Bữa kia nhằm ngày thứ bảy, Lê Xuân Kỳ đến thăm Hoàng Hữu Chí và mời Hoàng Hữu Chí đến nhà tình nhân của mình mà dùng một bữa cơm chiều đặng đàm đạo chơi. Nguyên Hoàng Hữu Chí là người tinh tế, tính hay cẩn thận lắm, thuở nay ít ai nghe mời rủ mà chịu đi đâu bao giờ, và bấy lâu ít ưa Lê Xuân Kỳ cho lắm, nhưng vì nghe Lê Xuân Kỳ thường hay khoe khoang Cẩm Lệ cái sắc tài đầy đủ, ngôn hạnh đoan trang, mà nhứt là nghề nấu ăn khéo lắm nên cũng dùng dịp ấy đến chơi cho biết, mà đó cũng là cái phần Hoàng Hữu Chí phải mắc cái nạn lao tù vài tháng, nên khiến cho chàng ta hứa chịu.
Lê Xuân Kỳ mừng rỡ vô cùng, bèn dặn dò xin đừng thất tín, rồi từ giã ra về, đi thẳng qua nhà mà cho Cẩm Lệ hay đặng có toan tính với nhau sắp đặt lới rập cho sẵn sàng mà chờ Hoàng Hữu Chí.
Chiều bữa ấy lối sáu giờ, Hoàng Hữu Chí vừa bước đến nơi, Lê Xuân Kỳ làm bộ mừng rỡ chạy ra bắt tay mời vào chuyện vãn lăng xăng, rồi lại kêu mình ơi, mình hỡi, mà nói rằng:
– Thầy giáo đã lại rồi đây nè mình ơi!
Cẩm Lệ ở trong nhà sau bước ra chào hỏi sơ sài, rồi xin kiếu vì mắc lo đồ ăn sau bếp.
Ngoài nầy Lê Xuân Kỳ cứ ân cần mời Hoàng Hữu Chí uống vài ly khai vị (apéritif) đặng có dùng cơm cho ngon bữa, uống rượu và kiếm chuyện dông dài mà nói cầm chừng, vì bợm ta nói gạt Hoàng Hữu Chí có mời đôi ba ông bạn đồng liêu, nên phải uống rượu nói chuyện cầm chừng mà chờ khách.
Đó là bợm ta cố ý làm bữa ăn trễ cho khuya, cho tiện bề hạ thủ.
(Viết tới đây ký giả cũng bắt ghê bắt gớm cho cái lòng nham hiểm của người đời, càng thấy chừng nào càng thêm chán ngán).
Trời một ngày một khuya mà không thấy ai hết. Lê Xuân Kỳ làm bộ xăng văng xéo véo, chạy ra chạy vào mà ngó chừng hoài, dường như trông ai lắm vậy. Đồng hồ gần gõ tám giờ rồi mới làm bộ giận dữ mà nói rằng:
– Thật mấy anh nầy khốn nạn quá! Đi, không đi gì cũng cho người ta biết, có lý nào đã hứa đi rồi để cho người ta chờ gần trối chết. Thôi thây kệ, họ có tới trễ thì họ uống rượu khan cho họ biết chừng.
Nói rồi liền nắm tay Hoàng Hữu Chí dắt lại bàn ăn và nói rằng:
– Trễ quá rồi, tôi đói bụng lắm, thôi, hai anh em mình đi ăn, chớ ai hơi sức đâu mà chờ họ nữa.
Rồi đó hai người ngồi lại ăn uống chuyện trò với nhau. Lê Xuân Kỳ cố ý kiếm chuyện minh minh mông mông, ngông ngông nghênh nghênh mà nói mãi chớ không chịu dứt. Hoàng Hữu Chí coi chừng đồng hồ, thấy đã chin giờ rưỡi rồi, một lát lại thấy mười giờ. Có nhiều khi muốn dợm đứng dậy kiếu về, mà bị Lê Xuân Kỳ cứ ngồi nói chuyện dông dông dài dài mà cầm lại mãi.
Gần mười một giờ khuya, Hoàng Hữu Chí nhứt định kiếu về. Lê Xuân Kỳ liệu chừng giờ ấy cũng vừa buổi ra tay rồi, bèn giả chước nói với Hoàng Hữu Chí rằng:
– Bây giờ trời cũng khuya rồi, vậy để tôi đóng bớt cửa giùm cho cổ, rồi tôi cũng di về, tiện đường tôi xin đưa thầy về nhà luôn thể.
Đã đôi ba phen Hoàng Hữu Chí muốn dứt ra mà về một mình, song bị Lê Xuân Kỳ ân cần cầm cọng quá, nên không nỡ phật ý.
