12 – Luận bàn thế cuộc: Chung

Đặng Song thấy Hồ Hải là gái, mừng biết dường nào, rồi nói với Cẩm Tú rằng:

– Bây giờ nàng mới hết biểu tôi cưới vợ bé và cho nàng làm bạn cầm kỳ mà thôi. Sự đâu may mắn lạ dường, làm cho nàng rạng như gương tiết lành. Ví chăng duyên nợ ba sanh, có đâu duyên ngẫu thiên thành vậy vậy?

Cẩm Tú rằng:

– Nghĩ mình mặt dạn mày dày, nay chàng đã nhắc lại đau thay tấc lòng. May mà Hồ Hải chẳng phải là đờn ông, phải không thiếp biết tỏ cùng ai đây? Tú bà đã nói vật rồi, chữ trinh ở đó có người bảo kê. Hãy lấy việc Hồ huynh mà bói, thì ngày sau thiếp chẳng khỏi chàng khinh. Thiếp đương quấc sắc thiên tài, chàng yêu hoa, yêu vẫn một thì điểm trang. Rồi sau lục phấn phai hường lòng kia giữ được thường thường mãi chăng? Nếu cho là thắm chỉ hồng, biển tình tuy lai láng, chớ không chừng có dợn xao. Nỗi cơn sóng gió ba đào, bình yên thì thôi, mà hễ có rầy rà, thì chàng chỉ chỗ trinh chàng kể, thiếp chịu mà sao kham? Cho nên thiếp tắt lòng phàm, quyết vô am tự mà làm ni cô. Rứa thời khỏi nhục, khỏi ô, vườn gà, núi séo nam mô thanh nhàn.

Mẹ Cẩm Tú nói:

– Nó nói bộ để đợi lịnh cha mẹ, nay có lịnh ta rồi, mà nó còn muốn bẻ ống vặn nài! Cõng mang con nặng trong thai, ngày nay bao lớn thi hài lại quên!

Nguyễn Sinh nói:

– Anh đi vắng mặt bấy chầy, nhờ trời mà đặng hội nầy đàon viên. Cô Ba, xin nghe lời tôi khuyên, vị tình huynh trưởng viễn phương mới về. Đặng gia ơn nghĩa vẹn nghì, trai tài gái sắc kém gì người xưa.

Hồ Hải rằng:

– Cô Ba, ngày này cá nước gần duyên ưa, tôi xin hãy bỏ, hãy chừa sự tu.

– Tôi thề hết tiếng với nàng, nếu lưng biền, nói càn chết đi. Sự nàng nghịch cảnh nghịch thì, sao mình lại gắt với mình lắm chi? Từ xưa tài mạng không vì, thường hay tương đố vận thì lắm ru. Tại nàng quấc sắc hơn người, máy xanh cho đến đất trời ghét ghen.

Nguyễn Phong nghe Cẩm Tú còn ngảnh nữa lại muốn đi tu, thì nói rằng:

– Đồ bất hiếu! Còn cha còn mẹ nỡ dạ nào muốn tẻ mà đi!

Nguyễn Phước nói:

– Ối! Mẹ cha mà nó kể đi gì, con ngỗ nghịch ấy tại mình vô phước.

Đặng Song nói:

– Vả Phật đạo khởi Thiên Trước, Phật Thích Ca là người nước Chà Và. Vẫn người chẳng biết tiếng ta, nói năng những tiếng Chà Và tinh nguyên. Ví dầu có khẩn có nguyền, nghe làm sao đặng tịnh thiên chuyện gì. Xưa Lương Võ đế suy vi, thân vong quấc phá cũng vì Như Lai. Mục Liên tìm xuống Dạ Đài, cứu không được mẹ thấy tài Phật đâu? Tuy là nói chuyện dị đoan, chớ tích xưa nhắc chuyện hoang đàng vậy đa. Tàu cho đạo Phật lớn hơn, huyền điệu nhiệm mầu hơn đạo trời. Mà sao nay đạo trời thanh thế lắm thay! Nước nào thờ Đức Chúa Trời ngồi trên thiên hạ, lấy nước người như chơi.

