Hai chị em xem hết đầu đuôi rồi, nước mắt chảy ra dầm dề, tấm lòng thương mẹ nhớ cha, chẳng có bút mực nào mà tả ra cho rõ được.
Chị em than thở một hồi, Thu Cúc bèn lấy giấy mực họa vần theo bài thi sau để tỏ tấm lòng thương cha nhớ mẹ, ngâm đi đọc lại một hồi lâu rồi mới phong lại gởi lên cho cha.
Bài thi ấy như vầy:
Cảnh sao cảnh khéo giục cơn sầu,
Ngắm cảnh thêm buồn dạ phải âu,
Thơ kín theo mình lòng cũng toại,
Cỏ hoa trông chủ, sắc như sầu;
Thương cha bảy lá gan chua xót,
Nhớ mẹ trăm chìu ruột quặn đau,
Kính lạy thung đường xin bảo trọng;
Đất đông dày mất đất dâu thâu.
Bất hiếu nữ, Thu Cúc,
Phụng hòa nguyên vận.
Chẳng dè cái nhà của quan huyện, đương gặp vận bỉ, tai nạn dập dồn, hết nạn nầy tới nạn kia, thật là tạo vật khéo khuấy người, chua cay cho đến thế. Trong lúc hai ông bà, đều đi lánh nạn, còn công tử Trọng Liêm cũng mắc đi học, ở nhà chỉ có hai chị em Thu Cúc với Xuân Lan là gái đương chừng sen ngó đào tơ, những quân lang tử giả tâm, thấy vậy nên mới đem lòng khi dễ, ban đầu nó còn cậy mấy con mẹ đờn bà dài cằm rộng miệng, lần mò lui tới lân la, kiếm những lời nói rất êm tai mát dạ, dùng những câu văn như giọng quyển tiếng kèn, mà phỉnh phờ dụ dỗ.
Nhưng mà, hai chị em cô đều nhờ có nếm mùi học thức, gia dĩ cái gia đình giáo dục của quan huyện rất nghiêm trang, rất đoan chánh, hóa cho nên hai chị em cô đã ra mặt gái hiền, đức hạnh hoàn toàn, nét trinh bạch làu làu như ngọc đúc.
Nhờ vậy mà những quân vô loại ấy, dẫu cho cái miệng ngọt tợ đường, cái lưỡi bén như gươm đi nữa, cũng khó mà nói cho hai chị em cô xiêu lòng được. Sau thét đi rồi, chúng nó lại sanh cái thói dã man, khoét vách rình hè, làm cho hai chị em chẳng có đêm nào mà dám ngủ cho yên giấc.
Một bữa kia, Thu Cúc mới tính với Xuân Lan rằng:
– Nè em, chị thấy nhơn tình tham hiểm, thế đạo kỳ thu, mà chị ngán ngẩm; nay chị nghĩ lại dầu cho chị em ta mà có cắn gan, cách nào đi nữa thì ở đây cũng bất tiện, cho nên hôm trước đây chị đã lo gởi gắm Trọng Liêm ăn học đã yên nơi yên chỗ rồi, vậy nay hai chị em mình phải cùng đi với nhau, thẳng lên Sài Gòn hoặc lên Tây Ninh mà tìm kiếm cha mẹ chẳng là tốt hơn, chớ ở đây tuy cũng có một vài ông bạn tri thức của cha mình chiếu cố mặc dầu, nhưng mà trong lúc đêm vắng canh khuya, những loài lòng thú dạ lang nó bấu theo khoét vách rình hè mà khuấy nhiễu chị em mình mãi như vầy, thì mấy ổng có hơi đâu mà đề phòng cho chu đáo được, ý em nghĩ sao?
Xuân Lan nghe nói nét mặt tươi cười, tấm lòng phới phở, mừng rỡ vô cùng, bèn đáp rằng:
– Em vẫn cũng tính như vậy hôm nay, song em không biết ý chị thế nào, nên em chưa dám nói, nếu nay mà chị cũng có lòng như thế, thì rõ ràng là ý hiệp tâm đầu, tình thân ái của chị em mình còn ai hơn nữa. Nè chị, mà em nghĩ lại thật chị em mình có phước quá chị há!
Thu Cúc vẫn biết ý em, song cũng giả ý sững sờ, bèn nghiêm nét mặt mà hỏi rằng:
– Sự nghiệp nhà mình nay đã tiêu điều, sao em còn gọi rằng có phước?
