Khi đem về ở nơi phòng nói trên đó, thì Nguyễn Phong ngó thấy, lại cũng lạnh lùng về cái dung nhan của nàng. Bèn kêu Đặng Song mà hỏi:
– Con ấy ở đâu mà dắt về, con gái của ai mà con làm như vậy chẳng là tội lỗi và hại phong tục đi chăng?
– Thưa thầy, để tồi nó cũng học với thầy luôn thể. Từ bao giờ có cái sắc nào mà nó làm cho lòng tôi thương được. Mà nàng nầy tôi chắc phải kết cấu trăm năm.
Nói rồi bèn thuật các việc nơi nhà Tú bà cho Nguyễn Phong nghe. Nguyễn Phong nghe rồi thì nghi cho sự tiết trinh của Cẩm Tú đã không còn. Mà rồi lại nghĩ như vầy: “Theo lời Tú bà thì nàng nầy cho người ta nuôi tự nhỏ mới đem về, rồi kế gặp Đặng Song, cho nên cũng không nên đề quyết rằng, sự tring của nó đã thả theo giòng sông”.
Cẩm Tú ở riêng một phòng có một con đòi nó phục thị. Đặng Song thương nàng lắm mà lại cũng vì nể nàng lắm. Ngày nào chí những ngày nấy chàng cũng trò chuyện với nàng. Thấy Cẩm Tú, nghe nàng phân trần thì cũng đủ mà làm cho anh ta vui. Cẩm Tú dùng hết tài năng của mình mà làm cho chàng đẹp dạ, cho nên Đặng Song trong lòng tràn trề những sự yêu thương và sự khen tặng nàng.
Mà Cẩm Tú chưa biết thương. Cái sự nàng chưa biết thương làm cho nàng trở nên vui vẻ và tự nhiên hơn. Nàng chỉ biết rằng Đặng Song làm cho nàng đẹp lòng đó mà thôi. Một hai khi nàng nghĩ lại những điều trong dâm thơ nàng đã đọc tại nhà Tú bà; thấy nhưng khi trai gái ở một nhà, trai đâu có nể kiêng gái như Đặng Song nể kiêng nàng vậy? Cho nên nàng biểu Đặng Song vì dõi nàng ít ít vậy.
Ngày kia, nhằm rằm tháng bảy. Cúng rằm mà nhằm đám giỗ của mẹ cha Đặng Song. Đặng Song nói:
– Nghe nàng nghề tài tử cũng ròng, hãy thừa dịp đờn ca chơi cho toại chí.
Nàng vưng dạy làm theo thửa ý, trỗi khúc cầm rỉ rả tiêu tao. Tiếng trong như tiếng hạc bay cao, tiếng đục tợ re re suối chảy. Nầy là khúc Chiêu Quân ra quan ải, nọ là câu Tư Mã ghẹo Vãn Quân. Nàng cất giọng ca như Ba Đắc thuở còn lừng; tiếng ngon ngọt dường tiếng Năm Nhỏ ở Chợ Lớn.
Trai tài, gái sắc ở chung nơi trướng phụng, đêm xuân ai dễ dằn lòng cho đặng? Bởi vậy cho nên, đờn địch tới canh ba. Đặng Song mêm mẩn tâm thần, bèn nắm tay nàng riết lại muốn gầy đàng văn võ … Cẩm Tú thường có coi dâm thơ và hình ba sáu cách, nên ý đã tỏ rõ, song nhớ lại lời của Tú bà đã dạy và tánh tự nhiên của con gái còn đồng trinh, thì nàng giựt tay một cái mạnh rồi chạy mà núp đàng sau giường.
Đặng Song bây giờ như tỉnh giấc huỳnh lương, lòng thẹn thẹn trách mình sao làm điều chẳng phải. Rằng:
– Ta đà quyết để vầy duyên kim cải, lại làm chi những thói nguyệt hoa? Mai sau dầu trong cuộc đuốc hoa, chẳng là để thẹn cho nàng tội nghiệp! Đã biết rằng ngộ diện phụ ư mật thất, chi nhơn khời bất động tâm. Song Địch Nhơn Kiệt xưa còn để tiếng ngàn năm. Liễu Hạ Huệ lưu danh muôn thuở.
Bỗng đâu trống sang tư đã trở, Đặng Song từ giã Cẩm Tú mà về phòng mình.
