Phần 04

Lúc bấy giờ, hai chị em Thu Cúc với Xuân Lan, tuy đã thoát cái thường tình nhi nữ thì măc dầu, song mà, vì phụ tử tình thâm, cho nên trong cơn tử biệt sanh ly, dầu cho có thiết thạch tâm trường, cũng không ngăn giọt lụy. Khi Xuân Lan nghe ông nói dứt lời, liền khóc tức tưởi mà hỏi rằng:

– Chẳng hay cha tính đi đâu? Trú ngụ xứ nào, xin nói cho chị em con biết, phòng sau cho tiện bề tin tức viếng thăm.

Ông nghe lời hỏi rất chơn tình, bèn lau nước mắt vuốt ve con mà nói rằng:

– Xuân Lan con ôi! Bốn biển là cha chưa biết đâu mà định trước, cha chỉ khuyên con có một điều là phải giữ dạ cho bền mà ghi nhớ những lời của cha đinh ninh dặn bảo, chớ như cha đi phen nầy đây, có lâu lắm là một năm, bằng mau nữa cũng năm bảy tháng dầu thế nào cha cũng ráng lo cho phu thê phụ tử đoàn viên, hai con hãy an lòng, để cho cha dời gót.

Xuân Lan nghe vậy liền ôm cứng cánh tay cha, khóc nức nở và nói rằng:

– Cha ôi! Lời cha đã ân cần dạy bảo, thì chị em con phải tạc dạ ghi xương, ngặt có một điều là mẹ con đi đã trót tuần, chưa nghe tin tức ở đâu, nay cha lại đành bỏ chị em con mà đi nữa, mà cha cũng chưa quyết định cư xử nơi nào. Ôi! Thế thì, từ đây góc bể ven trời, nắng mưa thui thủi quê người biết đâu. Thoảng như trong cơn mưa gió, may rủi lẽ nào, thì chị em con mới biết đâu mà thăm viếng.

Nói tới đó rồi lại khóc mùi; làm cho ông cũng phải động lòng mà rung rung nước mắt. Thu Cúc cũng sụt sùi lụy ngọc, bước tới thưa rằng:

– Cha ôi! Nay cha phải lìa chị em con mà đi lánh nạn, vậy thì từ đây thiên các nhứt phương, em cha góc biển, con cái ven trời, từ xưa đến nay, thật con chưa hề thấy cái thảm cảnh nào như cái thảm cảnh của cha con ta lúc nầy. Tuy vậy, song chị em cũng phải nhắm mắt đưa chơn, ôm lòng mà chịu, chớ biết sao bây giờ. Nhưng con chỉ có lo là lo cha già yếu, tuổi quá tri thiên, nơi xứ lạ quê người, khi ương yếu biết lấy ai mà nương cậy.

Thu Cúc nói tới đây nước mắt chan hòa, liền úp mặt trong mình cha mà khóc mùi mẫn, chẳng nói chi được nữa. Lúc bấy giờ, dầu cho quan huyện có cái gan bền như sắt, ruột cứng tợ đồng đi nữa, cũng phải xiêu lòng, vì con mà rưng rưng giọt lụy.

Còn đương bịn rịn, đồng hồ đã gõ 3 giờ, ông liền lau nước mắt, lấy lời nghiêm chánh mà khuyên giải con rằng:

– Hai con ôi! Hai con đừng bận bịu làm chi, vả người sanh trong hoàn võ, bi hoan ly hiệp là lẽ thường thôi, hai con hãy an lòng, để cho cha dời gót.

Miệng ông tuy nói vậy, mà lòng ông cũng vẫn ngùi ngùi, còn hai cô con thì giọt lụy sụt sùi, ruột đau từng đoạn.

Ấy mới thật là:

Đau lòng kẻ ở người đi,

Lụy rơi thấm đá, tơ chia rã tằm.

Khi ông đi rồi, chẳng mấy ngày thì sự nghiệp cửa nhà của ông đều bị phát mãi hết, mà trừ cũng chưa đủ số nợ ấy, thật khổ biết dường nào! Thật là cuộc đời dời đổi, thương hải tang điền, một cái cảnh gia đình của ông xem rất vẻ vang, trong vui ngoài đẹp như vậy, bỗng nhiên vùng đất bằng sóng dậy, trong một phút mà phải tiêu điều, những kẻ có lương tâm, thấy cái cảnh như vầy, ai mà chẳng đau lòng xót dạ.

Lúc nầy Thu Cúc với Xuân Lan cũng nhờ có chút đỉnh bạc tiền của ông  để lại, bèn đem ra mua một cái nhà tranh cũng gần lối đó, chị em khuya sớm hủ hỉ với nhau, thêu gối mạng khăn bàn lấy tiền mà đắp đổi với nhau, nuôi em là Trọng Liêm ăn học.

