Phần 08

Cách chừng một tháng ngoài thì bà phủ đã được thơ, bà mở ra xem hết đầu đuôi, thấy lời nói của chàng vừa trung hậu, vừa khôn ngoan, thì bà đã nức nở khen thầm, đến khi bà xem tới tấm ảnh của chàng, hình dung tuấn tú, diện mạo khôi ngô, thì bà lại càng mừng lắm.

Bà nhơn nghĩ rằng: “Nhà mình thì giàu sang, mà chồng lại bất hạnh mất sớm, con cháu cũng không ngơ, hôm sớm một mình, vào ra tròi trọi, nếu ngày nào mà ta nhắm mắt đi rồi thì sự nghiệp nầy thiên hạ họ chia phay, thế thì có phước cũng như vô phước. Ngồi mà nghĩ lại thật ta cũng buồn cười cho những người bỏn sẻn làm lụng cả ngày, tay lấm chơn bùn mà ăn chẳng dám ăn, mặc chẳng dám mặc, năm chí cuối chỉ cứ khư khư làm mọi giữ của cho đời, đến khi tới số vô thường rồi, thì đi lại cũng nắm hai bàn tay không. Chứ như ta đây, vì nhà không con cái, đã cam phận thiệt thòi; có dè đâu mà trời chẳng phụ người hiền, kiến cho ta gặp được hai đứa con, tuy là gá nghĩa minh linh, nhưng cả hai đều tánh tình hiếu thuận, cử chỉ khoan hòa; thật là quan Nguyễn Trọng Luân đã khéo sanh con mà cách dạy con cũng khéo.

Nay hai chị em nó đã chịu tiếng làm con ta rồi, thì ta cũng nên chọn cho được một đôi giai tế, mà sánh với cặp nầy thì mới là thỏa mãn. Mới đây ta gặp Hoàng Hữu Chí thì ta đã chấm được một đứa rể hiền rồi, nay ta thấy thơ và hình của Phan Quốc Chấn đây nữa thì cũng xứng danh; thật rõ ràng là một nhà con thảo rể hiền, song song hai cặp giai nhân tài tử. Nếu ngày nào mà đôi lứa ấy được thành, thì vợ chồng quan huyện biết bao là toại chí; mà rồi ta đây cũng có người dưỡng cũng đạo đồng; huống chi ta đã chẳng tiếc bạc ngàn mà tác thành cho bốn trẻ, thì có lý nào mà ngày sau chúng nó lại chẳng nghĩ ta, mai sau dầu bóng xế nhành dâu, ắt có kẻ quạt nồng ấp lạnh; thế thì từ đây ta đã thôi lo điều tịch mịch rồi.”

Bà phủ thì trong lòng thầm tính như vậy, còn Hoàng Hữu Chí thì lại khác, vì chàng ta thấy nhà bà giàu sang, sợ e nếu cưới con bà thì chi cho khỏi cô ấy ỷ của mà khinh thị mình, nên nhứt định không chịu cưới con nhà giàu có. Bữa kia, nhằm ngày chúa nhựt, Hoàng Hữu Chí đang ngồi trong này, xảy có một thầy thong ngôn dây thép bước vào hai đàng bắt tay chào hỏi rồi mới ngồi lại chuyện vãn với nhau.

(Nguyên thầy thông nầy tên là Lê Xuân Kỳ vẫn có quen với Hoàng Hữu Chí.)

Hoàng Hữu Chí hỏi:

– Hôm nay thầy đến đây mà chơi, hay là có việc chi chăng?

Lê Xuân Kỳ nói:

– Bữa nay nhơn rảnh tôi đi dạo chơi, tiện đường nên ghé thăm thầy và cũng có ý muốn hỏi thăm thầy một chuyện.

Hoàng:

– Chuyện chi vậy?

Lê:

– Tôi đổi lại đây đã hơn năm sáu năm rồi, tôi vẫn biết nhà bà phủ Ân lắm, hồi tôi mới lại thì ông phủ vẫn còn, tôi không thấy hai ông bà có con chi hết. Mà sao cách mấy tháng nay lại có hai cô thiếu nữ nào đó, xinh đẹp vô cùng, đến ở nhà bà, mà lại kêu bà bằng má; thật cũng là kỳ!

