Đất Gia Định 10 Thế kỷ đầu Công Nguyên – 02

Bài viết được Sưu tầm từ tài liệu Điện tử của Thư viện Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh. Do sơ suất, tôi không tìm ra được tên Tác giả bài viết, cuối bài chỉ ghi “Tháng 11.1985 – Tháng 8.1997”. Tôi đoán là thời gian tác giả biên soạn và sưu tầm tài liệu.

Nội dung Bài viết rất chi tiết và dựa trên nguồn tài liệu phong phú, đáng tin cậy. Đây là nguồn thông tin quí giá nên tôi xin phép được chia sẽ trên website này, mặc dù chưa thể đề tên tác giả. Chân thành cảm ơn tác giả đã dày công tra cứu và biên soạn.


Phần I: Bối cảnh lịch sử

Vương quốc Phù Nam (đầu Công nguyên – thế kỷ VI)

Văn hóa Óc Eo đã phát triển rộng khắp ở Nam Bộ từ thế kỷ I đến thế kỷ VI, và thời kỳ hậu Óc Eo từ thế kỷ VII đến thế kỷ IX trên một cơ tầng bản địa của châu thổ Sông Cửu Long, với hàng trăm di tích đã được khảo sát và hơn 20 di chỉ đã được khai quật, trải rộng từ cao nguyên Lâm Đồng cho đến vùng rừng ngập mặn U Minh. Đất Gia Định nằm vào khoảng giữa của địa bàn này. Những quan hệ văn hóa của vùng đất này vào thời cổ đại có thể xác lập với Sa Huỳnh, Lâm Ấp, Đông Sơn, Thái Lan, Mianma, Maysia, Ấn Độ, Trung Hoa và xa hơn, với thế giới Địa Trung Hải, Ba Tư và Trung Á

Văn hóa Óc Eo và hậu Óc Eo trong khảo cổ học tương ứng về mặt niên đại với sự tồn tại của Phù Nam và Thủy Chân Lạp trong lịch sử trên cùng một địa bàn.

Nước Phù Nam được hình thành vào đầu Công Nguyên theo truyền thuyết lập quốc bằng sự phối hợp giữa hai dòng họ Soma (Mặt Trăng) và Kaundynia (thuộc đẳng cấp Bà la môn). Theo Khang Thái trích dẫn trong Tấn Thư, sự phối hợp nói trên đã diễn tiến như sau:

“Vua nước (Phù Nam) vốn là đàn bà, gọi là nữ chúa, tên Diệp Liễu (bản khác: Liễu Diệp). Có một ngoại nhân là Hỗn Hội (bản khác: Hỗn Điền), chuyên thờ cúng thần linh, một hôm nằm mộng thấy thần linh ban cho một cái cung và một chiếc thuyền để ra khơi. Sáng hôm sau, ông đến đền thờ vị thần linh, thấy một cái cung, rồi theo đoàn khách thương xuống thuyền đi ra biển. Ông đến ngoài xứ Phù Nam. Nữ chúa Diệp Liễu đem quân kháng cự. Hỗn Hội bắn một phát tên. Diệp Liễu sợ hãi liền thần phục. Ông lấy nữ chúa làm vợ và chiếm lĩnh xứ sở.

Các nhà nghiên cứu chữ Hán và chữ Phạn đã xác lập tên gọi nữ chúa Phù Nam là Liễu Diệp và tên người chinh phục là Hỗn Điền, phiên âm Hán của tiến Phạn Kaundynia hay Kundina.

Vị trí  của nước Phù nam được mô tả như sau: “Nước Phù Nam ở phía Nam xứ Nhật Nam, trong một cái vịnh ở Phía Tây biển lớn … Một con sông lớn chảy từ hướng Tây và đổ ra biển.

“Nước Phù Nam ở về phía Nam quận Nhật Nam, trong một vịnh lớn ờ phía Tây biển lớn … Có một con sông chảy từ Nam Tây Bắc về phía Đông rồi đổ ra biển. Nước Phù Nam rộng hơn 3000 dặm. Đất từ trên cao đổ xuống và đất bằng phẳng.”

