Đây nhắc lại bà phủ, nội đêm ấy bà kêu Thu Cúc mà nói rằng:
– Má thấy con nay đã trộng rồi, lẽ phải định bề đôi lứa cho kịp tiết kịp thời, nay má thấy thầy giáo nầy học hành đã khá mà tánh hạnh cũng dễ thương, nên má muốn định gả con cho thầy, nhưng định thì định vậy, song cũng còn phải chờ nghe tin tức anh chị ở đâu mà cho hay đã rồi sẽ tính, chẳng hay ý con thế nào, con cứ nói ngay cho má liệu.
Thu Cúc nghe nói vùng sa nước mắt, rồi thưa rằng:
– Việc vợ chồng là đạo nhân luân, cho nên phận làm cha mẹ mà có con, bất luận là trai hay gái, hễ lớn lên thì phải lo bề nghi thất nghi gia, ấy là lẽ tự nhiên của trời đất; gia dĩ cái ơn tri ngộ của má đây thật rất cao dày, nói cho cùng mà nghe, dầu má có dạy con chết đi nữa thì con cũng chẳng từ, huống chi là việc hôn nhơn, ngặt vì lúc con còn bé, cha con đã hứa hôn, định gả con cho Phan Quốc Chấn, lúc cha con gần để bước lên đường, thì người vẫn cũng đinh ninh dặn dò con việc ấy. Hiện nay chàng còn đương ở học bên Tây, còn một năm nữa mới là tốt nghiệp; rất rủi cho ông thân của chàng vì bị hỏa tai mà sự nghiệp phải tiêu điều; nay người đã hiệp với cha con mà đi ra Bắc, không hiểu hai ông đi đây là tính xoay về cái chủ nghĩa nào, mà cũng chưa biết cái nẻo tương lai của hai ông sau nầy có kết quả những gì hay không. Còn chàng Quốc Chấn thì còn đương ở bên Tây, nếu tiền bạc đã hết đi rồi mà không người châu cấp thì ắt là chàng phải phế học; mà con lại còn lo cho chàng hụt tiền phí lộ mà trở về, thì lại càng thêm khổ. Chớ như phận em con đây, vì nó tuổi còn thơ ấu, nên cha con chưa hứa với ai; nếu nay mà có đành lòng thầy Hoàng Hữu Chí thì má tính cho nó cũng xong, hễ mà đã đành rồi thì chị em con lẽ đâu dám cãi.
Bà nghe lời nàng nói thì bà ngậm ngùi, bèn nói rằng:
– Có vậy sao xưa nay con kín miệng, không nói ra cho má tính cho, để cứ ôm ấp trong lòng thì má biết ngứa đâu mà gãi.
Thu Cúc liền thưa rằng:
– Bởi con nghĩ vì nhà con đương lúc điên nguy, mẹ cha xiêu lạc, con cái bình bồng, may nhờ má có dạ nhân từ, đem về hoạn dưỡng, mặc ấm ăn no thì đã quá phận, vậy thì con còn dám vọng cầu những điều chi khác nữa mà làm cho má buồn lòng sao.
Bà phủ nghe lời Thu Cúc nói rất ngọt ngào, thì bà lại càng thương yêu hơn nữa.
Thật là:
Chim khôn kêu tiếng rảnh rang,
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ thương.
Bà phủ bèn nói rằng:
Thôi, con chớ ngại chi, vì qua có nghe rằng: Quân tử năng thành nhân chi mỹ. Hễ làm người thì phải giúp nhau cho nên việc mới là. Huống chi nay chúng ta sanh nhầm cái thời đại bán khai, thì cái tiền đồ của quốc dân ta sau nầy đều trông mong nơi đám thanh niên, cho nên hễ giúp được một người học sanh nào cho học nghiệp được hoàn toàn, thì cũng còn hơn lập một cảnh chùa chin nóc đa con. Rất đỗi là người ngoài mà còn phải lấy lòng bác ái để giúp cho nhau thay! Huống chi Phan Quốc Chấn, sau nầy nó sẽ là chồng của con, thì tức nhiên nó cũng sẽ là rể hiền của má vậy chớ; nếu không lo cho nó, chớ lo cho ai bây giờ. Thôi, để sáng mai hai mẹ con mình đi lại nhà dây thép mua măn-đa (mandate) mà gởi cho nó môt ngàn đồng, để giúp nó học thêm cho tới kỳ tốt nghiệp. Vậy mà con có biết chỗ nó học chắc chắn hay không con?
Thu Cúc nói:
– Dạ thưa có, vì cha con có biên để lại cho con.
Bà phủ nói:
– Ừ, được đa, vậy thì tốt lắm.
Đêm ấy bà biểu Thu Cúc viết thơ sẵn cho bà ký tên. Sáng ra bữa sau ba mẹ con thức dậy rồi bà bèn kêu thằng đánh xe, hối nó thắng xe, lại biểu Thu Cúc mở tủ lấy ra một ngàn đồng bạc, để Xuân Lan ở lại coi nhà, bà với Thu Cúc lên xe đi lại nhà dây thép mua một cái măn-đa mười hai ngàn quan tiền tây (bạc lúc ấy mỗi đồng là mười hai quan tiền tây, nhằm một ngàn đồng bạc chẵn) rồi để vào bao niêm phong tử tế, lại có gắn keo, gởi rờ-com-măn-đê (recommender) cho Monsieur Phan Quốc Chấn, học sanh trường Thương nghiệp cao đẳng tại Paris bên Pháp quốc.
