Bài viết được Sưu tầm từ tài liệu Điện tử của Thư viện Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh. Do sơ suất, tôi không tìm ra được tên Tác giả bài viết, cuối bài chỉ ghi “Tháng 11.1985 – Tháng 8.1997”. Tôi đoán là thời gian tác giả biên soạn và sưu tầm tài liệu.
Nội dung Bài viết rất chi tiết và dựa trên nguồn tài liệu phong phú, đáng tin cậy. Đây là nguồn thông tin quí giá nên tôi xin phép được chia sẽ trên website này, mặc dù chưa thể đề tên tác giả. Chân thành cảm ơn tác giả đã dày công tra cứu và biên soạn.
Phần III: Văn hóa Khảo cổ và tiến trình lịch sử ở đất Gia Định
Đời sống Kinh tế
Nước Phù Nam “có những đô thị có thành lũy bao quanh, những lâu đài và nhà ở … Chuyên nghề nông, họ gieo lúa một năm mà thu hoạch trong ba năm. Họ thích chạm trổ đồ trang sức và đục đẽo. Nhiều chén bát ăn của họ làm bằng bạc. Thuế má trả bằng vàng, bạc, ngọc trai, hương liệu.”
Kết quả những khảo sát và khai quật khảo cổ học đã minh họa khá rõ nét những chi tiết về đời sống kinh tế của người Phù Nam được chép trong các sử liệu Trung Hoa. Nông nghiệp đã phát triển mạnh trên đồng bằng châu thổ Sông Cửu Long từ những thế kỷ đầu Công Nguyên. “Bằng chứng khảo cổ học càng khẳng định truyền thống và tính đa dạng của hoạt động trồng lúa. Những di chỉ khảo cổ học ở miền Đồng bằng Nam bộ như Lộc Chánh, An Sơn (Đức Hòa, Long An), Rạch Núi (Cần Giuộc, Long An) và mới đây ở Bình Tả (Đức Hòa, Long An) và ở miền Tây đồng bằng như Nền Chùa (Kiên Giang), Đồng Tháp … cho những chứng cứ rõ ràng về hoạt động trồng lúa vào những niên đại khá sớm – thuộc thời đại đồng thau (…); nông nghiệp trồng lúa cổ Óc Eo thuộc dạng trồng lúa đầm lầy, đã sử dụng kênh rạch để hỗ trợ cho cây lúa.”
Những di chỉ khảo cổ thuộc văn hóa Óc Eo ở Đồng bằng Nam Bộ phần lớn được phân bổ ở các điểm tụ, đầu mối của những tuyến giao thông đường thủy và được nối liền với nhau bằng những kinh đào cổ tạo thành một hệ thống thủy lợi rộng lớn, đặc biệt là trên phần châu thổ phía Nam sông Hậu, ở các điểm tụ Óc Eo, Núi Sam, Nền Chùa, Tri Tôn, Định Mỹ, Tráp Đá, … Con kinh đào dài nhất, khoảng 80km, chạy thẳng tắp từ Angkor Borei (gần Châu Đốc), theo hướng Đông Nam chạy đến ranh giới tỉnh Kiên Giang, nối liền hơn một chục di chỉ khảo cổ. mạng lưới kinh đào lớn lao này cho thấy tầm quan trọng của công trình thủy lợi trong hoạt động nông nghiệp của xã hội Phù Nam.
Thủ công nghiệp đã phát triển đến trình độ cao. Di vật về công vụ sản xuất và các loại sản phẩm đã khai quật được cho thấy sự phân công xã hội rất đa dạng ở Phù Nam. Có thể phân loại được nhiều ngành nghề: nghề mộc (di vật cột và sàn nhà, lan can, giá đèn bằng gỗ); nghề đá (đá xây dựng, dụng cụ bằng đá như bàn nghiền, cối, chày), nghề tạc tượng (đá và gỗ), nghề làm gạch và vật liệu trang trí bằng đất nung, nghề xây dựng (đền đài và mộ táng), nghề đóng thuyền (theo sử liệu và di vật thuyền), nghề gốm (công cụ chế tác như bàn xoa, bàn dập hoa văn, trục bàn xoay, giá nung gốm, những dụng cụ bằng gốm nhiều loại, nhiều cỡ), nghề luyện kim gồm các chuyên nghề chế tác đồ đồng (thoi, lá, dây đồng và các loại sản phẩm như tượng thần, tượng người, tượng thú, giá đèn, chuông nhạc, xập xõa, đồ trang sức, đồ trang trí, đồ đựng), nghề chế tác sắt (quặng sắt, khuôn luyện sắt, xích, đục), nghề chế tác thiếc (tượng người, tượng thú, bùa đeo, đồ trang sức, đồng tiền), đặc biệt là nghề kim hoàn (đá thử kim loại, búa, dùi, rất nhiều đồ trang sức bằng vàng, bạc, đá quí, thủy tinh) v.v…
Thặng dư nông phẩm và sản phẩm thủ công nghiệp phong phú đã tạo điều kiện cho sự phát triển nhanh chóng của thương nghiệp ở nội địa cũng như với bên ngoài. Sách Lương Tứ Công Tử Ký (khoảng đầu thế kỷ VI) chép: “Một chiếc thuyền lớn của Phù nam đến từ miền Tây Ấn Độ rao bán một cái kính bằng pha lê xanh, đường kính một bộ năm ngón, nặng bốn mươi cân …”
Vị trí của Phù Nam trên thương trường Đông Nam Á, đã được chuẩn bị từ lâu. CÁc cư dân ven biển ở châu thổ sông Cửu Long đã tiếp xúc với thương nhân bên ngoài từ nhiều thế kỷ trước Công nguyên. Các tàu thuyền của những người nói tiếng Malayo Polynesien xuất phát từ Đông Nam Á, đã tiến sang phía Tây đến tận bờ biển châu Phi và phía Bắc đến tận Trung Hoa. Họ đem bán những sản phẩm rất được ưa chuộng trên thị trường Ấn Độ như gia vị, hương liệu, và trên thị trường Trung Hoa như xà cừ, đồi mồi, ngọc trai, san hô, mật và sáp ong, tổ yến … Vào những thế kỷ II và III, miền Nam Sumatra trở thành một nơi hội tụ các luồng thương mại trong vùng biển Java. Từ đó người Mã Lai chuyển hàng đến Óc Eo để gia nhập vào thị trường quốc tế.
Phù Nam được biết đến trong lịch sử như một cường quốc thương nghiệp từ giữa thế kỷ thứ III đến đầu thế kỷ thứ VI. Những chinh phục quân sự ở bán đảo Mã Lai đã hỗ trợ việc kiểm soát các lộ giao thương giữa Ấn Độ và vùng Đông Nam Á, cả đường thủy lẫn đường bộ. Vai trò cường quốc kinh tế của Phù nam dần dần suy yếu từ khi trung tâm thương mại trong vùng được chyển từ óc Eo qua vùng biển Malacca ở phía Nam bán đảo Mã Lai từ cuối thế kỷ thứ V trở về sau.