Chương 04: Hai người đào và kép

Từ đây và sau là lời tôi thuật lại chuyện anh Lý Tố và chị Mộng Hoa cũng như hai người trong một quyển tiểu thuyết vậy.

Gánh xiệt Ba Ty Lợi là một gánh hát lớn lao, thạnh hành phát đạt lắm. Trong gánh có cả thảy hơn ba mươi người vừa đào vừa kép vừa hề; gánh hát đi thành này sang thành nọ, thành nào nhỏ thì mau đi, thành nào lớn thì ở lâu.

Ông chủ gánh buộc người ngồi chỗ ghế thứ nhứt phải ăn mặc cho đúng cách. Ấy là một cái khôn khéo của ông để làm cho giá trị cái rạp trắng của mình, để làm cho chỗ ngồi đặng cao giá. Ông làm như vậy là vì ông có đào hay kép giỏi, người đi xem không biết nhàm chẳng thấy chán.

Cô đào Mộng Hoa vừa đẹp, vừa non, cùng với anh Lý Tố là rường cột của gánh xiệt; người đi xem phần nhiều là cốt để xem cái sắc đẹp, cái tài hay của cặp ấy.

Cô Mộng Hoa có một cái duyên làm cho mọi người mắt vừa thấy là lòng đã ưa, mà rồi phải xem đặng cái lớp của cô rồi mới là càng thích hơn nữa. Nhờ cái cười của cô mà bữa nào cô cũng đặng người ta: tặng cho một bó hoa, để lời khen ngợi, gởi thiệp, mời đi dùng cơm hoặc ước ao trầm trồ muốn đứng vào cái địa vị của cô lắm.

Anh Lý Tố thì không bao giờ khán giả đặng xem thấy cái mặt thiệt của anh, anh vẽ mặt hề mà chường ra sân khấu luôn luôn. Anh lãnh phần làm cho cái lớp của Mộng Hoa đặng thêm hay, thêm xuất sắc bởi vì anh có cái duyên ngầm, một cái tài riêng là biết bày ra mà diễn một hay hai cái hay.

Người lớn kẻ nhỏ, kẻ sang người hèn đều chuộng cái tài của anh. Anh khảy đờn hay, anh nhào giỏi anh làm cho người ta ưa và làm cho người ta cười, nội gánh ấy không một người hề nào trỗi hơn anh đặng.

Ông Ba Ty Lợi chuộng hai người và xem như con mình vậy, ấy là một cách không khéo của mấy ông bầu thường đối với kép hát để làm cho đặng lòng chúng nó lại ở với mình luôn luôn.

Công việc ở trong gánh xiệt thật là nhọc nhằn lắm, ngày nào cũng phải tập luôn. Muốn diễn đặng một lớp cho xuất sắc đào kép phải tập hoài không nghỉ, cho nhần nhả, cho quen gân cốt.

Anh Lý Tố và chị Mộng Hoa càng chỉ mặt áo vằn mà tập luyện với nhau.

Hai người thương nhau, thương hồi thuở mới khởi làm trò với nhau một lần thứ nhứt. Hai người biết nhau đặng ba tháng thì một tối kia sau khi vãn gánh hát Lý Tố bèn rủ Mộng Hoa xuống mé biển ngồi chơi.

Anh đem theo một cây đờn, không phải để tập đánh một bản khó, một bài mới mà là để đưa hơi với tấm lòng khoăn khoái của anh.

Ông Ba Ty Lợi lựa chỗ tốt mà đóng trại, một là làm cho đẹp mắt khán giả, sau nữa là làm cho vui lòng đào kép của mình. Ông thấu rõ cái tâm lý của con người: một người khỏe khoắn vui vẻ sẽ làm công việc nhiều và hay khéo hơn một người khác bực bội âu sầu.

Mấy cái xe đào kép ở, nằm dưới bóng mấy cây thông mặt day ra biển; ngoài biển thì sóng vỗ đầu gành, tàu đi qua lại.

Lý Tố và Mộng Hoa ngồi khít nhau trên bãi cát, tay cầm tay, vai kề vai, hai miệng đổi trao câu nho nhỏ nhiều câu nói ân tình rất thâm thúy.

Anh Lý Tố ngước mặt ngó lên trời mà nói:

– Đêm nay trời thanh trăng tỏ, tốt quá.