Đây nói qua việc Phan Quốc Chấn ở học bên Tây, từ ngày tiếp được tin nhà rủi ro như vậy thì đêm ngày lo sợ phập phồng; nỗi lo cho cha mình già yếu mà gặp cơn nguy biến thế nầy; không biết người có vì sự ưu sầu mà phải sanh đau ốm gì chăng; nỗi lo cho mình học mới nửa chừng, nay lại rủi gặp lúc vận nhà điên đảo như vầy thì biết lấy chi mà học thêm cho tới ngày thành đạt.
Còn đang suy nghĩ lo tới tính lui, bỗng thấy một cuốn cạt-nê (carnet) biểu ký tên mà lãnh. Phan Quốc Chấn ký lên lãnh lấy phong thơ rồi trong lòng hồi hộp, chưa biết dữ lành, mà cũng không biết của ai, liền mở ra coi, thấy có một tờ măn-đa mười hai ngàn quan, nhìn tuồng chữ viết thơ thì lạ hoắc, nhìn mãi mà nhìn cũng không ra; chàng ta nóng nảy, muốn gấp biết người nào gởi bạc cho mình, nên không kịp đọc cho hết bức thơ, lại lật ra phía sau đặng coi tuồng chữ ký tên của ai cho biết. Ai ngờ thấy đề như vầy: Madame veuve phủ Ân, Proprinétaire à Tây Ninh. Té ra cũng là lạ hoắc.
Phan Quốc Chấn ngạc nhiên, không biết bà phủ nào đây, sao lại gởi tiền cho mình nhiều lắm vậy. Liền lật trở qua phía trước, đọc cho hết đầu đuôi, đặng cho rõ duyên do kẻo ức. Chừng đọc hết bức thơ, mới hay quan huyện cũng vì sự tai biến của cha mình mà phải liên lụy, bị tịch hết gia sản. Ông rầu bỏ đi, làm cho hai chị em Thu Cúc vì đi tìm cha mà phải trôi nổi lên tới Tây Ninh, may gặp bà phủ nầy là người háo nghĩa, đem về nuôi hết làm con, thương yêu như con ruột, nàng nhơn tỏ hết gia tình cho bà nghe, nên bà lại lấy long hào hiệp, chẳng tiếc bạc ngàn, gởi giúp học phí cho mình đặng học thêm cho tới ngày thành đạt. Sau rốt bà lại đinh ninh dặn dò, bảo phải ráng học cho đến kỳ tốt nghiệp sẽ về, thoảng như có thốn thiếu bạc tiền, chỉ cứ gởi thơ cho bà hay, thì bà cũng sẵn lòng gởi thêm cho mà ăn học.
Bà lại cho hay rằng cha mình và quan huyện đã cùng nhau đi ra Bắc song chưa hiểu hai ông ra Bắc làm gì.
Phía dưới chỗ bà phủ ký tên lại có mấy hàng chữ nhỏ gạch như vầy:
“Hai nhà tai nạn, nay đã hầu qua, một tấc dạ nầy, đất trời soi xét, xin hãy gia tâm, dồi mài kinh sử, cho khỏi phụ tấm lòng háo nghĩa của người.
Đôi hàng trân trọng, xin chớ phụ lời. Chí chúc! Chí chúc!
Thu Cúc bái thượng.”
Phan Quốc Chấn xem rõ đầu đuôi, trong dạ ngùi ngùi, suy tới nghĩ lui, tâm thần tán loạn, nỗi lo cho hai ông lão đi ra đất Bắc là nơi xứ lạ quê người, khi mưa bắng biết lấy ai mà nương cậy, nỗi cám ơn bà phủ, tấm lòng rộng thinh thinh, dầu cho biển Thái Bình cũng không bì kịp, nỗi cảm tình Thu Cúc, một lời của mẹ cha đính ước, mà nàng tạc dạ khăng khăng, dầu phải bước truân chuyên, cũng không dời chí. Lúc bấy giờ, Phan Quốc Chấn ngồi dựa cạnh bàn, tay chống trán, mắt nhìn thơ, một mình nghĩ vẩn nghĩ vơ, mối cảm hoài lai láng.
