Đang lúc mê mê mẩn mẩn, thình lình nghe có tiếng chi kêu một cái “quét” rất to, làm cho anh ta giựt mình ngó xuống, thì thấy hai con ngỗng lớn đang lội giỡn dưới cầu. Cũng bị tiếng kêu ấy mà cô nọ day đầu ngó lại, bèn thấy anh ta mặt mày lơ láo, tuồng như mới tỉnh chiêm bao, nhan sắc sượng sùng sửa cái dáng bình thường lại còn chưa kịp.
Anh ta thấy trong cặp mắt cô nọ dường như đã hiểu hết ruột gan mình vậy, thì lại càng đỏ mặt tía tai hơn nữa. Cô nọ vội vã chạy ra bắt tay cười mà nói rằng:
– Tôi tưởng anh khí tuốt về Mạc Xây rồi đó.
Khi nghe lời đấy thì Ngô Bác Lãm hết hồn bèn nghĩ thầm rằng “Ủa! Thế khi cô ta rõ sự mình muốn trốn cô ta rồi đây sao chớ?” Song cũng làm gan mà trả lời:
– Đi đâu lại không đến từ giã cô nữa hay sao?
Cô nọ liền nhìn Ngô Bác Lãm rồi mỉm cười mà rằng:
– Lời ấy là lời tôi nói chơi đó mà.
Tuy là nói vậy song cái cách nhìn ấy tuồng như cặp mắt cô ta có ý nói rằng: “Ta đà hiểu hết chớ có làm bộ chi”. Cho nên anh ta lấy làm bứt rứt xốn xang hơn nữa, may đâu dòm xuống gặp nhằm cuốn sách nơi bàn thì vớ đó mà hỏi lảng rằng:
– Cô xem sách chi vậy?
– Buồn không chi đọc, tôi coi sử Đại Pháp chơi, chớ chẳng sách nghiệm chi đó thì phải. À, tôi đang có nghĩ một việc mà chưa ra, kế con ngỗng nó kêu tôi mới giựt mình day lại thấy anh đó, phải anh không nhắc tôi đã quên rồi. Tôi đang hỏi tôi: ‘Vậy chớ ví như trận Hoa Tẹt Lô (Waterloo) mà Nã Phá Luân (Napoleon) không thất, thì cái đời thế kỷ 19, cõi Âu châu nầy nó mới ra thế nào, còn nước Đại Pháp nay phải dường bao?
– Thiệt không ai xét nghĩ lạ lùng như cô vậy bao giờ? Chuyện ấy có can hệ chi ta mà phòng suy nghĩ?
– Chuyện tuy không quan hệ đến ta; song ta muốn quên cái thân phàm tục của ta trong một lúc, đặng đem cái tư tưởng ta lên cho đến chỗ cực trọng, cực cao, ngỏ hiểu thử coi: Ví như trận Hoa Tẹt Lô mà cái người vĩ đại kinh thiên kia không thất bại, thì các lớp tuồng trong thế kỷ mới phải đổi ra sao? Đó là muốn xét cho tột cùng cái lẽ bí mật của thiên địa mà chơi, cho giải trí vậy. Chớ có chi đâu?
– Thiệt là khó định. Duy có một điều tôi dám chắc được là “mưu sự tại nhơn/ thành sự tại thiê”. Cũng như bên Trung Quấc lúc đời mạt Hớn, có ông Gia Cát Lượng ở núi Ngọa Long, đã giỏi tài quyết sách vận trù, lại rành phép điều binh khiển tướng; mà rốt cuộc rồi cũng đãnh túc tam phân. Chớ đâu có thế cải trời cho được.
– Tôi hỏi anh chuyện nầy, anh nói sang chuyện khác.
