Lý Tố nhớ lại cái chết của ông hoàng Gia Cát Lợi thì lấy làm bối rối và lo sợ không cùng. Anh ta không mang tội giết người anh cũng chẳng có ý muốn giết người; ông hoàng chết là vì ông muốn hại anh, anh chỉ có lo giữ mình mà rồi sơ ý xô ông nhào xuống hố thẳm vực sâu.
Nhưng chuyện đó đã xảy ra vậy rồi biết làm sao?
Nếu giờ nầy, người ta gặp anh trong phòng nầy thì anh bị cáo tội sát nhơn không chạy đâu thoát đặng; vậy phải làm thế nào, phải liệu làm sao? Anh chỉ còn mấy phút nữa để tìm kế thoát thân, anh phải tìm mau ra. Anh nhớ lại rằng mặt mày tướng tá anh giống hệt ông hoàng thì có lẽ anh giả làm ông hoàng thì không ao thấu đặng. Anh vững lòng một chút và nghĩ nữa rằng:
– Mình giả làm ông hoàng đặng ra khỏi chỗ nầy mà về cho ông Ba Lợi Ty rõ; mình khuyên cả mấy người trong gánh an lòng rồi mình sẽ lại sở san đầm để thuật lại công chuyện như vậy lại rõ ràng.
Nghĩ rồi, anh kiếm lấy cái áo lạnh ông hoàng mang lên tay; lấy cái nón của ông thường đội đặng đi đêm mà đội lên đầu.
Lúc nầy là lúc ông bồi phòng chạy vô và cũng lầm tưởng rằng anh là ông hoàng Gia Cát Lợi nên mới nói với ông chủ phòng khi nãy rằng ông hoàng còn đương ở trong phòng và sửa soạn đi ra.
Lý Tố đuổi anh bồi phòng mau ra vì anh nọ làm cho anh lo sợ lắm, rồi đó anh sửa sắp mọi thứ tự và đợi dịp may mà bước ra. Trước cửa phòng, khách qua lại, lại qua thường lắm, Lý Tố chưa muốn ra vì sợ người ta thấy mà có điều chẳng may cho mình. Nếu người ta hỏi anh một câu ghim anh không trả lời được thì làm sao?
Anh sẽ bị bắt đem về bót thì có lẽ anh với Mộng Hoa người nào cũng thất vọng cả, cũng không ai thấy ai đặng nữa. Anh nghĩ như vậy rồi anh sợ, anh không muốn ở lâu, anh muốn thoát ra lập tức.
Anh đứng ngay dựa cửa, kê tai lóng nghe phía ngoài không ai di động … Anh sửa soạn bước ra.
Thình lình có tiếng bước người đi tới làm cho anh mau bước trở vô. Tiếng chơn ngừng ngay trước cửa phòng; liền đó anh nghe có tie1ng gõ cửa.
Anh dụ dự không biết liệu lẽ nào. Anh làm gan mở cửa ra. Anh thấy trước mặt ba người lạ thì trong trí đã tưởng rằng người ta tới bắt mình.
Anh dựa mình, lưng đụng sát vách, hai con mắt ngó mấy người nô mà bụng thì suy tính làm cách nào để thoát khỏi tay ba anh ấy. Bụng anh tính mà miệng anh vừa hỏi:
– Mấy người muốn làm gì tôi?
Hỏi rồi anh lấy làm lạ mà thấy ba người nọ người nào cũng nghiêng mình, đầu cúi mà chào anh một cách cung kính lắm.
Người thơ ký của quan sứ thần bước lại gần anh và nói nho nhỏ câu này:
– Thưa Điện hạ, chúng tôi muốn nói chuyện riêng với ngài vậy xin ngài cho phép ông chủ nhà hàng nầy lui đi; sau nữa chúng tôi xin Điện hạ tha lỗi chúng tôi vì đến làm rộn điện hạ trong lúc đêm hôm.
Nghe vậy thì Lý Tố rõ rằng người nói với mình đây không phải là ông chủ nhà hàng, mà còn hai người kia, người nào là ông chủ?