Một chặp lâu chàng ta mới nhứt định lấy giấy viết thơ gởi về cho bà phủ, trước là cho bà hay rằng mình đã được bạc và thơ, sau nữa là để tỏ ý tạ ơn bà luôn thể. Chẳng dè khi đặt bút xuống mà viết được có một hàng là để chỗ ở và ngày tháng:
Paris, le …
Viết có bấy nhiêu đó rồi ngưng bút lại mà suy nghĩ mãi có một cái vấn đề về cách xưng hô hơn trót một giờ mà chưa quyết định được, bây giờ đây mình gởi thơ cho bà mà phải kêu bà bằng má hay bằng bà? Suy đi nghĩ lại một hồi, rồi hỏi lại mình rằng: Vậy phải kêu bà bằng chi bây giờ? Kêu bằng bà không được? Không được. Bà mà gởi bạc cho mình ăn học đây, là bà đã có ý đãi mình như tình con rể rồi đấy. Vậy phải kêu bằng má hay sao? Cũng không được! Một không hai không, ba bốn cũng không! Rất đỗi quan huyện là cha ruột của nàng Thu Cúc kia mà mình còn chưa dám kêu bằng cha thay! Huống chi bà phủ là mẹ nuôi của nàng mà mình lại dám kêu bằng má! Khó cha chả! Phải liệu làm sao bây giờ?
Phan Quốc Chấn lúc bấy giờ, hình như tượng gỗ, cứ ngồi lặng thinh mà trầm tưởng mãi có một mình, như dại như ngây, lấy làm rối trí. Đến lúc chàng ta đã cùng suy tột xét rồi mới nói rằng: “Nếu bây giờ mà mình kêu bà rằng má thì thật rất ngỡ ngàng, vì mình còn ở xa xuôi bên nầy, không biết được rõ bên ấy hai người đối đãi với nhau làm sao mà mình dám đánh bạo kêu bà bằng má, thành ra mình có ý phùng nghinh, bưng bợ bà vì cái số bạc mười hai ngàn quan của bà mới gởi qua cho mình đây chăng? Ôi! Không phải vậy. Thế thì mình tính kêu bằng bà có khi phải hơn. Bao giờ bà có gởi thơ mà dạy lẽ nào nữa, thì chừng ấy ta sẽ tùy cơ ứng biến, cũng chẳng muộn gì”. Nghĩ như vậy rồi mới nhứt định kêu bà phủ bằng bà thôi, liền viết thơ như vầy:
Paris, le … 192…
Kính bà,
Con mới vừa tiếp được một bức thơ rất quí trọng và một tờ măn-đa mười hai ngàn quan của bà đã có lòng tốt gởi qua để giúp con ăn học cho tới ngày thành đạt. Thật con rất đội ơn bà là người nghĩa trọng như san, vừa hào hiệp vừa nhân từ, đã cứu người lạc nạn mà bảo tồn danh giá cho mấy chị em Thu Cúc tiểu thơ, lại còn đem lòng trắc ẩn, đoái thương kẻ du học viễn phương mà giúp đỡ con trong cơn khuẩn bức nơi xứ lạ quê người. Thật cái ơn trọng nầy ví tợ non sông, dầu cho phấn cốt toái than đi nữa, con cũng quyết kết cỏ ngậm vòng, chờ ngày đền đáp. Bà lại còn hứa rằng nếu ngày nào con còn thốn thiếu mà gởi thơ cho bà hay, thì bà cũng sẵn lòng gởi cho thêm nữa. Ôi! Thật là thiên cao địa hậu, muôn kiếp ghi xương.
Nhưng con nghĩ vì nhà con thuở nay chưa hề có tới lui ơn nghĩa chi với nhà bà, nay bà vì quá thương cô Thu Cúc mà ái ốc cập ô, gởi cho con số bạc quá to, thì con đã quá vọng rồi; lẽ đâu con lại còn dám đèo bòng trông mong chi nữa mà làm rộn cho bà phải nhọc công tốn của nữa sao?
Huống chi nay con học nghiệp cũng gần thành, tiền học phí còn chừng năm ngàn quan là đủ, còn dư lại bảy ngàn, con sẽ tiện tặn mua sắm chút đỉnh sách vở cùng những vật dùng. Chỉ tồn lại bao nhiêu, con sẽ đem gởi cho nhà băng, để dành làm lộ phí nơi ngày con trở về cố quốc cũng đã đủ rồi. Vậy xin bà chớ có để ý cho con về sự tiền bạc nữa làm chi mà lao phiền quí thể.
Sau nữa con cũng xin bà đoái thương đứa sĩ cùng là một đứa con bất hiếu Phan Quốc Chấn nầy mà lưu tâm dọ giùm tin tức của hai ông lão nhà con, mạnh giỏi thế nào rồi cho con hay, thì con lại càng tạc dạ ghi xương, cám đội ơn bà vô cùng vô tận. Luôn dịp con kính gởi một tấm ảnh của con đây, gọi là tỏ chút chơn thành mà dâng cho bà để làm kỷ niệm; cúi xin bà nạp cho con.
Vắn tắt mấy lời thành thật, con kính chúc cho bà hai chữ vạn an.
Phan Quốc Chấn bá bái kính thơ.”
Phía sau rốt bức thơ, chàng lại gạch thêm mấy hàng mà ngỏ cùng Thu Cúc như vầy:
“Thu Cúc quí nương nhã giám.
Mấy lời kim thạch, khắc cốt minh tâm.
Đa tạ, đa tạ.
Phan Quốc Chấn bái”.
Viết xong, đọc đi đọc lại đôi ba lần rồi mới niêm phong đem bỏ thùng thơ mà gởi về Nam Kỳ cho bà phủ.