Hồi thứ năm

Khi cô kia nghe Ngô Bác Lãm giảng luận mấy điều dường ấy thì lấy làm khen ngợi chăng cùng mà rằng:

– Lời anh nói thiệt là diệu diệu huyền huyền, nghĩa lý rất sâu xa vô cùng, tôi chắc trong toàn cầu ni bực thấy biết như anh vậy chẳng có mấy người đâu.

– Cô nói chi cho quá lẽ bực như tôi đây là xe chỗ ô lường mới hết chớ chẳng đếm trăm đếm thiên cho xiết nữa mà.

Con người ta ở đời ví như kẻ kia vào mỏ vàng mà moi, mà cạy, mà đào, mà đãi, mà kiếm, mà bòn từ mạc, từ hào, từ ly, từ phân; dồn dập lâu năm chầy tháng, thì nó cũng phải thành lượng thành cân, thành khối đặng, chớ nào có không đâu, miễn là cho bền chí, cho siêng tâm đó mà thôi; ấy là chuyện người khai mỏ vàng đó. Chừ nếu ta lấy thế cuộc mà làm như một cái mỏ lớn kia vậy, mỗi ngày cứ đào, cứ bươi, cứ tầm, cứ kiếm, thì nay được một chút, mai gặp một tí, mốt được một phân, dồn dập lâu ngày ắt nên việc, chớ có khó chi; chỉnh tại con người khai mỏ vàng thì hiếm, còn khai mỏ thế thì chẳng bao nhiêu, cho nên cô mới gặp ít người hay luận thế tình đó mà thôi chớ.

– Thật vậy chút, nhưng mà người khai mỏ vàng, thì người ta chắc kiếm được vàng, còn như anh khai mỏ đời đây, tôi e cho anh phải gặp những sự đắng, sự cay, sự buồn, sự khổ mà thôi. Vì thế thiên hạ mới chẳng dám moi đào cái mỏ lạ của anh đó.

– Tôi cũng biết vậy, song ấy là một điều quê của thiên hạ đó mà. Kìa như trong các món thực vật của ta, đã biết cái vị béo ngọt là đầu, là ngon, nhưng vậy mà nếu chẳng có vị đắng, vị cay, vị nồng, vị chua, vị chát thêm vào nữa thì ăn có ra chi bao giờ? Ai thử cứ béo cứ ngọt mà ăn luôn nội trong ít bữa, coi nó có bắt lờn, bắt chán hay không? Bởi ấy cho nên người ta phải dùng hoặc cái thì vị cay, cái thì vị nồng, cái thì vị đắng vân vân … mà gia thêm vào vị béo vị ngọt kia cho nó khỏi lờn khỏi chán. Cũng đồng một lẽ, nếu đời mà không có sự tân, sự khổ, sự hoạn, sự họa, thì con người ắt phải chán phải nhàm đi còn gì; cho nên tạo hóa rất khéo không mới gia thêm vào cho đời mấy sự ấy, là sự rất có ích cho đời lắm đó; sao lại trách, sao lại sợ là nghĩa gì? Thật những kẻ sợ điều tân khổ của đời, thì chẳng khác chi sấp trẻ nên ba: vì sấp trẻ ấy tuổi ấy thường nó biết ưa ngọt ưa béo mà thôi; chớ có bao giờ biết đặng cái sự ngôn của vật đắng, vật cay, vật chua, vật nồng là sao đâu? Chính phải tuổi cho trộng rồi, mới biết cay cho đến hít hà là ngon; chua cho đến tái miệng là khoái; đắng cho đến quách lưỡi là đẹp vân vân …

