Vào nhà còn đang mừng rỡ chuyện trò, kẻ hỏi thăm việc nầy người hỏi thăm việc khác. Bỗng đâu lại thấy một người phắc-tơ ngoài cửa bước vào đem lại một cái dây thép nữa. Ông phán ký tên lãnh rồi mở ra coi, té ra là của một ông bạn ở Bạc Liêu đánh lên cho ông hay rằng chiều bữa ấy chuyến xe lửa chót bà huyện sẽ lên Sài Gòn.
Ôi! Điều đâu cũng lạ, mừng lại dập dồn.
Nực cười Con Tạo lá lay,
Khi tan, khi hiệp, rất dày công phu!
Mới được tin cha, lại thêm tin mẹ. Hai chị em Thu Cúc mừng quýnh mừng quíu, mừng quá đỗi mừng; bèn thưa với mẹ nuôi, xin nán lại đến chiều mai đặng đón rước bà thân sanh lão mẫu. Bà phủ cũng vui lòng mà nói rằng:
– À phải đa con, vậy để chiều nay ba mẹ con mình ra ga, rước chị rồi sẽ về Tây Ninh, kẻo bỏ nhà không có ai coi; rồi sáng mốt hai chị em con sẽ trở xuống mà đón anh với anh Phan cũng được.
Chiều bữa ấy lối sáu giờ rưỡi, Hoàng Hữu Chí mắc đi thăm anh em, còn bà phủ với chị em Thu Cúc đem ô tô ra ga mà đón bà huyện. Khi xe lửa về tới ga, bà huyện trên xe bước xuống, thình lình so lại thấy hai đứa con gái mình đây, vòng vàng chuỗi hột nhởn nhơ, nét mặt tươi cười đứng với một bà nào lạ mặt; bà ngỡ là trong giấc chiêm bao, bà đương nhìn sững, chưa biết nói làm sao. Kế nghe hai cô ấy miệng kêu má, má; chơn chạy lại gần, bà cứ nhìn trân, thật là không biết ai xui ai khiến mà được như vầy, khóc lỡ khóc, mà cười cũng lỡ cười; không nói chi được hết.
Hai chị em Thu Cúc liền nắm tay mẹ dắt lại gần chỉ bà phủ mà thuật sơ các việc cho mẹ mình nghe. Chừng ấy hai bà mới chào nhau, chuyện trò mừng rỡ, bà huyện rất cảm tình bà phủ có lòng nhân hậu mà chiếu cố hai trẻ từ ấy đến nay. Rồi đó bà phủ liền hối sốp phơ quày xe trở về nhà ông phán.
Hoàng Hữu Chí thấy xe về tới, cũng vội vã chạy ra chào mừng bà huyện, rồi hiệp lại một đoàn từ giả vợ chồng ông phán trở về Tây Ninh, qua mười hai giờ khuya mới tới.
Sáng ra bữa sau, Thu Cúc xem nhựt báo, thấy có đăng một khoản nói rằng Hội Xổ số đã xổ rồi, bao nhiêu số trúng cũng có đăng trong tờ báo ấy. Thu Cúc liền kêu Xuân Lan, bảo mở trong bóp lấy số của mình mua, đem ra dò thử coi trúng trặc.
Ai ngờ là:
Khi nên trời cũng chìu người!
Hết cơn bĩ cực tới hồi thái lai.
Cho nên khi Thu Cúc vừa giở sổ ra mà dò, thì thấy số của mình được trúng độc đắc là một vạn đồng; chị em đều mừng rỡ, bà phủ với bà huyện cũng mừng. Thật là cuộc đời dời đổi, thiên địa tuần hoàn, hết thạnh tới suy, suy rồi lại thạnh.
Qua bữa sau Thu Cúc với Xuân Lan bèn thưa cho hai bà mẹ hay, rồi mướn một cái xe ô tô đi xuống Sài Gòn, trước là đón rước cha, sau là đến nhà Băng mà lãnh tiền trúng số.
