Đến khi quan huyện ra khách, lính dắt Nga Thơ vào, Nga Thơ khai rằng:
– Vì tôi muốn đặng gần Trầm Cẩm Đường nên tôi mưu hại chồng tôi. Bữa nọ chồng tôi nói đi thăm anh em bạn, tôi nấu cháo ăn sớm mai, tôi bỏ thuốc cuồng tâm cho chồng tôi ăn, ăn rồi phát cuồng, nói ngô nói xàm, nhào lộn kêu la, mẹ chồng tôi cũng thấy. Đến đêm rốt người ta vắng hết, mẹ chồng tôi mê ngủ quên đi; còn chồng tôi thì mê thuốc độc nằm thiếp thiếp không cực cựa. Khi ấy Cẩm Đường lén vào giết chồng tôi chết, trước khi chết cũng có la lớn, mà lối xóm tưởng là chồng tôi cuồng nên không ai nghi. Tuy là Cẩm Đường giúp sức xuống đao, song bởi nơi tôi cả thảy. Giết chết rồi phân thây lấy muối, muối cho thiệt mặn gói để giấu trong rương, rồi Cẩm Đường mới xủ tóc cầm dao mà chạy, giả làm chồng tôi phát cuồng chạy bay mà nhảy xuống sông. Lại lấy một chiếc giày của chồng tôi mà bỏ nơi mé bờ làm cho người ta tin là chồng tôi nhảy xuống sông mà thác.
Quan huyện gặt đầu nói rằng:
– Mấy lời mi khai rất thiệt, giết người sự tích rõ ràng, vậy đứa gian phu của mi bây giờ nó ở đâu? Mi phải chỉ ra thì mi nhẹ tội.
Nga Thơ nói:
– Việt ấy nơi tôi làm thì tôi chịu, tôi cam một thác mà thôi, dầu quan lớn có giết tôi thì tôi cũng cam tâm, thiệt tôi không chỉ.
Quan huyện dạy biểu đem giam lại, rồi bày tiệc đãi Đắc Công. Khi ấy anh bạn của quan huyện cũng là hàng thân sĩ ở địa phương, nghe Đắc Công tìm án như thần, đã có trí mà lại có mưu, đã có công mà lại có nghĩa, cho nên ai ai cũng muốn tìm cho gặp Đắc Công coi người ra thể nào mà trí ý coi cao thâm đến vậy.
Khi nhóm nhau tại huyện ăn tiệc mới chào mừng gặp mặt rồi xúm hỏi căn do.
Đắc Công nói rằng:
– Hồi còn ở Long huyện chưa về, đương lo công việc, không biết cớ nào trong lòng bứt rứt ngồi đứng không yên, nên xin phép đặng về tảo mộ. Chừng lúc đi ghe nằm chiêm bao hai lần thấy Huỳnh Tác Dân nằm trên đống máu, trong lòng khoan khoái, trông riết về coi. Khi lên bờ đi bộ lại có kẻ kêu lại mà rằng: “Võ Đô Đầu! Võ Đô Đầu!”
Đến chừng tới nhà họ Huỳnh thì thấy bạn cũ đã đi rồi, người mới tới thế, trong lòng áy náy nghi hoặc chẳng yên. Tìm xét nhiều lần, bặt không tâm tín, cũng tưởng co tay mà chịu, chẳng dè gặp bạn cũ là Hồ Kỉnh An. Duy có một người đó nói với tôi rằng: “Nga Thơ không phải trinh phụ”. Nhơn vì xưa nay trong thiên hạ, hễ dâm phụ thì chưa người nào mà chẳng dữ, hãn phụ chưa người nào mà chẳng dâm, rõ đặng một cớ ấy.
Bởi thế cho nên tôi về ở chung một nhà với chúng nó đặng thăm dò tình hình. Tôi lại khiến một người chạy vào nói bướng rằng Tác Dân còn sống điên cuồng ở nơi miễu bây giờ thì thấy lão bà mừng niệm Phật om sòm, còn hai vợ chồng nó tỉnh táo như thường mà lại còn nạng trở tên báo cấp đó nữa. Coi thế dường như chúng nó chắc là chết thiệt, không có lý phụ sanh. Thì tôi biết chắc hai đứa nó giết Tác Dân không còn nghi ngờ chi nữa. Khi tôi ở nhà đó thì tôi cứ nói chuyện âm chất, quả báo cùng là gian tình hiềm án thì tôi xem lén, nhan sắc chúng nó dường có xốn xang.