Anh làm thinh một chút mà ngó xuống và nói êm rằng:
– Chúng tôi muốn nói chuyện riêng một chút với nhau.
Ông chủ nhà hàng nghe nói thì biết mình ở đó không nên, nên ông bèn cúi đầu chào một cái bước đi.
Trong ba người nầy, không có người nào để cút tình nghi gì hết. Ai cũng cho rằng đó thật là ông hoàng Gia Cát Lợi. Ông chủ phòng có thấy mặt ông hoàng một lần nhưng ông dè đâu mà xem cho kỹ vài ba nét của hai người nó có hơi khác nhau đôi chút. Đã vậy ông cũng không phải là thầy xem tướn.
Còn nói gì hai người kia, họ cách mặt ông hoàng của họ trót tám năm trời thì tài gì họ không lầm cho đặng.
Ông quan năm đứng nhắm xem Lý Tố kỹ lưỡng lắm, ông cho rằng hai cái vai nóc hơi lớn ra một chút, và gương mặt thì không đặng oai nghi như thuở nọ nữa.
Ông nhắm vậy, không sai là vì Lý Tố nầy chớ có phải ông hoàng Gia Cát Lợi ở đâu mà không có chỗ khác nhau.
Râu mép mọc sâu hơn một chút, cặp con mắt lanh lẹ nhưng có vẻ hiền từ trung hậu; dầu có khác như vầy quan năm ta cũng dè chắc rằng đó là hoàng tử nước Y Sĩ Lợi chớ chẳng có lòng tưởng khác nữa cả.
Bây giờ vị thơ ký của quan sứ thần mới thốt mấy tiếng, giọng cho hơi buồn thảm rằng:
– Thưa Điện hạ, chúng tôi cho điện hạ hay rằng hoàng thượng đã băng rồi, ch1ung tôi đến đây tìm điện hạ cũng vì có mạng lịnh ở trong mình, điện hạ xem giấy tờ đây thì rõ.
Vị thơ ký vừa nói vừa đưa ra một tờ giấy có đóng ấn rõ ràng cho Lý Tố xem.
– Chuyện xảy ra chẳng may như vậy, tôi lấy làm buồn lắm nhưng bây giờ làm thế nào cũng cô ích. Thôi, mấy ông hãy cho tôi ra, tôi có chuyện cần lắm.
Người thơ ký đưa tay ngay ra làm như muốn cản không cho đi và nói như vầy:
– Xin ngài khoan đi đã, hãy đứng lại cho tôi thưa rõ vài lời. Chúng tôi thưa với ngài hay rằng vua cha mới băng ấy mới là phận sự thứ nhứt của chúng tôi đó thôi; chúng tôi còn nhiều phận sự khác nữa quan hệ hơn nhiều …
Ông ta nghĩ hơi một chút rồi tiếp rằng:
– Hoàng thượng băng rồi …
Nghe đặng mới mấy tiếng, ông quan năm làm thinh không đặng mở miệng la rằng:
– Hoàng thượng vạn tuế! …
Ông thơ ký nghe vậy thì day lại ngó ông, gương mặt hơi gay nhưng không muốn có chuyện cãi cọ trước mặt ông hoàng nên phải buộc lòng làm theo như ông nọ, song tiếp rõ hơn chút.
– Hoàng thượng vạn tuế!!!
Lý Tố lấy làm khó chịu lắm, hai con mắt thì ngó hai người nọ luôn luôn. Phải anh đừng đóng nhầm cái vai tuồng rất nguy hiểm nầy thì mặc sức cho anh cười vì thấy cái lầm to của hai anh chàng lạ mặt nọ.
Anh bước chơn lần lại vách, nhưng mà ông quan năm ổng làm như biết ý anh nên bước theo bên anh luôn.
Túng quá anh phải hô rằng:
– Hoàng thượng vạn tuế! … Phải rồi, mà bây giờ mấy ông đợi tôi làm gì đây?