Mộng Hoa cười và nói:

– Em tưởng lát nữa sẽ có gió.

Hai người làm thinh, đưa mắt ngó ngay một chiếc tàu nhỏ chạy tít đàng kia. Con khói bạt, lằng khói đen dưới bóng trăng tỏ rạng làm cho tim những mạnh ăn rập cùng nhau không khác nào hai người diễn tuồng chung cho nhịp nhàng trước mặt khán giả vậy.

Đêm nay là đêm thanh trăng tỏ, là đêm mà hai người trai gái hẹn hò thệ ước với nhau.

Ông Ba Ty Lợi không khi nào để cho trí của ông nghỉ đặng. Mỗi lần ông bày ra một lớp nào hay vừa đặng công chúng hoan nghinh thì ông tự hỏi lấy mình rằng:

– Bây giờ đây rồi mình sẽ bày ra những trò ì cho thiên hạ xem nữa?

Ông ra khỏi rạp, đi thơ thẩn ngoài trời, con mắt ngó xuống đất, tay cầm gậy vung qua, vung lại trí suy nghĩ lung lắm, nên ai nói gì ông không nghe, ai làm gì ông không thấy. Ông vừa tìm đặng một ý hay.

Muốn lập một lớp mới hoặc một trò hay thì chỉ có Mộng Hoa là dùng đặng mà thôi.

Mỗi đêm hát, cô múa nhào trên đu đặng cho công chúng hoan nghinh lắm, tuy vậy cũng không phải là đủ rồi mà thôi đâu.

Ông Ba Ty Lợi thường nói rằng: “Ai đứng lại, là chết rồi”.

Ông chẳng khi nào muốn cho gánh gát của ông đứng lại và chết đi.

Ông ngó thấy miếng giấy của trẻ nhỏ đốt cháy bay lên cao, gió đưa đi phơi phới thì ông nghĩ ra một điều hay. Ông cầm gậy gõ xuống đất vừa nói thầm rằng:

– Một trái ba – lông.

Cái kiểu này không phải mới lạ gì nhưng nó làm cho mấy người ở trong cái thành dựa mé biển này đặng thêm đẹp mắt.

Đang nhằm mùa tắm biển, các bậc phong lưu niên thiếu, cùng các nhà sang giàu đều hẹn nhau đua nhau tìm đến mấy bãi biển tốt đẹp đặng mà vui chơi cùng là nghỉ mát.

Nhà hàng, lữ quán đều không đủ chỗ chứa nười ta. Đẹp hơn hết và lớn nhứt là nhà hàng Sa-tiên, rước toàn những khách thật sang, những nhà tỉ phú.

Nếu mà khéo làm quảng cáo thì tiền thâu vô cửa không phải là ít và gánh xiệt lại càng đặng nổi tiếng thêm nữa.

Bây giờ trí ông Ba Ty Lợi đang suy nghĩ thử coi ông phải làm cái gì? Ông mua lại một trái ba lông thả bay lơ lửng trên trời đem luôn cô Mộng Hoa theo luôn lên đó mà làm quen cùng dì gió, ả mây. Cô sẽ mang theo mình một cây dù bọc gió rồi khi ba lông lên hết thật cao thì cô buông tay cho rớt xuống.

Nhưng mà biết cô có chịu không? Cô có đủ gan dạ mà chơi cái trò nguy hiểm ấy không?

Ông tự hỏi lấy mình như vậy rồi ông tự trả lời rằng có thể đặng. Mộng Hoa chắc sẽ bằng lòng vì cái tính dạn dĩ, gan dạ là cái tánh của cô.

Ông trở bước về rạp mà coi bộ ông thích chí lắm, ông lập tức kêu cô Mộng Hoa lại và bày cái ý của mình ra cho cô nghe. Ông cắt nghĩa cho cô hiểu rằng làm đặng như vậy thì vinh diệu cho mình thế nào: Cái lớp mà mình diễn một mình mình, giữa lúc ban ngày trước mắt mọi người hồi hộp, tên tuổi mình sẽ vang lừng và không một người nào khác đặng chen vào chia cái tiếng tăm ấy hết.

Rốt lại ông hứa chắc rằng một ngày kia ông sẽ tăng lương cho cô lên bằng hai.

Mộng Hoa ưng chịu.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!