Hoàng:

– Điều ấy cũng chẳng lạ gì, vì tôi nghe hai cô ấy đều có học thức cả, hoặc lúc thầy mới đổi lại thì hai cô ấy còn mắc ở học trong Nữ học đường Sài Gòn, nên thầy không biết chăng.

Lê:

– Không mà! Tôi có hỏi thăm mấy người gốc gác nhau rún tại đây, thì họ cũng đều không biết và cũng lấy làm lạ như tôi vậy hết nữa mà!

Hoàng:

– Ủa! Sao thầy không hỏi họ lại cho kỹ thử coi?

Lê:

– Có chớ! Mà không ai hiểu hết, nên tôi mới lấy làm lạ chớ! Lại mới hôm tháng trước đây, bà đi với một cô trong hai cô ấy đến nhà dây thép mua một cái măn-đa tới mười hai ngàn quan mà gởi quan bên Tây cho một cậu học sanh ấy cũng không phải là con cháu chi của bà, thật là người dưng đặc sệt, không biết vì sao mà bà lại gởi tiền mà cho nhiều như vậy?

Hoàng Hữu Chí nghe nói tới tên Phan Quốc Chấn thì biết là bạn hữu của mình, song chẳng muốn cho Lê Xuân Kỳ biết rõ làm chi; mà cũng không hiểu duyên cớ làm sao mà bà phủ Ân lại gởi tiền cho ảnh. Bên ngoài lặng thinh mà suy nghĩ hoài, Lê Xuân Kỳ thấy vậy phát nghi, liền hỏi thẳng:

– Phan Quốc Chấn nào đó anh có biết chăng?

Hoàng:

– Biết chớ! Phan Quốc Chấn thì tôi biết, còn tại sao mà bà phủ Ân lại gởi tiền cho thì tôi không rõ.

Lê:

– Tôi thấy thầy lui tới nhà bà phủ cũng thường mà thấy không hiểu gì hết hay sao?

Hoàng:

– Mình là người có học, mắc mảng có giữ cái lễ nghĩa, cho nên việc nhà của người ta không lẽ mình tọc mạch mà hỏi tới làm chi. Mà mình cũng chẳng phải là bọn dê rừng, hễ thấy sắc đẹp thì mê, mà cũng không phải là bọn tham tiền, thấy người giàu có mà muốn cưới con gái của người đặng ăn của nên hòng hỏi thăm cho kỹ; vì vậy nên tôi không biết được gì hết.

Lê Xuân Kỳ nghe Hoàng Hữu Chí nói mấy lời thì có ý thẹn thầm, liền đứng dậy từ giã ra về; vừa đi vừa lầm bầm rằng: “Mình tưởng nó là anh em, nên hễ có chuyện gì lạ thì nói cho nó nghe, nó lại kiếm điều mà nói đâm hông mình, làm hơi người liêm sĩ, nói rằng không ham cưới con gái nhà giàu. Thằng phách thiệt, mi để mi coi ta.” Từ đó mới sanh dạ oán thù Hoàng Hữu Chí.

Nguyên Hoàng Hữu Chí vẫn biết Lê Xuân Kỳ là một tay tham tài háo sắc, kiếm lợi vong nghĩa; cho nên bề ngoài tuy quen mà bề trong thì không thích. Khi thấy Lê Xuân Kỳ về rồi thì cười thầm, rồi bỏ qua, không thèm để ý tới. Nhơn nghĩ lại một mình rằng: “Vả Phan Quốc Chấn với ta là anh em bạn thiết, tâm đầu ý hiệp; thương yêu nhau, tin cậy nhau, lúc ảnh còn ở bên nầy thì ảnh thường chơi bời chuyện vãn với ta, bà con cô bác của ảnh những ai, ta đều biết hết, mà không hề nghe ảnh nói tới tên bà phủ Ân nào ở Tây Ninh bao giờ!

Sao bà phủ lại biết ảnh mà gởi bạc tiền cho ảnh? Hoặc là bà có bà con gì với ảnh hay sao mới vậy chớ! Thôi, để bữa nào ta giả đến thăm bà, rồi ta sẽ lần hồi dò la thử coi cho biết.”