Ngô Bác Lãm bèn đột nhiên nhớ lại mà rằng:
– Ý! Tôi quên, đem truyện Tàu ra nói với cô, thiệt tôi điên quá! Còn cái điều cô muốn rõ đây cũng là ngặt lắm. Tôi tưởng dầu cho đứng Tạo công cũng khó thể trả lời cho chắc đặng nữa mà! Là vì trong cái bổn tuồng của Tạo hóa đặt ra, thì vai Nã Phá Luân chỉ có đến đó là cùng mà thôi. Bởi vậy cho nên trận ấy chẳng là tại binh Pháp có bảy vạn hai, còn binh Đức với Anh tới 15 vạn sáu mà Nã Phá Luân phải thất. lại cũng chẳng phải là tại đại tướng Rông Si (Gronchy) đã chẳng chận đặng cho binh Đức với binh Anh khỏi nhập, theo như lời Nã Phá Luân đã dạy; rồi lại chẳng kéo rốc bồn bộ binh mình hơn bốn vạn bắt sau trận giết tới, đặng có trợ lực với đại binh mà Nã Phá Luân phải bại. Lại cũng chẳng phải là bởi 20 năm chiếc lược, rồi tài cao của Nã Phá Luân nó phải lục đi, nên bộ trận dàn binh thất thế mà thua. Lại cũng chẳng phải là nhờ tướng Lư Sê (Blucher) đến tiếp mà Huê Linh Tôn (Wellington) thắng nổi Nã Phá Luân. Song chỉnh phải hiểu rằng tại cái vai tuồng của Nã Phá Luân đã hết, tạo hóa bèn đỡ xuống một ít hột mưa rất trái mùa nghịch tiết cho ra đến thế. Và Nã Phá Luân xưa nay tuy khiển tướng điều binh chẳng ai sánh kịp; song cái chỗ hay nhứt, cái tài lạ nhứt, cái sự trông cậy vững chắc nhứt trong việc hành binh; cái vật mà nhờ đấy trở bại làm thắng, bởi đấy mà hãm trận đoạt thành, tại đấy mà oai rền như sấm, là chủ nơi cái đạo đại pháo hết mà thôi; vì ngài xuất thân là quan pháo thủ. Bởi ấy trận ni tuy số binh ít hơn binh nghịch thì mặc dầu, chớ người rất chắc thắng hơn các trận xưa nay cả thảy; là vì người biết binh nghịch có 159 khẩu đại bác, còn ngài thì đặng 240 khẩu, lại thêm cách điều khiển phi thường của ngài nữa, thì có lo chi là chẳng thắng. Dè đâu sáng ra xáp trận, thì đêm ấy trời lại ào mưa làm cho bùn lấm bẫy lầy xe vận tải lương thực trễ không đến kịp; binh lính phải chịu ướt, chịu lạnh, chịu đói trọn buổi sớm mai, mấy khẩu đại bác thì đầy de day động chẳng dễ chẳng mau cho đặng. Nên người phải đình binh đợi mãi cho đến mười một giờ ngoài bèn mới ra lịnh đấu tranh, thì qua lối bốn giờ thì binh Anh đã thối bộ, trong giây phút ắt cuốn vó chạy dài chớ không đâu. Thình lình Đức binh tiếp đến, người khỏe ngựa hăng; làm cho bên bại thành thắng còn bên thắng phải bại. Chớ vì như trời mưa chằng gió mưa, người xáp trận theo ý của người là hồi tảng sáng, thì binh Đức tới đâu cho kịp mà cứu đặng chú Anh. Coi như thế có phải là tạo hóa sợ người còn lại mà cản đản cái lớp lang bổn tuồng của mình, nên làm ra thế chăng? Thật trện ni nếu mà trời không ra sức, ắt các lớp tuồng của tạo công đã định tài chi mà không bị cản bị ngăn cho đặng. Các người ấy là người trời đã mượn tay mà làm những việc rất phi thường quái gở; trong hai mươi năm trường vùng vẫy, cõi châu Âu sông máu núi xương, một thanh gươm chém ngã biết mất ngôi vua chúa. Kìa dẫu cho tài như Pháp Lăng Linh (Franklin) nước Mỹ, bắt sấm sét khớp vàm mà sai dụng. Trí như Ba Banh (Papin) nước Pháp, lấy lửa nóng nước sôi mà xài xể quá ngựa trâu; tuy cũng lạ cũng kỳ, nhưng mà còn có lẽ có thế có mối có mang, để cho hậu tấn nắm lấy mà phăng theo chẳng khó. Chí như dẫn một tên quân lên cho đến ngôi cửu ngũ, dọn một chú đội lên cho đến tước Đế Vương; dám đem một cái sự cực vi cực tế mà làm cho ra cực trọng cựa cao; đem một cái sự cực thấp cực hèn mà làm cho ra cực vinh cực hiển; thì có khác chi đem con kiến nhỏ kia mà độ mà cân cho thiên hạ thấy là đồng lớn đồng nặng với một thớt voi to nọ; dường ấy trên đời có ai bắt chước mà làm theo cho đặng hay sao? Cái người như thế mãn vai, mà nếu chẳng sập màn cho ảnh nghỉ đi, để ảnh đứng hoài nơi sân khấu, thì ảnh làm chi thiên hạ lại chẳng nín thinh chống mắt mà coi; rồi mấy cái vai tuồng khác chừng mô mới ra mặt đặng chứ? Vậy nên trận Hoa Tẹt Lô thật ấy là tại vì nơi thiên lực đó mà thôi, chớ đâu phải nơi nhơn lực. Thế khi con người phải hiểu rằng: “Dẫu mà tài có vĩnh địa kinh thiên cho mấy đi nữa, đến khi vai tuồng đã mãn thì thiên công lôi cổ vô buồng liền, còn có phương chi mà chống cãi cho đặng đâu nào. Chớ khá lúc được thì vui cười mừng rỡ tự đắc phiêu phiêu, còn lúc thua lại đâm đầu thắt họng oán trách vơ quàng. Vả máy trời lộng lộng thinh thinh nên ta phải ráng hết sức ta cho rõ biết cái mạng trời đó thôi, chớ chẳng khá cượng cầu mà chi vô ích”.