Nước Thiên Trước là nơi Phật ở, sao bây giờ lở vở lắm thay! Bị Hồng Mao lấy hơn mấy trăm năm nay! Tài Thích Ca Mâu NI đâu há! Tàu đặt chuyện trong truyện Tây Du phép lạ: Tề Thiên lên loạn thiên cung. Nội các tiên trên trời hiệp với lôi công, đánh chẳng xuể Ngộ Không vậy. Tổ đạo tiên là Thái Thượng Lão Quân, cũng không làm chi nổi. Bị thế, thiên đình bối rối, Ngọc Hoàng cầu cứu với Phật Như Lai (là Thích Ca Mâu Ni đó). Như Lai dùng một bàn tay, bắt Đại Thánh dường như thám nang thú vật. Nói như rứa, đạo trời thua đạo Phật, mà sao nay đạo Phật lật bật mà ở dưới đạo trời?

Vì Ăng Lê thờ đức Chúa Trời, mà đặng ở trên nước Ấn Độ? Náo cái tịnh bình của Nam Hải Quan Âm đâu? Sao không rút hết nước biển Thiên Trước mà rút luôn tàu bè vô trỏng? Nào câu chú “Án ma ni bát di hồng” của Phật Tổ đâu, chẳng dời cả núi Ngũ Hành Sơn mà đè cả bọn chim nước của mình? Phật xưa nay không làm ích gì cho bổn thân mình, mà cũng không giúp chi cho nước. Chớ mấy người theo đạo trời thì nhiều kẻ an bang định quấc, thâu cõi nầy, lấy phương kia cũng nhờ tay có đạo. Coi lại coi, nội hoàn cầu bây giờ, không có nước nào sùng đạo Phật mà đặng chiếm trị một nước thờ Đức Chúa Trời. Vả lại Như Lai là ông Phật đầu, mà đã mang tội thất hiếu cùng cha mẹ. Song thân của người làm vua nước Thiên Trước nhưng người đành bỏ mà đi.

Song thân ban đầu còn lấy lời khuyên mà người cũng không ở lại. Sau thét rồi song thân năn nỉ, ỷ ôi, khóc lóc, xiết than, sầu thảm vô hồi nhưng vậy người cũng đành bỏ! Năn nỉ 5, 7 lần mà người cũng chắc dạ nằn nằn quyết một mà thôi, lén trốn đi chẳng chút đoái hoài, tiếng “cha, mẹ” người chẳng hề mở miệng nhắc nhở. Ngài có vợ có con, song ngài cũng làm cho oan ương Nam, Bắc, phụ tử chia đàng. Đối với đời thì ngài mắc tội với trần gian, vì sanh ra thế chớ ngảnh việc thế.

Nước Thiên Trước mê đạo ngài mà hủ tệ, dân gần ba trăm triệu, nước cũng xem xem nước Tàu, không ăn xài lãng phí như Annam cho nên trong nước rất giàu, tiền của biết bao nhiêu mà kể. Song năm tối cứ lo kinh kệ, mêm man cái đạo dị thường, chẳng toan cho nước thạnh cường, chừng nước tới trôn rồi, phép Phật cự với đại bác thần công sao lại? Sao nàng còn hãy mong xách dép về Tây? Bắt chước người bất hiếu chi vầy, lần chuỗi bồ đề mãn kiếp có thấy ai thành đâu há? Có bài thơ xưa nói về “Thanh ni hồi tục” như vầy:

Đài gương đã gởi phận mong manh,

Lạt lẽo ngày xanh, nghĩ chả đành!

Của bụt lo đền ơn bảy kiếp,

Khối tình còn bận nợ ba sanh.

Dọ đương lở dở màu son phấn,

Lá gió lao xao cái én anh.

