Bà phủ hay được tin ấy, liền lấy bạc bỏ lưng, phú thác nhà cửa cho Xuân Lan, dắt Thu Cúc theo làm thông ngôn, mướn xe hơi đưa hại mẹ con bà xuống Sài Gòn tìm nhà quan thầy kiện mà lo cho Hoàng Hữu Chí, bà năn nỉ với ngài xin ráng bào chữa dùm đặng cứu người vô cô mà thọ khuất.
Bà lại nhơn hỏi thăm luôn cho biết ngày nào tòa đại hình xử vụ Hoàng Hữu Chí. Quan thầy kiện bèn nói cho bà hay rằng ngày 18 tháng Octobre là ngày tòa đại hình hội xử, ngài lại hứa với bà rằng ngài sẽ ráng hết sức lòng tìm cho ra cớ, để biện giải mà lấy danh, bà hãy an lòng không sao mà ngại.
Rồi đó bà liền đóng tất số bạc cho quan thầy kiện và từ giã mà ra, bà lại nhơn tiện, bảo xe đưa hai mẹ con bà lên đường Thuận Kiều đặng bà thăm vợ chồng ông phán Ngãi là người quen lớn với vợ chồng bà tự bấy lâu nay.
Khi xe bà phủ vừa ngừng nơi trước cửa, thì vợ chồng ông phán đang trong nhà, xem thấy mừng rỡ chạy ra chào hỏi lăng xăng, hối trẻ xách cái quả cẩn của bà vô nhà, trầu nước khuyên mời và cầm luôn bà ở đó dùng cơm. Nhơn thấy Thu Cúc cốt cách phương phi, nết na đằm thắm thì hỏi rằng:
– Ủa! Con cháu đây là con của ai vậy chị phủ?
(Vì hai vợ chồng ông phán vẫn biết bà phủ không có con cái chi, mà nay thấy có một cô gái cực kỳ xinh đẹp, nề nết đáng thương mà đi theo bà đây, nên mới lấy làm lạ mà hỏi thăm cho biết).
Bà phủ bèn đem hết lai lịch của hai chị em Thu Cúc và Xuân Lan đầu đuôi sự tích từ ngày bà gặp và đem hết cả ba chị em về mà nuôi làm con, hai gái thì ở nhà sớm trưa hủ hỉ với bà, còn một trai thì bà đóng tiền cho ở học tại trường Nguyễn Phan Long Sài Gòn, cùng những việc gởi bạc giúp thêm học phí cho Phan Quốc Chấn bên Tây và việc Hoàng Hữu Chí mắc nạn mà bà phải đi lo, trước sau các việc bà thuật hết một hồi cho hai vợ chồng ông phán Ngãi nghe.
Hai vợ chồng ông phán nghe rõ đầu đuôi thì lấy làm khen ngợi bà phủ là người độ lượng khoan nhơn, thật là một người trọng nghĩa khinh tài, nữ trung hào kiệt. Rồi đó ông phán lại chỉ Thu Cúc mà nói với bà phủ rằng:
– Tưởng cháu đây là con ai, té ra nó là con của anh huyện Nguyễn Trọng Luân. Cơ khổ! Vậy mà tôi quên phứt nó đi chớ, vì lúc ảnh còn ở Sài Gòn thì nó còn nhỏ xíu, phần thì chị em nó mắc ở trong Nữ học đường, tôi tới chơi với ảnh hoài mà ít hay thấy nó, rồi từ hồi ảnh về trển tới nay, cũng bốn, năm năm gì đó, bây giờ cháu đã lớn đại, nên tôi không nhớ được. Tưởng là chị nói ai kia, chớ ông già nó và anh Phan Mẫn Đạt đều là anh em bạn học với tôi hồi buổi nhỏ. Đây nè! …
Vừa nói vừa bước lại kéo cái hộc tủ lấy ra một bức thơ mà khoe với hai mẹ con bà phủ và nói rằng:
– Nầy là thơ của anh huyện, ông già của cháu đây, mới gởi về cho tôi hai ba bữa rầy mà cho tôi hay rằng ảnh với anh Phan bây giờ đương làm chủ bút cho một Tòa báo Quốc văn tại Bắc kỳ và ảnh có cậy tôi gởi thơ lên Vinh An Hà mà hỏi thăm dùm tin của mấy cháu, tôi chưa kịp viết, mà cũng may sao hôm nay chị lại dắt cháu đến đây, ấy quả là lòng trời xui khiến đó.
Thu Cúc nghe được tin tức của cha mình thì khấp khởi mừng thầm, bèn liếc mắt xem coi thấy bức thơ ông phán đương cầm trên tay nhìn đã rõ ràng thật quả là bút tích của cha mình, không sai một nét trong lòng mừng quá đỗi mừng.
