Chương 18: Hay tin tức Mộng Hoa

Lý Tố làm vua được mười lăm ngày.

Anh vào trong nước được ba hôm thì làm lễ tôn vương. Lễ vẫn long trọng vui vẻ và không có một chuyện gì rắc rối náo động cả.

Anh không quen những cách đi đứng của nhà vua nên nhờ một quan nội giám dạy cho từng chút để dùng trong lúc lễ tôn vương và nhiều cuộc lễ khác. Bởi vậy anh làm coi đường hoàng lắm không sót một chỗ nào.

Anh không hay nói mà ngày nào anh cũng tưởng tới Mộng Hoa và sự thoát thân ra ngoài luôn.

Một buổi sớm mai, xem xét giấy tờ xong rồi anh đi một mình ra ngoài vườn để nghỉ ngơi dưới mấy bóng cây thanh tịnh mát mẻ. Cây cối sum sê, bông hoa đua nở.

Vườn rộng lớn lao cả ba phía hoàng cung, anh hề thủng thẳng bước đi, xem không khác nào một con chim đang bị nhốt trong một cái lồng tốt đạp. Tới đầu đàng kia anh thấy trước mắt một vách tường cao, dưới chơn thì có một cây rậm rạp. Anh muốn tìm một nẻo ra.

Quả vậy, anh tới trước một cái cửa nhỏ.

Cửa không có khóa, chỉ đẩy một cái thì là nó mở ra.

Lòng anh chứa chan hy vọng.

Nhẹ nhẹ anh xô cửa vừa day ra sau lưng dòm xem coi có ai thấy mình chăng. Anh không thấy bóng một người, cây cối vẫn im lìm lặng lẽ. Anh chen mình bước mau qua khỏi cửa.

Liền đó anh nghe rộ lên một tiếng thình lình làm cho anh giựt mình hoảng hốt:

– Hoàng thượng vạn tuế!!

Anh bước lui lại và dòm ngay ra trước mặt xem coi đấy là chỗ nào.

Ấy là một miếng đất trống nhỏ.

Mấy anh lính ngồi sẵn ở đấy để mà canh gác cái cửa nầy nhưng có lẽ cả ngày không một người đi qua nên mấy ảnh rảnh rang công chuyện, xúm lại cùng nhau với một hai người dân trong thành mà đánh bài.

– Hoàng thượng vạn tuế!

Lý Tố thấy rằng bây giờ dân chúng đã có lòng mến anh, nhưng vậy anh không vui lòng chút nào, nó mến chừng nào lại càng khó trốn chừng nấy.

Bữa nay anh không làm gì trốn đặng thôi thì phải đành chờ khi khác. Anh thủng thẳng bước trở vào vườn mà biết rằng từ rày về sau khó tìm dịp thoát ra hơn nữa. Anh phải ôm lòng lo bổn phận làm vua lại như khi trước.

Một buổi sớm mai Lý Tố lo xem xét giấy tờ và ký tên xong xả, buổi chiều chàng ngồi xe để dạo quanh thành phố. Khi giờ anh được vui vẻ một chút vì thấy đặng một hai cái cảnh lạ trong xứ lạ. Đi ngang qua một chỗ anh vùng hỏi rằng:

– Chà! Một cái tháp tốt đẹp quá.

Quan năm Khả Lâm ngồi đàng trước, ông nghe hỏi làm vậy thì lấy làm lạ vô cùng, ông quay đầu lại ngó vua và đáp rằng:

– Bệ hạ quên rồi sao? Ấy là một cái tháp dựng lên để kỷ niệm cho nội tổ Bệ hạ đó mà.

Lý Tố mau miệng nói đỡ rằng:

– Ờ phải … mà tôi nhớ không có cao tới bực đó. Xa xứ không có mấy năm mà muốn quên chuyện xưa dấu cũ.

Lâu lâu anh cũng mắc phải một chuyện làm vậy làm cho anh lo hết sức.

Tuy vậy mà anh ưa đi ra với quan năm Khả Lâm hơn là đi với bá tước.

