02 – Cẩm Tú theo trai

Nói về tàu lìa khỏi xứ Bọt-Xê-Íc mà ra biển Địa Trung Hải thì mênh mênh biển rộng, ầm ầm sóng xao. Cỏ cây chẳng thấy chi đâu, chơn mây mặt nước một màu xanh xanh. Chạy ba ngày tới hải trình Mạc-Xây (Marseille) là cái hải trình lớn nhứt của Đại Pháp và cũng là thương khẩu thứ bảy trong thế gian.

Tàu gần cập cầu thì thấy trên bờ thiên hạ muôn ngàn, tài tử giai nhân chẳng thiếu. Có kẻ khóc díu dan bận bịu vì thấy anh em, cha mẹ hay là chồng, con đi lâu bên Viễn Đông mới về. Nên Nguyễn Sinh cũng lắm ủ ê, nào cha mẹ cùng em đâu đến rước?

Từ ngày Nguyễn Sinh tới đất Pháp rồi thì hằng có thơ tín vãng lai cùng cha mẹ. Khi thì Nguyễn Phước gởi đường, tôm khô, nước mắm, thịt kho nước dừa cho Nguyễn Sinh, lúc lại gởi cốm dẹp, bánh trung thu, mứt gừng và gạo lúa thơm cùng là tiền bạc. Còn Nguyễn Sinh lại gởi những tấm hình của mình mới chụp, mền lông chiên, áo mưa, cùng hàng giẽ lụa là. Cái thơ nào cũng nói việc thắng bại của Langsa và mình can đởm trí dõng mà được mau lên chức lắm.

Song ngày kia có tin nhà nước, cho Nguyễn Phước hay rằng Nguyễn Sinh đánh trận Hoẹc-Đon (Verdun) mà bị Đức sanh cầm. Trận Hoẹc-Đon Đức dữ hầm hầm đem hết thảy thần công đại bác đến mà quyết chiến. Tiếng súng bắn kinh thiên động địa, nóng khí trời hơn ba bốn dặm đường. Cả hai bên thắng phụ tranh cường, hóa xương núi, máu sông ghê gớm.

Vợ chồng Nguyễn Phước và Cẩm Tú hay tin chi xiết thảm thê, lòng đau đớn như phân phế phủ. Nay bị bắt biết đâu lành dữ, chắc mười phần kiết thiểu hung đa. Đượm giòng châu lụy ngọc khôn ngừng, ai trông thấy cũng khó ngăn cảm xúc.

Người hàng xóm đến khuyên lắm lúc, nên lần lần Nguyễn Phước cũng nguôi ngoai.

Đây nói qua việc Trần Xuân Giai con trai của Trần Bá Phú. Ông Bá Phú làm chức Hương chủ, ở tại làng Y cũng trong hạt Trà Vinh. Bá Phú nầy cũng giàu có muôn nghìn, cũng chẳng kém chi ông Nguyễn Phước.

Còn Trần Xuân Giai mới hai mươi tuổi, mà tứ đổ tường bốn tấm vách đã làu thông. Học tại trường sơ thi hỏng tới hai lần, sau nhờ lo lót mới đậu cấp bằng sơ học. Rồi lên đóng bây-dăng (élève payant) trường bổ quấc, học nửa năm nhảy phứa ra trường. Hồi ban đầu theo hát cải lương, sau bị bịnh huê liễu hết tiền mới trở về cha mẹ. Xuân Giai vốn là một Bá Phú cưng nên đặng buông lung. Về nửa năm mà thiếu nợ bốn ngàn, vì cờ bạc lại nổi danh công tử.

Bá Phú mới cậy người nói Cẩm Tú cho Xuân Giai nghi thất nghi gia. Vợ chồng Nguyễn Phước mắc rầu con nên không chọn kén cho già, bèn hứa chịu Xuân Giai làm nghĩa tế. Đến chừng Cẩm Tú hay được thì nét thu phải vẻ, liễu kém xanh, hương lợi sắc hồng. Đêm năm canh trằn trọc loan phòng, ngày sáu khắc ủ ê dạ ngọc rằng:

“Ơn sanh dục hạo thiên võng cực, nay mẹ cha định chữ vu qui. Chớ phải chi chỗ mô thì thiếp cũng cam vui phận xướng tùy chớ cái thằng công tử đó sửa trắp nưng khăn sao đặng? Thấy có phước nó hay ỷ tận, giàu mấy mươi nói tiếng bạc kho? Ai cũng cho là công tử “quạt mo” cái tuồng mặt đục như mủ mít”.