– Chúng tôi xin điện hạ đừng đi đâu hết mà lại phải theo chúng tôi, đi chuyến xe đêm về nước ngay, đi bây giờ kẻo trễ. Vẫy kể từ ngày nay, điện hạ khởi sự bước lên ngôi báu sửa trị dân lành và chúng tôi đây hứa sẽ tận tâm tận lực một lòng với vua giúp giang sơn.
Họ lầm mình chừng nào thì Lý Tố càng lo sợ cho mình chừng đó. Anh ta muốn giải cái lầm ấy ra cho hai người nọ biết, và thà là bị bắt đem về bót còn an lòng hơn là theo hai người lạ mặt tới một xứ gì đâu mà thuở nay mình chưa từng tới. Anh sửa nét mặt nghiêm trang mà thú thật như vầy:
– Mấy ông lầm rồi, tôi thật không phải là vua của mấy ông đâu. Tôi có bằng cớ rõ ràng.
Đáng lẽ ông thơ ký phải dùng lời lẽ khôn ngoan mà đáp lại chẳng dè ông quan năm nhạy miệng hướt rằng:
– Thưa điện hạ, ngài đừng nói như vậy không nên nữa đâu. Có hơn mười năm nay ngài bỏ xứ mà đi; bây giờ trong nước đang cần dùng ngài, kêu ngài về, chờ ngài về tới, lẽ nào ngài lại từ nan mãi đi sao? Ngài phải về tức thì mà lên ngôi báu vì cả triệu dân trong nước đang ngóng trông ngài vậy.
Lý Tố trán nhỏ mồ hôi, ngực nhảy thịch thịch, anh suy nghĩ giây lâu rồi nói ngập ngừng như vầy:
– Tôi bằng lòng theo mấy ông nhưng bây giờ tôi phải trở lại gánh xiệc trước đã … tôi muốn nói chuyện với mấy người ở đẵng, người ta đang trông đợi tôi lung lắm.
Ông quan năm vẫn đứng choáng trước cửa phòng luôn luôn, ông vừa lắc đầu vừa nói ngay rằng:
– Bẩm ngài như vậy không được đâu vì mấy thánh trước đây có người đi tìm ngài về nước, ngài cũng nói để ngài đi thăm người ta rồi ngài đi mất kiếm không đặng. Phen nầy chết sống gì chúng tôi cụng không cho ngài đi.
Không lẽ để cho ông quan năm nói thay cho mình hoài, ông thơ ký mới xen vô nói một câu dài:
– Điện hạ, tôi xin tỏ thật rằng thế nào đi nữa ngài cũng phải theo chúng tôi mà thôi. Nếu ngài không sẵn lòng đi theo thì chúng tôi phải cậy đến sức mạnh của quân binh, mà rồi không chừng nó còn có nhiều điều hại cho ngài nữa kia, ngài hãy suy ngĩ cho cùng. Ngài hãy nghe lời tôi, về nước theo chúng tôi. Ngài hãy nghĩ đến cái phận mạng của nước nhà và của ngài luôn nữa.
Ông quan năm lại thêm rằng:
– Chúng tôi đã sửa soạn xong hết rồi, bây giờ chỉ có chờ ngài mà thôi. Trên xe lửa chúng tôi có giữ một chỗ ngủ cho ngài nữa, ngài hãy mau đi kẻo trễ.
Lý Tố biết rằng mình không còn cượng cãi gì được với hai người nầy mà cũng không mong gì thoát đi đặng trong lúc nầy. Anh ta tính phải đi theo rồi lừa dịp mà thoát để trở lại.
Nghĩ vậy anh mới nói rằng:
– Bây giờ tôi bằng lòng theo hai người nhưng hai người hãy đợi cho tôi viết một bức thơ đã.
Ông quan năm cười mà rằng:
– Ngài nói gì lạ vậy, ngài muốn viết bao nhiêu thì viết chớ có hại gì, nhưng đừng có viết lâu quá mà trễ chuyến xe đi chăng.