Với quan năm thì rủi mình có lỡ một chuyện gì thì không sao, ông không để ý tới mà cật hỏi một điều gì nhưng với bá tước thì không phải vậy.

Ngày kia đi ngang qua một tòa lầu cao lớn, Lý Tố sơ ý hỏi là một cai chỗ gì thì bá tước đáp rằng:

– Ấy là cả một cái trường dạy các hoàng thân quốc thích.

Rồi ông lại ngó xéo vua mà thêm rằng:

– Bệ hạ thuở nọ đã đòi học trọn mười hai năm trong cái trường đó.

Lý Tố cũng lanh trí đáp lại:

– Ông tưởng tôi quên hết hay sao?

Từ đó anh không dám mở miệng mà nói những gì nữa.

Anh tuy làm vua mà không hiểu biết tình hình chánh trị, kinh tế trong nước là thể nào. Anh ở trong cung luôn và biết đặng một hai chuyện ở ngoài thì nhờ có bá tước, quan năm Khả Lâm và mấy quan thượng thơ.

Từ ngày anh lên ngôi tới ngày nay anh đã phê chuẩn gần mười cái án xử tử và chung thân khổ sai, vì tội toan mưu đánh đổ hay là vì thích khách nhà vua.

Anh không biết rằng đội lính tuần thành của anh mạnh không, các quan có hết lòng cùng anh không nhưng anh nghe bá tước thường nói rằng lính làm không được gắt, phải bắt trừ cho hết những kẻ đảng nghịch trong nước và cần phải cải cách nhiều việc.

Bá tước tuy nói như vậy mà lòng ông không phải vậy, ông lại càng muốn cho dân làm rối loạn để đánh đổ vua đi. Ông không có lòng thương nước, ông chỉ vì tư lợi, vì tánh tham lam của ông mà thôi.

Lý Tố rất chú ý về những án tử hình lắm. Anh không phải có tính hung bảo ưa xem người đổ máu mà ký tên mình vào án không cần suy nghĩ.

Anh sợ cho anh lạm cái quyền làm vua của anh và cái quyền ân xá của nước mà anh đang chấp chưởng.

Bởi cái lòng nhân từ của anh mà có lắm kẻ vô phần thoát khỏi cái tội tử hình, dầu cho kẻ đó có đúng hay không cũng vậy. Anh xem xét mấy tờ trình của trạng sư rất là kỹ lưỡng và trong cái sự công bằng anh có để chút lòng nhân.

Những hồ sơ mà người ta đem nộp cho anh thì cái nào cũng làm kỹ lưỡng lắm; trong đó có một khoảng thuật lại vắn tắt cái buổi tòa xử và có luôn những hình của mấy phạm nhơn trọng yếu nữa.

Một buổi sớm mai, bá tước Phiệt Năn Đi đem lại một xấp hồ sơ về một vụ thích khách mà tòa mới xử kỳ rồi. Ông lấy làm lạ mà vua đang chăm chỉ ngó xem cái hình của phạm nhơn.

Ông bước lại gần vua, đàng sau lưng ông dòm tới ông thấy rõ ràng phạm nhơn là một người đờn bà trẻ tuổi. Ông mới bớt lấy làm lạ.

Nếu mà ông biết rằng hình ấy là hình của một cô đào hát xiệc tên là Mộng Hoa thì ông chắc không lấy gì làm lạ đâu. Ông biết vua là người hảo ngọt, ông chắc rằng vua thương tiếc cho một người còn trẻ, đẹp đẽ làm vậy mà mang lấy tội tình.

Ông làm thinh để cho Lý Tố đọc hết cái bài thuật vắn tắt cái buổi tòa hôm ấy.

Bài nọ không dài, chỉ có mấy hàng như vậy:

Phạm nhơn khai tên mình là Văn Cơ nhưng đó chắc là một cái tên giả mà thôi. Tòa khép vào tội muốn thí vua. Bữa lễ tôn vương, nàng ôm một bó bông trong ấy có giấu một khẩu súng lục. May sao xe vua gần tới tên lính tuần thành Ba Ly lại khám phá ra được. Tòa hỏi phâm nhơn trả lời một cách khôn khéo lắm cho mình rằng không có ý thí vua mà là có ý dưng hoa mà thôi. Phạm nhơn không thuộc vào đảng phái nào.