Xuân Lan cười chúm chím mà đáp rằng:
– Chị khéo hỏi mắc em thì thôi đã! Vậy chớ mỗi lần chị dạy em những gì, mà nay chị lại hỏi em như vậy? Sự nghiệp dầu còn dầu mất là lẽ tại trời, huống chi tiền tài là thân ngoại chi vật, mất còn còn mất cũng chẳng sá chi, vì con người ta ở đời, chẳng phải là lo nghèo, một lo không có đức hạnh mà thôi chớ! Chí như cha mình thật là một người đạo đức hoàn toàn, cư xử với con, lòng dạ rất hiền từ, cha như vậy thì rất dễ cho chị em mình hiếu thuận, vậy nên em mới gọi là có phước. Chớ còn nói chi những kẻ bạo tàn, tánh tình lỗ mãng, ăn đói dọc ngang, cờ bạc rượu trà, say sưa vất mả, đối đãi với vợ con rất là khắc bạc, những kẻ như vậy, dẫu cho có con mà thật đại hiền đại hiếu như vua Thuấn đi nữa, cũng khó mà ở cho hiếu thuận được, phải vậy không chị. Bởi em so sánh như vậy, nên em yêu thương cha mình thật là vô hạn. Nay nghe chị tính dắt nhau đi tìm kiếm mẹ cha, thì em mừng lắm, vậy thì chị em mình hãy lo thu xếp việc nhà, đặng tính đi cho sớm nghe chị.
Chị em bàn tính xong xuôi, bèn gởi nhà cửa lại cho một bà già hàng xóm, rồi dắt nhau ra đi. Lên tới Sài Gòn tìm kiếm trót tuần mà không nghe tin tức mẹ cha ở đâu cả. Hỏi thăm ông Phan Mẫn Đạt thì người ta lại nói ông vì nhà cháy mà buồn, nên phải ra Vũng Tàu mà chơi chi giải muộn, ông đi nay cũng trót tuần, mà chưa thấy ông về. Chi em bơ ngơ báo ngáo, liền nhứt định tháp tùng xe ô tô đưa bộ hành, tuốt lên Tây Ninh mà kiếm.
Khi lên đến nơi rồi hai chị em cứ hỏi thăm tìm tới mấy nhà anh em quen thuộc của cha mình, chắc sao hai ông bà nếu còn lại Tây Ninh thì ắt ở ở nơi mấy nhà người ấy. Chẳng dè hỏi thăm ba bốn nhà người quen mà ai ai cũng đều nói y có một lời rằng ông lên ở đó đã hơn hai tháng, còn bà thì lại xuống Bạc Liêu. Nay lại nghe ông tính hiệp với Phan Công mà ra Bắc, nên ông đã trở xuống Sài Gòn hôm nay cũng hơn trót tuần rồi, song không biết hai ông đã cùng nhau xuống tàu hay chưa.
Hai chị em nghe nói hỡi ôi, hai nàng nước mắt rưng rưng, khó đứng khôn ngồi, lấy làm thất vọng. Phần thì trong lưng tiền bạc chẳng có bao nhiêu, mà hôm nay lớp đi tàu, lớp đi xe, cũng gần muốn hết.
Lúc bấy giờ, hai chị em không biết liệu thế nào, tới khôn đường tới, lui khó nẻo lui, dùng dằng dở ở dở về, rất khốn đốn, Xuân Lan bèn nói với chị rằng:
– Em có nghe người ta đồn đại rằng bà trên núi Điện rất linh, vậy thì tiện đây hai chị em mình cũng nên lên đó mà xin một lá xăm, thử coi cha mẹ mạnh giỏi thế nào và cha đã xuống tàu ra Bắc hay chưa. Cho tiện bề tìm kiếm, chị nghĩ sao?
Thu Cúc bình sanh ít hay tin những việc xin xăm hỏi bói, mà nay vì lòng quá thương cha mẹ, nên cực chẳng đã, phải thuận theo lời em, bèn mướn một cái xe kiến đi lên núi Điện.
Vào tới chơn núi rồi, thấy có một cái xe mui cũng đậu tại đó, lại nghe tên đánh xe của mình kêu tên đánh xe bên kia mà hỏi rằng:
– Anh đi với bà phải không anh?