Ở thế chớ mong lòng chán thế,

Kíp về lo trả nợ sanh thành.

Lại có bài ca Tứ Đại của người Long Ẩn quán ở ở Trà Vinh đặt nói về Đạo Thích Hà Vi, như vầy:

Làng kia chẳng rõ vụ thời,

Làm chay thí tế tơi bời,

Bị thầy chùa phỉnh người dị đoan.

Ích chi thủy lục trai đàn?

Khiến bạc vàng muôn ngàn trôi sông.

Thật là uổng côn có ích chi đâu nà?

Tức tối thay, biết hỏi ai cho tường bổn mặt,

Kẻo xốn xang lòng như dao cắt tâm can.

(Ngậm thở rồi lại ngậm than!)

Tốn hao của dư muôn,

Lo lắng làm bôn chôn đôi ba làng, năm bảy tổng,

Xúm nhau mà theo (lục) thổ, hương đăng rực rỡ, tinh anh chói lòa.

Bới có dư ăn trong nhà,

Của cải mấy tòa mới toan xài cho bớt đi,

Giàu có để làm chi,

Khiến tốn hao xuất năm,

bảy chục cúng Phật cho nhiều,

Hầu khỏi đọa trầm luân (nghĩ dửng, dừng dưng!)

Nhớ xưa lúc nhà Lương, Võ đế lầm tai ương,

Bởi tại lòng tin Phật Tổ,

Chốn đài thành ngọa tử, ngửa nghiêng xã tắc.

Như Lai đâu không phò?

Cám rha1n giả cô dờ vi Phật lập chùa,

Nên nỗi tàn giang san,

Hỡi người đồng bang,

Chớ ngủ mê kêu nhau thức dậy,

Quét sạch mây mù theo ngọn đuốc văn minh.

 (Xin đừng có khinh!)

Đua tranh bới dị bang,

Samh làm người trần gian,

Hết lòng ân cần,

Lo thủ đại lợi mới ngoan,

Hùn hiệp mãi thương, thời đặng vững vàng.

Chóng chóng khá viễn tư,

Hậu khỏi cận ưu.

Hỡi ai đừng tưởng sự tu,

Phật nào hộ trì,

Qua Ấn Độ còn xa xuôi,

Dư bằng thối lui,

Hãy lo việc kim thời.

Phận tôi phân phải trái cuộc đời,

Dám đâu khoe sức khoe tời,

Xin khán quan rộng suy xét lợi,

Xem cho tường giả chơn lấy ra lóng trong gạn đục,

Bỏ phức tu trì mau theo dõi văn mình.

(Xin đừng có khinh!)

Xưa nay lẽ dinh hư trước mắt đã hãn tàng.

 Sanh người sanh trong cọi dinh hoàn,

Chán trần thế hủy mình hay hơn.

Còn bây giờ đây trong miền Lục tỉnh đạo Thích Ca coi mòi họ chấn chỉnh lại nhiều. Người làm đầu tin những người giàu có biết điều, mà phần nhiều vi phú bất nhơn, thường làm việc ác. Nay có tuổi hồi tâm sợ sẹt, e ngày kia có chết mà phải địa ngục hành hình. Nên chi họ cậy Phật làm cho họ khỏi khổ hình, như rứa, họ va tiếng hối lộ cho Phật đó.

Đã tích ác làm giàu có, hoặc tôi ư thiên vô sở đảo giả, Phật nào lại hơn trời? Dẫu sùng tu miễu võ đòi nơi, trong lòng đao kiếm tu thời uổng thay! Lập chùa miễu sao không cất nhà trường, nhà thương, nhà thí? Có tiền nuôi sãi tăng sao không bao cho học trò nghèo đi học bên Tây?