Khi xe xuống tới Sài Gòn rồi cũng cứ ghé nhà ông phán Ngãi. Ông bèn nói cho chị em Thu Cúc hay rằng:
– Nầy hai cháu, hôm nay sẽ có tới hai chiếc tàu lớn đến một lượt, chiếc Porthos thì ở bên Tây qua, còn chiếc Orénoque thì ở Bắc kỳ lại; cả hai cũng đều vào tới Cấp (Vũng Tàu), đã báo tin rồi, chiều nay đúng một giờ, có khi hai chiếc cũng vào tới Sài Gòn một lượt. Vậy nếu hai cháu có đi đón anh huyện thì phải coi chừng cái danh hiệu tàu kẻo lộn, phải đón chiếc Orénoque thì mới khỏi lầm; mà hay hơn là cho chú đi với cho vui.
Hai chị em nghe nói rất mừng, bèn nhơn lúc tàu chưa tới bến, đi trước xuống nhà Băng lãnh tiền trúng số cho xong, rồi trở về nhà ông phán nghỉ ngơi mà chờ tàu tới.
Gần một giờ chiều, hai chị em bèn sửa soạn, rồi hiệp với ông phán lên xe ô tô chạy qua cảng nhà Rồng, kiếm chỗ đậu xe mà đợi. Lúc bấy giờ, tại bến tàu thiên hạ lao xao, kẻ đón rước anh em, người đón cha mẹ bà con, chẳng biết số nào mà kể cho xiết được.
Còn đang mơ ước ngóng trông, bỗng thấy xa xa, nơi ngoài mấy khúc quanh, khói tỏa đen sì, ấy là khói tàu đò đã vào gần tới bến; những khách trên cầu, lại lại qua qua, kẻ ngóng tàu bên Tây, người trông tàu ngoài Bắc.
Một lát đã thấy hai chiếc tàu ló mũi, chiếc trước chiếc sau, hai chiếc nối nhau, ríu rít dựa vào cầu rất nên êm ái.
Hại chị em Thu Cúc và ông phán Ngãi đứng ngó lên tàu, thấy quan huyện với Phan công, hai ông đứng kế nhau, thì mừng vui chẳng xiết. Còn trên tàu quan huyện trông xuống thấy hai đứa con, trong lòng ông cũng vô cùng hớn hở. Khi tàu ghé yên rồi, hai ông xách va ly dắt nhau xuống cầu, bắt tay ông phán chào mừng, rồi quay lại vuốt ve hai con, lòng mừng phấn khởi; song vì chỗ đông người, nên không lẽ hỏi qua gia sự. Cha con còn đương mừng rỡ, chưa kịp nói chi; bỗng nghe ông Phan Mẫn Đạt nói lớn lên rằng:
– Ủa! Cơ khổ! Thằng Chấn của tôi nó cũng về tới kia cà!
Vừa nói vừa chỉ bên chiếc tàu Porthos. Ai nấy cũng ngó theo, thấy trên chiếc tàu ấy có một người trai tơ trắng, diện mạo khôi ngô, hình dung tuấn nhã; đứng ngó Phan công một hồi rồi cũng kêu rằng:
– Ủa cha! Con đã về tới đây nầy cha.
Ôi! Tạo hóa khéo xui, tình cờ mà gặp, bên nầy một cặp, bên ấy ba người, cha cha con con, nói nói cười cười; thật cái sự vui mừng nầy, ký giả không có tài nào mà tả ra cho rõ được.
Còn Phan Quốc Chấn với Thu Cúc mà thấy nhau đây, ký giả chẳng cần tả ra, chớ khán quan cũng chẳng rõ ràng:
Người quốc sắc, kẻ thiên tài;
Tình trong như đã, mặt ngoài còn e.
Rồi đó, hai người cha, ba người con và một ông bạn, liền đề huề dắt nhau lên ô tô, chạy về nhà ông phán, Thu Cúc bèn đem hết đầu đuôi các việc của chị em mình và bà phủ mà thuật rõ lại cho quan huyện nghe, Phan Quốc Chấn cũng đem việc bà phủ gởi mười hai ngàn quan tiền tây mà giúp thêm học phí cho mình, nhờ có tấm lòng hào hiệp của bà nên mới được công thành danh toại; đầu đuôi gốc ngọn thuật hết một hồi, Phan, Nguyễn hai ông nghe nói cũng ngùi ngùi, hết sức cám ơn bà phủ.