“Nước Phù Nam ở cách phía Tây nước Lâm Ấp hơn 3000 dặm, nằm trong một vịnh lớn ở ngoài biển, đất rộng hơn 3000 dặm.”

Và “người ta có thể tới nước đó bằng đường bộ hoặc đường thủy.”

Căn cứ vào những chi tiết có tính cách tương đối trên đây, so sánh với phương vị địa lý Đông Dương, các nhà nghiên cứu ngày nay đã đi đến một chấp nhận chung về vị trí của nước Phù Nam là ở phía Nam Bán đảo Đông Dương, phía Nam quận Nhật Nam (phần đất phía Nam của nước Nam VIệt cũ) và Lâm Ấp (từ dưới Quảng Nam trở vào). Phương vị Phía Nam và Phía Tây được định theo bóng mặt trời từ điểm quan sát. Vịnh phía Tây biển lớn chỉ có thể là Vịnh Thái Lan ngày nay.

Con Sông Lớn chảy từ hướng Tây và đổ ra biển, con sông chảy từ mạn Tây Bắc về hướng Đông rồi đổ ra biển tương ứng với dòng chảy của phần hạ lưu sông Cửu Long. Đất từ trên cao đổ xuống và rất bằng phẳng là thế đất châu thổ (đổ từ cao nguyên xuống và rất bằng phẳng), đó cũng là hình ảnh của châu thổ sông Cửu Long bao gồm khu vựa những dòng chảy của các sông Hậu, sông Tiền, sông Vàm Cỏ, sông Đồng Nai và sông Sài Gòn.

Trên cùng đất châu thổ màu mỡ và giàu sản vật đó, Hỗn Điền, sau khi đánh thắng và cưới Liễu Diệp làm vợ, đa thừa hưởng tất cả những thành bang của vị nữ chúa “còn trẻ và khỏe mạnh không khác gì một thanh niên cả” và đã dầy dựng nên một triều đại lớn, đặt kinh đô ở thành Đặc Mục (tên Phạn Vyadhapura, có nghĩa là thành phố của những người đi săn). Hỗn Điền cấp cho con trai (sinh với Liễu Diệp) một vùng đất phong gồm 7 thành bang (hiểu theo nghĩa những trung tâm thị tứ thời đại đó).

Từ thế kỷ II, đến giữa thế kỷ VI là thời kỳ củng cố và phát triển thế lực của Phù nam ở nội địa cũng như ở bên ngoài. Mặc dầu đây cũng là một giai đoạn lịch sử được đánh dấu bằng những tranh chấp giữa các thế lực phong kiến và những âm mưu đen tối ở cung đình. Triều đại Phạm Sư Man (bản khác: Phạm Man, tên chữ Phạn: Sri Mara theo văn bia Võ Cạnh, Khánh Hòa) trị vì từ khoảng năm 225-230 sau Công nguyên là một thời kỳ hưng thịnh của Phù Nam. Ông là người can đảm và thao lược, đã đem quân đánh chiếm các nước lân bang làm chư hầu và xưng là Phù Nam Đại Vương. Sau đó ông lại cho đóng thuyền lớn, vượt biển đánh chiếm thêm được 10 nước, mở rộng bờ cõi đến năm, sáu ngàn dặm.

Sau Phạm Sư Man, từ giữa thế kỷ III đến giữa thế kỷ VI, Phù Nam tiếp tục củng cố thế lực của mình về mặt ngoại giao và thương mại. Từ năm 230 đến năm 250, dưới triều đại Phạm Chiên, Phù Nam đã đặt quan hệ ngoại giao với Ấn Độ và Trung Hoa.