Buộc nó học ròng như là làm đồ chai, làm giấy, chế tơ lụa, thuộc dạ, làm đồng hồ, thế đường, cách hấp cá hộp. Nói tắt một lời học các món về kỹ nghệ, mỹ thuật, không phải học đồ can hệ tới quấc gia như là đúc súng, đóng tàu trện, vì mấy sự nầy dẫu mấy nghìn thu nữa mình cũng không biết.

Lập chùa miễu sao đành để cho trong làng mình lắm đứa trẻ con côi cút không ai nuôi dưỡng, dắt dìu, giáo hóa, lớn lên vô trí vô năng. Cứu một mạng người bằng cất năm bảy cảnh chùa, vì nuôi đứa cô độc, cút côi cũng như cứu mạng nó, chớ để cho thân sơ thất sở, thiếu sự tiếp dưỡng, lớn lên lao ốm thể con cò ma và thất điều giáo dục, dầu có sống cũng như thác vậy. Có tiền để cất chùa miễu, thà để làm những điều ích nước lợi dân, làm phước nhỡn tiền còn hơn làm chùa miễu dường của đổ sông đổ biển.

Đặng Song nói một hơi dường như nước chảy, làm cho Cẩm Tú nghĩ lại chàng nói phải chẳng sai. Phần thì bác, cha mẹ và anh chị dâu đốc vô và dức la hoài, nên Cẩm Tú chịu vui lòng vầy cầm sắt.

Ngày ấy, dọn bày một tiệc mầng các cuộc đoàn viên. Đương khi ăn, Nguyễn Phong hỏi Nguyễn Sinh rằng:

– Cháu đi bển và Hồ Hải bị bắt làm sao, hãy tỏ bày cho cha mẹ cháu và bác rõ.

– Qua bển cháu hết lòng làm việc, nên quan trên yêu mến lắm thay. Rất đởm can nên được thưởng mề đay và khen ngợi cho làm tới chức quan một. Cháu có đi thủy chiến đến phá Đạt-Đa-Nen (détroit de Dardandelles) mà công phá nước Thổ Nhĩ Kỳ. Nước Langsa lại với Ăng Lê đều hiệp đánh Tuyết-Ki ngõ vô Hắc Hải mà trợ Nga-La-Tư.

Cả ba nước đều dùng hết binh thơ, giáo đầu rồi Pháp với Anh đánh vỡ cái phá Đạt-Đa-Nen không nổi. Trong lúc ấy, cháu có gặp mông-xừ Trần Văn Phong là anh ruột của ông Bang Biện Trần Đức Lâm tổng Trà Bình cũng tùng chinh nơi đạo binh của cháu. Mông-xừ Phong sau được hồi hương, nghe làm tới chức chủ sự sở (tào cá). Chẳng bao lâu nghe người bị bịnh lao mà thác, rất tiếc thay cho người có chí anh hùng.

Đánh Đạt-Đa-Nen không xong, đạo chiến thuyền Pháp – Anh trở lại Xa-Lô-Níc. Cah1u xin về Paris dưỡng bịnh, một trăng thì lành mạnh. Cơn nầy cháu ra trận Hoec-Đon, rủi bị sanh cầm đem về Đức Quốc.

Mười phần đều kể mất, nào chắc chi còn. Đang lúc héo don, sao lại gặp Hồ huynh cũng bị bắt đem về nhốt một nơi với cháu. Tha hương ngộ cố tri còn rất báu, huống chi bị vậy mà gặp nhau thì mừng biết nước nào. Thời cũng may ông Garros cũng bị sanh cầm nhốt một chỗ cùng nhau, ba người hiệp lực đồng tâm đào hang dưới đất, ban đêm thấu ra ngoài tường, mà trốn về Đại Pháp. Ông Ga-Rốt nầy là con ông Ga-Rốt chủ nhà báo Nông Cổ Mín Đàm. Người trẻ mà rất can đởm, nay có tên người biêu nơi con đường Garros ở Saigon đó.