Bữa nọ, tôi nói sát đề tài rằng: “Có đám đó nó giết người rồi lấy vợ người lại giả nhơn giả nghĩa làm tuồng hiếu thuận, thế làm con mà nuôi dưỡng mẹ chồng, hịt như chuyện nhãn tiền của chúng nó đương làm nên chúng nó e ốc nhiều bề, lo dường lậu sự vậy.
Có ngày nọ, Cẩm Đường đi vắng, con dâm phụ ấy ở nhà khóc với mẹ chồng cũ một cách rất thê bi, lại có kể câu nầy: “Lòng tôi nguyền một thác với chồng, bị thương một chút mẹ chịu cải giá là sự cùng mà biến đó thôi, chớ lòng sạch gương trong của tôi ai mà thấu đặng. Nay lại bị người tật đố, khi không mà đặt chuyện nước lã khuấy nên hồ. Người suối vàng như có linh thiêng, chứng chiếu tấm thành cho người lỡ phận”. Ấy là muốn khóc nói cho tôi nghe. Khi nó nín khóc rồi tôi lóng tai nghe dường như lục đục làm công việc chi trong phòng vậy.
Tôi hỏi chồng nó đi đâu, thì nó nói không biết đi đâu. Tôi lại nói với Trần bà, xin ở căn phòng chỗ chồng cũ nó ở đó, thì nó lại kiếm lời tráo chác mà ngăn trở, thì tôi thấu rõ trong ấy còn thông tích chi đó chớ chẳng không.
Mà lại vầy nữa nên tôi mới chắc; hễ trời nóng nực thì có hơi hôi thì con dâm phụ ấy lại càng đốt hương đốt tốc. Đã vậy mà sao chồng nó đi đâu sáu bảy ngày không về vậy có lý chồng nó đi trước, nó ở lại cho nhẹm rồi đi sau; nên tôi vậy với Hữu Luân xin với quan huyện cho lính đó, hễ gặp nó đi thì xét, mới bắt đặng tang tích đây vậy.
Nói tới đó ai nấy đều khen rồi mới uống rượu. Quan huyện cười mà nói rằng:
– Thầy thiệt là ông Phước Nhĩ Na Tư phương đông chớ chẳng phải chơi. Du Long huyện có một tân như vầy, có lo chi là việc chẳng phân minh, tiếng ngợi om sòm, một ngày bảy ngàn dặm!
Yến tiệc xong rồi, ai về nhà nấy, quan huyện đem Nga Thơ tra nữa, thì cũng khai y như trước một mảy không sai.
Quan huyện lấy khai phạm án tập dưng lên thượng hiến. Theo lời án thì Nga Thơ đà đáng chết mà Trầm Cẩm Đường cũng không biết quan thượng ty sai tập nã đặng không, dẫu mà trốn khỏi phép dương trần, chớ âm võng tuy thưa, nào xưa nay ai trốn khỏi?
Phê rằng:
Châu Nga Thơ quến gian tình thiết, đã có chồng còn mưu sự mà hại chồng. Khi phụng thờ theo lẽ đàn bà ở như vậy cũng nên phong tặng. Người làm sao trí rất cao, mưu rất kín, thung dung mà trấn định lòng người, làm cho Trần ba tin ngơm ngớp như lời, đến con chết mà còn lầm rằng có phước. Nếu chẳng có Huỳnh Đắc Công thủ đoạn thì làm sao vạch ra chỗ bí mật mà minh oan. Chắc là đống thịt xương muối để trong rương, chuyện như vậy xưa nay cũng có. Tại không gặp Huỳnh Đắc Công nên biệt tích, để phú cho âm võng lúc tương lai.
Coi như việc tra tìm mật án ít dày trí như Đắc Công. Lúc mới về quì trước án tiền khóc kể đủ động lòng người, hỏi chứng cứ, tìm tích án, mỗi việc kỹ cang chẳng hề sơ lược. Như vậy mới thiệt là một tay lãi lại đã từng kinh nghiệm ví với trinh thám gia ngày nay chẳng kém chút nào. Đã dè dặt mà dày công, đã chính chắn mà còn kín đáo.
Thiệt là:
Lành dữ đáo đầu không thể trốn,
Coa bay xa chạy đất trời nao?