Nhà ông đương buổi yên vui, trên êm dưới thuận, thoạt đâu ông vùng tiếp được một tin điện báo ở Sài Gòn, đánh lại cho ông hay rằng: Ông Phan Mẫn Đạt là bạn hữu của ông mà ông đã có đứng tên bảo lãnh một số nợ của một hãng buôn kia hơn năm ngàn đồng, mà nay ông Phan công rủi bị hỏa tai, một nhà buôn bán rất to, vì có một ngọn lửa vô tình, mà trong một giây phút phải hóa ra một đống tro tàn rất nên thê thảm, vì vậy mà mối nợ của hãng không phương trả nổi.
Bởi đó cho nên nay hãng ấy nó buộc ông về sự bảo lãnh liên can, phải trả cho đủ số, bằng chẳng thì nó sẽ kiện xin giam thâu, hoặc xin biến mãi gia sản của ông mà trừ cho đủ nợ. Lúc bấy giờ, cả nhà ông đều bấn loạn, dường như sét đánh thình lình, đã vậy mà năm ấy ruộng của ông cũng chìm, rẫy của ông lại thất, thật rõ ràng là phước bất trùng lai, họa vô đơn chí; thế thì ông có tài nào mà giải cái nguy nầy cho khỏi được.
Đương lúc này Nguyễn Trọng Liêm tuổi còn thơ ấu, chưa biết việc chi, còn bà huyện và hai cô Thu Cúc với Xuân Lan, hôm sớm âu sầu, lấy làm bối rối. Duy có ông, bề trong tuy cũng lo buồn, mà bề ngoài ông vẫn cứ an nhiên, chẳng ai rõ được.
Đây ký giả xin nhắc qua việc ông Phan Mẫn Đạt, nguyên ông nầy cũng là một người chí khí cao thượng, trước kia ông cũng có làm quan, tức là bạn đồng liêu mà cũng là bạn đồng tâm đồng chí với quan huyện. Ông nhơn nghĩ vì mình sanh nhằm trong buổi huỳnh kim thế giái nầy là buổi ưu thắng liệt bại, vùng vẫy nơi đám thương trường, hầu có bảo tồn quyền lợi cho quê hương, kiếm tư bổn cho nhiều, để hiệp nhau mà lập Ấu trĩ viên, hoặc lập thêm Cao đẳng học đường mà ung đúc nhân tài, dầu được dầu hư cũng chẳng nệ, quyết hiến thân cho hội, chỉ cầu cho đạt được cái mục đích của mình mà làm gương cho đám thanh niên đó thôi, phần thì ông cũng chán ngán bên phía hoạn đồ, nên ông mới xin từ chức, để ra ngoài lo dựng nghiệp dinh thương.
Trong khoảng năm sáu năm trường mà cái cuộc buôn của ông đã lần lần khuếch trương ra rất to tác. Ông lại có một người con trai, tên là Phan Quốc Chấn thiên tư đỉnh ngộ, học thức thông minh, tuổi vừa 24, hiện đương học tại Thương nghiệp cao đẳng học đường ở bên nước Pháp, còn một năm nữa mới thi lãnh bằng Tốt nghiệp.
Trước kia ông vẫn hứa kết sui gia với quan huyện, định đến ngày nào con ông học tốt nghiệp mà về, thì chừng ấy ông sẽ cưới Thu Cúc cho Phan Quốc Chấn. Chẳng dè vận thời điên đảo, phú quí tợ phù vân, một nhà buôn vốn liếng ước năm ba muôn, mà trong giây phút đã hóa ra tro bụi.
(Viết tới đây ký giả cũng ngùi ngùi, để bút xuống chip miệng mà than dài, rồi lại ngước mặt lên mà hỏi thử Hóa công, vậy chớ cái chưởng loại nầy, hãy còn mắc cái tội tình gì mà ông nỡ để cho những kẻ có chí lo đời, thường bị việc rủi ro, cho đến nỗi phải bại gia tán sản? Còn những kẻ khan tài nô cùng những phường công tử bột, thì ông lại để cho chúng ăn sung mặc sướng, xuống ngựa lên xe, kẻ thì đem bạc vạn mà chôn theo mấy đám trăng hoa, người thì vác bạc muôn mà đi thua cờ bạc, điếm đàng đĩ thỏa, vô ác bất tri, những trang ưu thế mẫn thì, có đáng buồn cho chưởng tộc ta chăng?)
