Chương 11: Lạc mất Lý Tố

Chừng ấy cũng hơn tám giờ rưỡi rồi, trong rạp xiệt xem có vẻ chộn rộn lắm.

Mộng Hoa chạy về gian phòng của mình vừa lấn người ta, vừa xô ngả ghế.

Trước mắt phòng hát ông Ba Lợi Ty đứng giữa những đào kép, người dọn lớp, mà xem gương mặt ai ai cũng áy náy và tức giận lắm. Nhứt là ông chủ xiệt, ông ra bộ tịch, xô người nầy xô người nọ vừa nói chuyện coi bộ giận dữ lắm.

Chỗ ngồi người ta choáng gần hết mà trên giàn thì đã chật cứng rồi.

Mộng Hoa nghe tiếng ông chủ la rằng:

– Rối quá! … Bây giờ biết tính làm sao.

Cô đưa tay lên cao vừa ngoắc vừa kêu rằng:

– Tôi đã về đây … đừng lo sợ gì nữa. Chừng năm phút nữa tôi sẽ ra làm tuồng đặng, xin ông cho đổi cái lớp của tôi lại sau, có sao đâu … Còn anh Lý Tố đâu, anh sửa soạn xong chưa?

Ông bầu rất mừng vì thấy đào nhứt mình về đặng đúng giờ, ông đi ngay lại cô còn mấy người kia cũng vững lòng, đều rã tan đi, ai lo phận nấy.

Hai người cùng vào trong gian phòng Mộng Hoa.

– Con về đây … may quá, mà còn ah Lý Tố ở đâu?

Cô vừa muốn cởi áo, mấy ngón đương nắm lấy nút, nghe ông nói vậy thì day qua ngó ông gương mặt đã có hơi lo rồi.

– Anh Lý Tố không có đây sao?

– Không?

– Vậy chớ ảnh đâu?

– Thì nó đi kiếm con, con không gặp sao?

– Không!

Mộng Hoa nói rồi, nắm lấy áo ông, giựt giựt mà hỏi tới rằng:

– Anh kiếm tôi! … Kiếm làm gì, … vậy thì ông với ảnh không biết rằng tôi đi một chút về hay sao?

Cô chẳng nhớ bức thơ của ông hoàng Gia Cát Lợi viết, trí cô đã lộn xộn rồi, và lòng cô khỏi lo sợ.

Ông Ba Lợi Ty móc túi lấy ra đưa co cô bức thơ và nói:

– Đây nầy bức thơ mới được hồi nãy bởi giờ nhà không ai chờ con về hết thảy.

Mộng Hoa cầm lấy mảnh giấy tốt màu xanh xanh đọc mấy chữ lớn mực đen như vầy:

Cô đào Mộng Hoa đêm nay không về hát đặng, vì cô mắc đi dùng một bữa cơm tối với tôi. Tôi gởi theo đây một số tiền để đền bồi cái lỗ lả đêm nay vì cô vắng mặt.

Cô cầm thơ vừa đọc vừa run, đọc rồi cô quăng xuống đất vừa hỏi:

– Rồi anh Lý Tố làm gì?

– Thì tự nhiên nó không muốn như vậy … nó chạy đi kiếm con về chớ sao? Khi không nó vùng bỏ đi không hỏi ai nhưng mà thấy tội nghiệp, cũng chẳng giận, chẳng kể tội nó làm gì. Chắc con không dè rằng ở nhà nó đợi con về lung lắm … người ta nói con không tưởng tới nó!

Mộng Hoa la một tiếng ngã dựa mình vào vách.

Ông Ba Lợi Ty không hiểu rõ ý cô, ông tưởng rằng không có Lý Tố thì cô không chịu làm tuồng với ai đặng nên ông bảo rằng:

– Ồ, không sao đâu, nó sẽ về … bây giờ đây, bảo một đứa khác làm thế cho nó chớ gì. Tuy rằng không đặng hay bằng mà tưởng ai không mấy ai biết thấu đâu. Phải biết rằng khán giả phần đôn xem hát đều không biết gì hết.

Lo quá, giận tức quá, cô đứng lại nắm áo ông và gạn hỏi đủ điều, không tưởng gì tới giờ hát mà ngoài kia, nhạc đã sắp nổi trống lên và mấy anh hề đều sắp hàng sửa soạn đi ra. Cô chỉ tưởng tới cái tánh mạng của người thương mình.

– Ông không biết rằng anh Lý Tố gặp phải ông khách nào. Tôi biết ảnh, tôi cũng biết cái người giống ảnh nữa, hai người sẽ đánh giết nhau … Phải lập tức đi kiếm anh Lý Tố về mà thôi.

Ông Bầu coi bộ rối lung tung ông không dè cái chuyện nó rối như vậy:

– Thì bây giờ phải theo kiếm nó chớ sao!

