỗ rộng chim, có hồ thả sen, có hòn non bộ. Những khách qua lại ngoài đường, hễ vừa ghé mắt trông vào, tuy chẳng đợi hỏi ai, mà cũng biết người ở trong nhà ấy hẳn ắt là một tay hào hoa phong nhã.

Trong một cảnh nhà rất có vẻ phong lưu như vậy, mà sao trong đấy lại có một người trai tơ trạc chừng hai mươi ngoài tuổi, hình dung thảm đạm, áo não âu sầu, xem ra dường như có cái tâm sự gì mà ưu uất lắm vậy.

Nguyên nhà nầy là nhà của một ông cựu nho kia tên là Đỗ Khắc Thới, vợ ông là Đoàn thị, ở tại Chợ Gạo thuộc về tỉnh Mỹ Tho cách tỉnh thành chừng mười hai cây số (12 kilomètres); nhà ông giàu có đã nhiều đời, lại thêm ông là người thanh bạch, đạo đức hoàn toàn, cho nên tự quan chí dân người người đều kính phục.

Còn người trai tơ mới nói trước kia vẫn là con của ông, tên chàng là Đỗ Khắc Xương, tuổi vừa hai mươi bốn xuân thu, thông minh đỉnh huệ, tài trí quá nhân, diện mạo khôi ngô, hình dung tuấn nhã; nho học đã thông mà tây học lại thêm lỗi lạc.

Ấy rõ ràng là:

Nền phú hậu, bực tài danh,

Văn chương nét đất, thông minh tánh trời.

Vì thế mà có nhiều nhà hào hộ phú gia, đều gấm ghé muốn làm sui với ông; nhưng mà, ông là người lịch dượt thế tình, cho nên những kẻ muốn làm sui với ông, tuy là nhà giàu rân rát mặc dầu, mà ông cũng chẳng ham, vì ông đã biết rõ những hạng người ấy đều là kẻ tham phú phụ bần, xu quyền phụ thế, nên ông khinh bỉ mà chẳng chịu hứa lời, cứ ừ hử gọi là, cho qua ngày qua buổi.

Còn Đỗ Khắc Xương, học hành tuy giỏi, mà bị câu: tài bất thắng thời, cho nên chàng học tại trường Bổn quốc năm5 năm, (1) những bạn học một lớp với chàng, ai ai cũng nể mặt. Ngặt vì ông xanh hay gay gắt, tài mạng chẳng ưa nhau, sức chàng học tuy cao, mà thi hai khoa đều hỏng.

Chẳng những vậy mà thôi, phần thì ông Đỗ Khắc Thới là người đạo đức, lại thêm tánh tình hào hiệp, lòng dạ khoan nhơn, xem bạc tiền như đất, trọng nhơn nghĩa hơn vàng; những kẻ nghèo mắc nợ của ông mà trả không nổi, ông cũng chẳng nỡ đòi; còn tá điền rủi bị thất mùa không lúa ruộng mà đong, ông đã không làm khổ khắc là may, lại còn đong lúa nhà giúp thêm cho đủ no mà chờ mùa tới. Những kẻ cùng khổ trong làng, rủi có đau mà chết, ông lại bố thí quách quan, hoặc giúp thêm bạc tiền mà chôn cất.

Mội khi có tai trời ách nước, những kẻ rủi vì bão lụt mà phải đói rách khón cùng, thì ông cũng chẳng tiếc bạc ngàn, đem ra mà tế cấp.

Nhưng bởi tánh ông từ thiện, chẳng hay khổ khắc và sâu mọt của ai, mà ông chỉ cứ bố thí ra hoài; số thâu thì ít, số xuất thì nhiều, lại thêm luôn mãi 4 năm trời, mùa màng thất bát, cho nên gia vận phải suy vi, lần lần ruộng đất tiêu mòn, chỉ còn tròi trọi có một cái nhà ngói năm căn với một mẫu vườn, huê lợi chẳng bao nhiêu, mà tánh ông huy hoát đã quen, cho nên bề nhựt dụng tài nào mà không hụt. Thật là lời thầy Mạnh nói chẳng lầm: hễ vi phú thì bất nhơn, mà vi nhơn thì bất phú.

Lúc bấy giờ, gia đạo của ông tuy đã suy vi, song ông cũng khăng khắng một lòng, cứ lấy chữ thanh bần mà làm gốc.