Thật là:
Khi nên trời cũng chìu người,
Mừng nầy dầu được vàng mười chẳng hơn.
Lúc ấy bà phủ cũng vui lòng, lấy làm toại chí, bà lại hối Thu Cúc viết thơ gởi liền ra Bắc mà thăm cha nàng nội trong ngày ấy. Thu Cúc liền hỏi ông phán xin giấy viết thơ, tỏ hết đầu đuôi gốc ngọn nhứt nhứt các việc từ ngày cha mình ra đi cho đến bây giờ, rồi niêm phong tử tế, lại hỏi thăm ông phán cho biết chỗ ở của cha mình mà đề bao thơ rồi đem bỏ thùng mà gởi đi liền nội trong ngày ấy.
Hai mẹ con nghỉ ngơi tại đó cho đến ba giờ chiều, rồi mới giã từ vợ chồng ông phán, bước lên ô tô, bảo sốp phơ chạy lên đường Lagrand de la Liraye đặng ghé vào trường Nguyễn Phan Long mà thăm em nàng là Nguyễn Trọng Liêm trong giây phút rồi mới chạy thẳng về Tây Ninh.
Về tới nhà rồi Thu Cúc bèn thuật việc nhờ mẹ dắt mình ghé nhà ông phán Ngãi, nên mới biết được tin tức của cha mình và luôn dịp mình đã gởi thơ ra Bắc mà thăm cha và cho cha mình biết các việc trong này rồi. Xuân Lan nghe nói mừng quá đỗi mừng.
Lần hồi ngày tháng như thoi, mới đó mà đã gần tới ngày Tòa xử.
Ngày kia Xuân Lan đi chợ về, cũng vừa gặp Lê Xuân Kỳ đương buổi đi làm việc. Hai đàn cũng niềm nở chào hỏi nhau như mọi bữa. Xuân Lan xem trước nhắm sau, liệu chừng chẳng thấy có ai, bèn nói nhỏ rằng:
– Trưa nay đúng mười hai giờ, em xin mời thầy đến tại quán của dì Tư Quăn cho em hỏi thăm thầy một chuyện.
Lê Xuân Kỳ mừng quýnh dường như tiếp được đơn chiếu của vua. Liền trả lời rằng:
– Tôi rất sẵn lòng, xin cô đừng thất tín.
Xuân Lan gật đầu, miệng cười chúm chím, rồi đi thẳng về nhà. Lê Xuân Kỳ lòng mừng khấp khởi, vào đến bu-rô (bureau) trọn một buổi sáng mai, không viết lách gì được hết, cứ dòm chừng đồng hồ hoài.
Mà thật cái đồng hồ bữa ấy tệ quá! Độc thật! Ác thật!
Trông hoài mà sao không thấy tới giờ, nó làm như hình liệt máy rồi vậy, cứ đứng trân một chỗ, trông mãi mà cũng không thấy nó đi. Trông hoài trông hủy, trông hết sức trông, trong lòng nóng nảy, ngồi đứng không yên. Thình lình vùng nghe tiếng trống tan bầu, dường như tù được tin tha bổng. Lúc bấy giờ, Lê Xuân Kỳ mừng quá đỗi mừng, vội vàng xách nón ra về.
Về tới nhà không kịp thay đồ, cứ việc hối đứa ở dọn cơm, ăn hối ăn hả ba hột, coi chừng đồng hồ, thấy đã mười một giờ ba khắc. Bèn sắm sửa đi liền, tuốt lại quán Tư Quăn là nơi ước hẹn.
Còn Xuân Lan khi cơm nước xong xuôi, chờ cho bà phủ nghỉ trưa, mới nói cho Thu Cúc hay, rồi lẻn ra ngả sau tuốt lại quán Tư Quăn là chỗ đem mồi mà nhử cá.
Khi đến nơi vừa bước chơn vào, thấy Lê Xuân Kỳ đã tới hồi nào, đương ngồi chờ đó. Xuân Lan bước tới, xẻn lẻn trăm bề, trong lòng hồi hộp, chơn bước ngập ngừng; vì nàng là gái đương xuân, hễ thấy trai thì khép nép. Còn Lê Xuân Kỳ mà thấy Xuân Lan, thì nào có khác chi là mèo thấy mỡ; nhưng bởi biết nàng là gái nết na đoan chánh, cho nên lòng cũng kiêng dè, chớ không dám bốc hốt như con gái nhà tầm thường kia vậy.