Nói về vợ chồng Nguyễn Phước, thấy Cẩm Tú hình dong ủ dột, thì biết con chẳng hạp Xuân Giai. Nhưng mà cũng cứ theo nói ép la hoài, rằng:

– Con phận gái mười hai bến nước. Cha mẹ lựa chỗ giòng thanh khỏi trược, đặng cho con vịnh chữ xướng tùy. Vậy mà, con còn đợi nỗi chi, sợ già kén chẹn hom, già lừa mắc dê thúi.

– Thưa cha cùng mẹ, nữ bất giá như tư diêm phạm thủ, nam thất hôn như liệt mã vô cương; nay cha mẹ định việc tào khương, là tính việc chung thân cho con trẻ. Nhưng mà, con còn bởi xuân xanh tuổi bé, xin song thân đừng gấp kết châu trần. Nghĩ phận con chưa báo mười ân, xin ở vật thần hôn định tỉnh. Nay huynh trưởng của con ở bển, bị sanh sầm không hãn nẻo sanh tốn. Con đi ra ai bưng miếng trân cam, để cha mẹ sớm khuya hiu quạnh.

– Thôi con chớ có nói, mẹ cha đà nhứt định, gả con và bắt rể ở lại đây. Hiệp một nhà cầm sắt bén dây, con cũng khỏi làm dâu, làm con ai hết. Vậy, con hãy trau tria hạnh nết, chờ coi ngày đặng kết bỏ trầu cau.

Cẩm Tú ngoài miệng vưng mà trong dạ như bào, đêm chầy chẳng ngủ những thao thức mãi.

Nói về tại nhà Nguyễn Phước có tên Hồ Hải, ở lâu năm mà làm ký lục cho ông. Việt bút nghiên kinh sử làu thông; chữ Hán, chữ Tây, chữ Quốc ngữ đều biết. Mặt trắng trẻo hình dung lẫm liệt, lớn hơn Cẩm Tú độ vài niên. Sự làm ăn cần mẫn rất siêng nên Nguyễn Phước lấy làm yêu chuộng.

Hồ Hải thấy Cẩm Tú thì đã có lòng thương dạ muốn, còn Cẩm Tú cũng có dạ thầm yêu trộm dấu. Nhưng rứa, hai đàng sợ sanh ra sự xấu, cho nên hằng giữ câu thọ thọ bất thân. Vậy nên ở một nhà mà xa như cách biển Sở non Tần, chẳng thổ lộ điều hơn sự thiệt.

Cẩm Tú thấy mẹ cha định quyết, chẳng bao lâu sẽ gả cho Xuân Giai. Nơi loan phòng luống những than dài, rằng:

– Hồ Hải chàng ôi có biết? Thiếp là gái thói nhà băng tuyết, nên dám đâu bày nết trăng hoa. Việc lứa đôi đợi lịnh mẹ cha, ai từng có trong dâu trên bộc! Thiếp có dạ cùng chàng kết tóc, chàng chẳng tài chương ngọc Lam Điền! Thiếp cũng trông chàng cậy mai mối mà kết duyên. Ai dè chàng chẳng cậy thưa cùng cha mẹ thiếp! Nay thiếp bị lấy điều oan nghiệt, gần Xuân Giai thì thiếp lấy thác thì thôi. Đến đỗi nầy còn có nể chi ôi! Viết ít chữ cho chàng hay tâm sự.

Hồ Hải được cái thơ Cẩm Tú, mừng quýnh như hạn được mưa rào. Vì bấy lâu thương tưởng mà chẳng biết làm sao, nay mới rõ lòng nàng cố cập.