Một bữa kia, nhằm ngày thứ năm, Hoàng Hữu Chí nhơn nghỉ dạy, bèn đến thăm bà phủ, rồi hỏi thăm qua việc Phan Quốc Chấn rằng:

– Cháu xin vô lễ mà hỏi thăm bà một việc, chẳng hay Phan Quốc Chấn là người bà con hay là con cháu chi của bà?

Bà phủ nghe hỏi như vậy cũng lấy làm lạ bèn hỏi lại rằng:

– Ủa! Sao thầy biết Phan Quốc Chấn?

Hoàng:

– Dạ, bẩm bà, Phan Quốc Chấn là anh em bạn thiết của cháu.

Bà phủ:

– Vậy sao? Cơ khổ dữ chưa! Vậy mà xưa rày tôi có dè đâu. Thầy quen với nó hồi nào, đã lâu rồi hay mới?

Hoàng:

– Bẩm bà, cháu với ảnh là bạn học với nhau từ hồi thuở nhỏ, thường tới lui chơi bời thân cận với nhau lắm; mới cách nhau là từ ngày ảnh đi du học bên Tây đây mà thôi. Còn ảnh là người chi của bà, xin bà cho cháu biết với.

Bà phủ bèn đem hết các việc từ ngày mới gặp hai chị em Thu Cúc cho đến khi gởi bạc qua bên Tây mà cho Phan Quốc Chấn, đầu đuôi thuật rõ lại hết cho Hoàng Hữu Chí nghe.

Chừng ấy Hoàng Hữu Chí mới biết hai chị em Thu Cúc vẫn là con của một ông quan hưu trí rất có thanh danh, và Thu Cúc lại có hứa hôn với Phan Quốc Chấn là bạn hữu của mình; rủi vì hai nhà ngộ nạn, nên nỗi phiền lưu, may gặp bà phủ đem về nuôi mà làm con, đãi như con ruột, bà lại còn châu toàn cho đến Phan Quốc Chấn đương ăn học bên Tây.

Đến đây Hoàng Hữu Chí mới biết bà phủ là người nhân hậu, thế thượng vô song, thật rõ ràng là nữ trung quân tử.

Từ đó chàng ta mới hết lòng kính phục bà và thường lân la tới lui thăm viếng; mà hễ Hoàng Hữu Chí càng biết bà phủ chừng nào thì càng kính, càng khen, càng sợ.

Nhắc lại Lê Xuân Kỳ, nhơn thấy bà phủ đã giàu sang mà chẳng có con trai, duy có hai người con gái mà thôi, nếu cưới được con bà thì ngày sau ắt sẽ nhờ được. Bợm ta tính tới tính lui, (nhơn, chia, trừ, cộng gì đủ hết) tính nát trong ruột rồi thì mới cậy mai đến nói.

Chẳng dè bà phủ, nhơn vì Thu Cúc đã có nơi rồi, còn Xuân Lan thì bà lại nhứt định để gả cho Hoàng Hữu Chí nên bà kiếm chuyện mà từ rằng con bà còn nhỏ dại, bà chưa chịu gả cho ai, để bà dạy thêm nữ công nữ hạnh một đôi năm nữa rồi bà mới gả.

Lê Xuân Kỳ cậy mai đến nói đôi ba phen mà bà cũng khăng khắng một lời trước sau như một. Bợm ta tức giận vô cùng, phần thì thấy Hoàng Hữu Chí thường hay lai vãng nhà bà, bèn sanh lòng đố kị, quyết toan mưu ám hại cho được mà rửa hờn. Nhưng bề trong thì vẫn cứ hầm hầm, còn bề ngoài thì lại làm màu tử tế; mỗi khi gặp Hoàng Hữu Chí bất luận chỗ nào, bợm ta cũng làm bộ chào hỏi vui cười, chuyện trò niềm nở lắm.

Thiệt là:

Bề ngoài thơn thớt nói cười

Mà trong nham hiểm giết người không gươm.

Nguyên Lê Xuân Kỳ trước đã có tư tình với một nàng kia tên là Cẩm Lệ, nàng ấy nhân phẩm tầm thường, không phải xấu, mà cũng không đẹp. Cha mẹ nàng mất sớm, có để lại cho nàng một cái nhà ngói ba gian và đôi ba chục mẫu ruộng; vì không ai câu thúc, cho nên nàng mới được tự do, Lê Xuân Kỳ tới tới lui lui, giờ nào cũng được.