Con cũng có gặp ông quan ba Đỗ Hữu Vị. Bên Tây, từ con nít cho tới kẻ lớn, ba tiếng Đỗ Hữu Vị đều thường ở nơi môi người ta. Tuy ngài làm mới tới quan ba, mà họ kính phục gần bằng quan sáu. Ngài hằng nói ngài có hai bổn phận: một, là ngài huyết máu Việt Nam, hai, là ngài nhập Pháp nhân, nên ráng sức mà làm việc xấp đôi người vậy. Ngái dường ấy, mà rủi ro dường ấy, sang trọng quá nên cốt hài mới được đam trở lại Nam kỳ. Nay cõi trần tuy xác biệt ly, chớ tên ngàn thuở nên nơi thanh sử. Tại Saigon có đường Đỗ Hữu Vị, Cholon có đường Trần Thanh Cần. Hai vị này, sanh vi tướng, tử vi thần, thiệt chẳng thẹn người Nam ta đứng trong hoàn vũ. Con cũng còn gặp nhiều Annam anh dõng nơi chiến trường danh nổi như phao.

Hồ Hải nói:

– Người Langsa ái quốc biết bao, cho đến đỗi con chó, là loài ngoại vật, mà trong cơn binh cách, có nhiều con biết đam thân để lợi dụng cho nhà nước. Con chẳng nói bực râu mày và con trai còn con nít, vì bực nam nhi của nước người ái quấc, ái chủng vô cùng. Con chỉ nói về cái bực hồng quần, mà trong mấy năm giặc, tận tâm vì nước. Chưa có giặc, đàn bà áo quần dài thượt mà hễ nghe đao binh nổi lên thì mặc ngắn hết nhiều. Để kiệm cần tiền bạc bao nhiêu, ngõ phụ trợ cho quê hương khỏi vòng nô lệ.

Thấy đàn bà người vậy, rồi nhắm lại tah6n con cũng đàn bà, coi kỹ, không thấy sự chi hay đáng kể, nên ngậm ngùi tủi cho Hồng Lạc mai sau. Con tuy là cái phận quần xoa, chớ nơi trận thượng cũng được xướng danh giữa quân sĩ.

Nguyễn Sinh nói:

– Thật người Pháp tâm tính cao thượng. Việc thường tình chẳng để cho thường tình. Thí dụ như trong vụ tuyển binh, kẻ đúng tuổi, bữa nhập ngũ thì hân hoan nhảy nhót, miệng ca hát bài Ái Quốc (La Marseillaise), bộ tướng đi châm bẩm tươi cười. Cha mẹ, vợ con đưa đón tuồng mặt rất vui, sắc mừng hớn hở, chẳng phải buồn rầu, khóc là như Annam vậy. Nếu than van, rên xiết thảm sầu là thường tình đấy, còn châm hẩm, vui lòng, lố mòi can đởm là tính cao thượng cũng có Langsa làm như Annam vậy, mà phần đó ít quá.

Nguyễn Phong nói:

– Cháu hãy thuật việc Âu châu chiến kỹ, đặng cha mẹ và bà con nghe chơi.

– Chuyện ấy trong các báo có thuật rồi. Thôi, để cháu ca cái bài ca tứ đại đề “Âu châu chiến quốc” cho các bác nghe sơ cho vui tiệc. Bài ca đó như vầy:

Vang sấm vang rân bốn phương trời,

Âu châu chiến kỹ đương thời, rõ phép tài của người văn minh.

Langsa Đại Pháp thầy minh, bởi bất bình quyết tình ra oai.

Hiệp cùng đồng minh, dẹp Anh-Măng lăng loàn.

Anh-Măng ôi! Cũng tại người khoa tài thủ đoạn, nên đến đỗi nầy, kỵ hổ khó xuống thay.

Bên đông Nga-La-Tử, phía tây thì Langsa, Anh quấc cũng Bỉ quấc,

Sát khí rền vang đất, sanh kỳ tế nhựt, kinh kích hươi dậy trời.