Chuyện trò mừng rỡ một hồi, rồi mới đứng dậy giã từ ông phán mà lên xe, bảo sốp phơ chạy thẳng lên trường Nguyễn Phan Long ghé vào xin phép và rước luôn Trọng Liêm về chơi ít bữa.
Quan huyện cám cảnh vô cùng, ông càng thấy mấy đứa con của ông đã được bà phủ châu toàn tử tế chừng nào thì ông lại càng cảm tình bà phủ chừng nấy. Rước Trọng Liêm rồi liền hối sốp phơ chạy thẳng về Tây Ninh.
Đây xin nhắc sơ lại việc Hoàng Hữu Chí, ban đầu thì chàng nhứt định, chẳng thèm cưới con gái nhà giàu; sau vì mắc nạn mà phải thọ ơn bà phủ, cám nghĩa Xuân Lan, chừng ấy mới biết trong đám con gái nhà giàu, cũng có kẻ vầy người khác.
Lại thêm thấy Phan Quốc Chấn là bạn thiết của mình, cũng là rể nhà bà; nên chàng cũng vui lòng vào đó mà chèo xuôi cho mát mái.
Ngày ấy Hoàng Hữu Chí cũng ở tại nhà bà phủ mà chờ tin. Thoạt nghe tiếng kèn ô tô, cả nhà đều mừng rỡ, rủ nhau ra trước ngõ ngóng trông. Xe vừa ngừng bánh, ôi thôi! Kẻ dưới đất, người trên xe, nói nói cười cười, mừng nhau chi xiết.
Khi vào nhà ai nấy đều ngồi yên, Phan Quốc Chấn và Hoàng Hữu Chí liền bước ra tạ ơn bà phủ. Bà cười và dạy hai trẻ ngồi, rồi day qua nói với Phan công và vợ chồng quan huyện rằng:
– Ơn trời phò hộ, phụ tử đoàn tiên; vậy thì ngày nay việc hôn nhơn của trẻ, cũng nên sớm liệu cho rồi; vả lại cặp lớn đó thì vốn của hai anh định trước, còn cặp nhỏ nầy là của tôi mới định sau đây; vậy xin anh chị liệu tính lẽ nào, cho trẻ con nó nhờ phước.
Quan huyện bèn đáp rằng:
– Cái lòng nhân hậu của chị mà đối với trẻ con, từ xưa đến nay, chẳng có ai được vậy bao giờ, mỗi chị cũng đều để ý châu toàn, chẳng hề bỏ qua một mảy, tôi và mẹ nó đây tuy là thân sanh của chúng nó mặc dầu, chớ cũng không sao bì kịp. Còn mấy chị em chúng nó mà đối với cái ân trọng đức dầy của chị đây, thật là thiên cao địa hậu, tái tạo chi ân, thế thì chẳng biết kiếp nào mà chúng nó đền bồi cho được. Huống chi việc hôn nhơn là việc trọng trong đạo nhơn luân, mà chị định cho bốn trẻ cũng vừa chừng, thì vợ chồng tôi cũng vui lòng, lẽ đâu còn dám cãi. Nhưng tôi còn lo một nỗi gia nghiệp chưa yên, vậy xin để cho tôi trở về cố lý ít ngày, đặng lo phục hồi cựu nghiệp đâu đó xong xuôi, rồi tôi sẽ trở lại đây mà định hôn cho bốn trẻ, cũng chẳng muộn chi, xin chị với anh Phan an dạ.
Bà phủ nghe nói rất vui lòng, mà thật bà vui lòng hơn hết. Nghĩ vì bà giúp đâu nên đó, kết quả được nhiều việc rất hay, giúp họ Phan thì họ Phan đã thành danh, mà cứu họ Hoàng thì họ Hoàng lại khỏi nạn, ấy rõ ràng là: Cường qua hườn đắc qua, chưởng đậu hườn đắc đắc đậu.
Một nhà phước hậu, kiết triệu tới liền liền, ấy cũng vì lòng nhân hậu của bà thật là vô lượng vô biên, nên bà mới được hưởng vô cùng hạnh phước.
Từ đây cha con, chồng vợ, bậu bạn, chị em, một cửa sum vầy, ngàn năm phước ấm.
Ất Sửu niên, Mộ Xuân 1926
Nguyễn Chánh Sắt
Tự Bá Nghiêm.