Đêm kia Lê Xuân Kỳ đến thăm Cẩm Lệ mà mặt còn hơi giận lộ ra ngoài. Cẩm Lệ lấy làm lệ bèn hỏi rằng:

– Mọi lần thầy đến đây thì mặt mày vui vẻ luôn, hôm nay thầy có bất bình với ai việc gì hay sao mà coi ý thầy còn hơi giận dữ lắm vậy?

(Ấy là Lê Xuân Kỳ muốn lợi dụng Cẩm Lệ cho đắc kế của mình, nên mới làm bộ giận dữ cho Cẩm Lệ hỏi mà nói. Mà quả thật Cẩm Lệ trúng kế, nên mới hỏi bợm ta như vậy).

Lê Xuân Kỳ bèn dùng dịp ấy, bày điều nói láo mà khích Cẩm Lệ rằng:

– Bấy lâu nay tôi tưởng nó là người tử tế, nên mới kết bạn với nó mà chơi, có dè đâu mà nó là một đứa tiểu nhân, kiêu căng xấc xược, nói phách chẳng ai bằng; nó thấy tôi tới lui với cô thì nó làm hơi mặt quân tử mà ngăn cản tôi hoài, nó chê tôi dạu, lấy cô mà ăn những vật gì, nó lại nhiếc cô là gái mất nết, gái chạ, gái hư, thật là nó nhiếc rất quá lời, nó lại còn nói phách rằng chừng nào nó có cưới vợ thì nó sẽ lựa chỗ cho xinh đẹp như tiên, lại giàu sang cho tột bực thì nó mới cưới; chớ gái mà lục lục như cô vầy, dầu có đem tới lạy nó mà cho không, nó cũng chẳng thèm. Tôi giận quá, nên tôi gây với nó một hồi, rồi tôi mới bỏ mà lại đây.

Cẩm Lệ nghe nói xúc tâm, nổi giận phừng phừng, liền hỏi Xuân Kỳ rằng:

– Thầy nói thằng nào đó, thằng nào mà nói phách lắm vậy?

Lê Xuân Kỳ nói:

– Thì có ai, có một mình thầy giáo Chí đó chớ ai.

Cẩm Lệ chưởi mắng bông long một hồi rồi nói rằng:

– Thôi, thầy ở đây coi giùm nhà cho tôi để tôi lại nhà giáo Chí, đặng mắng nó ba điều chơi cho nó biết mặt.

Vừa nói vừa lấy áo dài mặc vào rồi ngoe nguẩy ra đi. Lê Xuân Kỳ liền kéo lại vuốt ve rồi nói rằng:

– Cô đừng nóng mà hư việc, để thỉnh thoảng loan mưu hại nó mà rửa hờn, còn hay hơn là chưởi mắng mà có ích gì.

Cẩm Lệ nghe lời, bèn ngồi lại xỉa thuốc ba ngoai, giảnh mấy ngón tay có đeo hột xoàn ra mà chưng cho Lê Xuân Kỳ coi rồi hỏi rằng:

– Thầy tính mưu gì hay mà hại nó cho được?

Lê Xuân Kỳ nói:

– Khó khiết gì! Để ít bữa cho nguôi ngoai cái chuyện tôi mới gây với nó đây, rồi tôi làm bộ tới lui giả lả mà làm quen lại với nó, rủ nó đến đây chơi, rồi làm như vầy … như vầy … thì chạy đường trời cũng không khỏi ở tù.

Cẩm Lệ nghe nói lấy làm đắc kế, khen ngợi chẳng cùng.

Đêm ấy hai đàng thong thả, mặc dầu gió gió trăng trăng, ân mặn tình nồng nói sao cho xiết. Cẩm Lệ lại cởi ra một chiếc nhẫn có nhận hột xoàn mà cho Lê Xuân Kỳ và nói rằng:

– Vật này là vật quí của em, sớm trưa em chẳng hề lìa nó ra mà cho thầy, để làm dấu tích, xin thầy chớ lấy làm thường.

Lê Xuân Kỳ cảm tạ ơn nàng rồi phân tay ra về, vì trời gần sáng.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!