Đức hỡi D(ức bất tời, bại hoại nỗi nầy, hết lương tiền binh gia, mưa ta nha, huyết phúng nhiên tiên ô tự khẩu, chiêu học cho mình, vậy cũng gọi thông minh!

Tại người trớ trinh, ỷ sức cường dấy binh, trung lập người chẳng kinh, đoạt quan cùng lấy tỉnh, đi ngang Bỉ quấc phá tan lũy thành.

Nay tới số đã đành, dẫu có tan tành ai thương và ai binh?

Nọ nước đồng minh, đã giao lân với Ý Đại Lợi, sao chẳng giúp mình, vì mình quái, mình tinh!

Ôi thôi! Hết chỗ trông, Áo quấc còn bao lăm, giúp giùm mấy hồi?

Tuyệt-Ky đã mỏn hơi, mỗi trận mỗi lui, đã thấy cơ thất rồi.

Đó, oai võ Langsa thật tài ba, thủy bộ cùng binh gia, tập rèn thục thiền, thêm các vị nguyên nhung, đô thống đúng đắn thêm bảo thành.

Cho chúc, cho báo thiệt khỏi hườn, Pháp Anh, Nga, Bỉ anh hùng, thế chẻ tre tận tru Đức tặc cho hết loài bạo hung,

Kẻo bạo hung, kẻo bạo hung lung lăng khó chịu, coi thế không người, ca2ngdie65u võ dương oai.

Phải chi chốn chiến tranh được báo quấc liều mình.

Ai, vẫn ai muốn rõ ngọn ngành, đợi sử quán tình hình thuyết lai.

Bài ca nầy của người Long An đăng trong báo Lục Tỉnh Tân Văn trước khi tan giặc. Cháu ham đọc, là vì lời nói có hơi biết sự bại vọng bên phe Đức.

– Nói vậy cháu ở bên Tây cũng có nhựt trình coi nữa sao?

– Thưa, nhà nước có mua cho xem đủ thứ báo, hội La Saigonaise Patriotique có mua nhiều thứ sách cho lính mộ đọc giải muộn. Trong đó có vài quyển cháu mến lắm. Một là cuốn Liều Mình Báo Chúa có một đoạn như vầy: “Hăm hở từ Việt Nam, vui lòng đến chiến trường, ra oai phò Pháp quấc, nỗ lực phá Mang vương, thạnh trị an nèm nệm, ly hoàn phải tuyết sương, cố bang tha nhựt phản, lân các tánh danh hương”. Một quyển nữa là Lo Đời Văn Minh sau rốt có bài thi cũng nên nhớ.

Trằn trọc canh thâu ngán bấy đời,

Nhựt trình khuyến khích đã mòn hơi!

Văn minh chẳng tính đành nghèo khổ,

Tấn bộ không lo há thảnh thơi?

Chưa rõ việc làm trên mặt đất,

Dám khoe mình thạo nửa lừng trời!

Noi gương Nhựt Bổn càng thêm hổ,

Trằn trọc canh thâu ngán bấy đời!

Mẹ Cẩm Tú nói:

– Hồ Hải cũng đi Tây, có chuyện chi hay, hãy nói nghe chơi giải muộn.

– Thưa con thấy Annam thuở nay hằng đeo theo chưn ruộng, mới tùng chinh một lần, mà cũng châm hẩm, đởm can. Nên con có đặt một bài ca cửu khúc Giang Nam để ngâm ngợi cơn ở nơi chiến hào.

Bài ca như vầy:

Ghê! Ghê thay! Ghê! Ghê thay!

Ghê gớm tay ông Tạo!

Chao lội chút phong trào, lăng xăng cuộc phong trần, làm sanh linh lầm than.

An, an, an nguy! An, an, an nguy!

Kiến ai nguy soi anh kiệt, hùng anh thù soi, mặc dầu lấy soi, cho rõ trang yên hùng.