Đặng Song thương Cẩm Tú vô cùng, cho nên mưa bụt đêm đó mà chàng mừng chẳng xiết. Đặng Song ráng dò lòng nàng cho biết, thì thấy ý nàng ưa đọc sách chữ quốc âm. Nguyễn Phong làm cách khéo léo mà lấy hết mấy cuốn truyện dâm của Cẩm Tú đam bên nhà Tú bà về. Nguyễn Phong nói mượn coi rồi thế cho Cẩm Tú những tuồng cải lương, trong ấy cũng có ái tình mà không tục.
Sau lần lần, Nguyễn Phong cho nàng coi những sách nữ hạnh, nữ tắc, ngũ luân minh cảnh và Thanh nguyên, cho nên lần lần Cẩm Tú đổi lại tánh cũ. Những dâm thơ nàng biểu bỏ, không thèm đòi hỏi như mọi lần.
Ngày kia, Tú bà tới thăm Cẩm Tú thì Đặng Song cấm chẳng cho thấy mặt nàng. Đặng Song cho thêm một tấm giấy xăng và biểu tự hậu đừng tới lui nữa. Đặng Song dò coi Cẩm Tú thấy đuổi Tú bà mà nàng có tuồng chi buồn bã chăng? Song xem lại thì nàng cũng không cảm xúc.
Từ đây, những điều dạy của Tú bà thì nàng đà quên hết như là cười đẩy đưa và nói đầy đưa. Nhờ nhiều bộ sách hay của Nguyễn Phong cho mà Cẩm Tú cổi ráo những bài dơ dáy mà Tú bà đã dạy.
Bữa nọ, Đặng Song khoe với Nguyễn Phong rằng:
– Cẩm Tú đã bỏ tuyệt các thói lả lơi, nay thành một gái đúng đắn rồi, s81c dường ấy mà được đức hạnh như vầy, thì mới là tuyệt thế.
Nguyễn Phong nói:
– Tại Hương Huê trúng kế, bọ Tú bà cho đọc dâm thơ. Con người ta đọc sách phải ngừa, nhứt là đờn bà con gái. Trí của phe ấy hay mềm mại, hay thâm nhiễm vào lòng, đọc sách nên, thì tốt chẳng cùng, đọc sách bậy thì hại chẳng nhỏ. Hương Huê nay được vậy đó, nhờ sức ta mà cũng nhờ phước của nàng.
(Nguyên Cẩm Tú thì xưng mình là Hương Huê).
– Nay nàng đà nết hạnh đoan trang, xin thầy nhứt định cùng tôi gá nghĩa.
– Việc ấy xin con chớ vội, thầy đà lo cho con đặng một nơi.
– Dầu cho tiên ở trên, lòng tôi cũng không đẹp.
– Con nói sao không biết xét, Hương Huê là con của Tú bà, cưới nó rồi con mặt nào ngó người ta, ai từng đi đĩ mà đam về làm vợ, ngày sau sanh con đẻ cháu, con trai không nói gì, còn con gái thì ai đi nói nó làm chi? Vì mẹ nó xưa là đứa kị nhi, dường ấy chẳng là bất hạnh cho tông môn lắm. Thuở trước Hàn Tố Mai đời nhà Tống cũng là kị nữ, sau lấy ông Triệu Khuôn Dẫn mà làm quí phi. Sau con trai Hàn Tố Mai là Đức Chiêu bị mẹ là kị nữ hồi trước nên không được tôn lên nối ngôi Tống Thái Tổ.
– Nghe thầy nói như bưng tai sấm nổ, thầy nỡ nào tyệt chỗ của tôi thương! Nếu như tôi cưới chẳng đặng nàng, tôi cũng nguyện chung thân ở vậy!
– Con chớ vội mà phân điều quấy. Vả chăng việc hôn nhơn là lo kế tự cho tông môn. Dòng Đặng gia có một mình con, phân như rứa ắt là tuyệt tự. Dường ấy ai rằng hiếu tử? Con có nhớ câu thất hiếu hữu tam vô hậu chi đại không? Ông thân con xưa có trối rằng: “Kiếm vợ cho trẻ thì phải cho môn đương hộ đối. Còn như nhà nghèo mà có đức hạnh tốt, nữ công giỏi thì cũng nên cho là xứng lứa vừa đôi”. Chớ như Hương Huê là con gái của kẻ làm nhục trong đời. Nay con cưới nó rồi sau ra đứng đợt với người sao đặng? Con cũng còn nhớ tiếng của ông thân con trối dặn, nỡ lòng nào phụ lời của người ở chốn cửu tuyền?
– Dạ, xin thầy chớ nhắc sự duyên, dạ con trẻ thêm đau như xẻ. Rày sắp tới con không dám cãi lẽ, ôm mạch sầu đòi đoạn héo don!
Nói rồi Đặng Song đi thẳng vào phòng Cẩm Tú.