Kêu án năm năm cấm cố.

Trạng sư bào chữa: Việt Canh.

Lý Tố xem xong liệng qua mấy câu tòa hỏi và phạm nhơn trả lời. Anh xem thật kỹ lưỡng mà lòng thì lo nghĩ và bối rối lắm.

Bá tước đút vô một xấp giấy tờ khác. Công chuyện còn nhiều, phải ký tên cho mau mới được.

Lý Tố quyết trong bụng không nên để cho Mộng Hoa vào chốn lao tù mà chịu khổ ở trong năm năm. Anh ao ước trông mong tìm cho đặng Mộng Hoa, chẳng dè đâu xui khiến cô lại tìm đến anh nhưng lạ một điều anh không hiểu là tìm đến làm gì.

Dưng bông cho anh hay là giết anh?

Anh hỏi bá tước:

– Tôi muốn biết coi chuyện nầy cho rõ ràng. Tòa xử như vậy không đủ, tôi muốn hỏi tra mà thôi.

Bá tước không hiểu gì ráo trong chuyện nầy nhưng mà cũng không chừng trước mặt vua ông làm bộ không biết. Ông đáp:

– Tôi không hiểu rõ nhưng nếu Bệ hạ muốn biết tôi xin dọ lại.

Lý Tố mau nói:

– Được lắm, ông đi dùm mau mau.

Nói vậy nhưng anh đợi không được, anh hỏi nữa.

– Phạm nhơn bây giờ ở tại đâu?

– Chắc là giam tại khám đường.

– Tôi muốn thấy mặt.

– Chuyện đó không biết có được không.

Lý Tố nổi giận. Hôm nào tới nay chỉ có mộ lần nầy là lần thứ nhứt mà anh giận. Anh đã làm vua mà không có quyền sai khiến gì hết hay sao? Nhứt định không để cho mình mất quyền, anh buộc bá tước phải làm sao cho anh được thấy mặt người con gái ấy trong giây phút. Nàng không phải bị kêu án nặng, cái tội của nàng luật không bằng không có cớ gì mà quá trách, anh muốn thấy mặt nàng để hỏi lại cũng không hại gì.

Bá tước đứng cúi đầu làm thinh nghe nói, nhưng vậy mà trong lòng ông nó đã nảy sinh ra một cái kế độc hiểm sâu xa.

Chừng Lý Tố nói xong, ông nghiêng mình mà tâu:

– Tâu Bệ hạ tôi xin vui lòn lo chuyện ấy cho.

– Vậy thì được.

Anh lột cái mão quăng lên trên bàn bởi vì chuyện nọ làm chp anh xuất mồ hôi. Anh trông đợi, đợi bá tước làm xong chuyện ấy.

Lát nữa anh sẽ thấy mặt Mộng Hoa người yêu của anh. Bây giờ lòng anh đã thơi thới, anh không cho rằng anh ở trong ấy là buồn bực xốn xang nữa rồi. Cái cung điện nầy khi nào anh cũng xem nó như một cái khám đường mà bây giờ anh thấy nó tốt đẹp vô cùng.

Đứng trong cửa sổ ngó ra, trời một màu xanh biếc, gió thổi đẩy đưa cành cây ngọn cỏ.

Ở không đợi mỏi lòng, Lý Tố muốn cho qua ngày giờ kêu quan năm Khả Lâm lại đánh cờ.

Hai người ngồi đấu mặt nhau, bàn cờ ở giữa, Lý Tố nói:

– Ráng đánh cho kỹ để thua đa; đánh cho kịch kiệt, thế nào cũng phải chống cự tới cùng nghe không.

Lý Tố thắng đặng một bàn đầu lại thắng luôn bàn thứ hai nữa làm cho anh vui vẻ mà cười nói om sòm.

Mới có một lần thứ nhứt người ta thấy anh nói cười vui vẻ từ hồi anh làm vua đến giờ.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!