Bèn mở giọng rằng:
– Bấy lâu tôi nghe cô là con nhà thi lễ, ngôn hạnh lưỡng toàn, thật tôi lấy làm ái mộ, nên tôi muốn tính cuộc trăm năm, mới cậy người đến nói, không dè mà bà thân mẫu của cô lại không chịu gả, nên tôi lấy làm uất ức bấy lâu. Ai ngờ cô lại có lòng đoái thương, thì cái ơn tri kỷ nầy tôi phải tạc dạ ghi xương, song tôi chẳng biết tính lẽ nào cho lưỡng toàn kỳ mỹ, nhờ cô dạy bảo cho tôi.
Xuân Lan lúc bấy giờ, đương đối diện với cừu nhân mà phải làm màu vui vẻ, thì trong lòng hổ thẹn, muôn đắng ngàn cay; thật rất khổ lắm thay! Song vì muốn cho nên việc, nên phải ráng bấm gan mà làm mặt dạn mày dày, dằn lòng nhẫn nhục, nét tươi cười mà nói rằng:
– Bấy lâu em vẫn biết thầy là người trung hậu quân tử, phẩm hạnh đoan trang, thật em cũng hết lòng ái mộ, may sao thầy cũng có lòng thương tưởng cậy mai đến nói em đã đôi ba phen, ngặt vì bà phủ là mẹ nuôi của em, ý không chịu gả, lại muốn để mà gả em cho Hoàng Hữu Chí là một đứa xấc xược lại kiêu căng, thật là đáng ghét, nên em không biết liệu làm sao, vì em đã thọ ơn bà, em không dám cãi. May đâu lại khiến cho nó làm điều nhục nhã mà phải bị tù, thật em mừng quá. Vậy nếu như thầy có lòng thương tưởng đến em, thì xin ráng chịu phiền chờ đợi một ít lâu, chẳng vài ba tháng nữa ông thân sanh của em ở Bắc mà về đây, chừng ấy nếu thầy cậy người đến nói, ắt ổng gả liền, vì bình sanh ổng cưng em lắm, hễ em ưng chỗ nào thì ổng ưng theo chỗ nấy. Nay em mà ước hẹn với thầy đến đây là có ý tỏ bày tâm sự của em. Vậy nếu như thầy quả thật có lòng thương tưởng đến em mà tính cuộc trăm năm kết tóc, thì em xin thầy hãy cho em một vật quí báu chi đặng để mà làm tin, được như vậy thì em mới tin hẳn lòng thầy, dầu cho đến mấy năm em cũng an lòng mà chờ đợi vậy.
Xuân Lan vừa nói vừa cố ý ngó chừng chiếc nhẫn của Lê Xuân Kỳ đương đeo trong tay mãi. Lê Xuân Kỳ hội ý, biết Xuân Lan muốn chiếc nhẫn của mình, ngặt vì chiếc nhẫn ấy là của Cẩm Lệ tặng cho, để làm dấu tích, không lẽ mà mình lại đem ra mà cho người khác. Ban đầu hãy còn do dự, tấn thối lưỡng nan, sau bị thần ái tình nó giục riết, phần thì tâm hồn thất phách đã phưởng phất theo Xuân Lan, cho nên bợm ta chẳng còn chủ trương gì nữa hết, liền cởi phứt chiếc nhẫn trong tay trao cho Xuân Lan mà nói rằng:
– Này là cái núm ruột của tôi đây, ngặt vì tôi quá yêu nó, nên tôi phải cát ái (1), để tặng cho cô làm tin, mai sau dầu sở nguyện đặng thành (2), thì lời ước hẹn xin cô chớ phụ.
Xuân Lan ngửa tay vói lấy chiếc nhẫn rồi nói rằng:
– Như vầy thì em mới dám tin được lòng thầy, vậy từ đây, non xanh chẳng mất, nước biếc hãy còn, một tấm lòng son, ngàn năm chẳng lợt. Nhưng em còn một điều nầy nữa thật rất nên khó buộc, xin thầy dung thứ cho em, và mẹ nuôi của em là bà phủ, tánh tình gắt gờm lắm, em sợ e không được cùng thầy giáp mặt cho thường, điều ấy em xin thầy chớ ngại. Vậy em đi nãy giờ cũng đã lâu rồi, xin để cho em về, kẻo má em thức dậy ắt là khó lắm.
Lê Xuân Kỳ coi lại đồng hồ, thấy đã hai giờ, cũng gần tới giờ phải đi làm việc rồi, cực chẳng đã nên phải đinh ninh vài lời, rồi phân tay nhau ai về nhà nấy. (Mưu kế của Xuân Lan đến đây, thế là xong việc).
(1) Cát ái: là cắt cục yêu ra.
(2) Sở nguyện đặng thành: là ý va ước trông cho Tòa kêu án Hoàng Hữu Chí.