Mà thật cũng ngán cho cái thói đời, lúc ông mới về tạo lập gia cư, trong nhà thì tôi trai tớ gái đã rần rần, ngoài ngõ những khách quí bạn sang thêm rộ rộ. Đến nay nhà ông rủi mà gặp hồi lưu ly điên bái, sa cơ thất thế đi rồi, ối thôi! Một khóm lều tranh không kẻ đoái, hai gian nhà lá chẳng ai màng. Thật rõ ràng là:

Nhơn tình tợ chỉ trương trương bạc,

Thế sự như kỳ cuộc cuộc tân.(1)

Một đêm kia, hai chị em chong đèn đem mặt gối căng ra, rồi ngồi lại vừa thêu vừa trò chuyện với nhau, nhơn nhắc tới những chuyện đâu đâu, xiết bao trăm thảm ngàn sầu, dòm lại trong nhà vắng trước quạnh sau, liền nhớ tới mẹ cha, vùng sa nước mắt:

Ôi! Xưa sao nhiều kẻ ra vào?

Chừ sao vắng trước quạnh sau một mình.

Một chặp lâu Xuân Lan bèn lau nước mắt rồi nói với Thu Cúc rằng:

– Nè chị! Hồi mình còn ở đàng cái nhà ngói lớn của mình đó, đã có cha mẹ mình ở nhà, lại thêm bạn bè rần rần rộ rộ, lúc ấy em thấy những bạn hữu của cha mình sao mà họ tới tới lui lui thường quá, mà ông nào ông nấy coi bộ cũng anh anh em em, làm ra như tuồng thân thiết với cha mình lắm vậy. Thật hồi đó lo có một việc cơm cơm nước nước mà mệt đa chị. Rồi bây giờ sao không thấy mấy người ấy họ tới lui nữa, có nhiều khi em đi chợ, em cũng có gặp họ, mà họ lại ngó ngang, họ coi em như kẻ thù của họ, chớ họ không có mừng mừng rỡ rỡ và kêu em bằng cháu cháu con con như hồi đó vậy nữa đâu chị à! Thật cái nhơn tình gì mà vô đoan quá chị há!

Thu Cúc nghe Xuân Lan nói mấy lời, liền chíp miệng mà than rằng:

– Nhơn tình lãnh noản, thế thái viêm lương, hơi sức đâu má nói cho mệt vậy em. Nhưng, cũng có một hai người vẫn còn nghĩ tình giao hảo với cha mình mà chiếu cố chị em mình đó là những người trung hậu quân tử, hữu thủy hữu chung. Chớ còn nói chi những bọn phàm phu tục tử, phản phúc tiểu nhân, hễ lúc thạnh thời thì nó lân la lui tới, xu phụ phùng nghinh, nào là rượu thịt, nào là cơm canh, chị chị anh anh, tình thân mật biết bao là khắng khít. Tới hồi vận bĩ, hễ nó nghe chừng có sa sút lẽ nào, thì chẳng những nó đã lánh xa, lại còn khua môi uốn lưỡi, kiếm chuyện dèm pha, nói chùng nói lén, khi bạc dể duôi, thêm thừa thêu dệt, chiết bác người, làm cho hư danh giá của người, cho vừa cái lòng gian ngoan giả dối của nó; đó là loài nhơ diện thú tâm, nói sao cho xiết. Lúc đó chị thấy những bọn ấy thường tới lui bợ đỡ, làm ra tuồng anh em thân mật, đặng có cậy cha mình giùm giúp cho chúng nó những việc nọ việc kia, thì chị biết là bọn dĩ lợi giao (2) bọn dối giả bề ngoài, nên chị có lấy câu: Luận giữ thị đốc, quân tử giả hồ? Sắc trang giả hồ? (3) mà khuyên can cha mình đừng có chơi bời giao thiệp với chúng nó làm chi thì cha mình lại cười mà nói với chị rằng: Cha vẫn biết chán hơn con, đợi gì con phải nói. Nhưng, cha nghĩ cái câu Điểu thú bất khả giữ đồng quần, ngộ phi tư nhân chi đồ dữ, nhi thùy dữ? (4) Bởi vậy cho nên cha phải lấy theo cái độ lượng của đức Phu tử mà đối đãi với người đời, chớ hơi đâu mà cố chấp lắm vậy con. Cái lời nói ấy đến nay vẫn còn văng vẳng bên tai, thật chị nghĩ lại cái độ lượng của cha mình thinh thinh như biển, đối với quân tử cũng xong, mà đối với tiểu nhân cũng được. Thôi, chứ trời cũng đã khuya rồi, hãy dẹp đồ đi mà nghỉ ngơi cho sớm em.

Lần hồi ngày tháng thoi đưa, bóng thiều quang như tên bắn, từ ngày quan huyện để bước lên đường, lật bật mà tính đã ngoài hai tháng.