– Anh nói thật chẳng sai phân tấc nào cả, tôi có một người em bạn ở Nhiêu Do (New York), nhỏ hơn tôi bốn tuổi, con một người đại phú gia kia. Mỗi lần cô ta có viết thơ từ, thì đều than thở với tôi rằng cô ta buồn lắm; vì từ lúc bé thơ cho đến chừng ni tuổi đó thì cứ ăn no rồi ngủ; hết ngủ lại đi chơi, đi dạo, đi tiệc, đi đám luôn luôn sao coi nó chán nó nhàm quá đỗi; cô ta lại nói rằng “mình lấy làm vô phước, vì không gặp một hai cái hoạn nạn chi; đặng mà lo rầu như thiên hạ thế thường kia vậy. Theo trí cô ta tưởng, mỗi khi mình gặp một cái hoạn nạn, mà mình tính toán cho thoát khỏi qua rồi; thì chẳng khác chi lúc còn đi học, mà thầy đem đố mình một bài toán kia, rồi mình làm đặng mình tính toán ra vậy đó; cho nên chắc là phải khoái vô cùng. Chớ như vào trường mà thầy bỏ mình ngồi một xó, không hỏi tới tên, không ngó tới mặt, thì lúc mới tuy là sướng đấy; nhưng mà chầy ngày giáp tháng như vậy, có phải là buồn chết đi không?” Lời nói ấy thật nên hữu ích. Nay nghe anh luận tuy là sâu xa thâm thúy hơn nhiều, nhưng xét cũng đồng một tứ.

Lúc ni hai người coi đã ưa thích nhau quá, cho nên nói nói cười cười, mặt mày hớn hở; không ai nhớ rằng cái sự gặp gỡ nầy đây chẳng còn bao lâu ắt phải rã rời phân cách. Vậy hai người còn đang chuyện vãn thình lình nghe tiếng chuông reo, biết đã tới giờ, cả cặp mới dắt nhau mà bước xuống phòng ăn một lượt.

Chừng đi đây, Ngô Bác Lãm mới chực nhớ lại rằng: “Ối, khuya nầy tới chỗ, kẻ Bắc người Nam, thật là “phước ta” vắn quá à!” Nghĩ như thế rồi mặt vội xủ buồn; khi đến chỗ vừa ngồi xong xả, anh ta mới ngó cô kia, thì thấy sắc mặt cũng đà xàu đổi, dường như hoa gặp nắng trời tiết hạ mà héo don, anh ta lấy làm lạ quá, bèn vội nghị rằng: “Người ấy mới vui như ta lúc nãy, cớ sao mà “buồn gấp thế ni”. Hay là cũng vì suy nghĩ như ta vậy đó?”

Còn đang lưỡng lự nghi ngờ, cô nọ đã liếc mắt qua thấy sắc cậu ta như thế, tuồng đà thấu hiểu mọi điều, nên vội vàng hỏi Ngô Bác Lãm như vầy:

– Chừng đến Tu Ni (Tunis) anh đà định phải trú ngụ đâu chưa?

– Tôi chưa nhứt định. Những tưởng đến nơi rồi, thì sẽ kiếm nơi khách sạn nào khoảng khoát mà ngụ.

– Tôi biết thành Tu Ni khắp hết; vậy thì anh để tôi đem anh ở cùng tôi một chỗ đặng chăng? Tôi phải tạm nơi khách sạn đôi ngày, ngỏ thuê người dọn dẹp nhà tôi cho sạch sẽ, rồi tôi mới về nhà được. Tuy có nhà đất tại đây, mà bốn năm nay tôi chưa hề đến ở, để cho tên làm vườn coi ở lấy chừng đó thôi, nên chừ phải dọn dẹp cho vẻn vang rồi ở ăn mới tiện.

Ngô Bác Lãm khi nghe lời ấy thì dường như thằng gần chết đuối, lại gặp ống phao to; nên lấy làm vui mà đáp rằng:

– Thay may quá đỗi. Tôi những lo tới chỗ đây, thì cô một nơi tôi một ngả mà thôi.

Cô nó ngó xuống mỉm cười mà chẳng nói chi nữa cả. Từ đây hai người cứ nói chuyện về phong tục nhơn tình người Á Phi Lợi Gia (Afrique) chớ không chi lạ nữa.