Cồn, vực đổi trăm lần, lửa tro Tần tàn bay nghi ngút phương Tây.

Ơi Langsa mình gánh nặng chen vai.

Xăng, xăng, xăng tới chốn sa trường, xông sương đạp tuyết băng ngàn, nơi chiến địa.

Hẩm, chẩm, hẩm khí hòa, tuồn gai bụi bờ, tuồng như lòng không nao.

Tuy, tuy sanh, tuy, tuy sanh, theo nơi chơn ruộng, học không quản như người, quanh năm luẩn quẩn giả điền, nào quên câu cần vương.

Soa sánh, sánh so, sánh, sánh so, kém văn minh cao thượng, niềm một niềm hiếu trung, giữ gìn thỉ chung, đơn sai đâu dám nào.

Tùng lịnh chủ quyền thầy, phép nước gìn, ăn ở thiệt khâm tuân pha xông pha, đường súng đạn bên tai.

Quen chưa quen ra chốn sa trường, bổ thiên, dục nhựt quyết đường, ơn nuôi dạy, bổ, báo bổ, ân dày, sáu mươi năm chầy, đền chút công ngàn muôn.

Lòng hằng hãm nhuệ, tồi phong chi sá mình, trải dặm ngàn băng sương, nương phi cơ, lên trời đởm đương hùng anh.

A, A-lơ-măng, lung, lung lăng mà là ghê gì đâu?

Ba, quan ba Đỗ Hữu Vị thời danh bia ngàn thuở trên đời, nội Á Đông có ai bì kịp.

Cổ, quán cổ anh hùng để làm gương cho trang hậu đại, lẫy lừng danh người, Nam Việt tót vời, tiếng Hồng Lạc thêm tươi.

Trai, đứng làm trai, nợ tang bồng danh hồ thỉ, nam nhi phận tu mi, phải tường câu trung quân hiếu phụ, dẫu nát thân mình, ta há dễ chối từ, đừng mong từ lao, mựa đừng núng nao, cho rỡ danh Tiên Rồng.

Con ở bên Tây có gặp được cuốn Thời Sự Cẩm Nang, trong đó ông Nguyễn Viên Kiều làm một bài thi bát cú rất thanh nhã. Bữa kia lính Annam hát bội tại Marseille, con vô làm tuồng, trong lúc làm vai hề đi canh, con ngâm bài thi ấy, Annam nghe ai ai cũng đều nhảy nhót, la ré, vỗ tay khen ngợi vô cùng.

Bài ấy như vầy:

Co duỗi cùng nhau cõi Việt nầy,

Bốn nghìn thu lẻ thực nhiều thay.

Xưa vui lung lạc trong quyền Chệt,

Chừ đặng thong dong dưới luật Tây.

Níu nắm sáu mươi năm trọn trẻ,

Chắt chiu mười mấy triệu sum vầy.

Thầy ta Đại Pháp dạy ta gỏi,

Ta giỏi thì ta cũng có ngày.

Nguyễn Phước nói:

– Thôi! Hai trẻ đương thuật lắm câu chuyện. Chắc là còn không biết bao nhiêu sự hay và bổ ích. Song để thỉnh thoảng rồi sau sẽ tiếp theo, còn thiếu chi ngày giờ.

Kế ít bữa, chọn nhằm ngày chúa nhựt cho Nguyễn Sinh cùng Hồ Hải, Đặng Song với Cẩm Tú thành thân cùng nhau. Đám cưới dọn dẹp một cách long trọng vô cùng. Thiên hạ tới xem chật nức, bà con, tôn bằng, quí hữu đôi bên đến dự và cung hỉ đông không nói được. Trong giữa tiệc có nhiều ông, nhiều thầy. Có một thầy trạc chừng đôi mươi tuổi mà luận câu chuyện như sau đây, giá trị đáng ngàn muôn.