Mộng Hoa trả lời:

– Phải mau chớ! …

Ngoài kia nhạc đã nổi rùm lên và tiếng người nói chuyện om sòm.

Người nầy rầy người nọ, người nọ hối người kia. Anh nầy đuổi voi thụt vào chuồng, anh khác sắp dẫn ngựa ra. Ấy là những tiếng chộn rộn trước bữa hát nào cũng có vậy.

Thình lình nghe tiếng vỗ tay rùm lên và nhạc đã nín êm.

Ông Ba Lợi Ty giật mình và nói:

– Không được, tới giờ hát rồi, phải lo mới đặng, thay đồ mau đi còn chuyện rồi đây sẽ nói.

Ông bầu đi, cô đào đứng lại một mình chết sững, rồi thủng thẳng bước vào gian phòng của mình lo thay đồ ra hát.

Thuở nay không mấy người thấy đặng lắm cảnh nghịch đau thương, thường xảy ra trong cái đời của gánh xiệt.

Mỗi khi vương mang nhầm lấy cài cảnh như vậy, thì những người mà sống để cho thiên hạ được vui lòng sướng mắt ấy, trước khi tưởng nghĩ tới những nỗi đau thương của mình, phần cho tròn bổn phận mình trên sân khấu cho đáng đồng tiền người xem hát bỏ ra.

Kiếp đời có khi thảm khổ thật. Cái danh giá mình chỉ ở trong câu này: “Không nên thiếu sót vai tuồng”.

Mọi sự đều xảy ra cho mình đặng. Mặc dầu mang bệnh cũng chẳng thể từ chối mà chẳng rặt với công chúng. Phải dồi phấn cho cái da mặt xanh dờn của mình xem tươi tắn, phải tỏ ra cho người ta thấy mình vui vẻ tươi cười dẫu cho mình mắc lấy sự buồn nát ruột bầm gan cũng vậy nữa.

Phải làm theo điều giao ước là: Làm cho vui lòng khán giả.

Ấy cũng là một cái phận sự cũng như phận sự quân binh; tuy không được cao trọng bằng, nhưng cũng là phải giữ cho tròn để bảo tồn lấy danh vọng của mình luôn vậy.

Không có một người xem hát nào mà con mắt thấy đặng cái vết thương đau đớn trong lòng của kẻ đang đứng trước mặt mình, làm cho mình vỗ tay reo mừng, hoặc phập phòng lo sợ. Kẻ ấy phải đè nén cái lòng của họ, mà ra, mà chào … mà cười nói vui vẻ rồi chừng nào xây mặt trở vào buồng, chừng ấy sấp sau mới ôm gối than thở, chảy giòng nước mắt, bắt đầu cho lòng mình đau đớn lại.

Mộng Hoa khi bấy giờ cũng sa vào trong cái cảnh ấy, mắt phải cái luật gớm ghê ấy nó buộc lòng nhi nữ.

Cô đang sắm tuồng.

Cô phải dậm phấn ba lần mới xong vì nước mắt của cô chảy ra tầm tã làm cho trôi phấn chảy son đi hết.

Một người lại đứng trước cửa cho hay:

– Tới phiên cô … Mộng Hoa!

Cô đáp lại giọng buồn bã:

– Một chút nữa.

Cô mau đội mũ lên, soi kiếng một lần chót rồi bước đi ra.

Ông bầu Ba Lợi Ty đứng trước cửa buồng trí đang suy nghĩ lo ngại lắm. Chừng ông thấy dạng cô ló ra gương mặt vùng lộ vẻ vui mừng, ông ngó ngay lại dàn đờn và đưa tay lên.

Mọi việc đều lo xong hết, khán giả ngồi êm chẳng ai hay biết.

Nhạc khởi đánh rùm lên.

Được nửa bản Mộng Hoa trong buồng chạy ra, lẹ làng đạp đẽ như một con bươm bướm, rồi đó thì tiếng vỗ tay nghe vang tai điếc óc.

Cô đứng ngay lại, chào trước môt cái rồi chào qua chào lại, từ hữu qua tả và nhẹ mình bước đi lại sợi dây, hai tay nắm lấy phăng lần lần lên tới cái đu treo ngay đó.

Đang lúc ấy, cô nghiêng mắt ngó anh hề sắm tuồng thế cho Lý Tố đang nằm ngay dưới đất.

Tuy lòng cô bấn loạn như vậy nhưng cô còn đặng chút hy vọng. Anh hề nầy mặc đồ của Lý Tố mà có phải là anh Lý Tố hay không?