Cô nọ khi nghe Ngô Bác Lãm luận bàn như thế, thì gặt đầu ngó xuống nói lầm thầm trong miệng, tuồng như mình nói với mình mà rằng:
– Hay thay! Thật là quả nhiên đó chúc; cái lúc vai tuồng chưa mãn dầu có tháo trút điều chi cũng không trốn khỏi; phải chờ cho vai dứt lớp rồi, thì mình dầu không nghỉ, trời cũng bắt thôi.
Ngô Bác Lãm thấy vậy thì biết cô ta đang có tâm sự chi chi đó, nên bèn lẳng lặng làm thinh, để an tịnh cho cô ta suy nghĩ, day qua mé hồ bên kia mà xem coi cảnh vật.
Giây lâu cô nọ ngước lên bèn kêu Ngô Bác Lãm mà hỏi rằng:
– Anh ưa cảnh tịnh an nhàn nhã như vầy chăng?
– Thôi! Cô đừng hỏi, bình sanh cái chỗ vọng ước của tôi là đặng một cảnh cho an nhàn mà dung thân trong lúc xử rồi với thế; chớ tôi biết kiếp tôi đang hồi tuổi trẻ, thì không mong chi được. Cô thiệt là đại phúc lắm đó.
– Ôi! Anh tưởng là tôi có phước lắm sao? Tuy anh giang hồ khắp xứ, chớ tôi tưởng khi anh chưa khốn cực với trần cho bằng tôi đâu. Tôi có cái chỗ nầy đã bốn năm nay, mà chưa hề hưởng đặng chút nhàn với nó bao giờ cả. Ngày nay việc đời tôi sắp đặt đâu đó đã xong xuôi, thì tôi vội vã tuốt đến đây là có ý cho thung dung tự toại; lúc từ giã Ba Ri thì tôi những chắc ngày nhàn tôi chuyến nầy chẳng chạy đâu cho khỏi đặng đó rồi. Dè đâu hôm nay tôi lấy làm lo sợ chẳng cùng, vì tôi thấy mòi trần thế nó còn theo mà muốn níu tôi trở lại nữa thì phải. Nầy tôi muốn cậy anh một điều, chẳng biết có đặng cùng không há?
Ngô Bác Lãm lấy làm lạ vô cùng bèn ngó trân cô nọ mà hỏi rằng:
– Cô cậy điều chi? Tôi xin nói trước với cô rằng ‘Dầu cho khổ cực thế nào mà sức tôi làm đặng thì tôi hứa chắc sẽ giúp cô tận tình”.
– Việc tôi cậy anh đây chẳng phải khổ cực chi cả, song rất khó làm, vì xưa nay thiên hạ chưa ai làm đặng.
– Tôi ráng hết bình sanh chi lực; vậy xin cô cắt nghĩa cho rõ thử nào.
Cô bèn dụng cả tinh thần ngó chăm bẳm vào cặp mắt Ngô Bác Lãm, dường như muốn dòm thấy ruột gan của anh ta, rồi nói một cách oai nghi chậm chạp rằng:
– Xin anh hãy giúp cho tôi hết vương nợ trần từ đây, ngỏ đặng hưởng an một cái chữ nhàn mà thôi.
Ngô Bác Lãm mang nhiên mới hỏi cô nọ rằng:
– Cô tưởng tôi có thế giúp cô điều ấy hay sao?
Cô ta chẳng hề thôi ngó Ngô Bác Lãm mà đáp rằng:
– Tôi chẳng những là không tưởng mà thôi, mà tôi đã rất chắc rồi.
Lúc ni trong cặp mắt cô ta ra tuồng hiền hậu, tỏ sắc khẩn cầu quá lẽ; làm cho Ngô Bác Lãm gan ruột như bào. Đang trong cơn ấy ước như cô ta mà hỏi xin cái mạng sống của Ngô Bác Lãm, khi anh ta cũng không thể chối từ cho đặng. Bởi vậy cho nên chừng hội trí biết cô nọ nói đấy là nghĩa chi rồi, thì liền hẳm hẳm hẳn hứa cùng cô nọ rằng:
– Tôi xin hứa chắc vậy.
Cô nọ lại còn gặn thêm:
– Phải cho nhớ ấy là lời hứa của nam nhi đó ẻ.
– Phải tôi nhớ luôn.
Cô nọ lấy làm mừng bèn bắt tay Ngô Bác Lãm mà rằng:
– Em rất cảm tạ anh chẳng cùng.