Bữa nọ chị em đương ngồi trong nhà, vùng nghe tiếng chó sủa vang, ngước mặt ngó ra thấy có tên trạm ở ngoài sân bước vào, trao một phong thơ, Xuân Lan tiếp lấy, thấy chữ đề ngoài bao, nhìn biết là tuồng chữ của cha mình, chị em mừng rỡ vô cùng, liền xé ra đọc chung với nhau. Bức thơ như vầy:

Tây Ninh, le … 192…

Mấy con yêu dấu ôi!

Từ ngày cha xa cách mấy con, thấm thoát mà đã quá hai tháng trăng rồi, từ ấy đến nay, chẳng có giờ phút nào, mà cha không ảo não âu sầu, nhớ thương con trẻ, nỗi lo cho phận mẹ con, nương náu nơi nhà người, đói no ấm lạnh, nỗi lo cho phận trẻ ở nhà, hiu quạnh trước sau, nỗi lo cho cái tiền đồ của cha sau nầy chưa biết rủi may may rủi lẽ nào, vì vậy mà nó làm cho cha thân tâm lưỡng địa, tình chữ đa đoan, ngổn ngang trăm mối bên lòng, vơi vơi đất khách não nồng cố hương. Thật đương đứng trong cái cảnh cùng sầu nầy, dầu cho hình đất tượng cây, cũng phải nhăn mặt nhíu mày, huống chi cha là một người đa sầu đa cảm.

Một đêm kia, mấy ông bạn của cha, ban đầu còn khuyên giải chuyện trò, sau lần lần trời đã khuya rồi, mấy ổng đều ngáy pho pho, mê man giấc điệp.

Lúc bấy giờ, còn cha ngồi đó trơ trơ, một người một bóng, lo tới tính lui, đường kia nỗi nọ ngổn ngang bời bời. Cha nhơn lấy cái cảnh buồn nầy mà ngụ ra một bài thi, nên cha gởi luôn về cho mấy con, để tỏ tấm lòng hoài cảm.

Thi rằng:

Mấy bước quang san mấy bước sầu,

Ngồi đây mà tưởng chuyện đâu đâu,

Tấc lòng bận bịu chia đôi ngả,

Trăm mối ngổn ngang chứa một bầu,

Chúng bạn mê man rền tiếng ngáy,

Mình ta trằn trọc trót canh thâu,

Biết ai gởi phứt nùi tâm sự:

Còn chác làm chi cái bịnh rầu.

Nói cho phải, từ hôm cha lên ở đây tới nay, những anh em chúng bạn họ thấy cái tình cảnh của cha gian truân như vậy, họ sợ cha buồn rầu mà sanh ra bịnh hoạn chăng, cho nên mấy ổng thường hay kiếm lời khuyên giải cha, nay rủ đi chỗ nầy, mai kêu đi chỗ nọ, hoặc xơi trà mà đàm luận việc đời hoặc ngồi ngựa mà đi dạo xem mấy nơi thắng cảnh.

Nhưng, đi thì đi vậy, chớ bề ngoài tuy cha cũng nói nói cười cười, cho vui lòng chúng bạn, mà bề trong cha vẫn cứ riêng tưởng một mình, dầu cho ai cũng vậy, đương lúc lưu ly điên bái như vầy, nếu có may mà được đến chốn bồng lai, được xem những kỳ hoa dị thảo, thủy tú san thanh đi nữa, thì trong lòng buồn vẫn hoàn buồn, vì vậy mà cha lại nhớ tới câu:

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu?

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.

Rồi cha lại nhơn lấy câu ấy mà làm đề, ngụ ra một bài thi nữa, họa là nó có hả hơi chút đỉnh chăng. Nay cha cũng biên hết mà gởi về cho mấy con, đặng để làm kỷ niệm cái ngày của cha con ta phải bước lưu ly nầy.

Thi rằng:

Cảnh nào là cảnh chẳng đeo sầu,

Người gặp lúc buồn cảnh cũng âu,

Mây tỏa muôn chòm non núi ủ.

Mưa sa mấy giọt cỏ hoa sầu,

Vơi vơi lối cũ lòng ngao ngán,

Thui thủi quê người dạ đớn đau,

Thoảng mãn nhớ thương ba trẻ dại,

Trống thành nghe đã giục canh thâu.

(Nguyễn Trọng Luân)


(1 )Nhơn tình bạc bẽo mỏng mẻng như giấy

Thế sự đổi dời chẳng khác cuộc cờ

(2) Dĩ lợi giao: là tính làm bạn với ai mà có lợi cho mình thì mới kết bạn.

(3) Ngồi nói chuyện với mình mà hay dùng những lời trung hậu thiền đốc; thì người ấy có quả thật là quân tử chăng? Hay là người làm bộ dối giả bề ngoài (Hypycrite) chăng.

(4) Điểu thú là khác loại chăng nên chung lộn với chúng nó, thì đã đành rồi; chớ còn bọn nầy dầu gì nó cũng là loài người. Nếu ta chẳng cùng với nó thì cùng với ai bây giờ? (Ấy là lời của đức Khổng Phu Tử nói với học trò của ngài là Tử Lộ).

Viết một bình luận

error: Content is protected !!