Nhưng anh nọ cựa mình thì cô đã biết là chẳng phải rồi. Đào kép thường có thể mặc một thứ áo quần như nhau, sửa soạn, vẽ mặt vẽ mày y nhau, mà rồi mỗi người đều có mỗi cái vẻ khác nhau, cái tướng, cái cách khác nhau. Mỗi người đều có cái vẻ riêng của mình, mỗi người đều làm theo nghề riêng của mình không ai giống ai đặng.

Anh hề nọ nắm lấy cây đờn trong tay và mở miệng ra thì Mộng Hoa đã biết là không phải Lý Tố, người yêu của mình rồi.

Lòng cô đã bị một vết thương đau đớn lắm …

Tuy vậy mà rồi hai người diễn lớp ấy không lỗi một nhịp nào, không làm cho công chúng nghi được rằng lòng mình đang nát ngấu như tương.

Trong lúc nghỉ, cô ngồi trên đu, tòng hai chơn xuống, hai tay cầm khăn lau mồ hôi, rồi ngó xuống thấy anh hề nọ đứng dưới thì ngước mặt lên và day mình vô trong cho không ai thấy để lau nước mắt chảy dài bên má.

Dưới đó là nơi cô thường thấy anh Lý Tố cười, ngó vui vẻ cùng nhau mà quên cái mệt. Hôm nay cũng có một người dưới đấy, cái xác thì giống anh Lý Tố mà không phải thật là Lý Tố làm cho cô chết điếng trong lòng, sợ cho cô phải ngẩn ngơ buông tay rớt xuống vậy.

Thảm thiết thay! Đau lòng thay!

Đã vậy mà trò ấy dài, phải diễn lâu, trông cho nó mau hết đi vô cho rồi.

Không muốn cho dông dài, Mộng Hoa mau chạy vô buồng nhưng mà ngoài kia tiếng vỗ tay khen rộ, ông Ba Lợi Ty đứng ngay cửa vô, ông xô, buộc cô trở ra làm cho cô phải nghe lời hiện mặt trước công chúng một lần nữa là đưa tay lên, nghiêng mình cúi đầu chào, mà khó nhứt là gượng cười duyên với mọi người hết thảy.

Rồi đó, buổi hát đã vãn, màn hạ xuống, người người đứng dậy ra về, cả thảy đào kép đều xúm lại vây chung quanh mình Mộng Hoa.

Ai cũng biết hễ vãn hát rồi thì làm sao Mộng Hoa phải mau mau đi kiếm Lý Tố chừng nầy mà không nghe anh về lại chẳng thấy nghe tin tức gì hết. Mộng Hoa không thiếu người giúp sức. Anh em, chị em đều sẵn lòng theo cô nhưng mà cô từ chối không cho ai theo mình. Cô muốn đi một mình, mà không đi nữa thì có ông Ba Lợi Ty là cô bằng lòng đi với cô vì cô tin cậy lấy ông.

Bởi vậy liền đó cô vừa chạy vào phòng một phút thì đã bước trở ra áo xiêm thay đổi xong rồi hết.

– Thôi! Đi ông!

Muốn cho ông bầu đi theo thì phải dằn lòng đợi ông thay đồ lâu lâu một chút. Ông thương Lý Tố, ông cũng muốn đi mau nhưng ông không còn nhặm lẹ được nữa. Ông lầm bầm rằng:

– Đợi một chút mà! Bận bộ đồ xanh lét nầy mà đi ra đường sao đặng?

Cô phải đứng chờ ông cổi cái áo xanh ra, còn cái quần chật ống ấy ông để nhàu như vậy vì thay ra thì mất công lâu lắm.

Ông lấy một cái quần khác ống rộng mà tròng vào, kiếm áo bận cô xem coi lôi thôi hết sức vì thuở nay ông có tính như vậy.

Hai người ra đi.

Ngoài đường vắng, đi một đỗi thì gặp vài người coi hát về trễ và một hai cái xe qua lại. Đêm thanh cảnh tốt, trên trời mấy ngôi sao tỏ rạng, tai nghe sóng biển đánh ầm ầm vào mấy hòn đá lơm chơm trên bãi cát.

Hai người cứ việc đi không màng gì thấy, không kể gì nghe những điều gì hết.

– Mau! Mau! Không nên trễ một phút nào.

Mộng Hoa hối nõi ông bầu Ba Lợi Ty mau đi tới Sa Tiên lữ quán. Cô nghĩ rằng anh Lý Tố mắc phải chuyện không lành rồi.

Trong lòng của cô bây giờ rối rắm lo sợ lắm. Cô biết cái tánh nóng nảy của anh Lý Tố mà cô cũng biết rằng lòng của ông hoàng Gia Cát Lợi thì chẳng nguội gì e khi nó đốt cháy nhau.

Cô cho rằng hai người, gương mặt và hình tướng giống nhau cho tới tánh ý gì cũng chẳng khác nhau là không bao giờ ai lại chịu thua, chịu nhịn ai.