Xét mưu kế trong tam thập lục, có dĩ đào vi thượng là trên. Bèn trả lời cho Cẩm Tú dặn lòng bền, tua giả dạng làm vui như khi trước, cho cha mẹ và bên chồng không biết, làm bộ ưng ngõ đòi quyết năm hột xoàn. Bữa bỏ trầu cau góp cho đủ đồ nữ trang, khi ấy sẽ cuốn gói cùng nhau đào tẩu.

Việc ẩn mặt nào ai rõ thấu hai nhà Trần, Nguyễn đều vui. Vì dâu con làm bộ tươi cười, lại xin năm hột xoàn cho thiệt lớn. Bên Trần phủ cưng con nên bất luận, lên Saigon mua năm hột tại hãng Giuntoli. Bữa bỏ trầu cau, liền cho Cẩm Tú năm hột xoàn ni, Cẩm Tú mừng lòng chào hỏi.

Kế lật đật tới mười giờ tối, Hồ Hải và Cẩm Tú có kỳ hẹn nên lẻn mở cửa ra đi. Mỗi người một xách một cái hoa li (valise), thảy đầy những đồ nữ trang cùng quần áo. Đã mướn sẵn xe hơi lai đáo, bèn lên xe chỉ dặm Vĩnh Long.

Xe đi tới Vĩnh Long tốp máy, may có tàu Lục tỉnh cập cầu. Hồ Hải và Cẩm Tú trả tiền cho xốp phơ rồi đem hoa li xuống tàu Lục tỉnh. Tàu ấy ghé sang hàng hóa, cách vài giờ thẳng chỉ Nam Vang.

Khi xuống tàu rồi thì Hồ Hải và Cẩm Tú luận bàn, tính xưng hô bằng chồng vợ thì xong hơn giả là làm anh em.

Cẩm Tú tuy là biết thẹn, song phải sao chịu vậy, biến quyền. Cùng nhau đàm đạo việc thường, chẳng dám tỏ tình, vì sợ thiên hạ dòm lóng. Hồi còn ở trên xe hơi cũng vậy, e xốp phơ nghe thấy chuyện mình, nên hai đàng đánh chữ làm thinh, niềm nhân nghĩa, nỗi ái ân dẹp lại đó. Trong dạ Cẩm Tú và Hồ Hải đầy những điều tư lự.

Cẩm Tú thuở nay hằng thủ tiết, trinh kiên, nay cũng vì cái mối nợ duyên, khiến cho chữ trinh phải thả dòng nước chảy. Đã quen chốn cao tường kín cổng, chưa từng nơi đô hội phồn hoa. Lại thình lình mà bỏ mẹ cha, càng xét nghĩ càng đau gan tát. Nỗi nông ấy mà không dám khóc, gạt lụy làm cho tươi tắn mặt mày.

Còn Hồ Hải thì như tỉnh như say, mặt ngó xuống trong lòng lo liệu, nói thầm rằng: “Ta đi đây thiệt là rất tếu, vì sẽ có điều cực dạ tới mẹ cha ta. Bởi thấy nàng than thở thiết tha và năn nỉ biểu ta vớt khỏi chốn trầm luân nên ta phải dắt trốn”.

Mảng tư tưởng mà thành Nam Vang đã lố, hành khách nhộn nhàng sửa soạn xách hành lý tùy thân. Tàu ghé rồi thì “ban bù” xe kéo nhảy xuống rần rần, kẻ thưa cậu cho xách hoa ly, người bẩm cô xin theo lên khách sạn.

Hồ Hải mới kêu một tên cu li lại bảo cất đồ và dặn hãy lại nhà ngủ nào vắng vẻ kẻ lại qua. Tên cu li nói rằng:

– Muốn vậy thì vào nhà ngủ cô Ba, vì ở trong đường hẻm ít ai biết đến.