Lý Tố ngồi xuống gọn gàng, lấy giấy của nhà hàng trong hộc tủ ra mà quẹt lia lịa mấy chữ như vầy:
Em Mộng Hoa yêu dấu.
Có một chuyện chẳng lành nó xảy tới thình lình cho anh. Anh phải đi ngay sau khi viết bức thơ nầy kẻo người ta cáo anh lấy tội sát nhơn; tuy vậy mà không sao, em hãy an lòng chờ anh, anh sẽ về cùng em một ngày kia chớ chẳng lâu.
Anh để tấm lòng lại cho em.
Anh viết rồi đứng dậy, niêm bao thơ lại kín đáo.
Vị thơ ký bước lại, tay đưa ra, sẵn lòng đem gởi dùm thơ ấy.
– Ngài hãy giao cho tôi, tôi sẽ đem tới chốn cho.
Lý Tố ngó một cái rồi đưa ra mà dặn rằng:
– Phải đem đi ngay bây giờ mới được, thơ gấp.
– Tôi sẽ giao lại cho bồi tức thì trong mười phút người ta sẽ được.
Ông thơ ký cầm thơ bước ra ngoài rồi đóng cửa lại. Người bước đi vừa xem mấy chữ đề ngoài bao. Ông mỉm cười, cười rằng mình đoán thiệt không sai; ông hoàn gởi thơ từ giã một cô đào hát xiệc chớ không ai đâu lạ: cô Mộng Hoa ở gánh xiệc Ba Lợi Ty.
Thơ nầy có đem tới chăng? Không, một ông vua không nên gởi thơ cho một đào kép hát xiệc. Ông đem đi thì ông sẽ mang lỗi cùng với cả nước ông, ông không đem đi thì ông thất hứa với một người. Ông đứng suy nghĩ rồi vùng xé nát bức thơ đi, không thèm mở ra coi trong đó nói những gì.
Rồi đó, ông bước lại một cái cửa sổ mà liệng mảnh giấy nọ xuống đất. Ông đứng ngó theo một hồi lâu lâu cho Lý Tố khỏi nghi ngại gì rồi mới bước vô nghiêm nghị thưa rằng:
– Dạ xong hết rồi, bây giờ chúng tôi có thể dắt ngài đi đặng. Hành lý của ngài để chúng tôi lo còn tiền phòng để chúng tôi trả.
Ông quan năm đứng dậy ngó anh Lý Tố mà hỏi rằng:
– Thưa điện hạ, bây giờ ngài đi đặng chưa?
Lý Tố nói lại nghe hơi buồn thảm rằng:
– Được!
– Thôi thì đi.
Ba người đồng bước xuống thang lầu. Xuống tới dưới, ông thơ ký phải đứng lại một chút để lo tiền phòng và sai bồi đem hành lý ra xe.
Ông chủ nhà hàng, người cai quản và cả mấy người giúp việc trong khách sạn Sa Tiên đều đứng lại trên mấy nấc thang, hai chơn chụm lại và cúi đầu chào ông vua một cách rất cung kính.
Mấy người hành khách trong nhà hàng thấy vậy cũng nhín lại một chút thì giờ đứng xem.
Ra ngoài, Lý Tố thấy đường trống trải không người qua lại, ý chàng ta muốn chờ cặp giò mau lẹ của mình thoát mau đi chẳng dè có một cái tay nắm lấy cái tay mặt của chàng ta rồi lại có một cái tay khác nắm lấy cái tay trái; đương lúc ấy thì nghe bên tai mấy tiếng của vị thơ ký như vầy:
– Xin điện hạ cho phép chúng tôi dắt ngài đi, đêm hôm đã tăm tối khó đi mà lại đường thì lòng chòng, sạn sỏi nếu chẳng may ngài trợt chân thì lả gối.
Hai người dắt Lý Tố đi ngay lại một cái xe hơi đan đậu gần đó. Xe nầy thật là cái xe của ông hoàng mà ổng có biết ở đâu.