Theo Phù Nam Truyện của Khang Thái, “Khi xưa, dưới triều Phạm Chiêm, có một người ở nước Đàm Dương tên Gia Tường Lê từ Ấn Độ đi từng chặng đường, đã đến buôn bán ở Phù nam. Người ấy kể với vua Phạm Chiêm về những tập quán, vẻ huy hoàng và sự trù phú của Ấn Độ. Phạm Chiên phái Tô Vật đi sứ sang Ấn Độ. Tô Vật xuống thuyền ở Đầu Câu Lợi (có thể là Takkola trên bờ biển phía Tây bán đảo Mã Lai). Phái bộ Tô vật đến cửa Hằng Hà (sông Gange), đi ngược dòng sông đến tận triều đình Murunda. Quốc Vương cho người đưa phái bộ đi thăm thú trong nước, và khi họ ra về, đã gởi tặng vua Phù Nam 4 con ngựa của xứ Nguyệt Chi (Indo-Scythe), và cho một người Ấn tên Trấn Tống tháp tùng phái bộ về Phù Nam. Cuộc hành trình từ Ấn Độ đến Phù Nam kéo dài đến 4 năm.

Năm 243, dưới thời Tam Quốc, Phạm Chiên phái sứ bộ qua triều đình nhà Ngô. Tô Vật từ Ấn Độ về nước dưới triều đại Phạm Tầm (khoảng năm 250-290). Cũng dưới triều đại này, trong khoảng những năm 245-250, dưới thời Tôn Quyền, triều đình nhà Ngô phái Khang Thái (chức trung lang) và Chu Ứng (chức tuyên hóa tùng sự) đi sứ Phù nam. Hai sứ giả Trung Hoa đã gặp Trần Tống cùng phái bộ, và đã hỏi họ cặn kẽ về xứ sở và phong tục của nước Ấn Độ.

Những sự kiện trên đây cho thấy từ triều đại Phạm Chiên, Phù Nam đã phát triển ảnh hưởng của mình đến Ấn Độ Dương và giữ vai trò trung gian của con đường giao thương hàng hải giữa Ấn Độ Dương và miền Đông Á.

Sau những sứ bộ đầu tiên của Phù Nam và của nhà Ngô, sự bang giao giữa Phù Nam và phía Nam Trung Hoa đã diễn tiến đều đặn: trong những năm 268, 285, 287 đều có sứ bộ Phù Nam phái qua triều đình nhà Tấn (265-419). Ba sứ bộ liên tiếp từ 285 đến 287 hiển nhiên là hậu quả của sự phát triển thương nghiệp hàng hải sau khi nhà Tấn thống nhất Trung Hoa và sự gia tăng nhu cầu của Phương Bắc về sản vậy và xa xỉ phẩm từ các nước phía Nam.

Năm 357, ngôi vua Phù Nam rơi vào tay một người tên là Trúc Chiên Đàn (bản khác: Thiên Trúc Chiên Đàn). Thời kỳ năm 287 cho đến 356 không để lại vết tích nào trong sử liệu. Có lẽ đó là một giai đoạn loạn lạc, vì theo Tấn Thư, năm 357, Trúc Chiên Đàn tự xưng làm vua. Ngay trong năm đó, Chiên Đàn đã phái sứ bộ qua cống triều đình nhà Tấn.

Vua kế vị Trúc Chiên Đàn là Kiều Trấn Như (Kaundynia theo văn bia chữ Phạn) là một người tinh thông văn hóa Ấn Độ. Kiều Trấn Như qua đời vào khoảng năm 424. Vua kế vị là Trì Lê Đà Bạt Na (Sri Indravarman hay Sreshthavarman) tiếp tục nối lại quan hệ ngoại giao và thương mại với Trung Hoa dưới thời nhà Tống (420-478), phái các sứ bộ đem triều cống những phẩm vật địa phương vào các năm 434, 435, 438.

Kiều Trần Na – Đồ Da Bạt Ma (Kaundynia – Jayavarman) lên ngôi vào khoảng năm 475. Ông đã phái các thương gia sang Quảng Châu buôn bán vào cuối thời nhà Tống (420-478) (14). Năm 484, vua Phù Nam ủy nhiệm hòa thượng Ấn Độ Sakya nagasena (Sa Kỳ Na Già Tiên) đi sứ ở triều đình Nam Tề (479-501).