Tên kia trả lời có một tiếng:
– Ừ!
Hai chị em nghe vậy thì liệu biết cái xe ấy là xe của một bà nào sang trọng chi đây, song cũng chẳng lưu ý đến làm chi, cứ việc xuống xe rồi dắt nhau đi bộ lần lần lên Điện.
(Chẳng dè cái xe ấy là một cái xe có nhiều duyên cớ, rất có quan hệ với cái tiền đồ của hai chị em. Nhờ nó mà hai chị em được bảo tồn danh giá, nhờ nó mà hai chị em được no dạ ấm thân, nhờ nó mà hai chị em khỏi lỡ bước trái chơn, lưu linh đất khách, nhờ nó mà cái kết cuộc của hai chị em sau nầy rất may mắn, rất vẻ vang, biết bao là hạnh phước, ấy là cái xe một vị cứu tinh của hai chị em mà không ai ngờ đó).
Khi lên tới Điện, hai chị em khép nép bước vào, thấy có một bà ni cô ngồi giữa thinh đường, độ chừng năm mươi ngoài tuổi, chơn mày đen, con mắt sáng, miệng vuông da trắng, cốt cách thanh kỳ, thật rõ ràng là một bà đạo đức ni cô, tỏ rõ có thần tiên khi tượng, đang ngồi trò chuyện với một bà tuổi cũng lối năm mươi, ăn mặc đàng hoàng, nết na tề chỉnh. (Bà nầy tức là bà phủ Nguyễn Hữu Ân mà ký giả đã có nói trước kia vậy.)
Hai chị em liền bước tới chào bái cả hai bà, rồi mới tỏ ý mình. Bà ni cô cũng chắp tay đáp lễ, rồi hối người dắt hai chị em vào nơi chánh Điện đốt nhang lên đèn, gióng trống đánh chuông, hai chị em bèn ra quì lạy nơi giữa Điện, thầm thì vái van, rồi lấy ông thẻ xăm nhảy ra một lượt.
Hai chị em liền đứng dậy lạy Bà rồi với lượm hết cả hai cây xăm cầm lên mà coi, thấy một cây Thượng thượng số 92, còn cây kia là cây Trung bình số 84. Rồi đó, hai chị em lại đề huề dắt nhau trở ra thính đường, hỏi mượn quyển sách bàn xăm dở ra mà đoán. Thấy trong lá xăm số 84 là lá xăm Trung bình, có bốn câu bài giải như vầy:
Tìm thân mà chẳng gặp
Lại gặp chỗ người dưng;
Một năm dài đăng đẳng,
Cha con mới đặng gần.
Đó là cái đại ý trong lá xăm ấy giải rằng: Muốn đi tìm cha mẹ, nhưng mà không gặp cha mẹ, lại gặp người dưng. Trong một năm nữa cha con mới gặp nhau.
Còn lá xăm Thượng thượng số 92 lại có bốn câu như vầy:
Việc không cầu lại được;
Điều chẳng ước mà xong;
Có quí nhân mà xong,
Gặp may mắn lạ lùng.
Theo lá xăm nầy thì tốt lắm. Cứ theo đó mà đoán ra thì hai chị em sẽ gặp được cái hạnh phước thình lình. Cái việc mình không vọng cầu mơ ước mà tự nhiên lại được, lại nên, lại nhờ có quí nhân cứu vớt giúp đỡ nữa.
Hai chị em coi rồi trong lòng bán tín bán nghi, bàn tới bàn lui, nghĩ vơ nghĩ vẩn, nghĩ tới cái câu: Tìm thân mà chẳng gặp, thì buồn quá đỗi buồn. Chừng nào gặp điều hạnh phước đâu chưa biết, chớ hiện bây giờ đây, lấy theo cái câu xăm nầy thì quyết nhiên chưa gặp được mẹ cha, nghĩ tới vùng sa nước mắt.
Bà phủ thấy vậy cũng động lòng, bèn kêu hai chị em mà hỏi thăm duyên cớ. Thu Cúc thấy bà tư cách đàng hoàng, thì biết bà là người trong nhà trâm anh phiệt duyệt. Bèn đem hết trước sau lai lịch của mình mà thuật rõ lại cho bà nghe, nói tới mấy chỗ gian truân thì lại động lòng mà rưng rưng nước mắt.