Ngày giờ thấm thoát, lật bật chẳng bao lâu mà đã thấy Trưởng tòa đến biên tịch nhà cửa quan huyện Nguyễn Trọng Luân, không chừa một món. Bà huyện thấy vậy thì than trách ông rằng:
– Ngày nọ tôi có cản ông mà ông không nghe, nay đã đến cớ đổi như vầy, sự nghiệp ắt tiêu điều, còn chi là danh giá.
Ông nghe bà than phiền như vậy, thật ông cũng động lòng, song ông cũng lấy lời chánh đáng mà an ủi bà rằng:
– Bà nó ôi! Phàm làm người đứng trong võ trụ, hễ mặc lốt người thì phải biết thương người, nhất là người cùng một da, dân cùng một nước mà còn phải thương yêu nhau, giúp đỡ nhau thay. Huống chi là bạn đồng tâm đồng chí. Vả Phan công là trung hậu quân tử, có chí khí trượng phu, trước kia người vẫn có ân nghĩa với nhà ta, lại thêm tôi với người đã cùng nhau hứa kết sui gia, đến nay mà người có gặp rủi ro, ấy cũng bởi vận thời điên đảo, cơ biến nơi trời, chớ chẳng phải tại người rượu trà cờ bạc, tửu điếm trà đình chi mà sanh ra việc điên nguy như vậy. Ôi thôi! Hễ là đứng trượng phu xử thế, thì ta phải vì nghĩa mà chung lo chung chịu với anh em, dầu cho có tán sản khuynh gia cũng can tâm mà chịu, cho tròn cái nghĩa vụ, chớ biết sao bây giờ! Thôi, vợ chồng ta cũng nên thuận theo lẽ trời mà tùy ngộ nhi an, bà nó chớ có phàn nàn mà phải võ vàng gầy ốm. Tuy vậy chớ chúng ta cũng hễ mà nghe cái tiếng trống vô tình, họ sẽ đem tới mà gióng inh inh nơi trước cửa, vậy thì bà nó hãy xuống Sa Đéc hoặc vô Bạc Liêu mà tránh đỡ một ít lâu, chừng nào qua hồi dông gió, rồi sẽ trở về cũng chẳng muộn chi.
Bà huyện cũng thuận theo ý chồng, liền thu xếp việc nhà rồi từ giã chồng con mà đi lánh nạn. Bà đi rồi vừa được ít ngày, một đêm kia ông vì buồn bực, thổn thức bồi hồi, nằm không yên giấc, nhơn nghĩ lại từ ngày ông mới bước vào đường đời cho tới nay, đã hơn ba mươi mấy năm trời, ông nếm đã đủ mùi ngọt, bùi, cay, đắng, chua, chát, mặn, nồng, đến nay tuổi quá tri thiên rồi mà hãy còn gặp cơn gian khổ, phải bước truân chuyên, nên ông ngụ ý đặt ra một bài thi, rồi ngồi dậy bước lại thơ phòng, lấy giấy mực viết ra như vậy.
Khuấy khỏa làm chi hỡi Hóa công?
Ba mươi năm mấy chưa vừa long.
Tuổi xanh luống chịu điều cay đắng,
Tóc bạc còn mang tiếng mặn nồng,
Thân phận đã dày cơn gió bụi;
Công danh chưa toại chí tang bồng,
Xiết bao xô đẩy người như thế;
Không lẽ mà ông khuấy tới cùng.
Ông viết rồi vừa đọc vừa ngâm một mình, chẳng dè Thu Cúc cũng vì lo buồn mà ngủ chẳng yên, còn đương mơ màng, bỗng nghe tiếng cha ngâm thi, liền ngồi dậy ngóng tai nghe rõ hết đầu đuôi, vùng sa nước mắt, bèn bước ra rĩ rén thưa rằng:
– Chứ trời cũng đã khuya rồi, sao cha chưa nghỉ, còn thức làm chi cho mệt vậy cha?
Ông đáp rằng:
– Cha nhơn buồn lòng, nên ngụ ý mà nghĩ ra được một bài thi, nên phải ráng viết ra đây, kẻo sợ để sang ra ngày mai rồi mà quên mất thì uổng lắm.
Vừa nói vừa lấy bài thi trao ra cho Thu Cúc xem. Thu Cúc với tay tiếp lấy bài thi đọc đi đọc lại và suy nghĩ một hồi lâu rồi thưa rằng:
– Luôn đây con cũng nghĩ được một bài, song chẳng phải là con họa vận, con lấy theo điệu liên hườn mà nối với bài thi của cha, họa may có nhờ cái hơi phú hứng trong đấy mà về sau cha con ta có thể phục hồi cựu nghiệp lại chăng? Vậy xin để con viết ra cho cha xem, ngỏ nhờ cha phủ chánh.