Ngày kia ông đang xơi nước với bà, bỗng thấy tên lính trạm ngoài ngõ bước vào, chấp tay xá ông rồi trao cho ông một phong thơ; việc tình cờ nên không biết là thơ của ai, đến khi mở ra xem hết đầu đuôi thì mới rõ là thơ của một người bạn hữu của ông tên là Hoàng Hữu Tâm đang làm thầu khoán (Entrepreneur) ở Bắc Kỳ. Ông nầy vốn là người Vĩnh Long, trước kia vẫn có giúp việc cho nhà nước Đại Pháp, làm đến chức Thông phán, đổi ra Bắc Kỳ đâu được ít năm, nhằm lúc Chánh phủ đặt đường xe lửa từ Hà Nội qua Vân Nam, ông bèn xin từ chức, ra làm nghề thầu khoán, đứng đấu giá bao lãnh nạp cây cho nhà nước làm đà xe lửa và lãnh đổ đá sỏi trải đường; lần lần như vậy ít năm, bề sanh kế của ông rất nên phát đạt.

Mà thường những kẻ có chí dinh thương, hễ may mà gặp vận rồi thì cuộc thương mãi khoán trương rất chóng. Ngặt vì ông còn thiếu người tin cậy mà phú thác những việc lớn lao. Nay ông nghe ông bạn của ông là Đỗ Khắc Thới ở trong Nam Kỳ, tại tỉnh Mỹ Tho, vì thất mùa luôn trọn 4 năm, làm cho gia vận phải suy vi, không còn có thế chi mà duy trì cho nổi nữa. Nhưng ông vẫn biết ông Đỗ Khắc Thới tuy là người bên phái nho học mặc dầu, song nhờ có ưa xem ưa đọc những tân thơ; lại hay chuyên tâm nghiên cứu về môn khoáng vật học (Minéralogie). Vả lại ông dòm thấy Bắc Kỳ là một dãy đất tối cổ, lâm sản nhiều mà khoáng sản cũng nhiều, nên ông mới viết thơ mời ông Đỗ Khắc Thới ra, trước là cho anh em được gần gũi với nhau, sau là cho có người đồng chí với mình giảng cứu về nghề khai khoáng.

Còn ông Đỗ Khắc Thới khi xem thơ rồi thì có ý mừng thầm, vì bấy lâu ông vẫn có chí muốn du lịch Bắc Kỳ mà chưa đi được; nay sẵn gặp dịp tốt như vầy mà chẳng tính đi chớ còn đợi lúc nào. Ông nhứt định như vậy, bèn lo sắp đặt việc nhà đâu đó an bài, rồi từ giã vợ con mà đi ra Bắc. Đỗ Khắc Xương theo đưa cha lên tới Saigon, đến khi ông xuống tàu rồi chàng mới trở về nhà, hủ hỉ sớm trưa với mẹ.

Gần đó lại có quan phủ đương quyền, tên là Từ Thế Anh, ngồi Chủ quận tại đó, vợ là Nguyễn thị, sanh được một gái, tên là Từ Mộ Trinh, mới 18 tuổi mà hình dung yểu điệu, cốt cách phương phi, gương mặt chữ điền, chơn mày vòng nguyệt, gót chơn cô đỏ như thoa son, ngón tay cô tròn như roi trống, cổ cô đã nhỏ, vai cô lại xuôi; hàm răng cô đều đặn như cưa, gò má của cô có núng đồng tiền tròn ủm; càng xem lâu chừng nào thì lại càng thấy cái sắc đẹp của cô như một đóa phù dung.

Cô đã có cái vẻ xinh đẹp như thế, mà cô lại còn thêm có khiếu thông minh; học chữ cũng hay, học đờn cũng giỏi, họa tranh cũng đúng, cờ tướng cũng tài; gia dĩ dung hạnh đoan trang, ngôn từ nghiêm chánh. Hai ông bà câng cô như trứng mỏng, mà cô chẳng hề đỏng đảnh như những gái tầm thường; mỗi khi cô có cần dùng điều chi mà sai khiến kẻ ở trong nhà, thì cô nói cái giọng rất ngọt ngào, ai nghe tới cũng êm tai mát dạ. Bởi cô là một người con gái sắc tài gồm đủ, đức hạnh vẹn hai, cho nên tự trong tới ngoài, xa gần đều nức tiếng.


(1) Theo lệ thường những học sanh tại trường Bổn quốc, hễ học được 4 năm (quatrième année) thì đã thi lãnh bằng Tất nghiệp mà ra. Đỗ Khắc Xương năm thứ tư thi rớt; nên phải đóng tiền mà học thêm tới năm thứ 5.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!