(Thường người quân tử mà mắc kế đứa tiểu nhân, thì cũng vì có một cái lòng không nỡ mà thôi). Lúc nầy chén bác cổ bàn thì Cẩm Lệ đã dọn dẹp hết rồi. Khi Lê Xuân Kỳ đóng cửa xong rồi lại giả ý nói rằng:
– Xin thầy chịu phiền chờ tôi một chút, tôi đi tiểu tiện, tôi trở vô liền, rồi mình sẽ đi về với nhau.
Nói rồi liền tằng hắng một tiếng bèn bước rảo ra ngoài tìm đường mà dông mất. Hoàng Hữu Chí ơ hờ, không dè là kế. Trong nầy Cẩm Lệ nghe tằng hắng và thấy Lê Xuân Kỳ đi rồi thì hội ý, liền bước ra làm bộ sợ gió, khép cửa lại, rồi quày trở vô, xuất kỳ bất ý, tay chụp níu Hoàng Hữu Chí, còn miệng thì thổi đèn và la làng inh ỏi. Hoàng Hữu Chí thất kinh, miệng thì kêu Lê Xuân Kỳ, còn tay thì gỡ Cẩm Lệ ra đặng có giải vây mà chạy.
Ai ngờ Lê Xuân Kỳ đâu không thấy, lại thấy nào là hương quản, nào là lính tuần, nào là dân làng hơn trót mười người, kẻ đòn tay, người thước nách, ào vô áp bắt Hoàng Hữu Chí, rồi hối đốt đèn lên đặng có mở đàng tra vấn. Hương quản làm bộ nhìn coi rồi giả ý lấy làm lạ mà nói rằng:
– Ủa! Thầy giáo đây mà! Trời đất ôi! Thầy làm cái gì mà lạ vậy thầy? Nhà người ta là con gái côi cút có một mình, đêm hôm tăm tối, thầy lẻn vào đây chi vậy.
Hoàng Hữu Chí cứ đem việc Lê Xuân Kỳ mời mình ăn cơm mà thuật lại, mà có ai chịu tin cho. Hương quản nói:
– Thầy nói sao khó nghe quá! Vả thầy Lê Xuân Kỳ có nhà có cửa, cách đây cũng chẳng bao xa, nếu thẩy muốn đãi thầy thì mời về nhà thẩy mà đãi, chớ ở đây là nhà của Cẩm nương, có bà con thân thích gì với thẩy mà thẩy mời thầy lại đây ăn cơm, vậy chớ thẩy ở đâu, sao không thấy, có phải là tình ngay mà lý gian chăng?
Hỏi Cẩm Lệ thì Cẩm Lệ cứ khai quyết rằng:
– Tôi đang ngủ nửa đêm, không biết thẩy cạy cửa mà vô hồi nào, ý muốn gian dâm, tôi không chịu, thẩy lại hăm dọa đòi giết tôi, nên tôi sợ mà la làng. Thẩy muốn thoát chạy, bị tôi níu kéo nhủng nhẳng, may nhờ mấy ông tới kịp, chớ không thì ắt thẩy đã giết tôi rồi.
(Nguyên Lê Xuân Kỳ đã mướn bọn nầy mà sắp đặt trước rồi, cho nên Hoàng Hữu Chí dầu có cái lưỡi bén như gươm đi nữa, cũng không cãi cho qua được.)
Hương quản làm bộ ngay thẳng mà nói rằng:
– Cô nầy khai vậy, thầy nọ khai vầy, chưa biết ai ngay ai gian, phận tôi làm làng, cứ việc công khai, giải nạp tới quan, chừng ấy hai đàng, mặc dầu đối nại.
Nói rồi liền hối dân còng Hoàng Hữu Chí lại. Ban đầu Hoàng Hữu Chí còn vùng vẫy không chịu cho còng, sau thấy chúng nó đông quá, liệu cự không lại, mà còn e nếu mình cự với chúng nó đây thì ắt chúng nó sẽ làm nhục mình, chi bằng tùy thời nhẫn nại, chờ đến chỗ công lý sẽ hay. Bởi như vậy nên cũng dằn lòng mà để cho bọn đầu trâu mặt ngựa, mặc dầu còng trói.
Thiệt là:
Rồng nằm nước cạn tôm lớn mặt,
Cọp xuống đất bằng chó ngoắc đuôi.
Liền đó, Hương quản dạy dân dắt Hoàng Hữu Chí đem về giam đỡ tại bót làng. Sáng ra bữa sau mới làm phúc bẩm rồi hiệp với khai báo hai đàng và chứng cớ mà giải hết nội vụ đến quan Biện lý.
Quan Biện lý liền tra hỏi tên họ cha mẹ, quê quán, tổng làng, tên tuổi và chức nghiệp xong xuôi, dạy giam Hoàng Hữu Chí rồi giao hết giấy tờ nội vụ cho quan Bồi thẩm mở đàng tra vấn.