Nói rồi liền lấy giấy viết ra, bài thi ấy như vầy:
Tới cùng rồi ắt có ngày xong.
Người phải trời đâu nỡ phụ lòng;
Xô đẩy thế nào rồi lại đỡ,
Lấp ngăn cho mấy cũng là thông,
Lá lay trối kệ loài đen bạc,
Son sắt lòng ta cứng tợ đồng,
Thẳng rẳng đường đời xăm xúi mãi;
Còn khi may gặp hội mây hồng.
Ông xem hết bài thi rồi quay lại ngó Thu Cúc mà nói rằng:
– Trọn bài thi của con làm đây cũng là khá, duy có cặp luận, con đối chưa được chỉnh, nhưng đó cũng bởi cái lòng của con, vì quá ghét những lũ vong ân bội nghĩa, phản phúc tiểu nhân, nên nó lộ ra trong hai câu thi ấy, thôi cũng nên để vậy, chớ chẳng cần phải tô điểm lại làm chi mà làm cho mất cái tinh thần của con trong cơn cảm hứng.
Lúc ấy Xuân Lan cũng vừa thức dậy, nghe cha với chị mình còn đang luận thi, bèn vội vàng dậy đi nhúm lửa lò, bỏ than quạt lửa, nấu nước pha trà rồi đem cho cha uống. Ông vừa uống trà vừa nhìn sững hai cô con, rơi đôi giọt lụy mà nói rằng:
– Hai con ôi! Cha vẫn yêu thương chị em con lắm, bấy lâu một bước cha chẳng nỡ lìa, đến nay mà vận nhà điên đảo, gặp lối hiểm nguy, cái thế nó buộc cha con ta phải tạm lìa nhau; vậy trước khi cha để bước lên đường cha có mấy lời dặn bảo chị em con đây, chị em con phải giữ dạ ghi lòng mà giữ gìn cho tròn danh giá, ấy là một điều cha ước mong hơn hết. Vả em con là Trọng Liêm vẫn còn thơ ấu, khờ dại chẳng biết chi, chớ như hai chị em con đây tuổi đã trộng rồi, cũng vừa đúng cái thời kỳ nghi gia nghi thất; theo lẽ thường thì lúc nầy là lúc cha mẹ phải kiềm thúc giữ gìn, chớ chẳng nên rời ra trong giây phút, nhưng mà đó là những con gái nhà tầm thường kia, chớ như hai chị em con là gái biết điều, nói ít hiểu nhiều, cha cũng khỏi lo cho lắm.
Nói tới đây ông liền nhìn sững Thu Cúc một hồi rồi ông lại lau nước mắt mà nói rằng:
– Này con, còn một việc nữa rất quan hệ về cuộc trăm năm của con mà bấy lâu cha thấy con vẫn còn thơ ấu, mải lo ăn học, nên cha chưa tỏ cho con hay, đến nay con cũng đã khôn lớn rồi, lại thêm cha con ta cũng gần phải lìa nhau, vậy thì cha cũng nên nói cho con rõ mà giữ gìn danh tiết cho nhà người. Nguyên lúc con còn ăn học trong trường cha nhơn thấy thằng Phan Quốc Chấn là con trai của anh Phan Mẫn Đạt, thông minh đĩnh ngộ, hữu quốc sĩ chi phong, lúc nó chưa đi du học bên nước Pháp, thì nó vẫn thường theo cha nó tới lui cơm nước nơi nhà mình, tưởng khi con cũng đã biết nó rồi. Bởi vậy cho nên cha đã hứa hôn với cha nó mà định gả con cho nó. Nay tuy là rủi vì tai biến của cha nó mà liên lụy tới nhà mình thì mặc dầu, song ta cũng phải giữ gìn lời hứa cho trọn trước trọn sau, chớ chẳng nên học cái thói dã man, hễ mỗi lần đi làm sui, thì cứ xách cái bàn toán ra mà tính trước, chừng thấy người lỡ bước sẩy chơn rồi ngả lòng thối chí, ấy là một điều mà bình sanh cha vẫn ghét lắm đa con. Thôi, cha cũng chẳng cần phải nói chi cho nhiều nữa, cha chỉ xin hai chị em con phải biết rằng người đời họ thường lấy bạc tiền mà làm sự nghiệp, còn cha con mình đây thì chỉ có lấy cái thanh danh mà làm sự nghiệp đó thôi, ấy vậy phận hai con là gái, thì phải trọng lấy tiết trinh, làm sao cho trong như giá trắng như ngần, được như vậy thì chẳng những hai con đây là một cặp ngọc báu của nhà mình, mà lại cũng là một đôi gương lành của Việt Nam xã hội đó hai con à!