“Trong Nam kỳ bây giờ, phải lập hội khuyến học cho đủ nơi mỗi tỉnh, đừng thiếu hạt nào. Mà nhà đại phú gia hay người có quyền cho lớn ra lập hội mới đắc dụng. Thí dụ như tại Trà Vinh thì ông tri huyện Mẫn là cự phú, ra lập hội khuyến học và ngài vào hội nữa. Lấy cho thiệt nhiều phần hùn và ngài làm thủ bổn thì thiên hạ mới tin, mới vô hội nhiều. Chớ người nào, tuy có học thức mặc dầu, mà không đại phú hay là không có quyền lớn thời kêu vô hội ít ai vô, vì xưa nay nhiều ông bày hội rồi giựt hết tiền hội. Phải ráng hết sức kiếm hội viên, đông chừng nào tốt chừng nấy. Tiền hội để cho vay.

Mội năm lựa học trò thi đậu bằng cấp tốt nghiệp trường Bổn quốc Saigon. Thí dụ năm nay Trà Vinh có 5 trò thi đậu. Nếu trong 5 trò đó, có trò nào muốn cho Hội khuyến học Trà Vinh chịu tiền cho đi Tây mà học thêm, thì Hội xuất tiền châu cấp cho trò ăn học. Nếu tiền Hội nhiều, thì cho nhiều trò đi nhiều chừng nào càng tốt chừng nấy.

Hạt nào mỗi năm cũng phải tuyển học trò hạt mình mà cho đi du học bên Pháp như vậy. Nếu hiều trò đi, trò nào giỏi về khoa nào, qua bển học khoa nấy. Song học trò đi đó, phải đưa tay lên trời mà thề rằng phải tận tâm kiệt lực mà học cho nên cử nhơn, tấn sĩ, bác vật, và sau về phải làm thầy giáo cho Hội tỉnh mình chớ không đi du hí du thực, nghĩa là không làm thầy giáo cho Hội. Nếu có nhiều trò muốn đi lắm, mà Hội không đủ tiền, thì bắt thăm cho đi cho đủ theo số tiền của Hội. Còn trò bắt thăm không trúng, thời năm sau sẽ đi.

Những sách hay của Langsa dùng mà dạy học từ tiểu học cho tới đại học, Hội phải kiếm thế, hoặc mướn dịch, hoặc là người trong Hội hảo tâm dịch giùm. Phải làm sao mà dịch cho hết trơn hết trọi không sót bộ sách nào. Dùng chữ quấc ngữ mà diễn dễ lắm. Mấy ông đi Tây về sau cũng dạy cho dân khôn bằng chữ quấc ngữ. Người Nhựt dạy văn minh theo Âu, mà có phải dùng chữ Âu mà dạy dân đâu. Họ dùng chữ Nhựt dịch sách Âu, rồi phát cho dân học. Chữ Âu để làm chữ ngoại quấc”.

Cẩm Tú nói:

– Tôi xin vô lễ, luận thép đôi điều, nói như thầy Hai đó, nghe hữu lý lắm. Đễ tôi bán hết mấy hột xoàn là đồ hại nước, nếu như có lập Hội, thì tôi trao hết cho chồng tôi vào Hội.

Hồ Hải nói tiếp:

– Tôi thuở nay cúp tóc đã quen, bây giờ tôi để vậy cho tới già, cũng mặc đồ đàn ông hoài. Chớ sắm theo bộ vận đàn bà thì tốn kém hơn nam phục nhiều lắm. Những là dây chuyền mài đay, dây chuyền trái tim, vòng tay, neo, cà rá, hột vàng, hoa tai, kiềng cẳng, đống, móc tai, đồng hồ đeo tay. Và đời bây giờ phải sắm hột xoàn mới ra vẻ thiếm, cô, bà. Thôi tôi không ăn mặc theo phe nữ, sợ tốn hao quá. Để tiền cho chồng tôi vào Hội hữu ích.

————- Chung —————

Viết một bình luận

error: Content is protected !!