Tới khách sạn có người ra rước, Hồ Hải bảo đem đồ tuốt lên từng lầu chót là từng thứ ba. Nói rằng mình không muốn đông người ta, chủ nhà ngủ vui tiếp, làm cho vừa lòng Hồ Hải. Cái nhà ngủ tuy ở chỗ ít người qua lại, chớ cách chưng dọn coi đúng đắn như mấy khách sạn Annam tại Saigon, sắp đặt rồi Cẩm Tú nói:

– Chữ giá thú mà ta bất cáo cùng mẹ cha thì lỗi đạo nhơn nghì. Thiếp vì chàng tài đứa mới theo đi, chớ chẳng nỡ trao thân cho Xuân Giai được.

Hồ Hải nói:

– Tôi nghĩ lại là tôi đại phước, kẻ ngu phu mà sánh được với giai nhơn, nàng không chê cái phận hàn vi, tôi khắc cốt minh tâm ơn ấy. Lời thở than của nàng khi nãy, rằng lỗi nghì bởi không cáo với mẹ cha, tuy lỗi nghì mà chẳng phải trên nguyệt dưới hoa. Tôi thương nàng ấy vì hạnh vì nết. Nếu mà tôi không có cứu nàng, thì chắc sao nàng cũng liều chết, vậy thì chẳng uổng oan cho cây liễu yếu đào tơ. Tôi quyết lòng chẳng cho nàng vấy tới bụi nhơ, tuy ngoài cầm sắt mà trong phải đãi nhau là bạn cầm kỳ vậy. Tôi chẳng phải như chàng Kim Trọng, xem trong âu yếm có chiều lả lơi. Việc lứa đôi là nguyện trọn đời, đừng để nàng thẹn trong khi hoa chúc.

Cẩm Tú nghe mấy lời Hồ Hải phân trong đục nàng càng vì càng nể biết bao. Rằng:

– Vậy là mới chí khí anh hào, dường ấy mới trượng phu quân tử. Thiếp đành dạ tề mi án tử, trai gái chung phòng mà chẳng chút lửa hương. Trong đời có kẻ lạ dường, thiệt rằng mắc cho hai đứa ta làm gương cho giai nhân tài tử.

Qua ngày thứ hai, vợ chồng Nguyễn Phước thức dậy sớm. Tới trưa trờ trưa trật mà không thấy Cảm Tú, bèn kêu đứa đầy tớ gái mà hỏi rằng:

– Cô Ba mi đâu?

Thưa rằng:

– Thưa ông cùng bà, cô tôi còn ngủ.

– Ngủ gì mà bây giờ mặt trời mọc đã ba sào rồi mà còn ngủ. Mọi lần con ta hay thức khuya dậy sớm lắm, mi hãy vào kêu cô mi thức dậy, hay là tại hôm qua đám nói, mắc mần bánh trái, thức thối đôi ba đêm nên nó mệt mà ngủ dữ vậy chăng?

Con đày tớ vâng lời bước vô phòng kêu vài tiếng không nghe ơi hử, nó mới giở mùng lên thì thấy nệm chiếu trống trơn, nó là rằng:

– Ông ơi, bà ơi, cô tôi đi đâu mất rồi, mà quần áo giày dù cũng không có.

Vợ chồng Nguyễn Phước nghe liền chạy vô tức tốc, thấy rõ ràng mới đứng dậm cẳng hỡi ôi:

– Thôi còn chi cho con gái tôi rồi! Bị ta ép nó mà nó trốn cho cha mẹ Nam con Bắc. Nghĩ đòi đoạn ruột dường dao cắt, con nỡ nào đành bỏ mẹ cha! Cha mẹ nay như trăng xế bóng tà, nhớ đôi trẻ luống trông dựa cửa! Con chẳng khứng sao làm tuồng mừng rỡ, gạt mẹ cha cho tho lỡ của sính rồi. Nay con lấy hết hột xoàn đi, thì cha mẹ phải thường đã đành rồi, ngặt một nỗi e bên chồng của con nó thưa kiện. Con nỡ khiến cho cha mẹ tâm tư mãn diện, bất hiếu nữ ôi là bất hiếu nữ ôi. Phải dè vầy thì thà trong tháng sút nôi, để chi bây giờ lưng dài vai rộng mà báo cha mẹ ăn sầu nuốt thảm.