Năm 503, Đồ Da Bạt Ma lại phái sứ bộ đem cống phẩm qua triều đình nhà Lương (502-556). Nhân dịp này, vua nhà Lương (năm thứ hai niên hiệu Thiên Giám) đã phong Đồ Da Bạt Ma tước An Nam Tướng Quân Phù Nam Vương. Các sứ bộ được tiếp tục phái qua triều đình Trung Hoa vào những năm 511 và 514. Triều đại Đồ Da Bạt Ma đánh dấu một thời kỳ huy hoàng của Phù Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực ngoại giao và thương mai đối với Trung Hoa.

Đồ Da Bạt Ma qua đời năm 514, con trai của một thứ phi là Lưu Đà bạt ma (Rudravarman) giết người em là thái tử con chánh cung hoàng hậu và lên làm vua. Đây là một thời kỳ u tối trong hoàng gia Phù Nam. Theo minh văn Prasat Pram Loven tìm thấy ở Đồng Tháp Mười (khu di chỉ Gò Tháp) thì con trai chánh cung của Đồ Da Bạt Ma, thái tử Gunavarman là người “dù còn nhỏ tuổi, đã được chỉ định lãnh đạo một địa phương sùng đạo chinh phục từ bùn lầy, nhờ ngài là người có đạo đức và phẩm hạnh”. Gunavarman là vị thái tử Phù Nam đã bị người anh con bà thứ phi là Lưu Đà Bạt Ma hạ sát để cướp ngôi.

Hoạt động thương mại và ngoại giao giữa Phù Nam và Trung Hoa vẫn được duy trì trong thời kỳ này. Lưu Đà Bạt Ma tiếp tục phái sứ bộ qua triều đình nhà Lương vào những năm 517, 519, 520, 530, 535, 539. Phật Giáo đặc biệt phát triển dưới triều đại này. Trong khoảng những năm 535-545, triều đình nhà Lương đã phái một sứ bộ đến Phù Nam xin nhà vua cho sưu tầm kinh Phật và thỉnh cầu gởi các cao tăng qua giảng dạy Phật Pháp ở Trung Hoa. Vua Phù Nam phái hòa thượng Ấn Độ là Paramartha (hay Gunatatna) lúc đó đang hành đạo ở Phù Nam, mang theo 240 bộ kinh sách đến triều đình Trung Hoa vào năm 546.

Từ giữa thế kỷ VI đến giữa thế kỷ VII là thời kỳ suy tàn của Phù Nam. Theo Tùy Thư, “nước Chân lạp nằm về phía Tây Nam nước Lâm Ấp, nguyên là một nước chư hầu của Phù Nam … Họ vua là Sát Lỵ (Kshatrya), tên là Tri Đà Tư Na (Chitrasena); tổ tiên ông đã dần hồi phát triển quyền lực của xứ sở. Trì Đà Tư Na đánh chiếm Phù Nam và khuất phục nước đó”.

Sau đó, Tân Đường Thư ghi rõ: “Vua Phù Nam đóng đô ở thành Đặc Mục. Đột nhiên thành bị quân Chân Lạp đánh phá, nhà vua phải bôn tẩu về phía Nam đến thành Na Phất Na”.

Sự kiện trên đây đã xẩy ra vào khoảng năm 550. Tri Đà Tư Na (Chitrasena) là người thuộc một nhánh trong hoàng tộc Phù Nam trước đó được phong vương trị vì một thuộc quốc ở miền rừng núi Bassac (trung du Sông Cửu Long ở Nam lào ngày nay).

Cuộc tấn công chớp nhoáng của Tri Đà Tư Na vào kinh đô Đặc Mục là biểu hiện gay gắt nhất của cuộc tranh chấp triền miên từ thời tiền sử giữa các cao nguyên ở miền trung du Sông Cửu Long và vùng đồng bằng phù sa của miền châu thổ.

Sự thất thủ của kinh đô Đặc Mục mở đầu thời kỳ suy vong của Phù Nam. Mặc dù Tân Đường Thư còn ghi lại các sứ bộ của Phù Nam phái qua triều đình nhà Đường dưới các triều vua Vũ Đức (618-626) và Trình Quan (627-649) nhưng không nghi rõ họ đến từ đâu.


Còn tiếp

Viết một bình luận

error: Content is protected !!