Hai người đều nóng nảy, hai người đều hăng hái!

Nhưng mà Mộng Hoa thấy hai người có chỗ khác nhau: Lý Tố nóng nảy là vì không cho ai hiếp mình hoặc hiếp kẻ khác còn Gia Cát Lợi là nóng nảy hăng hái theo như loài thú dữ gặp ai không vừa ý thì muốn giết không tha. Cô nhớ tới cặp mắt hung bạo của ông, cô tưởng tới cái mưu sâu kế độc của ông là hồi chiều thì cô càng lo sợ hơn nữa. Cô nắm lấy tay ông Ba Lợi Ty mà kéo tới:

– Chạy mau ông!

Ông bầu đứng trân lại mà ngó cô:

– Muốn chạy thì chạy một mình đi, chớ cái bộ giò già này lỏng rồi không chạy nổi đặng đâu!

Thôi, mau gì, chậm gì cũng phải đợi ông. Một người ráng đợi, một người ráng theo, từ rạp xiệt mà lại tới Tiên Sa lữ quán trong mười phút đồng hồ thì mau rồi nhưng vì Mộng Hoa trông cho tới cho nên cô xem lâu lắm.

Anh gác cửa lấy làm lạ mà thấy mấy người nầy tới trước cửa nhà hàng mình trong giờ nầy. Khách ở nhà hàng không người nào ăn mặc lôi thôi như vậy.

Anh đó lại mà hỏi một cách không cung kính chút nào hết, dường như hèn thấp:

– Mấy người nầy đi đâu?

Mộng Hoa mau miệng nói:

– Muốn đi thăm ông hoàng Gia Cát Lợi ngay bây giờ. Ổng đang đợi chúng tôi đây.

Anh gác cửa tỏ dấu không tin, anh day mặt ngó người cai quản nhà hàng đang dọn dẹp bàn viết đặng đi ngủ rồi cười lạt mà rằng”

– Mấy người kiếm ông hoàng Gia Cát Lợi hả?

– Phải! Mau được không?

– Không! Giờ nầy ông mắc ngủ, ông không tiếp ai hết thảy đâu.

Mộng Hoa tức mình vỗ bàn một cái rầm làm cho người cai quản nhà hàng cũng phải giựt mình rồi lên giọng rổn rảng ngang tàng rằng:

– Không đâu! Tôi muốn thấy mặt ông hoàng Gia Cát Lợi mà thôi. Nếu chẳng đặng thì tôi đứng đây hoài không đi đâu hết.

Người cai quản nhà hàng thấy bộ tịch Mộng Hoa như vậy thì biết rằng cô muốn thấy mặt ông hoàng Gia Cát Lợi đặng nói một chuyện cần kíp gấp rút gì đây nên ngó ngay cô mà tỏ giọng êm rằng:

– Cô không thể gặp hoàng Gia ..

– Sao vậy?

– Ông đã trả phòng mà đi rồi.

Mộng Hoa lui lại một bước, cô không dè chuyện lỡ làng làm vậy.

– Đi rồi hay sao?

– Đi có khi đặng một giờ rồi. Có người lại kiếm ông, dắt ông đi; bây giờ đây ông đang ngồi trên xe lửa. Ông đi tìm chỗ cao sang tôi biết nhưng không lẽ nói ra đây.

Mộng Hoa chơn đứng không vững dường như bị ai đánh ngang hông. Cô mở miệng tiếng nghe nho nhỏ và ngập ngừng rằng:

– Ổng đi đâu .. đi ngả nào ông biết không?

Người nọ làm thinh suy nghĩ giây lâu mới chịu nói:

– Ông đi về nước Y Lợi Sĩ. Người ta tìm rước ông về nối ngôi cho cha ông mới băng.

Mộng Hoa liếc mắt ngó thấy ông Ba Lợi Ty tỏ hơi nghi rằng người ta phỉnh mình thôi.

Ông chủ gánh xiệt nãy giờ làm thinh không nói một tiếng gì, bây giờ nghe vậy thì bước tới sát mình người nọ, hai tay nắm lại là như muốn đánh lộn và nói hơi cứng cỏi lắm như vậy:

– Thôi đi, ông đừng nói gạt chúng tôi, không được. Khi nãy đây ông hoàng Gia Cát Lợi có tiếp một người khách, tôi muốn tìm người khách đó mà chẳng biết có xuống chưa. Ông thấy không?

Nghe vậy người cai quản lữ quán ấy muốn nói dứt đi cho rồi nên mở miệng rằng:

– Người ta lên xuống dập dìu làm sao biết đặng cho hết mà nói. Còn ông hoàng Gia Cát Lợi thì ổng chỉ xuống có một mình lại với mấy người …

– Mấy người nào?

– Mấy người bên nước Y Lợi Sĩ sai qua rước ông.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!