Nghe tin ấy trong nhà kinh hoảng, cả tôi đòi tìm kiếm lao xao, chạy quanh vườn cùng lối xóm chẳng sót nơi nào, hỏi tầm vớ mà không ra tông tích. Thấy cái cửa ngõ phía sau tuy khép khít, nhưng mà lại gần xem kỹ thì chẳng có gài then. Vợ chồng Nguyễn Phước định rằng ban đêm Cẩm Tú đi lẻn ra ngả nầy. Bèn tức tốc cho bên nhà cha mẹ Hồ Hải hay. Hỏi như Hồ Hải có bớt thì ráng qua mà đi tìm Cẩm Tú. Nguyên Hồ Hải ba ngày trước, giả đò đau xin phép ở nhà.

Gia đinh qua bển thì mới hay Hồ Hải đã đi đâu mà cũng không nói với mẹ cha, vội về thưa lại với lão gia tường lãm.

Khi ấy vợ chồng Nguyễn Phước mới chưng hửng, đề quyết cho Hồ Hải dắt Cẩm Tú đi. Nhưng Nguyễn Phước lại nói rằng:

– Đã bấy lâu không thấy hai đứa nó có mòi chi, mà nay ra cớ sự nầy, thiệt mới rõ sanh tử bất sanh tâm, sanh ngưu vô sanh giác vậy.

Lại nghĩ cho cha mẹ Hồ Hải làm sự quấy là biểu Hồ Hải đam Cẩm Tú đi, cha mẹ Hồ Hải kêu oan và than trời trách đất xiết chi, cùng thề thốt quỉ thần xin chứng.

Còn xét lại trong phòng Cẩm Tú, thấy một phong thơ để dưới nệm giường. Nguyễn Phước lật đật khai đặng có xem tường, đọc tới chót thì hai vợ chồng rơi đôi hàng lụy ngọc.

Thơ rằng:

Kính lạy cha cùng mẹ,

Con cam lỗi viết thơ đẩ lại.

Xin thứ tha con dại một phen,

Đạo mẹ cha ơn nghĩa muôn nghìn,

Biết bao thưở trả xong muôn một.

Việt định lứa gả đôi là tốt,

Chữ nam hôn nữ thú ấy thường,

Song phận con không phải nợ dươn;

Mà gá nghĩa với Xuân Giai sao được.

Họ Trần thiệt là nhà vô phước,

Sanh Xuân Giai đắm nguyệt mê hoa;

Việc văn chương chẳng kịp người ta;

Bề lãng phí lại hơn chúng bạn.

Con cũng quyết làm dâu nam giáng,

Mà gả không đáng rể đông sàng,

Mai sau dù gá nghĩa phụng loan,

Thì cũng chắc chẳng đời cầm sắt,

Người nam tử sao không hạnh nết,

Tuổi mấy mươi mà tiếng xấu vang cùng;

Con quyết tình chả chịu sàng chung.

Xin cha mẹ hải hà khoan thứ,

Đôi lời thiếu nữ,

Kính lạy mẹ cha.

Cẩm Tú bái.

Sau khi kiếm hết sức mà không ra tin tức, Nguyễn Phước mới cho bên nhà Xuân Giai hay. Đặng tin nầy đàng trai dường như nghe sấm nổ thấy chớp bay. Vợ chồng Bá Phú và Xuân Giai tức tốc qua nhà Nguyễn Phước.

Đến đó thấy vợ chồng sui gái thảm sầu và khóc mướt; ban đầu Xuân Giai và Bá Phú giận căm gan; song tới nơi thấy tình cảnh như vậy thì cũng đổi hờn làm thảm. Không lẽ nghĩ Nguyễn Phước xúi con gây nên cái thảm trạng như thế; Bá Phú mới nói với Nguyễn Phước rằng.

– Việc như rứa dầu giận nhau cũng vô ích, thôi, tôi cùng anh đi kiếm coi nó ở đâu. Còn bây giờ phải đi cớ là ban đầu, đặng có giấy phép mới trông bắt nó dễ.