Ngày ấy thiên hạ lao nhao lố nhố, xậm xì, xậm xịt đồn rùm rằng:
– Đêm hôm qua thầy giáo Hoàng Hữu Chí lén đến cạy cửa vào nhà Cẩm Lệ, cố ý cưỡng dâm sao đó, bị làng bắt giải, tòa đã giam rồi.
Nghe được tin chẳng lành ấy nội nhà bà phủ, cả ba mẹ con đều lấy làm lạ, dường như sét đánh vào tai, suy tới nghĩ lui, bàn qua tính lại rằng:
– Không lẽ, một người học thức như vậy, tánh tình như vậy mà lại làm điều nhục nhã, vô liêm sĩ, bất lương tâm?
Rồi lại nghĩ rằng:
– Mà cũng không lẽ, chó đâu có sủa lỗ không? Nếu không vậy thì đêm hôm khuya khoắt, ma dắt lối quỉ đem đường hay sao mà đi đâu đó cho người ta bắt vậy?
Lúc ấy bà phủ lấy làm bối rối, vì bấy lâu bà thấy tánh tình và thái độ của Hoàng Hữu Chí mà thương, nên bà quyết ý muốn gả Xuân Lan cho chàng, song chưa kịp tính mà nay lại sanh ra việc luân thường đồi bại như vậy, làm cho bà thất vọng. Bèn tính để hỏi thăm và dọ nghe lại thử coi cho biết chơn giả lẽ nào rồi sẽ liệu.
Còn Hoàng Hữu Chí bị giam trong khám, cứ ngồi lặng thinh, trầm tư mặc tưởng, suy nghĩ một mình. Nghĩ tới cái mưu gian của Lê Xuân Kỳ thật là quá độc, chừng ấy mới biết lòng người nham hiểm. nghĩ lại mà rùng mình.
Bèn nói thầm rằng: “Hèn chi người ta nói: Bất phách hổ sanh tam cá khẩu, chi chủng nhân hoài tưởng dạng tâm (Chẳng sợ cọp sanh ba cái miệng, chỉ sợ người ở hai lòng.) Thật là lời ấy không lầm. Một mình suy tới nghĩ lui, mới biết cái đường đời nó gay go là thế. Tuy vậy chớ chàng ta chẳng hề núng tấc lòng, vì tự biết cho mình hẳn thật là vàng mười, càng nung nấu chừng nào thì càng tốt càng tươi, không sờn không rúng.
Dầu cho sấm sét búa rìu,
Cũng đem vàng đá mà liều với thân.
Song ngồi mà nghĩ lại từ ngày ta lên đất Tây Ninh đến nay, chẳng có một người biết được lòng ta, duy có một mình bà phủ Ân biết ta mà yêu vì kính trọng đó thôi, thế thì bà phủ nầy tức là tri kỷ của ta đó.
Đến như cái việc hàm oan của ta đây, mặc tình thế tục nghị luận lăng xăng, dầu họ có đề quyết cho ta đi nữa, ta cũng chẳng sờn, ta chỉ phú cho cao xanh soi xét. Ta lo là lo có một mình bà phủ mà thôi, vì sợ e bà cũng lấy theo phụ nữ thường tình mà ức độ cho ta rằng quả có làm điều cang danh phạm nghĩa ấy, thì rất uổng cho cái lòng tốt của bà yêu vì kính trọng ta tự bấy lâu nay.
Vậy thì ta phải tạm kính vài hàng gởi ra mà tố trần cái điều oan khuất của ta cho bà rõ, đặng cho bà minh được cái tâm tích của ta, dầu có thác cũng đành nhắm mắt. Nghĩ rồi bèn hỏi lính gác khám, mượn một cây viết chì và xin một chút giấy viết thảo vài hàng như vầy:
“ Một ngày tri ngộ, muôn kiếp ghi xương;
Tai họa phi thường, cao xanh soi xét;
Tình đời thương ghét, cháu để ngoài tai;
Cháu một xin bà, biết cho là đủ.
Phạm nhân, Hoàng Hữu Chí bái thượng”.
Viết rồi xếp lại, cậy người lính gác, chờ lúc mãn phiên, xin đem ra dùm trao cho bà phủ.
Khi bà phủ được thơ, liền lấy ra một đồng bạc mà cho tên lính đem thơ. Tên lính tạ ơn đi rồi, bà mới kêu hai cô con ra, dạy ngồi bên cạnh, rồi mới mở bức thơ ra mà xem chung với nhau. Bà xem thơ, suy nghĩ hồi lâu mới nói với hai cô con rằng:
– Thầy giáo thẩy nói như vầy thì má cũng bán tin bán nghi quá đi con, vậy sẵn thầy thông đứng bàn cửa quan Bồi thẩm này với má cũng có quen. Thôi, để tối nay má đi lại nhà thẩy mà hỏi thăm thử coi, lời khai báo thể nào và việc dữ lành cho biết.
Hai cô con cũng lấy làm phải.