Qua một giờ khuya, tàu mới đến tại Tu Ni thì bọn cu li nó tràn xuống chiếc tàu; cô nọ liền nói với Ngô Bác Lãm rằng:

– Anh để cho tôi coi việc chở chuyên đồ đạc cho, vì tôi biết tiếng Á Rập thì có dễ hơn.

Ngô Bác Lãm thấy cô ta tề chỉnh, không chợp rợp chả rộn ràng chi hết, lựa hai tên cu li vậm vở bảo vác đồ thẳng lên nhà Thương chánh cho người ta soát lục; rồi thì bảo để đồ lên xe thẳng ra khách sạn một cách thứ tự hẳn hòi, không lộn xộn chút chi cả; thật Ngô Bác Lãm là tay đã quen việc đi đường, mà thấy cô ta cũng lấy làm khen ngợi chẳng cùng.

Tới khách sạn bèn lấy hai phòng kế nhau, đêm ấy tuy mệt thì mệt chớ cậu ta cũng không ngủ đặng. Những mảng trằn trọc xốn xang mãi mãi, nghĩ tới cô kia chừng nào, thì càng lấy làm lạ thêm chừng nấy. Nghĩ theo tuổi tác thì chẳng lẽ cô ni chửa chồng; mà nếu có chồng lại đi đâu một mình như thế; sắc ấy, tài ấy chồng nào nỡ để một mình hiu quạnh mà qua ở một cái nhà bỏ hoang đã bốn năm nay nơi xứ Á Phi Lợi Gia nầy.

Vả cái tánh Ngô Bác Lãm xưa nay gặp một ông vua hay một tên ăn mày, thì coi chẳng khác nhau có phải là thấy oai thế, thấy tước quờn, thấy chi chi, mà khớp, mà sợ bao giờ. Cớ sao từ lúc cái ả lạ thường ni thì trong lòng lại có hơi kiêng nể cũng kỳ; nhiều khi muốn hỏi cho biết tên biết tuổi, cho rõ cội nguồn, mà rồi lại thụt đi không dám.

Sáng ra xuống dụng lót lòng, rồi cô nọ đi thuê người dọn dẹp cửa nhà, còn Ngô Bác Lãm thì dạo xem thành phố. Ở đây luôn ba ngày trọn mà chỉ gặp nhau trong mấy buổi ăn. Qua chiều bữa thứ tư, cô nọ mới nói với Ngô Bác Lãm rằng:

– Tối nay tôi sẽ dọn về nhà, vậy mai anh hãy đến chơi nhé! Lẽ thì tôi dẫn anh đi bây giờ cho biết chỗ, xong vì đồ đạc tôi chưa lắp đặt xong xuôi, nên mai anh đến thì ghế bàn mới có chỗ phân minh. Tôi đã dặn thằng đi giấy của khách sạn đây, nó sẽ dẫn lộ cho anh; vì hôm nay nó có đi với tôi ra vô mấy bận, nên nó biết đường. Mai anh có đi phải đi cho sớm, trời còn mát mẻ thì tốt hơn, vì đường ấy không được bằng phẳng, nên đi xe coi không mấy tiện.

Nói rồi hai người bèn từ giã nhau, cô nọ mới chở đồ lên xa mà dời gót. Ngô Bác Lãm đưa ra tới đường, đỡ cô nọ lên xe, rồi đứng ngó cho xe chạy đến khúc quanh, không còn thấy nữa mới chịu trở vô.

Tối bữa ấy, Ngô Bác Lãm ăn sơ sài ba miếng rồi tuốt lên phòng ngồi đứng chẳng an; mấy đêm kia tuy cũng có buồn, song biết rằng cái người kia ở chẳng xa mình, cách nhau có một tấm vách mà thôi, thì trong trí có còn an ổn đặng một chút, nên còn có nghỉ có ngơi. Đến hôm nay biết rằng mình ở đây là hiu quạnh một mình, cô nọ đã chẳng còn chung đội một mái nhà với mình đây nữa, thì nó sầu nó thảm khôn cùng; những trông cho mau sáng đặng có vội tuốt đến nhà mà thôi.