Còn Xuân Giai nghe Cẩm Tú đi với Hồ Hải thì máu ghen lừng dậy, hăm hễ gặp Hồ Hải đâu thì quyết giết chẳng tha. Bá Phú lấy lời khuyên nhủ dứt la, rằng việc phải tam tư chớ đừng tháo thứ.

Nguyễn Phước nói rằng:

– Chúng ta phải lên Nam Vang mới được, có anh ruột tôi ở trển gần hăm mấy năm nay, vì lúc xưa trong thân tộc có sự rầy, ảnh mới bỏ hoang đi mất. Mấy năm chẵn anh em cách mặt, tôi cũng ngỡ là ảnh đã thác rồi. Đến sau cha mẹ tôi qua đời mới có thơ ảnh gởi về thăm viếng. Song ảnh chẳng hề chỉ rành chỗ ở của ảnh, mỗi lần tôi có viết thơ thì để cho một người Chà Châu Giang mà mượn trao lại giùm. Song anh tôi có gởi cho tôi hình, nên có khi con Cẩm Tú lên trển đặng tìm bác nó mà nương dựa. Rứa thì tôi đi chuyến nầy cũng là một công đôi sự, trước kiếm con sau lại tầm anh. Chớ tại Saigon thiếu chi khách Trà Vinh, chắc hai đứa nó không dám lên trển.

Vậy nên Nguyễn Phước, Bá Phú và Xuân Giai ngày thứ sửa soạn đi Nam Vang.

Lên đó kiếm gần một tháng mà không ra tin tức chi, nên ngả lòng muốn lộn trở về, song Xuân Giai gián can biểu ở kiếm nữa. Xuân Giai nóng lòng như lửa nên chẳng từ mệt nhọc mà kiếm ngày đêm.

Bữa kia nhờ tình cờ hỏi thăm tên xe kéo đã chở đồ Cẩm Tú và Hồ Hải hồi trước, thì Xuân Giai định quyết rằng ai. Nguyễn Phước và Bá Phú cũng hớn hở mặt mày, thưởng tên xa phu và biểu chở lại đó. Còn sự mừng rỡ của Xuân Giai biết sao mà kể.

Va có hai điều rất ghi dấu để ghi lòng. Một là cho xong việc phụng chạ loan chung, rồi mắng, rồi nhiếc cho Cẩm Tú hổ han, thùa thẹn, cho tuôn lụy ngọc, cho đượm giòng châu, cho chẳng đặng cất đầu, cho ở dưới tay ca mãi mãi. Hai là bắt Hồ Hải mà hài tội lỗi, làm sao cho Hồ Hải chịu khổ sở muôn ngàn. Đương tư tưởng suy nghĩ dọc đàng, kế xe kéo tới nơi nhà ngủ.

Nguyễn Phước nói với người chủ và tả hình trạng của Cẩm Tú, rồi xin dắt lên cho tới phòng của nàng. Có một thằng bồi đứng dựa đó nghe hết mọi đàng, lật đật đi vặn chuông reo cho Cẩm Tú biết. Nguyên Cẩm Tú thường ngày có dặn, hễ ai lạ mặt đến hỏi thăm việc mình thì bồi ấy phải cho hay. Lại cho tiền cho tên bồi ấy ăn xài, cho nên nó hết lòng thông tin.

Còn Xuân Giai vì tình và vì oán hận cho nên lẹ trí, thấy tình hình thằng bồi thì biết duyên do. Nó cùng lính tuần thành chạy riết lên lầu, bỗng thấy Hồ Hải thoát cửa sổ, bởi một sợi dây buộc trèo nơi song mắt, Xuân Giai tuy không thấy mặt, song chắc rằng Hồ Hải chớ chẳng ai.

Lính cùng va mới chạy xuống lầu, nhờ la tiếp mà bắt được Hồ Hải. Còn Nguyễn Phước tuốt lên phòng Cẩm Tú, đến nơi thì thấy phòng không. Kiếm khắp nơi từ chỗ kẹt tới góc cùng, cũng không thấy dạng. Vì khi nghe chuông reo thì nàng sợ hoảng, đã tuốt xuống lầu mà chạy vuột không ai thấy.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!