Mới vừa bảy điểm anh ta đà đổi thay y phục rồi xuống uống cà phe, gần muốn kêu thằng đi giấy bảo nó sửa soạn đặng có dẫn lộ cho mình. Thình lình vội nghĩ lại rằng: “Ôi! Cái giống sắc xưa nay nó chìm nổi anh hùng biết mấy, ta há chẳng rõ hay sao? Vả lại ta đang vùng vẫy giang hồ, thì phải chơn tay cho thong thả, mà nhảy mà bay cho mau cho lẹ. Có đâu nay lại lăm le đút cẳng vô vòng, cho sanh nhủng nhẳng, sanh đeo thẹo, sanh níu trì, thì cái sở nguyện ta mới bao giờ thỏa đặng. Ta đã biết trong mình ta rằng “chầy kiếp chi ta đây phải sa vào cái vực thẳm hang sâu ấy chớ chẳng không”; vì hình như có luồng khí chi rất mạnh vô cùng nó rút riết ta xuống đấy vậy. Nay đây ta còn ở nơi mé vực, nếu mà ta chẳng tiểu tâm cẩn thận; để cho trợm tới chừng nửa bước, hay là xơm tới lối vài phân, thì dẫu cho trời kia có xuống mà cứu ta, ta cũng chắc không thoát đặng rồi đó. Chừ tuy đà quá trễ, nhưng cũng còn thế thoát thân. Vậy từ đây ta phải nhứt định trốn hẳn người đờn bà ni, không nên gặp mặt nữa thì may có khỏi chăng?”

Nghĩ như thế bèn bảo lấy ít ly rượu uống chơi cho giải muộn, rồi mới lên phòng khóa cửa mà ngủ riết đến chiều, bỏ hết một buổi ăn trưa. Qua lối sáu giờ ngoài, Ngô Bác Lãm mới giựt mình thức dậy, thì liền vội vã thay đồ xuống ăn, vì đà quá đói.

Ăn rồi tưởng đã nguôi ngoai, ai dè đêm ấy nó lại càng bứt rứt xốn xang hơn đêm trước thập bội. Nhiều khi đang lúc nửa đêm nó bắt muốn chạy đại nhà cô nọ lập tức cho mau thấy chút dạng hình thì mới ưng lòng vừa ý.

Cả đêm xét tới nghĩ lui, cân đi đo lại rồi nói rằng: “Nầy là một ả sắc tài gồm đủ, chớ phải như cái bọn phụ nữ tầm thường kia sao, mà mình phòng e phòng sợ nỗi chi. Tưởng khi người nầy gần ta, ắt có thể giúp ta trong điều toan tính, trong việc luận bàn chớ chẳng không đâu. Hay là trời có ý giúp ta thêm một tay mưu sự mà ta không biết, ta bỏ qua, thì có phải là uổng đó chăng? Ôi thôi! Cuộc đời nhiệm nhiệm mầu mầu, nhiều khi trong phước mà có họa, lắm lúc trong họa lại thấy phước; biết đâu mà ngăn ngừa, hơi đâu mà trốn mà chạy. Miễn là mỗi khi trong phước mà mình tránh cho khỏi điều ích kỷ tổn nhơn, gặp cho đặng chữ cứu nhơn lợi vật, ấy là quí đó mà thôi. Chớ còn cái thân mình đây với thế cuộc, thì phú mặc cao xanh sắp đặt, tới đâu cũng cho rồi phận sự thì thôi; cần chi nháo nhác cho hổ mặt làm trai. Người ta đã biết mình mà trọng yêu như thế, thì ơn tri kỷ kia còn chưa trả đặng; lẽ đâu lại bạc khinh nữa, ắt lỗi biết ngằn nào?”

Nghĩ vậy rồi thì chỉ trông cho mau sáng đặng có đi tầm cô nọ cho mau.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!